Xung quanh vụ tiểu thương chợ An Đông (TP HCM) bãi thị:

Chủ tịch UBND quận 5 xin lỗi tiểu thương

Thứ Ba, 26/09/2017, 12:49
Sau 4 năm kiến nghị nâng cấp sửa chữa chợ, mặc dù các tiểu thương đã đóng tiền đầy đủ nhưng yêu cầu của bà con vẫn chưa được giải quyết, sáng 19-9, tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP Hồ Chí Minh) đã bãi thị, yêu cầu được gặp ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 để được giải thích.

Thứ nhất, tiểu thương yêu cầu UBND quận 5 ban hành quyết định bãi bỏ Hợp đồng thuê sạp có thời hạn vì Hợp đồng này vô hiệu bởi chợ truyền thống không được thu tiền thuê sạp. 

Thứ hai, tiểu thương yên cầu UBND quận 5 công nhận Quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông là do tiểu thương đóng tiền trước 1 năm để xây dựng chợ. 

Thứ ba, tiểu thương yêu cầu xem xét: số tiền (217 tỉ đồng) tiểu thương đã đóng góp để sửa chữa vào ngân hàng do đại diện tiểu thương và Ban quản lý cùng làm chủ tài khoản để giám sát việc thu chi nâng cấp chợ từ năm 2013.

Phía trước chợ An Đông.

Chợ An Đông đã được gần 100 tuổi, là một trong 3 chợ truyền thống (chợ Bến Thành, chợ Lớn, chợ An Đông) lâu đời nhất tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1991, chợ được xây dựng lại.

"Xây dựng lại từ 1991, đến nay chợ An Đông đã xuống cấp. Gian hàng thì chật chội, nóng bức, trời mưa thì nước tạt, mái thì dột, nước theo cầu thang chảy lênh láng sàn chợ làm ướt hàng hóa. Tầng hầm (tầng ăn uống) ẩm mốc, việc buôn bán của bà con rất khó khăn khổ sở", một tiểu thương cho biết. Kiến nghị nâng cấp sửa chữa, đã đóng tiền từ năm 2013 nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. 

Năm 2014, công trình "nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực" được thi công với tổng số tiền hơn 11,3 tỉ đồng. Dãy 4 nhà vệ sinh của chợ mới được đưa vào sử dụng chưa tới 2 năm thì ngày 26-4 vừa qua, trần nhà vệ sinh tại tầng trệt bị sập khiến 2 nhân viên bán hàng trong chợ bị thương.

Tiểu thương còn giữ 4 biên bản làm việc có đầy đủ cam kết thời hạn sửa chữa chợ sớm của lãnh đạo UBND quận 5, chưa kể hàng loạt các buổi đối thoại, gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, công bố thanh tra giữa tiểu thương với một số lãnh đạo Ban Quản lý chợ, UBND quận 5, Sở Công thương, UBND TP.HCM, đoàn thanh tra liên ngành... Tuy nhiên, theo các tiểu thương, tất cả chỉ là những lời hứa hẹn suông khiến "giọt nước tràn ly".

Một số tiểu thương cho biết, chợ xuống cấp, doanh thu của họ mỗi năm giảm từ 50 - 60%. Bà Mã Thái Lan, 74 tuổi, cho biết, nhà bà 4 thế hệ bán hàng ở chợ này nhưng bà chưa thấy khi nào chợ vắng như vậy. Tự nhận là một trong những người khá giả ở chợ, sống còn đỡ, còn nhiều tiểu thương phải đi vay mượn, sạp hàng thì không có hợp đồng, không vay mượn ngân hàng được, phải vay mượn bên ngoài lãi suất cao. Nếu tình trạng này kéo dài có người phải đóng cửa sạp …

Chợ An Đông giờ vắng như chùa Bà Đanh.

Mãi lực yếu, ngoài  điều kiện cơ sở vật chất kém còn có nguyên nhân khác đó là do "quy hoạch". Mặc dù đã có "An Đông 1", chợ truyền thống, TP còn cấp phép xây dựng một trung tâm thương mại mới, bà con thường gọi "An Đông 2" gần sát "An Đông 1" với đầy đủ tiện nghi nên sức mua ở chợ truyền thống giảm là điều tất nhiên.

Chiều ngày 20-9,  ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 gửi lời xin lỗi tiểu thương chợ An Đông về việc chậm trễ cải tạo, sửa chữa chợ khiến họ bức xúc và bãi thị. Riêng việc có công nhận quyền sở hữu sạp hay không thì quận 5 chờ chỉ đạo của UBND TPHCM.

Bà Trương Minh Kiều, Phó Chủ tịch UBND quận 5 cho biết số tiền 217 tỉ đồng sẽ được dùng toàn bộ để nâng cấp, sửa chữa chợ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án có chậm trễ. Nguyên nhân là do thay đổi thiết kế nên phải làm lại hồ sơ, đến tháng 4-2018 mới tiến hành.

Còn hạng mục phòng cháy chữa cháy sẽ khởi công vào cuối tháng 9 -2017. Hạng mục xử lý nước thải và làm thang máy khởi công vào tháng 11 tới. Bà cũng thay mặt lãnh đạo UBND quận 5 gửi lời xin lỗi đến bà con tiểu thương chợ An Đông.

Ban tiếp dân thuộc UBND TP cũng hứa sẽ trả lời tiểu thương sau 10 ngày.

Đức Hà
.
.