Nhân triển lãm “Voi thơ” khổng lồ của con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:

Chở gió thuyền trăng đi lạc bến

Thứ Năm, 07/11/2013, 20:35

Ngày 2/11 tại số 9 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội tổ chức cuộc triển lãm tranh bằng giấy do 20 họa sĩ từ khắp mọi miền tổ quốc tham dự. Trong số đó, có Nguyễn Phan Bách, người họa sĩ với một số phận hơi đặc biệt. Anh là con trai cả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và đã từng có nhiều cuộc triển lãm.

Tôi nhớ cách đây vài năm, sau một bài báo viết về Nguyễn Huy Thiệp nhưng toàn “bới lông tìm vết” mổ xẻ chuyện gia đình với cái nhìn không thiện chí. Sau dạo đó, nhà văn lánh xa truyền thông và những chỗ ồn ào đông đúc. Có vẻ như ông đang thiền. Trái lại với cha mình, con trai cả của ông liên tục tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực hội họa và có những thành công nhất định.

Sinh năm 1976, Nguyễn Phan Bách được bố mẹ kỳ vọng đứa con đầu lòng sau này chắc chắn sẽ học ở Trường đại học Bách khoa. Ước mơ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và vợ lớn đến nỗi đến năm 1982 khi sinh cậu con trai thứ hai, cả hai vợ chồng thống nhất đặt tên con là Nguyễn Phan Khoa. Tên của hai người con trai ghép lại thành Bách Khoa.

Trước đây, cả hai vợ chồng học cùng Khoa sử tại Trường đại học Sư phạm, ra trường hai người kết duyên. Và ngay khi đứa con đầu lòng ra đời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lên miền núi Sơn La làm giáo viên cấp III dạy văn và sử. Tại đây, do điều kiện thiếu giáo viên ông kiêm dạy luôn cả toán và lý. Còn vợ ông 15 năm ở Hà Bắc cũng dạy văn và sử. Và cả hai đều kỳ vọng hai cậu con trai mình sẽ sang một ngành khác, hoàn toàn không dính gì đến văn học, nghệ thuật.

Hai vợ chồng Nguyễn Huy Thiệp đều yêu văn chương đến độ say mê như vậy, lẽ nào họ lại muốn con của họ rẽ sang một ngả khác. Nguyễn Phan Bách bảo, bố vẫn thường nói, trong nghệ thuật, văn chương là khổ nhất. Hì hụi, thao thức trăn trở, đằng đẵng vài tháng trời thậm chí hàng năm trời mới cho ra được một tác phẩm. Tác phẩm ấy ra mong ngóng mãi mới có vài chục triệu đồng tiền nhuận bút.

Nếu tác phẩm không đạt yêu cầu, thì coi như tâm huyết bao tháng ngày ròng rã đổ xuống sông xuống bể. Còn tác phẩm ấy đắt khách thì y như rằng sẽ lại có ngay một vài nơi in lậu, bán tràn lan ở chợ sách. Thế là, kiểu gì rồi cũng thiệt. Đấy là điều nhà văn nói với con trai mình, nhưng có lẽ còn một điều nữa mà ông không thể nói hoặc rất khó nói. Đó là nghề văn là nghề khổ. Khổ vì sắc sảo quá, hiểu biết quá, và cũng không ít mệt mỏi, phiền phức.

Nhưng rồi, số phận lại khác, không đi theo một con đường đã vạch sẵn. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là người quảng giao. Ông có nhiều bạn bè trong giới nghệ thuật, họ vẫn thường đến chơi nhà ông. Cuộc gặp gỡ năm 1987 với nhà điêu khắc Hồng Hưng khiến cho cậu con trai Nguyễn Phan Bách mê tít ngành hội họa điêu khắc. Nhà văn sống tại mảnh đất hương hỏa của bố mẹ để lại tại Ngã Tư Sở, Hà Nội. Bố mẹ ông chỉ sinh được hai người con trai.

Người con cả sau này là Thiếu tướng hải quân Nguyễn Huy Thăng. Người con trai thứ hai là nhà văn danh tiếng Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thăng được cơ quan phân nhà tại TP HCM, ông đưa vợ con vào sinh sống. Mảnh đất kế thừa của tổ tiên để lại cả cho người em, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Mảnh đất rộng đến 1.400m2 ngay tại thành phố. Thời điểm sốt đất, mọi người thi nhau mua bán đất, hai vợ chồng ông nhất quyết giữ, cách đây 3 năm, ông mới bán đi 400m2 để sửa sang lại ngôi nhà của mình.

Quay trở lại với câu chuyện năm 1987, nhà điêu khắc Hồng Hưng sau hai tháng hì hụi làm cho nhà văn danh tiếng một bức tượng Phật đắp bằng xi măng tại thời điểm đó có thể gọi là lớn nhất Việt Nam với chiều cao 3,4m. Nhà điêu khắc đồng thời cũng "cuỗm" luôn giấc mơ lớn lao về ý nguyện cho cậu con trai sau này lớn lên sẽ học Bách khoa của hai vợ chồng mà cậu bé ấy đã mơ ước rồi có một ngày trở thành một người họa sĩ thực thụ.

Nguyễn Phan Bách  thi vào Trường đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, Khoa Điêu khắc. Nguyễn Phan Khoa sau đó thi vào Đại học Văn hóa. Hai đứa con trai cùng đến với hội họa, xóa tan giấc mơ của hai vợ chồng nhà văn trong nhà sẽ có những kỹ sư tài năng.

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách.

Bách vốn mang trong mình dòng máu ít nhiều lãng tử. Khi đang học năm thứ 3, một dịp vào Huế thực hành, anh bị tiếng sét ái tình chinh phục. Bách gặp một cô sinh viên Khoa Thanh nhạc của Trường đại học Nghệ thuật Huế. Tình yêu này lớn đến nỗi, Bách bỏ luôn mấy năm theo học ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội, vào Huế thi đỗ vào Trường đại học Nghệ thuật Huế cho gần với người yêu. Tiếng sét ái tình nhanh đến nhanh đi. Sau một năm ngắn ngủi, mối tình đẹp như mơ kết thúc. Bách lại ra Hà Nội, lại một lần nữa thi vào Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu và học lại từ đầu.

Năm 2003, Bách tốt nghiệp đại học nhưng ra trường cậu không đi theo điêu khắc mà đến với hội họa. Lợi thế từ một người cha danh tiếng và quảng giao, những người bạn của cha cũng xem Bách như thành viên trong gia đình nghệ thuật nên nhiệt tình chỉ dẫn. Bách không vì thế mà ỷ lại, cậu hăng say, miệt mài với những cảm xúc sáng tạo đan xen và những nỗ lực không ngừng. Bách tham gia nhiều triển lãm cá nhân và tập thể.

Nhưng, dù Bách trong công việc có cố gắng bao nhiêu, sau bao nhiêu năm ở bên cạnh người cha của mình, anh cũng chưa lần nào được ông khen dù chỉ một câu. Dù có ai tán dương cậu con trai của mình, nhà văn vẫn lặng lẽ chẳng nói chẳng rằng. Hoặc giả, nếu có thì cũng là câu "khó nghe". Như lần Bách đến với họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn trực tiếp gọi cho họa sĩ nói: "Bách nó vẽ xấu".

Ngay kể cả cho đến giờ, khi chuẩn bị cho cuộc triển lãm hội họa với những đồ vật bằng giấy, mỗi ngày thấy con hì hụi bên mấy cái bìa là hàng chồng giấy báo, ông buông thõng một câu: "Thằng này lại làm những cái đồ vớ vẩn". Nhà văn hoàn toàn không ngờ sau vài ngày, con trai ông đã làm một con voi cao đến 1,7m, dài gần 2 m.--PageBreak--

Bách bảo, xuất phát điểm của một con người rất quan trọng, có những cái tốt mà lại thành xấu. Như anh là con trai của một nhà văn danh tiếng, thành quả mà anh dày công có được thì một số người bên ngoài lại cho rằng chắc là do "lợi lộc" từ người bố. Còn với gia đình thì áp lực cũng không nhỏ, những người bố luôn kỳ vọng vào con của mình, nhất là lại với một người bố được nhiều người biết đến như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Bách bảo: “Ông sợ danh tiếng nên làm gì ông cũng gây áp lực với con mình trước. Mình làm gì mà người ta chê thì uy tín của ông cũng bị giảm đi”. Nhưng, cả hai cậu con trai ông là những nghệ sĩ độc lập, với con đường nghệ thuật riêng. Khi Nguyễn Phan Bách say mê miệt mài với màu sắc của hội họa thì Nguyễn Phan Khoa lại vào Nam mở quán ăn nhanh. 

Đường tình duyên với Bách khá lận đận, có lẽ ngành hội họa không hợp mấy với đời sống gia đình, hoặc ít nhiều rủi ro. Như họa sĩ Thành Chương, Đào Anh Khánh, Lê Thiết Cương… trải qua nhiều cuộc hôn nhân sóng gió. Bách cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Năm 2005, anh kết hôn và cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được 5 năm. Cô con gái xinh đẹp của anh sang năm sẽ vào lớp 1 và đặc biệt cháu rất hợp với ông nội.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, hiện sức khỏe của ông không được tốt. Ông mắc bệnh tim, tắc động mạch vành. Trong một lần lên cầu thang, ông bị té ngã. Sau lần đó, tưởng ông sẽ quị hẳn, nhưng may vợ ông, người bạn đời hơn nhà văn 3 tuổi đã đôn đáo thuốc thang, tận tình chăm sóc chồng. Ngày ngày, bà mua  rắn hổ mang đất, nướng lên gỡ thịt, nấu cháo cho chồng ăn. Bệnh tim của ông thuyên giảm dần. Có lẽ, thời gian là kẻ thù của sức khỏe, tuổi già xồng xộc kéo đến đồng hành cùng bệnh tật.

Một lần, nhà văn nói với con của mình: "Tuổi này là chỉ đánh đu với bệnh tật". Con trai ông bảo lắm khi ông lẫn. Đôi khi ông chống gậy ra vườn, đến khi vào nhà lại chạy khắp nơi trong nhà để tìm gậy, mà gậy kỳ thực ông để quên ở ngoài vườn. Quả thực thì các nhà văn vốn hay đãng trí, điều này ngay kể cả ở người trẻ cũng thường biểu hiện việc nhớ nhớ, quên quên.

Nhà văn duy trì cho mình thời gian biểu hợp lý, mỗi sáng đều đặn, ông cuốc bộ 4 cây số. Sau đó ông trở về nhà ăn điểm tâm, đọc báo thể thao, rồi lặng lẽ vào bàn viết. Ông vẫn cần mẫn làm việc, một thói quen, hay sự thôi thúc ngôn từ. Chiều đến ông lại cùng với nhà thơ Bảo Sinh thả bộ vòng quanh Hồ Gươm, khi ông về đến nhà thì bà đã cơm nước sẵn. Khi ông mê mải với việc đi bộ và viết lách, thì vợ ông lại có thú vui trồng rau sạch ở khoảng sân rộng và chăm sóc đàn gà tre.

Giờ, sau những ầm ào mệt mỏi trước đây ông đã trải qua, có lẽ lúc này lòng hai vợ chồng đã dịu lại nguôi ngoai ít nhiều. Tuy rằng, sống bao nhiêu năm bên bố mình, cậu họa sĩ chẳng nhận được một câu khen. Nhưng, ở trong ô cửa của mình ông kín đáo ngóng ra ngoài sân, nơi con trai ông ở đó với bộn bề giấy báo, rồi khi con voi lên hình thành khối. Nhìn con vật khổng lồ lừng lững giữa sân, ông lại nhoẻn miệng cười: "Cái thằng này thế mà ngộ nghĩnh. Nó thật khác ta. Toàn làm ra những cái gì đâu. Hay hay, ngồ ngộ". Rồi ông cũng tò mò, lạ lẫm khi thấy Phan Bách dán nhiều bài thơ lên con voi. Một lần, vô tình ông đọc trên máy tính cái "ý tưởng điên rồ" của con trai khi làm voi giấy:

Tác phẩm "Voi thơ" của họa sĩ Nguyễn Phan Bách.

"Khi làm con "Voi thơ" tôi muốn kết hợp giữa thơ ca và hội họa vào làm một. Sắp xếp những vần thơ lãng mạn và đầy xúc cảm trên những tờ giấy mỏng manh tạo ra hình tượng một chú voi to lớn vững chãi khiến người xem liên tưởng đến sự đủ đầy… Nhưng khi nhìn ngắm con voi do những bài thơ tạo ra ta có thể cảm thấy sự lãng mạn ở đấy".

Nhắc đến bố, cậu họa sĩ  mỉm cười. Anh bảo, bố đã cho anh sự tự tin, sự đối diện không né tránh ở cuộc sống. Các cuốn sách anh đọc là những cuốn sách được thẩm định qua lăng kính của bố anh. Với tất cả cuốn sách bố viết, anh đọc hết. Ánh mắt xa xăm, chàng họa sĩ chia sẻ, khi mọi người còn trẻ, mọi người đọc những chuyện của bố anh chỉ thấy vui vui, nhưng rồi thời gian, sau những va đập của cuộc sống, mọi người đọc lại ông, sẽ thấy hình như có một người bạn đi theo mình. Hiểu, đồng cảm, chia sẻ với mình, nói hộ mình nhiều điều trong cuộc sống.

Đã có thời gian, trong căn phòng riêng, trong nỗi buồn chán hoặc tột cùng cô đơn, anh nghiền ngẫm những tác phẩm văn học của bố, anh thấy bố mình quả thật không đơn giản. Ông ít nói, và lặng lẽ. Những ý nghĩ, những trải nghiệm, những đau đớn và mất mát của ông, tất cả in hằn trên những trang viết. Ông, ít ra, dạy con từ những trang văn. Và, cho đến tận giờ, khi con trai làm triển lãm voi giấy, ông quan sát "thằng bé" hằng ngày, nhìn trìu mến từ xa, ông nói với con, gọi đó là "trò vớ vẩn". Nhưng "trò vớ vẩn" đấy cũng khiến ông cảm thấy ít nhiều hứng thú. Ông âm thầm điện thoại cho một vài nhà thơ để lấy những vần thơ được coi là tinh túy, mang về âu yếm đắp lên người voi

Mỹ Trân
.
.