Chữa răng bằng laser

Thứ Năm, 20/01/2011, 10:25
Việc sử dụng laser trong lĩnh vực nha khoa là một ngoại lệ. Thật vậy, vì người ta không có một kiểu tia laser nào có thể vừa tác động đến các mô mềm (lợi răng, màng nhầy) lẫn các mô cứng (men răng, xương răng).

Sau 20 năm lao động miệt mài, cuối cùng các nhà nghiên cứu cũng đã tạo ra được một loại tia laser có thể đảm nhận công việc đa chức năng này, ít gây đau và nhờ đó giảm thiểu nguy cơ nung nóng các mô (đây chính là trở ngại của những mẫu laser đầu tiên). Từ nay, tia laser có thể được sử dụng trong công việc hàng ngày của phòng nha khoa.

Việc nạo khoét mất nhiều thời gian

Kỹ thuật mũi nhọn này đã được nhiều nha sĩ Pháp đề nghị, và máy chiếu tia laser Erbium có vẻ hấp dẫn vì nó có thể tiêu hủy răng sâu, như công việc của máy khoan, nhưng ít gây tiếng ồn và ít gây rung động hơn. Tuy nhiên, việc nạo khoét răng sâu bằng tia laser mất gấp đôi thời gian so với máy khoan, vì chỗ răng sâu nằm hơi sâu một tí là phải gây tê.

Những đặc tính sát khuẩn

Đây là điều không thể chối cãi. Tuy không thay thế hoàn toàn máy khoan, nhưng nó cũng hất cẳng máy khoan trong vài lĩnh vực. Nha sĩ Franck Amoyet giải thích: "Tia laser có tác dụng kháng khuẩn và kích thích các mô mà không một kỹ thuật nào có thể thay thế được". Do đó, việc kết hợp các kỹ thuật truyền thống với tia laser là việc phù hợp nhất để nâng cao chất lượng của việc chăm sóc răng.

Vị nha sĩ này giải thích: "Trong trường hợp lòi chân răng, khi kỹ thuật siêu âm đã chặn đứng các vi khuẩn, thì kỹ thuật laser là một trợ lực quý báu giúp loại bỏ tất cả các vi khuẩn và làm cho xương được sạch hơn, lợi (nướu) giữ răng chắc hơn".

Trong trường hợp hút tủy răng, khó khăn lớn nhất là chạm tới các vi khuẩn ẩn nấp bên trong răng. Tia laser làm tốt điều đó: tiêu diệt hết các vi khuẩn ẩn nấp này. Hơn nữa, nhờ sức nóng của tia laser, hiệu quả của chất hypochlorite de sodium thường được dùng trong kiểu phẫu thuật này được tăng lên.

Đối với răng sâu ở bên ngoài, ngoài việc nạo một chút sâu răng đơn giản, tia laser còn giúp cho loại vật liệu dán vào bề mặt răng bám dính tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập trở lại. Tuy nhiên, kỹ thuật kỳ diệu này có giá quá đắt: nha sĩ phải bỏ ra 50.000 euro để có máy laser tia Erbium. Còn bệnh nhân thì phải trả thêm từ 200 đến 400 euro để diệt tủy răng bị hư, và từ 100 đến 150 euro để trị sâu răng.

Một chùm tia laser phát hiện sâu răng

Có một kiểu máy chiếu tia laser mới là máy Diagnodent, giúp thực hiện việc chăm sóc sớm. Một chùm tia laser xuyên qua răng giúp cho nha sĩ ước lượng được mức độ mất chất khoáng của răng, nhờ đó phát hiện ra những chỗ răng bị sâu mà mắt thường không thể nhìn thấy

Minh Thu (theo Top Santé)
.
.