Chống xe quá tải: Trăm sự rắc rối

Thứ Năm, 10/07/2014, 21:30

Sau gần 3 tháng “siết” xe quá tải trên các tuyến quốc lộ, trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động (trạm cân xe) tại các địa phương đã hoạt động 24/24 giờ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã phát sinh như thiếu mặt bằng, nhà kho để hạ tải; cân trọng tải lưu động bị hỏng, không chính xác; chưa kiểm soát được tải trọng từ nơi xuất hàng, kho, cảng…

Xuất hiện "cò" né trạm cân

Chiều, nắng như đổ lửa, nhiệt kế trong xe chỉ tới con số 430C, không một cơn gió, hơi nóng từ mặt đường nhựa hắt lên táp vào mặt, vì thế mới đứng ở trạm cân xe tỉnh Thanh Hóa chừng gần một tiếng mà tôi có cảm giác như đang có cái bếp lò dí vào mặt, lưng ướt sũng mồ hôi. Trạm cân xe đặt ở đầu phía Nam đường tránh thành phố Thanh Hóa giữa nơi "đồng không mông quạnh" chẳng có một bóng cây bởi mấy cây cau vua mới trồng trên vỉa hè lá cũng quắt lại vì nắng.

Thấy tôi ngó hai cái mái bạt kéo ra từ trên nóc sang hai bên thành chiếc xe của trạm cân kiểu như mái hiên di động, ông Trịnh Ngọc Châu, trạm phó, giải thích xe nguyên bản chở trạm cân lưu động không có cái mái này, ban đầu, mỗi khi ra đường, anh em phải mang theo mấy cái dù di động. Nhưng một ca trực có tới 6 người cả cảnh sát giao thông (CSGT) và thanh tra giao thông (TTGT), trong đó chỉ có một người ngồi trong xe còn lại đều phải phơi mặt ngoài đường, rồi còn phải có chỗ ngồi lập biên bản xe vi phạm, ngày nắng còn đỡ chứ phải hôm mưa thì không có chỗ nào mà đứng. "Cái khó ló cái khôn", cuối cùng quyết định mang xe vào xưởng thuê thợ "độ" thêm hai mái bạt.

Do trạm đặt ở nơi xung quanh chẳng có nhà dân, cũng không thể câu móc điện ở đâu được nên nguồn điện duy nhất "nuôi" trạm cân hoạt động 24/24 giờ là chiếc máy phát điện chạy phành phạch được đặt cách xe hơn chục mét; cứ mỗi tiếng cái máy ấy "uống" gần 2 lít xăng. 

Khi mới triển khai, trạm cân này chỉ có TTGT vận hành, vì vậy giai đoạn đầu khá lộn xộn, đầu tháng 4, khi chúng tôi đi qua khu vực này luôn chứng kiến hàng chục chiếc xe tải nằm chờ trong các quán cơm cách trạm cân khoảng 1km chờ thời cơ vượt trạm. Đầu tháng 3, đã từng có vụ lái xe thuê "cò" là người địa phương lái xe vượt trạm. Đó là trưa ngày 6/3, khi bị tổ TTGT điều hành trạm cân yêu cầu đưa xe vào trạm, lái xe tải mang BKS 75C - 012.97 đã tăng tốc bỏ chạy khiến tổ TTGT phải huy động thêm lực lượng cảnh sát cơ động hỗ trợ mới bắt được gã lái xe liều lĩnh này sau gần 10km truy đuổi.

Khi bị bắt, lái xe khai tên là Lữ Văn Tuấn, trú tại TP Thanh Hóa. Tuấn khai được lái xe chính thức của chiếc xe tải này thuê với giá 300.000 đồng để điều khiển xe vượt qua trạm cân hòng trốn không phải cân tải trọng. Chiếc xe tải sau đó được đưa về trạm cân lưu động để kiểm tra và phát hiện chở quá tải 43,4%.

Kiểm tra xe tại Trạm cân Thanh Hóa.

Tuy nhiên, từ ngày 21/4 đến nay, khi có lực lượng CSGT tham gia điều hành, tình hình đã tốt hơn rất nhiều. Để xóa bỏ tình trạng xe quá tải nằm cách trạm cân vài trăm mét chờ cơ hội vượt trạm như trước, lực lượng liên ngành đã tăng cường chốt ở trạm 24/24 giờ; Công an tỉnh còn bố trí cảnh sát hình sự ra để dẹp những đối tượng cò mồi dắt xe vượt trạm.

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết để xử lý xe quá tải trốn trạm cân bằng cách đi vòng qua các tuyến đường liên huyện, liên xã, ngoài trạm cân lưu động, tỉnh cũng đã trang bị cho lực lượng chức năng cân xách tay chốt chặn ở nhiều ngả đường để kiểm soát tải trọng xe.

Hôm chúng tôi đến, trạm vừa tạm giữ hai chiếc xe tải chở gỗ và đưa về bãi hạ tải bởi hai chiếc xe này, một chiếc mang BKS 76K-9464 do lái xe Hồ Văn Tấn ở Quảng Ngãi điều khiển quá tải 109,2%, còn chiếc xe đầu kéo BKS 37C-093.42 kéo theo rơ mooc BKS 37R-004.72 do lái xe Hoàng Xuân Thủy ở Nghệ An điều khiển thì quá tải tới 188,1%.

Nhưng, không chỉ ở Thanh Hóa, thời gian qua, để ngăn ngừa tình trạng lái xe chống đối, cố tình vượt trạm, ở nhiều tỉnh, ngoài CSGT, các lực lượng cảnh sát khác cũng được huy động ra tham gia, như ở Phú Thọ đã bố trí cả cảnh sát cơ động ra trực tại các trạm cân nên không một lái xe vi phạm nào dám chống đối.

Cân xe mới là xử lý phần "ngọn"

Trạm cân tỉnh Ninh Bình đặt tại KM 269+500 Quốc lộ 1. Một cán bộ của trạm cho biết đã khảo sát suốt 35Km QL1 qua địa bàn nhưng không tìm thấy chỗ nào rộng hơn được điểm này dù khá bất tiện khi xử lý, nhất là với những xe bắt buộc phải hạ tải. Trong khi đó, theo quy trình kiểm tra tải trọng xe, sau khi cân xe nếu phát hiện xe quá tải, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu lái xe, chủ hàng phải hạ tải mới được tiếp tục lưu hành.

Tuy nhiên, việc hạ tải rất khó thực hiện bởi việc hạ tải yêu cầu phải có bến bãi và phương tiện bốc dỡ, nhưng hiện vẫn chưa được trang bị. Trong khi đó, hàng hóa lại đủ các chủng loại, đặc biệt với những mặt hàng thực phẩm, đông lạnh, xi măng rời hay xăng, dầu… thì phải có nhà kho riêng để bảo quản tránh bị hư hỏng hoặc xảy ra cháy nổ.

Chiếc xe đã được “độ” thêm mái bạt ở trạm cân Thanh Hóa.

Không chỉ thiếu mặt bằng, bất tiện nhất với trạm cân Ninh Bình là mỗi khi trời mưa thì cân hoạt động không chính xác, thậm chí bị hỏng. Từ khi triển khai trạm cân đến ngày 10/6, cân đã hỏng 3 lần, có lần hỏng nặng phải đưa ra Hà Nội sửa.

Cũng như Ninh Bình, tại nhiều địa phương khác như ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai, Bắc Cạn, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Thái Bình, Thừa Thiên- Huế… do lực lượng tham gia giao thông  chưa làm tốt công tác khảo sát xác định vị trí mặt bằng đặt trạm, bố trí nơi hạ tải, thiết bị hạ tải dẫn đến tình trạng chỉ lập biên bản vi phạm hành chính về chở quá tải nhưng không buộc hạ tải ngay mà lại giao cho chủ xe, chủ hàng tự hạ tải.

Tình trạng cân trọng tải lưu động bị hỏng, hay xảy ra sự cố, có kết quả không chính xác cũng diễn ra ở nhiều tỉnh như Quảng Nam, Hòa Bình, Hải Phòng, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Phước Điện Biên, Quảng Ngãi, Phú Yên…. Thế mới có chuyện ở Quảng Nam, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động kiểm tra xe đầu kéo BKS 43S-3445, kết quả mã cân tĩnh là 42.580kg; mã cân động là 42.600kg; lái xe không chấp nhận vi phạm đã xuất trình phiếu cân do Cảng Đà Nẵng cân là 42.240kg; để xác định trọng lượng chiếc xe này, tổ liên ngành đã phải đưa xe đến trạm cân điện tử của một doanh nghiệp ở TP Tam Kỳ để cân đối chứng, kết quả là 40.250kg.

Thực tế, việc cân xe trên các tuyến quốc lộ như thời gian qua dù bước đầu thu được kết quả nhưng mới chỉ là xử lý phần "ngọn".

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho rằng nếu chỉ dựa vào các trạm cân lưu động thì khó dẹp được hết xe quá tải. Để tránh trạm cân đặt ở đầu đường tránh thành phố Thanh Hóa, đã có tình trạng lái xe cố tình chạy xe vào đường cấm thuộc khu vực nội thị, vì mức xử phạt cho hành vi chạy vào đường cấm nội thị nhẹ hơn nhiều lần so với mức xử phạt khi bị phát hiện chở quá tải trọng cho phép. Vì vậy, thời gian qua, Công an Thanh Hóa đã phải tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các tuyến đường khác để xử lý xe "né" trạm cân.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa tổ chức hôm 25/6, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông thừa nhận tại tỉnh này còn nhiều trường hợp xe quá tải chạy trên đường.

Theo ông Bông, các xe này không phải chỉ xuất phát ở Hà Giang mà từ các tỉnh lân cận đổ về. "Việc này cho thấy vấn đề xử lý xe quá tải tại nhiều nơi chưa đồng bộ, quyết liệt và cũng gây khó cho Hà Giang, vì lái xe nói rằng các tỉnh khác cho đi, tại sao Hà Giang không cho...".

Còn lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thì cho rằng với lực lượng như hiện nay, việc kiểm soát tải trọng xe hết sức khó khăn, dù công tác này vẫn cố gắng duy trì nhưng do lực lượng mỏng, phương tiện đông nên chưa đáp ứng so với yêu cầu.

Theo Đại tá Đinh Văn Ninh, Trưởng phòng CSGT Ninh Bình, để xử lý triệt để xe quá tải cần phải làm đồng bộ từ "gốc", đó là kiểm soát chặt từ khâu nhập khẩu xe, không cho nhập khẩu các loại xe quá tải, không cho cải tạo, hoán cải bất cứ loại xe nào. Đại tá Ninh đưa ra ví dụ qua kiểm tra thì phần lớn những chiếc xe tải hiệu Howo (còn gọi là xe "hổ vồ") nhập khẩu từ Trung Quốc đều có kích thùng quá trọng tải cho phép. Không chỉ ở Ninh Bình, tại nhiều địa phương đã có tình trạng cho phép nhập khẩu một số xe ôtô siêu trường, siêu trọng vượt quá tải trọng cầu, đường; cho phép đóng thùng xe quá lớn so với trọng tải cho phép của xe.

Đại tá Ninh cho rằng để xử lý triệt để xe quá tải, một khâu rất quan trọng phải làm chặt nữa là kiểm soát tải trọng từ nơi xuất hàng tại các kho, cảng, cần có quy định trách nhiệm của chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải. "Với chức năng được giao, TTGT hoàn toàn có thể làm tốt việc kiểm soát trọng tải từ nơi xuất hàng".

Giữa tháng 6 này, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng như CSGT, TTGT vào kiểm tra ngay tại các điểm xuất phát, xếp dỡ hàng hóa tại cảng, bến bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất... và không kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường như cách làm từ trước đến nay vì dễ gây ách tắc giao thông, thiếu phương tiện xếp dỡ hàng hóa, không những thế trong một số trường hợp xe chở container hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện đã kẹp chì của hải quan thì không thể hạ tải dọc đường.

Hiệp hội cũng đề nghị thành phố áp dụng cơ chế đặc thù áp dụng cho xe đầu kéo chở container hàng xuất nhập khẩu có kẹp chì của hải quan, bởi đây là loại xe luôn chở container hàng hóa được xếp trong giới hạn cho phép của các hãng tàu biển theo tiêu chuẩn chung của thế giới, tối đa không quá 32.480kg/container 40 feet hoặc container 20 feet. Việc xếp hàng hóa vào container xuất nhập khẩu thuộc về chủ hàng, không thuộc về ý chí chủ quan của doanh nghiệp vận tải; nên khi bị kiểm tra lái xe không có quyền mở container để hạ tải.

Hiệp hội kiến nghị trường hợp doanh nghiệp vận tải hoặc chủ hàng cố ý lợi dụng loại xe chuyên dụng này để xếp hàng vượt quá giới hạn tối đa thì phải kiên quyết xử phạt nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Hiệp hội cũng kiến nghị thành phố đề xuất Chính phủ có văn bản riêng quy định về kiểm tra tải trọng xe và xử lý xe chở quá tải, trong đó quy định thêm trách nhiệm pháp lý và chế tài xử phạt đối với chủ hàng.

Đang có tình trạng TTGT thực hiện chức năng của CSGT tại các trạm cân

Thời gian qua, ở nhiều địa phương như Bình Định, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Phú Yên, Hải Dương, Quảng Bình, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp, Nghệ An, Cà Mau, Quảng Nam, Hậu Giang, Hà Tĩnh… đã có tình trạng TTGT làm thay việc của CSGT tại trạm cân khi UBND tỉnh có văn bản giao cho TTGT lập biên bản, quyết định xử lý vi phạm. Trong khi Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì TTGT chỉ có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm giao thông tĩnh.

Không những thế, trong Kế hoạch số 12593 phối hợp thực hiện việc TTKS xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ôtô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ do lãnh đạo Bộ Công an và Bộ GT-VT ký ngày 21/11/2013 đã hướng dẫn cụ thể: việc TTKS, xử lý vi phạm được bố trí thành các Tổ công tác, mỗi tổ có một tổ trưởng là chỉ huy cấp Đội hoặc Trạm CSGT và một tổ phó là lãnh đạo cấp Đội của TTGT.

CSGT thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát và phối hợp cân trọng tải; lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính…

TTGT có nhiệm vụ phối hợp với CSGT xác định các vị trí tổ chức TTKS, chuẩn bị cân trọng tải, phương tiện, thiết bị để hạ tải, dẫn xe vào vị trí cân; trực tiếp vận hành cân tải trọng; kiểm tra trọng tải xe, xác định tình trạng và mức độ quá tải, thông báo cho CSGT lập biên bản vi phạm hành chính; dẫn xe vi phạm vào bãi hạ tải…

Vì vậy, việc triển khai trái quy định và kế hoạch này đã làm hạn chế kết quả phối hợp liên ngành.

Nguyễn Thiêm
.
.