Chung cư nghiêng, phận người "nghiêng" theo

Thứ Năm, 17/01/2008, 15:30
Hơn 60 ngày đã trôi qua, kể từ thời điểm chung cư Nguyễn Siêu (quận 1, TP HCM) nghiêng khiến 23 hộ dân với gần 100 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, đến nay người dân vẫn chưa biết bao giờ mới có thể trở lại ngôi nhà của chính mình.

Diễn biến vụ nghiêng chung cư Nguyễn Siêu

Chiều 31/10/2007, hàng trăm người đang sinh sống tại khu chung cư  số 5 Nguyễn Siêu, quận 1 (thường gọi là chung cư Nguyễn Siêu) phải di dời khẩn cấp vì chung cư có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Nguyên nhân được xác định là do thi công tầng hầm cao ốc Saigon Residences (số 11D Thi Sách, ngay bên cạnh chung cư Nguyễn Siêu) do Công ty liên doanh Trung tâm thương mại Sài Gòn, Công ty in Trần Phú và Công ty TNHH Frasers Centrepoint làm chủ đầu tư.

Công trình này có quy mô 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 10 lầu, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (gọi tắt là Công ty Hòa Bình) đã làm sụt lún nền đất, khiến cấu kết móng của chung cư Nguyễn Siêu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đến sáng 1/11/2007, Công ty Hòa Bình đã tổ chức họp báo về sự cố này. Sau khi phát hiện sự cố, nhà thầu đã triển khai các biện pháp di dời người dân về chung cư 212A Nguyễn Trãi, quận 1; chống đỡ tường rào ngăn cách giữa công trường và vỉa hè đường Nguyễn Siêu; đã lấp 30m3 đá trộn cát để cân bằng áp lực tránh xảy ra sụt lún tiếp theo và công ty cũng đã cam kết bồi thường thiệt hại cũng như thanh toán các khoản chi phí di dời cho các hộ dân.

Theo Công ty Hòa Bình, tại nền căn hộ phía giáp công trình cao ốc Saigon Residences có độ nghiêng 18mm, độ nghiêng đo được tại căn nhà trên cùng chung cư (cũng tiếp giáp phía công trình) được xác định nghiêng hơn 32mm so với mặt bằng. 

Tuy nhiên, độ nghiêng thực tế của chung cư Nguyễn Siêu theo kết quả của cơ quan kiểm định lên đến 12cm, cao gấp nhiều lần độ nghiêng do Công ty Hòa Bình đưa ra.

Khi giới truyền thông đưa ra câu hỏi “Vì sao Công ty Hòa Bình lại “giảm” độ nghiêng của chung cư Nguyễn Siêu?”, thì ông Lê Viết Hải - GĐ Công ty giải thích: “Kết quả Công ty Hòa Bình đưa ra dựa trên quan trắc trước và sau khi xảy ra sự cố. Theo kết quả này, chung cư số 5 Nguyễn Siêu nghiêng 32mm về phía công trình cao ốc Saigon Residences”(?).

Về phía nhà thầu thi công, ông Lê Quốc Duy, Trưởng điều hành dự án công trình cao ốc căn hộ Saigon Residences thuộc Công ty Hòa Bình tường trình với giới truyền thông rằng: Khi công nhân đang thi công đào đất, làm móng công trình thì xảy ra hiện tượng mạch nước ngầm với áp lực lớn chảy cục bộ trong khu vực hố đào, mang theo cát và nước tràn lên khu vực lề đường Nguyễn Siêu gây nên sụt lún cục bộ phần lề đường và vỉa hè. Ngay sau đó, nhà thầu đã quan trắc hiện tượng chuyển vị chung cư số 5 Nguyễn Siêu nhưng không phát hiện ra vị trí chuyển vị.

Trên thực tế, nhà của các hộ đang sinh sống tại chung cư Nguyễn Siêu đã xuất hiện các vết nứt trên tường vào khoảng tháng 5/2007. Trước sự việc này, hồi tháng 5/2007, các hộ dân đã làm đơn khiếu nại gửi UBND phường Bến Nghé.

Sau đó, UBND phường đã có văn bản đề nghị phạt và tạm đình chỉ thi công công trình này. Ban quản trị chung cư cũng đã thông báo cho Đội Quản lý đô thị quận 1, Sở Xây dựng thành phố và yêu cầu cơ quan chức năng cho ngừng ngay công trình đang thi công.

Vào tháng 6/2007, công trình này đã tạm ngưng. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân gì, vào tháng 10/2007, tầng hầm cao ốc Saigon Residences lại được cấp phép để tiếp tục xây dựng. Một hộ dân phản ánh rằng, có thể do đơn vị thi công (Công ty Hòa Bình) đã khắc phục hậu quả bằng cách... trát vữa lại các vết nứt nên được tiếp tục thi công (!?).

Các vết nứt tại chung cư Nguyễn Siêu được trát lại bằng ximăng (trái), vết nứt tại tầng 3 chung cư Nguyễn Siêu (phải).

Khi công trình thi công được ít lâu, thì sự cố nghiêng chung cư đã xảy ra. Có thể nói, đây là vụ việc được dự báo từ trước nhưng đã không được các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm lưu tâm.

Sự “ậm ờ” này không chỉ dừng lại ở đó, ngay cả khi Công ty Kiểm định xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP HCM vào cuộc cũng để lại cho các hộ dân tại chung cư nhiều bức xúc. Đánh giá của Công ty Kiểm định xây dựng cho biết 13 cấu kiện móng của chung cư không đảm bảo an toàn trên tổng số 29 cấu kiện.

Nhưng, ngạc nhiên là 16 cấu kiện còn lại không được kiểm định nhưng Công ty Kiểm định xây dựng vẫn kết luận là đều an toàn. Trong cuộc họp vào tối 2/1/2008 với các bên liên quan tại UBND phường Bến Nghé, các hộ dân đã yêu cầu một đơn vị kiểm định độc lập.

Ông Nguyễn Văn Hiệp – Phó GĐ Sở Xây dựng TP HCM đồng ý với yêu cầu này và thừa nhận Công ty Kiểm định xây dựng đã làm ẩu và thiếu chuyên nghiệp.

Ông Hiệp cho biết thêm, ông sẽ cung cấp danh sách toàn bộ các công ty kiểm định thuộc Bộ Xây dựng để các hộ dân nghiên cứu và đi đến thống nhất là sẽ nhờ công ty nào kiểm định, chi phí sẽ do phía đơn vị thi công và chủ đầu tư Saigon Residences thanh toán.

Chung cư nghiêng, phận người "nghiêng" theo

 

Ngay khi xảy ra sự cố nghiêng chung cư, 23 hộ dân đã được phía chủ đầu tư thông báo về tạm trú tại chung cư 212A Nguyễn Trãi, Q.1 và được hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho tháng đầu tiên. Mọi sinh hoạt bình thường của gần 100 con người đã bị xáo trộn ngay lập tức.

Ông Võ Bá Nho, chủ hộ 302 chung cư Nguyễn Siêu được bố trí tạm trú tại căn phòng ở lầu 3 chung cư 212 Nguyễn Trãi, tâm sự: Từ ngày chuyển về chỗ ở mới, ông buồn lắm. Công việc của ông là bán bảo hiểm, nên chỉ về nhà tạm trú để vệ sinh cá nhân và ngủ, chứ chẳng nấu nướng gì. Con cái ông thì tự tìm chỗ ở, có người còn xin được ở lại tại cơ quan.

Anh Luân, con trai của ông Nho bức xúc, nói: “Tôi rất bất bình với sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư công trình xây dựng tầng hầm Saigon Residences. Tai nạn là do họ gây ra, nhưng cách khắc phục thì cứ như là chỉ để đối phó với các ban ngành, chứ không vì các hộ dân. Thậm chí, ngay cả cách kiểm định cũng không được thực hiện nghiêm túc. Họ cứ tưởng bỏ tiền ra là giải quyết được mọi chuyện”.

Cũng như ông Nho, ông Trần Đạo Thưởng năm nay đã 70 tuổi, ngụ hộ 305 chung cư Nguyễn Siêu, cho biết: Cả nhà ông gồm 10 nhân khẩu, hiện đang mướn nhà ở khu vực Q. Bình Thạnh với giá 3 triệu đống/tháng. Ở nhà mướn, ông cứ nhớ hoài cái nhà cũ, không ngủ được đâm ra biếng ăn. Từ khi xảy ra sự cố nghiêng chung cư đến giờ, ông đã sụt hơn 4kg. Mỗi ngày, ông đều đặn đón xe ôm đến trước chung cư Nguyễn Siêu để nghe ngóng tình hình, trưa ăn cơm bụi, chiều khoảng 4 giờ lại đón xe ôm về nhà trọ.

Hỏi "Ông có muốn được về căn nhà cũ lại không?". Ông trả lời: “Bây giờ chán lắm rồi, chẳng muốn cái gì hết, vì muốn có được đâu. Như muốn về nhà, thì nhà đã hư hỏng nặng, không dám ở. Muốn họ xây chung cư mới để bồi thường, họ không làm, thì muốn gì nữa”. Ông còn cho biết thêm, cứ mỗi lần họp bà con với phía đơn vị thi công và chủ đầu tư công trình Saigon Residences là một lần ông lên huyết áp vì... tức.

Trường hợp đau lòng hơn cả là hộ bà Trần Thị Lượng (căn hộ số 205). Bà Lượng năm nay đã 85 tuổi, khi xảy ra sự cố này, bà đang bị bệnh. Đến lúc buộc di dời khẩn cấp, bà cùng các con được bố trí ở tạm tại chung cư Nguyễn Trãi. Tháng 12/2007, bà mất tại chung cư này. Con cái bà phải gửi tạm di ảnh bà vào chùa, vì nhà cũ không thể vào ở được.

Còn ông Trương Minh Đỗ, 62 tuổi, ngụ tại căn hộ số 301, trước đây vợ ông mở quán giải khát tại chung cư để kinh doanh. Mỗi ngày tổng thu nhập cả nhà từ 700-800.000 đồng. Nhưng kể từ khi chung cư bị nghiêng, cả nhà ông phải chuyển sang khu Q.7 ở chung với con gái. Công việc kinh doanh cũng từ đó ngưng trệ theo. Thiệt hại về kinh tế của ông là không phải bàn cãi, nhưng liệu sẽ được giải quyết đền bù ra sao?

Bà con ngụ tại chung cơ họp bàn trước khi lên UBND phường.

Trong nỗ lực đòi lại công bằng cho chính mình, các hộ dân đã liên tục liên lạc với nhau để thống nhất các phương án đền bù chuyển đến chủ đầu tư cao ốc Saigon Residences thông qua UBND phường Bến Nghé. Ngày 15/11/2007, các hộ thống nhất phương án cần xây dựng một chung cư mới để họ có thể an cư. Nhưng phương án này nhanh chóng gặp phải “rào cản” từ phía chủ đầu tư.

Bà Lê Anh Thư, Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Trung tâm thương mại và căn hộ Sài Gòn, đại diện chủ đầu tư trần tình: đối với yêu cầu đập bỏ chung cư hiện hữu xây lại chung cư mới của người dân, các hộ dân cần ký vào biên bản để chủ đầu tư trình lên UBND thành phố và chờ cơ quan chức năng phê duyệt.

Nhưng, lý do này được các hộ dân cho là ngụy biện. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đang nhắm đến việc gia cố lại nền móng chung cư, trám lại các vết nứt. Hiện tại ở tầng 3 của chung cư Nguyễn Siêu, đã tiếp tục xuất hiện các vết nứt mới dọc theo tường.

Chiều 20/12/2007, các hộ dân lại đến UBND phường Bến Nghé để chờ nghe câu trả lời từ phía chủ đầu tư rằng, liệu tết này họ có được trở về nhà không, nhưng cách trả lời của bà Lê Anh Thư lại khiến 23 hộ dân thất vọng thêm lần nữa.

Bà Thư cho biết, chuyện khi nào các hộ được trở về nhà mình phải đợi bà hỏi phía kiểm định. Vì bản thân bà không có chuyên môn nên không biết bao giờ bà con có thể trở về nhà được. Với cách trả lời này của bà Thư cộng với kết luận kiểm định rất quái lạ của Công ty Kiểm định xây dựng  thì chuyện trở về nhà để có thể đón tết của 23 hộ dân này là gần như không thể.

Trong cuộc họp với các hộ dân vào tối ngày 2/1/2007, phía chủ đầu tư vẫn chưa có động thái tích cực trong việc giải quyết hậu quả của sự cố này. Người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi, chủ đầu tư tiếp tục "ca bài chờ ý kiến" và hứa hỗ trợ thêm tiền đền bù.

Việc an cư của gần 100 con người, ngay giữa lòng TP HCM vẫn tiếp tục được treo lơ lửng bởi câu hỏi làm thế nào cho đúng và đủ trách nhiệm khi gây ra thiệt hại vẫn chưa có lời đáp.

Có điều, chuyện vì sao công trình tầng hầm cao ốc Saigon Residences được tiếp tục cấp phép thi công, trong lúc đã có những dấu hiệu gây ảnh hưởng đến chung cư Nguyễn Siêu chưa được giải quyết là điều rất khó hiểu. Giả dụ nếu công trình này không được tiếp tục cấp phép thi công vào tháng 10/2007, hẳn là chung cư Nguyễn Siêu sẽ không bị nghiêng như hiện nay và 23 hộ dân vẫn được đón một cái tết bình yên trong căn nhà của chính mình

Kinh Luân
.
.