Chống buôn lậu, hàng giả cuối năm: “Nóng từng kilômét”

Thứ Sáu, 08/01/2010, 17:15
Thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) năm 2009, riêng lực lượng này đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.097 vụ vi phạm với trị giá vi phạm 469.438 triệu đồng. Trong đó có 652 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới (trị giá vi phạm là 131.353 triệu đồng); 89 vụ án ma túy; 11.243 vụ vi phạm hành chính (trị giá: 330.440 triệu đồng); 22 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả (trị giá 465 triệu đồng); 92 vụ vi phạm khác (trị giá 7.180 triệu đồng).

"Nóng" từ biên giới...

Chúng tôi có mặt tại An Giang vào những ngày cuối năm, khi cuộc chiến chống hàng lậu đang vào mùa cao điểm. Theo Quốc lộ 91 từ thành phố Long Xuyên ngược lên thị xã Châu Đốc, thỉnh thoảng lại gặp một tốp 2 - 3 chiếc xe gắn máy chở đầy thuốc lá chạy xuôi về Long Xuyên. Từ nhiều năm nay, Quốc lộ 91 đã trở thành cung đường thuốc lá lậu bởi đây là con đường ngắn nhất đưa thuốc lá lậu từ biên giới vào nội địa, từ đó phân phối đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM.

Nhưng ngoài An Giang, hiện Long An, Quảng Trị cũng đang trở thành điểm nóng về buôn lậu thuốc lá. Báo cáo của Ban Chỉ đạo 127 TW cho biết việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu qua biên giới Việt - Lào qua sông Sêpôn ở Quảng Trị vẫn đang diễn ra rất phức tạp.

Bộ Công thương cho biết sau 2 năm triển khai “Quỹ hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất, buôn bán thuốc lá giả” cơ quan chức năng đã bắt giữ, tiêu hủy hơn 23,5 triệu bao. Nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với thực tế tình hình buôn lậu thuốc lá điếu đang gia tăng và diễn biến ngày một phức tạp.

Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam thì chỉ riêng năm 2009 đã có khoảng 750 triệu bao thuốc lá Jet và Hero do Công ty Sumatra (Indonesia) sản xuất được nhập vào Campuchia. Tuy nhiên, đây chỉ là nơi "quá cảnh" bởi loại thuốc trên không được người dân nước này sử dụng mà sau đó phần lớn sẽ được xuất lậu vào Việt Nam.

Thuốc lá lậu bị Cảnh sát kinh tế An Giang bắt giữ.

Ở phía Bắc, từ nhiều năm nay, Lạng Sơn vẫn luôn là điểm nóng về buôn lậu. Từ bên kia biên giới, hàng lậu được "cửu vạn" vận chuyển qua các lối mòn ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, đường Lọ Bon (Nà Lầu, Tân Thanh), Hang Dơi, gốc Bưởi, Khơ Đa, thuộc xã Tân Mỹ, (Văn Lãng); đường Bãi Danh, Co Luồng, đường 05, 06 thuộc khu vực thị trấn Đồng Đăng, hai bên cánh gà cửa khẩu Chi Ma...

Các đối tượng buôn lậu lợi dụng đặc thù của khu kinh tế, khu thương mại, khu vực có nhiều thành phần dân cư sống và kinh doanh buôn bán, địa hình đồi núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối tắt ở hai bên cánh gà để vận chuyển hàng lậu vượt biên vào nội địa, gây rất nhiều khó khăn cho công tác chống buôn lậu. Ngoài ra, hiện nay dân buôn lậu còn vào thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) thu gom hàng rồi đưa hàng về Việt Nam qua con đường này. Việc kiểm soát hàng vận chuyển qua đường sắt rất khó khăn do hàng lậu được trộn lẫn với hàng có hóa đơn.

Thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) năm 2009, riêng lực lượng này đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.097 vụ vi phạm với trị giá vi phạm 469.438 triệu đồng. Trong đó có 652 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới (trị giá vi phạm là 131.353 triệu đồng); 89 vụ án ma túy; 11.243 vụ vi phạm hành chính (trị giá: 330.440 triệu đồng); 22 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả (trị giá 465 triệu đồng); 92 vụ vi phạm khác (trị giá 7.180 triệu đồng). Trong số hàng hóa vi phạm, có 299.937 USD; 6,490kg vàng; 20,327kg heroin; 2,5kg thuốc phiện; 862.376 viên ma túy tổng hợp...

...“nóng” tới Thủ đô

Không chỉ ở biên giới, tình hình buôn lậu tại các thành phố lớn ở sâu trong nội địa cũng đang rất phức tạp. Trung tá Thành Kiên Trung, Đội trưởng Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm - Phòng CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ (PC15) Hà Nội, cho biết Hà Nội hiện vẫn là điểm nóng tập kết, trung chuyển của nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam. Năm 2009 Đội đã phát hiện, khám phá 69 vụ, 101 đối tượng, khởi tố 12 vụ, 15 đối tượng.

Đặc biệt từ những tháng cuối năm 2009, do thị trường vàng, ngoại tệ có nhiều biến động nên tình trạng buôn lậu vàng, ngoại tệ cũng gia tăng. Hà Nội hiện có hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh vàng, 48 đơn vị được phép thu đổi ngoại tệ, 1 doanh nghiệp kinh doanh đồ trang sức được phép thu đổi ngoại tệ, còn lại không phép. Vì vậy vào thời điểm các ngân hàng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng thì mỗi ngày số ngoại tệ mua bán lậu trong các cửa hàng vàng tại Hà Nội lên tới hàng chục triệu USD.

Đối với mặt hàng vàng, lợi dụng giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới, các đối tượng đã tổ chức thu gom USD, Nhân dân tệ từ Việt Nam chuyển cho "đối tác" mua vàng ở Trung Quốc rồi chuyển lậu vào Việt Nam qua các cửa khẩu tiểu ngạch ở Quảng Ninh, Lạng Sơn đưa về Hà Nội tiêu thụ hoặc tiếp tục chuyển đi TP HCM và các tỉnh. Ngoài biên giới Việt - Trung, vàng còn được chuyển lậu qua biên giới Việt - Lào.

Mới đây, ngày 14/11/2009, PC15 Hà Nội đã khám phá vụ án buôn bán vàng tiêu chuẩn quốc tế tại Chi nhánh chế tác vàng phố Vọng, Hà Nội, Doanh nghiệp tư nhân vàng Đức Hạnh, phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 cá nhân, doanh nghiệp có liên quan, tịch thu 10kg vàng nhập lậu trị giá 6,2 tỉ đồng.

Cùng với vàng, ngoại tệ, tình hình buôn lậu lương thực, thực phẩm kém chất lượng, không qua kiểm dịch từ Trung Quốc như gà, lợn, rau, sữa, phủ tạng động vật đang trở thành vấn nạn đe dọa trực tiếp sức khỏe người dân. Năm 2009, Công an Hà Nội đã phát hiện, tiêu hủy 20,5 tấn gà Trung Quốc nhập lậu, 1,2 tấn nội tạng động vật không kiểm định, ôi thối...

Chống buôn lậu: khó cả kinh phí và cơ chế

Theo tính toán của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu khiến mỗi năm Nhà nước thất thu 3.000-3.200 tỉ đồng tiền thuế. Tuy nhiên thực tế hiện nay, công tác triển khai thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật đối với việc xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển, chứa chấp, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả lưu thông trong thị trường nội địa còn nhiều vướng mắc. Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh "nóng" về thuốc lá lậu cũng cho rằng có một số vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc đã được hướng dẫn, nhưng không còn phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến những khó khăn trong xử lý, nhất là đối với việc điều tra, truy tố và xét xử các hành vi phạm tội này.

Công an Hà Nội tiêu hủy đồng hồ giả.

Nhưng với các mặt hàng khác thì chống thuốc lá lậu vẫn còn... dễ vì từ 2 năm nay đã được hỗ trợ kinh phí từ “Quỹ hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất, buôn bán thuốc lá giả”. Với nhiều mặt hàng  thì việc xử lý "hậu bắt hàng lậu" đang là vấn đề đau đầu với lực lượng chống buôn lậu vì không biết lấy kinh phí ở đâu ra để xử lý. Theo quy định hiện nay thì có những mặt hàng sau khi bắt giữ sẽ được hóa giá, số tiền thu được sẽ trích lại một phần làm kinh phí hoạt động cho lực lượng chống buôn lậu. Nhưng có những mặt hàng bắt buộc phải tiêu hủy như thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ, rượu, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, gia súc gia cầm, phủ tạng động vật... nhập lậu thì không biết lấy kinh phí ở đâu ra để tiêu hủy. 

Trung tá Thành Kiên Trung kể rằng năm 2009, anh em Đôiå Chống buôn lậu bắt được lô hàng toàn thiết bị an ninh, nghe lén. Bắt rồi đến lúc bàn cách xử lý thì tìm khắp không có văn bản nào hướng dẫn xử lý loại hàng này. Loay hoay mãi rồi đành đề xuất tiêu hủy bằng cách anh em vác ra sân... ngồi đập. Nhưng như thế còn dễ hủy chứ phải lô thuốc trừ sâu thì đúng là... gặp hạn vì để hủy được thì bắt buộc phải làm đúng quy trình, mà muốn thế thì phải có tiền. 

Còn Thượng tá Lê Hồng Sơn - Phó phòng PC15 Hà Nội, than thở: ngoài những mặt hàng lậu còn đắp đống trong kho tang vật mà chưa có kinh phí tiêu hủy, hiện các anh đang đau đầu với 200 tấn mỡ thối thu được trong chiến dịch truy quét cuối năm vừa rồi. "Giá để hủy 1 tấn mỡ thối hiện nay là 14 triệu đồng, vì thế chúng tôi cần khoảng 3 tỉ đồng để xử lý đống mỡ thối đó nhưng hiện chưa biết lấy kinh phí ở đâu".  

Xem ra câu chuyện chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn là chuyện dài kỳ chưa hồi kết.

Bộ Công thương vừa chỉ đạo các địa phương, ban, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng thiết yếu: pháo các loại, rượu ngoại, bia, đường kính, thuốc lá, vũ khí, động vật quý hiếm, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, tiền giả; chống xuất lậu than, các loại quặng, gỗ quý hiếm trên các tuyến biên giới, đất liền và các địa bàn trọng điểm.  Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp tết: bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, hoa quả, lương thực, thực phẩm...

Tân Lương - Phương Anh
.
.