“Chùa lạ” trên đất Việt

Thứ Ba, 18/02/2020, 13:35
Nhân nói về diện mạo của một số ngôi chùa lớn mới xây dựng ở Việt Nam thời gian gần đây, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Mạnh Thắng thở dài nói, ông cảm thấy xót xa, bởi hồn Việt trong kiến trúc chùa truyền thống đã bị mai một. Thay vào đó, là những ngôi “đại tự” hoành tráng áp đảo không gian, lạc lõng với tâm thức của người Việt.

Những luận giải của giới chuyên môn về kiến trúc chùa truyền thống Việt Nam, những lai căng, hỗn tạp trong việc dựng chùa đương đại, đã khai mở cho tôi những hiểu biết để thấy cảm xúc tiếc nuối của ông Thắng là có thật.

Đâu phải cứ to là đẹp

Là một họa sĩ tài hoa, đã dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật truyền thống, ông Nguyễn Mạnh Thắng mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn: “Chùa Việt mới xây đã mất dần đi những nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Có thể thấy ngay từ bản vẽ thiết kế, người ta đã không tính đến hay không biết đến tâm thức Việt được phản ánh trong kiến trúc của những ngôi chùa.

Ngôi chùa với người Việt, đâu chỉ là nơi thờ tự mà còn là chốn giao thoa giữa đạo và đời. Vì thế, quy mô, tầm vóc và các đặc tính cảm quan của chùa Việt thấm đẫm tinh thần dân tộc cùng văn hóa, thẩm mỹ, triết lý tư tưởng Việt”.

Ông Thắng cho biết, Phật giáo du nhập vào Việt Nam chủ yếu qua dòng chảy từ văn hóa Trung Hoa ở phương Bắc và văn hóa sông Hằng từ phía Nam trong lịch sử xây dựng mở mang bờ cõi nước Đại Việt. Ngôi chùa - địa điểm thờ tự và sinh hoạt tôn giáo trong Đạo Phật, đương nhiên mang đậm các đặc tính của hai nền văn hóa lớn này.

Tuy nhiên, sự tiếp biến và giao thoa văn hóa là một đặc tính rất rõ trong văn hóa Việt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Phật giáo và kiến trúc chùa. Chùa Việt truyền thống có những đặc tính điển hình, riêng có, khác biệt với nguyên gốc ở nước ngoài. Tính đặc trưng này đã làm nên giá trị chùa Việt.

Về kiến trúc, chùa Việt có vài cấu trúc tiêu biểu về tổng thể kiểu chữ “đinh”, kiểu chữ “công”, kiểu chữ “tam”, kiểu chữ “quốc”, kiểu chữ “tam” đứng, kiểu tháp hoa sen, kiểu “nội công ngoại quốc”. Các cấu trúc này phân bổ theo một trật tự từ ngoài vào trong gồm có: cổng tam quan ngoại thường là cổng mở, ước lệ giữa không gian sân và bên ngoài khuôn viên chùa tới tam quan nội. Sân chùa, nơi thường được xếp các cảnh quan cây cối nhỏ, hoặc có thể được tập trung bảo tháp.

Những ngôi chùa Việt cổ.

Tới bái đường, nơi có án hương lớn, cũng là nơi thường để các bia, phả thần tích về nguồn gốc chùa, lịch sử xây dựng chùa, cũng như các nguyên do lập chùa trong lịch sử. Bái đường thường xây cao hơn với tam quan, nên phải đi lên các bậc để tiến vào, cùng với khoảng trống phía trước của sân và giật cấp bước lên, tạo nên một nhịp ngắt người tiến vào chùa, như sự gột rửa để lại đời sống thế tục ở ngoài chùa.

Chùa Việt lấy cửa bức bàn (kiểu cửa có cánh gỗ rộng và to suốt cả gian nhà, có nhiều cánh rời dễ tháo lắp, được cố định vào khung cửa bằng những cọc trụ dài, xuyên suốt cả khung) làm bước chặn. Cửa cao phải dừng lại, nhấc chân cao mới bước vào trong được. Đây là một nét tinh tế giữa công năng kiến trúc để hướng tâm lý tới các quan niệm tôn giáo mà công trình chùa phục vụ.

Bái đường cũng là nơi thường bên tả hữu có hai vị bồ tát Kim Cương trấn áp. Dân gian ta hay gọi là “ông Thiện, ông Ác”. Hai vị này tùy theo cấu trúc chùa cũng hay được để ngoài cổng tam quan, như một chỉ dấu trấn áp, gạt bỏ toàn bộ ác tâm súc sinh lục dục ở phía ngoài chùa để tiến vào một cõi khác thuần nhất hơn. Chính điện, dân gian ta hay gọi là ban Tam Bảo (Phật Bảo - Pháp Bảo - Tăng Bảo) là nơi sinh hoạt chính các nghi lễ của Phật giáo.

Nơi đây cũng bày theo thứ bậc lớp lang để diễn tả lịch sử cũng như các tầng giá trị của Phật giáo. Trên cao sát tường luôn là hệ thống tượng phật Tam Thế, thể hiện các vị phật Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Tiếp theo, hạ một cấp là 3 vị phật bồ tát thị giả như A Di Đà, Quán Thế Âm bồ tát, Địa Tạng Vương bồ tát. Ba vị này tuy là phật nhưng cũng nhập cõi Sa Bà cứu độ nên là khoảng giữa cõi Phật và cõi Sa Bà. Phía dưới lớp tượng Tam Thế Tôn này là tượng phật Thích Ca Mâu Ni. Có tượng bồ tát Văn Thù Sư Lợi ngồi bên trái và bồ tát Phổ Hiền ngồi bên phải.

Xuống lớp nữa thường là tượng phật Di Lặc ngày sẽ là vị phật trong Vị lai tái sinh. Lớp sau cùng có thể là hệ tượng la hán hoặc 8 vị Kim Cương, một số chùa cũng đặt hệ tượng Thập Điện Diêm Vương. Ngoài ra chùa Việt với lối sắp xếp các tiểu cảnh, cảnh trí tạo nên một vũ trụ quan thế tục. Một số chùa mé trái thờ thổ địa, long thần hoặc một số tháp bảo, tháp “cửu phẩm liên hoa” mô tả các địa tầng của cõi trong vũ trụ quan Phật giáo.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Thắng.

Cá biệt một số chùa ở sân thường có hệ tượng hóa. Với sự ảnh hưởng pha trộn của hai nền văn hóa vào lịch sử, hệ tượng “chuyển hóa” như voi hóa ếch, cừu hóa ngựa, bò hóa nghê... là một đặc tính rất dị biệt của chùa Việt, điển hình như ở chùa Phật Tích...  

Hệ thống tượng trong chùa Việt với cảm ứng đồng bộ với tâm thức, người Việt đã tạo nên một nền mỹ thuật Phật giáo đồ sộ, gần gũi và giản dị với đời sống Việt. Tượng trong chùa Việt có tầm kích cỡ lớn hoặc nhỏ hơn người thực một chút. Nó không tạo cảm giác choáng ngợp mà mang cảm giác hòa đồng, như một ý niệm là các vị Phật cũng là chúng sinh, rồi hóa phật.

Tượng phật trong chùa Việt với tính thẩm mỹ rất tinh tế, giản dị nhưng tròn đầy, nảy nở. Với kỹ thuật truyền thống hom bó bằng sơn ta, sơn mài thếp vàng trong không gian tối thấp và ánh sáng nến, hệ tượng phật trong chùa Việt rất ấm áp, trầm tĩnh, linh thiêng và sáng tỏa tự thân bởi các khối nở tròn tràn, đưa lại một không gian thân thiện, dịu dàng.

Vóc dáng các pho tượng phật, la hán, phật Bà hay các vị bồ tát tương đồng với cấu trúc nhân trắc của người Việt. Các họa tiết ở các vị bồ tát kim cương, thiện nam Ngọc nữ, hay hệ thống tượng tổ... rất giản dị, gần gũi với đời sống người Việt, không phô trương, cường điệu hay áp chế.

"Với tính chất mềm mỏng, thích ứng văn hóa bản địa trong quá trình phát triển, nên chùa Việt còn một đặc tính đặc biệt với cấu trúc phân bổ tín ngưỡng là “tiền phật - hậu thánh”. Thường các chùa đều có ban thánh, ban tứ phủ phía hậu bái đường, hoặc bố trí phía tả hữu bên bái đường. Đây là một nét tiếp biến với văn hóa bản địa, tín ngưỡng thờ của các cộng đồng dân tộc đã có tín ngưỡng của mình.

Nếu theo ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, ta còn thấy ở chùa Việt lớp sau thờ tượng Di Lặc còn lớp trái thờ Khổng Tử, phải thờ Thái Thượng Lão Quân của đạo tu Chân tiên" - ông Hậu, thủ nhang đền Lảnh Giang cho hay trong một lần chúng tôi đến. 

Chùa Việt thường tọa lạc ở thế dựa vào núi, đồi phía trước thường có hồ nước. Các vị trí đắc địa thường được chọn là nơi dựng chùa. Với tư tưởng tiếp cận Đạo và Đời gần gũi nhau, nên chùa Việt có quy mô rất nhỏ, khiêm nhường ẩn hòa vào không gian làng xã và đời sống, diện tích không quá trải rộng so với khung cảnh làng mạc dân chúng xung quanh. Các tường bao phân định chùa Việt không cao, mà thường thấp, để không tạo sự ngăn cách với khung cảnh. Cửa tam quan thường mở, không tạo cảm giác để bảo vệ, hay ngăn cách với dân dã.

Chùa Việt với mái ngói nung, hệ xà thấp không cao có xu hướng bè ra thấp xuống, tạo cảm giác thân thiện, hòa nhập. Các hệ cấu trúc vì kèo xà của chùa Việt thường là hệ chạm lộng thoáng đãng, gợi chứ không tả. Các họa tiết, các chi tiết nội dung chạm lộng ở hệ vì kèo thường là mây, lửa, hoa, chim. Mô tả một đời sống rất thân thiện không gây sự bạo liệt, hay lạ lẫm theo quan niệm Phật giáo với thuyết nhân - quả, điều thường thấy trong trang trí họa tiết của chùa Trung Hoa hay sự phồn thực chuyển hóa táo bạo ở các giá trị triết lý của chùa Ấn, mà sự ảnh hưởng từ đạo Balamon thấy rõ.

Cổng chùa Việt thường nhỏ, vừa với tạng thể của người Việt. Không quá phô trương áp đặt sự hiện hữu của mình. Màu sắc của chùa Việt thiên về tông nâu, trầm, tự nhiên, với hệ tượng sơn son thếp vàng, hay trầm đậm chắc mộc mạc. Chùa Việt không rực lên nhiều màu mè như chùa của phái Nam Tông, phổ biến trong phía Nam Việt Nam chịu ảnh hưởng của Ấn Độ.

Chùa Việt cũng không gây cảm giác xa lạnh như chùa Tàu với nhiều sắc ghi và đỏ với kích cỡ chiếm không gian. Chùa thường được quét vôi tôi, màu trắng nhẹ, dần bị phai bạc theo thời gian, tạo nên một vẻ dung dị gần gũi trầm mặc. Nó gần với tư tưởng thiền trong tâm thức giản dị của hệ phái Phật giáo Trúc Lâm của Việt Nam.

“Với cấu trúc hài hòa và ngấm vào thiên nhiên như vậy nên cảm quan khi vào chùa Việt rất thư thái dễ chịu và gần gũi. Đây cũng là một nét đặc tính giá trị mà chùa Việt với tinh thần Phật giáo ngấm vào đời sống, đã tạo dựng một không gian tâm linh rất thích hợp với tâm thức người Việt” - ông Thắng giải thích.

Bố trí thủy đình như nhà đón tiếp lạ lẫm với không gian văn hóa tâm linh Việt.

Phôi pha hồn Việt

"Chùa Việt truyền thống khởi sự là nơi để tu tập thờ phụng trong Phật giáo khi truyền vào Việt Nam. Có một đặc điểm khác biệt nhất đó là chùa Việt trở thành một nơi giao thoa sinh hoạt xã hội của người Việt trong lịch sử. Nó cho thấy tính chất hòa đồng giữa đạo và đời như một đặc tính phổ quát của người Việt là “Hòa”. Sự cách biệt giữa chùa và đời sống thế tục không bị các định chế hay kiến trúc, các sinh hoạt của chùa ngăn trở.

Với sự gần gũi, ngấm vào đời sống nên thuật ngữ “Chùa làng” là một khái niệm rất Việt Nam. Nó chỉ rõ đặc tính nhập thế của đạo Phật ở Việt Nam. Chùa trở thành một nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi duy trì gắn bó với làng mạc dân cư của cộng đồng sinh sống bên chùa", tiến sĩ Trần Đại Lâm - nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo nhận xét.

Vẫn theo ông Lâm, nhìn vào những ngôi “đại tự” đang mọc lên ở nhiều nơi trên đất Việt ngày nay, tỷ dụ như chùa Bái Đính, Tam Chúc, Linh Ứng... có thể thấy rõ sự gần gũi, khiêm nhường của chùa Việt truyền thống đã mất đi. Chùa nay hoành tráng, màu mè, tách biệt đời sống tâm thức người Việt. Số lượng tượng và quy mô to lớn hơn xưa nhiều lần, bất chấp tính chất hay tư tưởng Phật giáo mà nó truyền tải.

Có thể thấy rõ việc dựng chùa ngày nay ảnh hưởng rất nhiều từ kiến trúc chùa Trung Hoa, hay ảnh hưởng đậm nét chùa tu viện của Tây Tạng, với thẩm mỹ Phật giáo Kim Cương Thừa. Các chi tiết như “nghê hóa”, cổng tam quan, hệ tượng... đều to lớn, khác biệt, mang nhiều nét đặc trưng thẩm mỹ Trung Hoa. Đến mức có người nói đó là những ngôi “chùa lạ” trên đất Việt. Đó là những biến tấu làm phai nhạt, mất hẳn bản sắc văn hóa Việt và tính chất Phật giáo Việt Nam.

“Thực sự, giới nghiên cứu chúng tôi cảm thấy rất xót xa. Sự giao thoa phát triển phải dựa trên cơ sở tiếp biến và chắt lọc, nếu không bản sắc văn hóa mà tổ tiên chúng ta giữ hàng nghìn năm với thẩm mỹ tinh tế và thuần hậu sẽ bị biến đi và rất tiếc là sự “biến” này lại theo chiều hướng xấu, với những hệ lụy là mất bản sắc, nghiêng sang hướng bị đồng hóa, ít nhất là về thẩm mỹ Việt, hay nói đúng hơn về mỹ thuật Phật giáo Việt Nam - một di sản tinh tế và đầy bản sắc của người Việt chúng ta.

Sự ảnh hưởng ngoại lai của sự phát triển tâm linh tôn giáo tác động biến đổi thẩm mỹ và tính chất chùa Việt, thực sự là một mất mát vô cùng lớn” - ông Thắng buồn rầu chia sẻ.

Trung Hiếu - Đại Lâm
.
.