Chu Lai “Kẻ ăn mày dĩ vãng” - Kỳ 3

Thứ Sáu, 04/04/2008, 14:30
Dĩ vãng của ông đúng là có giá của nó. Chu Lai thường nói đùa, thôi thì cứ dĩ vãng của mình mà ăn mày. Mọi thứ có giá rồi, có dĩ vãng để mà ăn mày là hạnh phúc. Là biên tập phim, không ít lần tôi muốn ông viết một cái gì đó không phải chiến tranh cho dễ dàn dựng, cũng là một ý tốt để anh em có một kỷ niệm về công việc nhưng dứt khoát Chu Lai từ chối. Ông nói tôi đủ rồi, lãi rồi, tôi chỉ làm những gì mình thích.

Đã nhiều lần Chu Lai bày tỏ cảm giác của ông lúc đấy. Chao ôi là sướng, nhìn đứa con tinh thần của mình mặc quần áo nước ngoài, chễm chệ trên giá, họa có là kẻ thần kinh nhặt lá bánh mới không sướng. Nhưng rồi cảm giác sung sướng cũng dần tan đi để lại sự băn khoăn, thắc mắc. Chu Lai chợt nhớ đến bản hợp đồng và lập tức gọi điện thoại.

Dịch giả, Giáo sư Alain Clanet đến ngay và mang cho Chu Lai đúng... một cuốn sách dịch. Ông này vô cùng ngạc nhiên khi biết Chu Lai vẫn chưa nhận được khoản tiền tạm ứng. Vốn mến mộ Chu Lai, dịch giả sốt sắng tìm cách can thiệp. Ông khuyên Chu Lai mở tài khoản để dễ bề nhận được tiền từ nhà xuất bản.

Về nước, Chu Lai làm ngay theo lời khuyên. Nhà văn lại là nhà văn lính vốn ấm ớ hội tề với ba cái thứ tiền nong tài khoản này, Chu Lai đã phải rất vất vả chạy đôn chạy đáo và bị bẻ hành bẻ tỏi đến tuần lễ mới mở xong tài khoản.

Nhưng thế đã xong đâu, khoảng một năm sau ông mới nhận được khoản tạm ứng 500 euro, cũng phải chạy ngược chạy xuôi tiền mới về được tài khoản, đã thế còn bị trừ đầu, trừ đuôi. Tính ra cái vụ tạm ứng ấy Chu Lai chỉ thực lĩnh được có 420 euro. Chu Lai thở phào xoa tay ngồi chờ nhuận bút tính theo số lượng sách phát hành.

Chờ, chờ mãi tịnh không có một chút tin tức gì khả dĩ. Gọi điện đến Nhà xuất bản L'Aube thì nhận được năm lần, bảy lượt hẹn hò. Nhờ cá nhân rồi cả Đại sứ quán Pháp can thiệp tình hình vẫn tịch lặng như tờ. Thế mới biết cái anh nhà xuất bản chả cứ gì ở xứ ta, đến xứ Tây văn minh là thế mà cũng bầy nhầy bạc nhạc chỉ chực rình bóp hầu bóp cổ người viết.

Nhiều người xui Chu Lai kiện nhà xuất bản, một công đôi việc. Chu Lai thẳng thừng từ chối với cái lý rất lính, thôi ầm ĩ làm quái gì ba cái chuyện tiền bạc, chẳng hay ho tẹo nào. Tiền cũng chẳng làm mình giàu hơn được, danh cũng chẳng thêm được bao nhiêu. Chỗ này tôi xin nói thành thực đấy là Chu Lai chứ rơi vào mấy người khác hám danh, hám của xem, lại chả ộn ạo lên ngay, thời buổi bây giờ thiếu gì người nổi tiếng bằng xìcăngđan, họ tìm đủ mọi cơ hội để dư luận hướng vào mình.

Sau đó, có lẽ cách hành xử của Chu Lai khiến nhà xuất bản kia động lòng hay sao ấy, họ bèn gửi trả 2.000 euro nhuận bút tương đương với mấy chục triệu tiền Việt. Chu Lai lạnh te phán về vụ này: “Thôi cũng được, xấp xỉ nhuận bút nội, chỉ khác là tiền ngoại. Xong!”.

Không xong được, năm 2007 Giáo sư A'lain Clanet tiếp tục dịch cuốn “Ăn mày dĩ vãng”. Đã định gửi nhà xuất bản khác cho đỡ rắc rối nhưng rồi số phận cuốn sách lại vẫn rơi vào tay Nhà xuất bản L'Aube. Còn tệ hơn ấy chứ - Chu Lai than vãn - chả hiểu họ làm ăn ra sao, lần này còn không có cả hợp đồng lẫn tạm ứng. Chuyện sau đó thế nào, tôi phát chán chả buồn quan tâm nữa.

Xem ra có sách dịch cũng cam go thật, tôi tự nhủ, mình tài bé, phận hèn, đức mỏng thôi thì cứ “trâu ta ăn cỏ đồng ta” cho tiện, “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, khoản xuất ngoại em xin “kính nhi viễn chi”, mời các quan bác, lộc giời bao la các bác cứ hưởng. Nghĩ vậy nhưng tôi lại buột ra thành lời. Chu Lai quắc mắt: “Lộc giời nào, bố láo, máu óc của mình đấy hiểu chưa...”.

Lại óc, lại máu... khi nói về công việc sáng tác, nhiều người bảo Chu Lai cứ hay nói quá lên (tôi gọi là vống) rặt lên gân lên cốt. Chuyện đó thì có, đại loại như "múc óc", như "gặm thân xác da thịt" mình, như "hút máu" mình, như "tù khổ sai" vác lấy nghiệp chướng văn chương, thôi thì đủ thứ hệ trọng.

Dĩ vãng cũng vậy, biết là Chu Lai chiến đấu ở vùng ven Sài Gòn suốt 10 năm, từ một anh lính trở thành đại đội trưởng đặc công, chiến trường ấy, thời gian ấy, vị trí ấy đương nhiên gian khổ ác liệt rồi, mất mát hy sinh là phải rồi nhưng việc gì cứ phải thẳng băng, căng cứng mọi chuyện ra như thế.

Ngay cả ba cái chuyện yêu đương cũng vậy, tôi quý mến ông nhưng thật không chịu nổi cái cách xưng xưng mang chuyện mình ra tố giữa bàn dân thiên hạ mà cũng có giời biết những chuyện ấy có bao nhiêu phần trăm sự thật.

Thí dụ như cái vố ông kể về mối tình đầu, hai người ở với nhau trong một căn nhà 3 ngày 2 đêm rút cục cô gái vẫn hoàn nguyên là... con gái. Thời ấy là vậy nhưng với Chu Lai tôi không tin. Nhưng nói đi phải nói lại, có lẽ tính cách ông là thế, nói cũng như làm cứ phăm phăm mặc kệ thiên hạ.

Có chuyện thế này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần người làm phim “Đất và người” và “Ma làng” là bạn của Chu Lai, có mua một mảnh đất ở Lương Sơn, Hòa Bình làm trang trại. Chuyến ấy Nguyễn Hữu Phần đánh xe rủ Chu Lai đi chơi.

Ngay sát trang trại của vị đạo diễn có một cái hồ rất rộng, nước xanh ngắt vừa sâu vừa sạch. Chu Lai khoái quá, bèn cởi quần áo vận mỗi chiếc quần đùi lính thùng thình nhảy xuống hồ bơi. Khoái như đánh tàu chiến trên sông Sài Gòn - Chu Lai cảm thán.

Rồi ngó trước, nhìn sau Chu Lai bảo Nguyễn Hữu Phần tìm cho mình một mảnh đất gần hồ. Có ngay, Nguyễn Hữu Phần trong vai ông mối cò mồi xăm xắm dẫn bạn đi. Chu Lai vẫn nguyên chiếc quần đùi ướt, tay ôm đống quần áo dài đi gặp chủ đất. Vừa xem đất, vừa mặc cả chưa đầy chục phút, Chu Lai đã mua bán xong. Moi hết tiền trong ví được triệu bạc với hai trăm “đô” để đặt cọc, ngay trong tuần đó, Chu Lai thanh toán xong tắp lự và nghiễm nhiên thành chủ trang trại.

Nhà văn Lê Lựu và nhà văn Chu Lai.

Bây giờ thì Nguyễn Hữu Phần đã bỏ của chạy lấy người, bán thốc bán tháo trang trại gỡ đủ vốn. Còn Chu Lai? Tôi gọi điện hỏi Nguyễn Hữu Phần, ông này phá ra cười: “Không trụ nổi đâu, hứng lên thì thế thôi chứ sức đâu mà lên đấy canh đất”.

Một chuyện nữa, nhân Chu Lai hay nói về “Giá - Trả giá” nên tôi mới dám khẳng định chuyện này có ứng vào ông thật. Cách đây mấy năm tự nhiên ông vớ được một món bẫm. Nếu là nhuận bút thì chẳng nói làm gì, đằng này chuyện thật như đùa.

Đận đó Chu Lai lĩnh được một khoản nhuận bút lớn gom được từ tiền bán kịch bản và in sách đâu được hai trăm triệu. Nhân Ngân hàng Cổ phần Quân đội phát hành cổ phiếu, hứng lên (Chu Lai luôn luôn tùy hứng) bỏ tiền mua. Cũng là a dua a tòng theo mấy đồng nghiệp thôi chứ ông thì biết tính toán nỗi gì. Mua xong để đấy coi như một khoản tiết kiệm dưỡng già.

Đến một hôm, bất ngờ Chu Lai nhận được cú điện thoại lạ gạ mua chỗ cổ phiếu kia với giá gấp 3 lần. Ông không để ý nghĩ là họ nhầm máy. Hai hôm sau lại một cú điện thoại, lần này trả gấp 4. Chu Lai lẩm bẩm đùa dai thế, chắc gã nào trong Tạp chí trêu chọc đây. --PageBreak--

Nhưng một tuần sau, không điện thoại nữa mà là một người đến trả trực tiếp: gấp 5. Gấp 5, tức là một tỉ. Số tiền quá lớn, bằng nhuận bút của cả chục cuốn sách với trăm tập phim. Không phải chuyện đùa, Chu Lai gật phắt. Tiền tỉ, phải bỡn đâu. Tự nhiên có trong tay một tỉ, nằm mơ cũng không có. Cầm tiền rồi vẫn cứ bâng khuâng không hiểu chuyện gì ra chuyện gì nữa nhưng chỉ mấy ngày sau thì Chu Lai vỡ lẽ. Không phải mơ mà là thật.

Số cổ phiếu ấy nếu ông giữ lại thì giá của nó là gấp 8. Tám hai mười sáu, tỉ sáu, chao ôi, hơn cả đùa. Có người bảo ông dại chưa? Lúc này Chu Lai đã qua cơn mơ trở về với con người thật của mình. Lại là sự tỉnh queo lì lợm của một anh lính chiến. Cái lý của Chu Lai chấp nhận được, của cải mất hết thì đúng là khốn nạn, nhưng được đến gấp 8 lần thì khốn nạn hơn nhiều.

Lại nữa, làm anh nghèo thì hèn thật nhưng giàu có thì hèn hơn vì phải... toan tính. Sau này khi cả nhà ông đi vắng, trộm phá tum sân thượng vào nhà lấy đi khá nhiều của cải, Chu Lai chỉ chép miệng. Vẫn là câu lẩm bẩm đã thành triết lý: “Có giá cả...”.

Chu Lai không ít lần bày tỏ ông đi ra khỏi được cuộc chiến và sống thêm được mấy chục năm đã là một cái lãi lớn. Đấy là ông khiêm tốn. Buông cây súng, Chu Lai cầm bút và tôi nghĩ ông đã làm được rất nhiều việc ra trò. Văn học, sân khấu, điện ảnh, truyền hình, tác phẩm nào của ông cũng đề cập đến quá khứ chiến tranh. Tôi biết tạng của ông không thể viết khác.

Ghi hình chương trình phát sóng vào chiều 30 tết 2008.

Dĩ vãng của ông đúng là có giá của nó. Chu Lai thường nói đùa, thôi thì cứ dĩ vãng của mình mà ăn mày. Mọi thứ có giá rồi, có dĩ vãng để mà ăn mày là hạnh phúc. Là biên tập phim, không ít lần tôi muốn ông viết một cái gì đó không phải chiến tranh cho dễ dàn dựng, cũng là một ý tốt để anh em có một kỷ niệm về công việc nhưng dứt khoát Chu Lai từ chối. Ông nói tôi đủ rồi, lãi rồi, tôi chỉ làm những gì mình thích.

Mấy năm gần đây Chu lai còn nổi hứng sắm ôtô. Ông bảo đánh trận rồi viết lách cả đời đến lúc mãn cuộc không có nổi cái ôtô thì đâu còn là mình. Không biết đã có bao nhiêu văn hữu dám ngồi trên chiếc xe 5 chỗ Hyundai Getz của Chu Lai do chính ông cầm lái. Tôi thì chắp tay vái chào dù tài nghệ vôlăng của tôi cũng vào hạng bét.

Một bố già ngoại lục tuần ngồi sau tay lái. Chuyện hẳn không phải bình thường bởi vì bố già chỉ là một tay lái lạc, nghĩa là nghề nghiệp của ông ta không dành cho cái nghiệp “xế” ấy, hơn thế ông ta lại làm cái nghề văn chuyên tưởng tượng mơ mộng, nói dại đang miết vôlăng mà bố già lại vân vi tính toán chuyển thể truyện ngắn thành tiểu thuyết rồi thâm canh từ tiểu thuyết sang kịch bản thì có mà toi cả nút.

Chưa hết, ông mới chơi mốt thời thượng làm bạn với tay lái chỉ vài bốn năm nay. Ấy vậy mà không ít người đã nức nở chẳng biết thật hay vờ khen Chu Lai lái quá giỏi. Còn bản thân thì tất nhiên chả dại gì ông không tự tấn phong cho mình là “tay lái lụa”.

Có một sự thật thế này, trước mỗi chuyến đi bao giờ Chu Lai cũng cẩn thận ghi chép từng khoản, từng khoản từ vật chất đến tinh thần một cách chi tiết, tỉ như sổ tiết kiệm để ở đâu, trong ngăn kéo tủ còn bao nhiêu tiền mặt, ghi cả những việc hệ trọng gia đình cần phải làm, tất tần tật không thiếu một thứ gì.

Thậm chí, Chu Lai còn làm ủy quyền sử dụng một miếng đất ông đang sở hữu. Tính tình Chu Lai phóng túng ngang tàng thật không hợp với kiểu ghi chép tủn mủn ấy nhưng ông cũng chẳng thể làm khác... vì sợ không còn cơ hội. Ấy là Chu Lai lo... chết vì tai nạn nên phải trăng trối trước, một kiểu di chúc cũng có một không hai.

Mà không phải lần một, lần hai, lần đi nào ông cũng buộc phải cẩn thận như vậy. Bên ngoài Chu Lai luôn mạnh mồm coi thường mọi sự nhất là cái nhẽ sống chết nhưng ngồi trước vô lăng bao giờ ông cũng cẩn thận một cách vô cùng nghiêm trọng. Không đùa được đâu, xe phóng vèo vèo trên đường, đủ thứ chướng ngại, chỉ ùm một cái là xong - Chu Lai thú nhận.

Đến chuyến chở vợ đi xuyên Việt vừa rồi về thăm vùng chiến trường Quảng Đà cũ thì tôi biết tỏng ông nhà văn này sợ chết chỉ một phần mà nhẽ chính là thiếu tự tin vào trình độ tay lái của mình. Chuyến ấy cũng coi như một kỳ tích, trong 10 ngày, Chu Lai lái ngót nghét 3.000 cây số, có ngày giã tới 500 cây có lẻ. Sức già lái được thế kể cũng đáng nể.

Ngay cả chuyện lái xe, Chu Lai cũng quy tuốt sang kiểu hành quân “bóc hành” ngày xưa, nghĩa là cứ đi cố thêm mươi cây, rồi mươi cây nữa nghỉ một thể, cứ thế trăm hơn trăm ngót cây số đến lúc nào không biết. Vui thật, đến cả lái xe ông vẫn toan tính kiểu lính!

Nhiều lúc, tôi cứ băn khoăn về mẫu nhà văn như Chu Lai. Nếu không có cuộc chiến tranh và cả cuộc đời theo đuổi binh nghiệp thì số phận những người như ông sẽ thế nào?

Cuối năm 2006 ở Tạp chí Văn nghệ quân đội có một sự việc hy hữu, cùng lúc 6 sĩ quan nhà văn nhận sổ hưu. Nói hy hữu là vì cả 6 vị này đều suýt soát ở tuổi lục tuần, nghĩa là sớm, muộn không đáng kể với độ tuổi quy định về hưu, điều trước đó không hề có (cánh nhà văn thường về hưu rất muộn).

Nhận sổ hưu, Chu Lai bèn bỏ nhà đi tuốt vào Tây Nguyên đón tết Nguyên đán. Ông tuyên bố rằng, muốn hưởng một cái tết tự do không bị cột vào tập tục, lề thói, xã giao. Nói vậy nhưng tôi ngờ rằng ông bị sốc vì cú về hưu kia. Chắc là Chu Lai sẽ phản ứng tôi khi đọc những dòng này. Nhưng thành thật, tôi nghĩ ông không sốc mới lạ. Cả cuộc đời ông theo đuổi binh nghiệp, giờ phải rời xa nó ông có quyền sốc một cách chính đáng. Điều đó thật đáng yêu, đáng trọng và nó đúng với bản tính, với con người ông.

Ăn mày dĩ vãng, ông nói đúng! Chỉ có những người lính chân chính dù là cầm súng hay cầm bút mới có quyền được hưởng những gì tốt đẹp nhất được chắt của quá khứ họ đã từng sống. Nếu coi đấy là lãi thì đấy chính là một cái lãi vô giá vì ông và cả thế hệ ông đã sống đúng với bổn phận và trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của một người lính!

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến
.
.