Chung tay giúp đỡ những người bị nạn trong vụ nổ kho pháo hoa ở Phú Thọ

Thứ Tư, 23/10/2013, 17:45

23 người chết, hơn 70 người bị thương, 1.304 hộ gia đình ở 3 xã bị hư hỏng nhà cửa… nhưng đó mới chỉ là con số thống kê ban đầu về thiệt hại vì vụ nổ kho pháo hoa tại Xí nghiệp 4 của Công ty Hóa chất 121 đóng tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Nhà hỏng có thể sửa chữa, xây lại, nhưng với những đứa trẻ bất ngờ mất cha, mất mẹ; những người vợ mất chồng, những người chồng mất vợ, những nạn nhân giờ đây vẫn đang phải vật vã chống chọi với cơn đau trên giường bệnh vì thương tích, vì bỏng thì nỗi đau sẽ còn rất lâu nữa mới có thể nguôi ngoai...

Tai bay vạ gió

Ba ngày sau thảm họa, cả khu vực xung quanh xưởng pháo hoa, dù cách xa tới vài trăm mét vẫn nguyên cảnh tan hoang như sau một trận siêu bão. Không chỉ những bức tường bao quanh phân xưởng số 4 bị đổ sụp, mà những ngôi nhà của người dân cách đó hàng trăm mét cũng bị tốc mái, đổ tường. Rừng phi lao, bạch đàn ở gần khu xưởng bị cháy sạch lá. Còn những người dân ở xã Khương Xuân, Võ Lao (huyện Thanh Ba), vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại cái buổi sáng khủng khiếp 12/10.

Chị Phan Thị Hoa (làm việc ở Phân xưởng 4) kể rằng: Sáng hôm ấy chị và các đồng nghiệp đang ở trong phòng làm việc (cách nơi phát nổ chưa đến 200m), sau 3 tiếng nổ, mái nhà lợp bằng Pro ximăng sập xuống. Tất cả mọi người hoảng loạn lao ra ngoài cửa, mỗi người chạy mỗi hướng.

"Sợ quá, nên tôi nhìn thấy và chạy theo một chú về phía bờ tường giáp với đường. Vì tường cao những 2 mét, lại có dây thép gai ở trên, tôi cố nhảy 2 lần nhưng đều bị trượt và ngã xuống. Vì tiếng nổ vẫn chưa dứt, khói  vây kín xung quanh nên tôi dồn hết sức nhảy lần thứ 3 và bám vào được thanh sắt leo lên, cố vượt qua hàng rào. Tôi nhảy xuống, bị đau chân, tay chảy máu bởi dây thép gai. Khi ra đến được đường nhựa, tôi cứ cắm đầu cắm cổ và chạy một mạch khoảng 4 cây số".

Không may mắn như chị Hoa, chị Trần Thị Thuyên đã chạy ra được đến bờ rào nhưng vì vết thương quá nặng nên đã nằm lại vĩnh viễn.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ở khu 11, xã Võ Lao, nằm sát bờ rào Xí nghiệp 4 ngay ven đường nhưng giờ đã biến dạng hoàn toàn vì toàn bộ mái nhà lợp ngói và trần gỗ chỗ thì đã sập xuống, chỗ thì sắp sập, gạch ngói vương vãi khắp nơi; mảnh vườn trước cửa cây cối xác xơ. Ngay trước hiên nhà, dấu tích khủng khiếp của vụ nổ là một tảng sắt nặng đến vài chục kilôgam từ trong khu xưởng cách đó mấy trăm mét bay ra vẫn cắm vào mái hiên treo lơ lửng ngay trước cửa ra vào; giường tủ trong nhà cái thì gãy, cái thì sập, chị Đỗ Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường tiểu học Khải Xuân, kể rằng, sáng hôm ấy mẹ chồng chị ngoài 80 tuổi và hai đứa trẻ ở nhà. Thấy nổ, chị chạy về thấy bà và hai đứa trẻ đang ngồi trên giường trong buồng, xung quanh vôi vữa, khói bụi mù mịt. Chẳng kịp nghĩ gì, vợ chồng chị đẩy bà và hai con chui xuống gầm chiếc phản gỗ để trú. Khi thấy không còn tiếng nổ nữa, chị mới ra khỏi cửa thì không dám tin vào mắt khi tất cả đều tan hoang và ngay trước cửa là một tảng sắt treo lơ lửng trên mái hiên.

Bà mẹ chồng chị sau lần bị tai biến, mới tết vừa rồi lại phải mổ vì thế sức khỏe vốn rất yếu, sau cơn chấn động khủng khiếp vừa rồi được đưa vào bệnh viện kiểm tra, hiện đã đưa về nhà người em để dưỡng bệnh; hai đứa trẻ cũng phải gửi tạm đến nhà họ hàng, tất cả bị đảo lộn sau buổi sáng 12/10.

Trong câu chuyện, chị Thủy bảo rằng bây giờ vợ chồng chị chẳng biết phải làm thế nào để ổn định cuộc sống vì ngôi nhà này không thể sửa chữa được nữa, chỉ có đập bỏ xây lại. Dù đã được chính quyền thông báo gia đình chị là 1 trong 5 gia đình phải di dời khẩn cấp vì nhà bị hư hỏng nặng không thể sửa chữa nhưng suốt mấy ngày vừa qua, vợ chồng chị vẫn phải tạm trụ lại vì không biết ở nhờ nhà ai, bởi quê thì ở xa, hàng xóm xung quanh thì nhà nào cũng bị hư hỏng.

Trường tiểu học bị thổi tung nóc.

Cách nhà chị Thủy vài chục mét là ngôi nhà mới xây khá khang trang của gia đình ông Nuôi. May mắn không bị sập như nhà chị Thủy, nhưng trong ngôi nhà này giờ không còn cái cửa nào vì tất cả đều đã gãy nát hết. Trên mái nhà, ngói lợp giờ chỉ là một đống lộn xộn. Cạnh nhà ông Nuôi, một ngôi nhà cấp 4 mái lợp bằng tấm lợp Pro ximăng vỡ nát hết, chủ nhân đã phải đi sơ tán.

Càng vào gần xưởng pháo hoa, nơi xảy ra vụ nổ càng thấy sức công phá khủng khiếp. Những ngôi nhà 2-3 tầng vốn dĩ được xây rất kiên cố nhưng giờ đây nhà nào cũng bay hết cửa, những hàng rào sắt bung khỏi tường.

Không chỉ có tới hơn 1.300 gia đình bị hư hỏng nhà cửa, nằm khuất sau một quả đồi, Phân hiệu 2 của Trường tiểu học xã Khải Xuân với 5 phòng học cũng bị bay sạch mái. Hôm chúng tôi đến, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hải và ông Chủ tịch Hội phụ huynh Lê Văn Nhiệm đang cùng tốp thợ làm lại mái. Nhắc lại buổi sáng 12/10 ấy, cô Hải cho biết, sáng hôm ấy dù học sinh nghỉ học nhưng cô vẫn đến kiểm tra trường lớp.

"Tôi đang đứng ở gốc cây si ở sân thì nghe thấy ầm một tiếng, đất dưới chân chao đảo rồi thấy cả một tảng sắt đỏ lừ bay thẳng xuống mái lớp học". Trong cơn hoảng loạn, cô cứ thế chạy đến tới hơn 4km. Khi quay trở lại, tất cả chỉ còn là một đống đổ nát tan hoang. Nhưng điều an ủi cô Hiệu trưởng là dù sao vẫn còn may "vì hôm ấy là ngày nghỉ chứ không thì…".

Đúng là vẫn còn quá may, bởi ở trường này, hàng ngày có 5 lớp học từ lớp 1 tới lớp 5 với hơn 100 học sinh. Để sửa chữa lại điểm trường này cũng phải mất vài tuần, để học sinh không bị gián đoạn chương trình, giờ đây Trường tiểu học Khải Xuân đành phải dồn 5 lớp về điểm trường chính. Trong câu chuyện với chúng tôi, cô giáo Hải cho biết, việc sửa chữa lại trường lớp chắc cũng phải hết vài chục triệu đồng, trường đã báo cáo lên Phòng Giáo dục huyện Thanh Ba và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Phú Thọ để cấp kinh phí, Giám đốc Sở cũng đã trực tiếp về kiểm tra. Nhưng trong khi chờ cấp kinh phí, nhà trường và Hội Phụ huynh phải chọn giải pháp đi vay vật tư để sửa chữa.

Trước khi chia tay, cô giáo Hải rụt rè nói với chúng tôi: "Vụ nổ vừa rồi trường có hai giáo viên bị mất hết nhà cửa, 4 học sinh bị mất bố, mẹ. Anh chị em giáo viên ở đây đều nghèo nhưng cũng cố gắng quyên góp mỗi người 200 ngàn đồng hỗ trợ đồng nghiệp bị nạn. Vì thế các anh ở báo có cách nào giúp đỡ cho gia đình các cô và các cháu được thì tốt quá".--PageBreak--

Nước mắt người ở lại

Những ngày qua, với nhiều cán bộ, công nhân Xí nghiệp 4 luôn sống trong tâm trạng nặng nề bởi sau khi phải chứng kiến cảnh tan hoang sau vụ nổ, họ còn liên tục đi dự đám tang những đồng nghiệp xấu số. Bởi cho tới lúc này, trong số 23 nạn nhân tử vọng thì có tới 22 người là công nhân Xí nghiệp. 

Trong ngôi nhà ở khu phố Phú An, thị xã Phú Thọ, giờ đây không còn bóng người phụ nữ, bởi chị Đoàn Thị Hải Yến đã ra đi mãi mãi để lại người chồng và hai đứa trẻ đứa lớn 6 tuổi đứa nhỏ mới 2 tuổi.

"Suốt mấy ngày hôm nay, ngày nào con bé cũng khóc đòi mẹ", nói đến đây Đại úy Nguyễn Long Khánh, chồng chị Yến, không cầm được nước mắt. Anh Khánh là Đội trưởng Hình sự Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) bao năm nay mọi việc gia đình đều do một tay chị Yến lo toan, giờ đây, nhìn cảnh hai đứa con thơ dại cứ khóc đòi mẹ, người đàn ông đã bao lần đối mặt với hiểm nguy mà chẳng hề nao núng bật khóc khi nhắc đến người vợ xấu số.

Nhắc lại cái buổi sáng cuối cùng gặp vợ ấy, anh Khánh kể, hôm đó, vợ anh dậy sớm đèo cậu con trai lớn đi học rồi đến xí nghiệp. Khoảng 8 giờ kém, anh đang bế con gái nhỏ thì bất chợt nghe thấy tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả thị xã. Tự nhiên như có linh cảm khi thấy tâm trạng cứ bồn chồn, anh Khánh vội nhấc máy gọi điện thoại cho vợ nhưng không thấy trả lời.

Càng đến gần nhà máy nơi vợ làm việc càng thấy hỗn loạn, anh Khánh tiếp tục gọi điện thoại rồi huy động tất cả những người thân trong gia đình đến các bệnh viện trong và ngoài thị xã tìm kiếm trong nỗi vô vọng và sự hoang mang đến tột độ. Mãi đến gần 11 giờ trưa 12-10, anh mới vào được Bệnh xá của Xí nghiệp 4 và sững sờ khi biết trong số những người tử nạn có vợ mình.

Ôm đứa cháu nội nhỏ dại trong lòng, bố anh Khánh nghẹn lời kể: chị Yến làm nhân viên kế toán và thống kê của xí nghiệp, nhà ở xa nên hôm nào chị cũng đi từ 6 giờ sáng đến tối mới về đến nhà. Con dâu bận rộn, con trai làm cảnh sát hình sự cũng phải đi công tác liên miên, vì thế mọi việc ở nhà ông bà đều phải giúp. Ban ngày thì không sao nhưng cứ đến tối chưa thấy mẹ về là hai đứa trẻ lại ra cửa ngồi ngóng. Từ hôm mẹ mất, hai đứa trẻ cứ khóc đòi mẹ suốt khiến ông bà như đứt từng khúc ruột, cháu khóc, ông bà, rồi bố nó cũng khóc theo.

Nhìn người đồng đội thẫn thờ bên di ảnh vợ, chúng tôi không thể cầm lòng. Người xưa có câu: "Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp", việc chăm sóc hai đứa trẻ luôn cần đến bàn tay người mẹ. Vậy mà… Nỗi đau này sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai.

Cũng như gia đình anh Khánh, cho tới bây giờ ông Hà Đình Trọng vẫn không thể tin con trai mình là anh Hà Anh Tuấn (27 tuổi), cán bộ của Xí nghiệp 4, làm việc tại xưởng pháo hoa đã ra đi mãi mãi. Ông Trọng trước là cán bộ Công an huyện Thanh Ba, mới nghỉ hưu được mấy năm. Sáng hôm 12/10, sau khi xảy ra vụ nổ, ông Trọng còn dùng xe máy chở Thượng tá Lê Xuân Hải, Phó trưởng Công an huyện Thanh Ba đi chỉ đạo công tác bảo vệ và tham gia cứu nạn. Và đến trưa hôm ấy, ông rụng rời chân tay khi biết con trai mình là Hà Anh Tuấn đã tử nạn.

Trong số 23 người tử vong, thương tâm nhất là gia đình anh Ngô Quang Tài (31 tuổi) và chị Nguyễn Thị Vân (30 tuổi), cả hai đều là nhân viên  Xí nghiệp 4. Anh Tài chết ngay tại chỗ, còn chị Vân dù được đưa đi cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.

Ông Ngô Văn Tiến và bà Nguyễn Thị Bảy (bố mẹ đẻ của anh Tài) có 5 người con, 3 con gái lấy chồng xa, chỉ có hai người con trai. Anh Tài là con út ở cùng bố mẹ. Vợ chồng anh Tài cưới được hơn 3 năm và có một cậu con trai hơn 2 tuổi. Trưa hôm ấy biết tin con trai mất, đến tối lại biết con dâu cũng không qua khỏi, ông bà không gượng dậy nổi. Đến nhà anh Tài, nhìn cảnh hai ông bà già thẫn thờ ngồi bên chiếc bàn thờ lập vội có hai tấm di ảnh; thằng bé đầu quấn khăn tang cứ ngơ ngác nhìn người lạ, chẳng ai cầm được nước mắt. Sau cú sốc quá lớn này chẳng biết ông bà có bình tâm lại được không.

Trong số 23 người chết, hiện vẫn còn 5 người phải đưa về Bệnh viện 103 làm xét nghiệm ADN để nhận dạng. Trong số ấy, có chị Nguyễn Thị Tình (31 tuổi, ở xã Khải Xuân). Vợ chồng chị Tình mới cưới được hơn một năm và chị đang có mang con đầu lòng.

Ngoài 23 người tử vong, hiện vẫn còn hàng chục người bị thương nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Những người bị thương quá nặng đã được chuyển về Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia. Trong số đó có những người bị bỏng tới 70% thậm chí là 90%.

Người xấu số giờ đã nằm sâu dưới ba tấc đất, nhưng với những người còn sống, nỗi đau này sẽ còn rất lâu mới có thể nguôi ngoai. Dù hiện các cơ quan chức năng của quân đội và tỉnh Phú Thọ đang tiến hành kiểm kê thiệt hại để có chính sách đền bù, hỗ trợ phù hợp, Báo CAND - Chuyên đề ANTG đã hỗ trợ các nạn nhân hơn 70 triệu đồng, nhưng chúng tôi rất mong những tấm lòng hảo tâm sẽ cùng chia sẻ đau thương với thân nhân các gia đình bị nạn

Nguyễn Thiêm - Minh Trí
.
.