Chụp cắt lớp, lợi hay hại

Thứ Tư, 20/06/2007, 14:50
Kỹ thuật Scan toàn thân (Full-body Scans) hay còn gọi là kỹ thuật CT (Whole-body computed tomography scans), tạm dịch: kỹ thuật chụp tia Rơnghen cắt lớp toàn bộ cơ thể bằng máy tính, đây là kỹ thuật được nhiều người ca ngợi vì nó có thể phát hiện nhanh mầm bệnh.

Nhưng qua một số nghiên cứu mới đây, người ta đã phát hiện kỹ thuật này để lại nhiều vấn đề, thậm chí còn làm tăng rủi ro phóng xạ giống như cơ thể của những nạn nhân sống sót trong các vụ ném bom nguyên tử tại Nhật. Vậy đâu là sự thật?

Không chỉ có ở Mỹ mà ở rất nhiều nơi trên thế giới hiện nay, kỹ thuật chụp cắt lớp CT rất phổ biến. Cùng với việc thương phẩm hóa kỹ thuật này, người ta đã chi ra không ít tiền của để ca ngợi, nào là kỹ thuật hiện đại, chẩn đoán nhanh được nhiều loại bệnh v.v và v.v...

Công bằng thì đó là tiến bộ rất lớn về lĩnh vực chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh mà con người đạt được trong những thập kỷ gần đây, hiển nhiên điều này không thể phủ nhận nhưng mặt trái của nó đã bị bỏ quên, chưa kể đến chi phí mà cuối cùng vẫn là do người bệnh phải chịu.

Trên tạp chí Radiology của Mỹ số ra cuối năm 2006 đã tiết lộ lượng bức xạ cơ thể người lớn phải đối mặt trong một ca chụp cắt lớp CT là rất tiềm ẩn, bình quân có thể tương đương với mức bức xạ đo được trong cơ thể của những người còn sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử ở cách Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) chừng 1,5 dặm (2, 4 km).

Vì vậy, những ai từ năm 45 đến 75 tuổi thường xuyên khám bệnh bằng kỹ thuật quét CT, đặc biệt là quét toàn thân thì rủi ro mắc bệnh ung thư sẽ tăng 10 lần so với những người không qua kỹ thuật này. Chính mức rủi ro cao như vậy nên người ta khuyến cáo chỉ áp dụng kỹ thuật này với tần suất mỗi năm một lần.

Các phương pháp quét toàn bộ cơ thể được áp dụng khá phổ biến trong những năm gần đây, theo đó, kỹ thuật CT có thể giúp con người chẩn đoán được các loại bệnh cũng như các tổn thương của cơ thể.

Nguyên thủy nó được dùng từ những năm đầu thập niên 70, thế kỷ trước, nhưng ở nhiều nơi và ngay cả ở Mỹ nó chỉ thịnh thành từ thập niên 90, chủ yếu là khi dùng để quét toàn bộ cơ thể cho những người ốm và sau đó mới dùng hạn chế cho những người khỏe mạnh, chính điều này đã gây rủi ro cho cả những người không mắc bệnh.

Ưu điểm là phát hiện ra nhiều bệnh tật trong cơ thể, từ cục tắc trong thành mạch máu cho tới những khối u đang được hình thành, ngoài cái được này nó còn mang đến cho cơ thể những rủi ro phức tạp, song do nhu cầu chữa bệnh quá lớn, kĩ thuật CT thực sự trở thành vị cứu tinh, cỗ máy in tiền khổng lồ nên mặt trái của nó đã bị bỏ qua.

Do lợi nhuận quá lớn mà ở Mỹ từ những năm 90 ở thế kỷ trước, các cơ sở chụp cắt lớp mọc lên như nấm. Ví dụ, năm 1999 chỉ có 90 cơ sở nhưng đến năm 2001 đã tăng lên 163.

Chi phí cho mỗi lần chụp cắt lớp toàn bộ cơ thể ở Mỹ giá từ 500 đến 1.000 USD, đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ngành bảo hiểm. Chính vì mặt trái của kỹ thuật này mà nhiều cơ quan lớn như Cục Quản lý thực phẩm, dược phẩm Mỹ (FDA), Trường cao đẳng Radiology và Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã lên tiếng đồng tình phản đối kỹ thuật quét lựa chọn, riêng tại 2 bang của Mỹ là Texas và Pennsylvania đã ban hành lệnh cấm kỹ thuật này. 

Theo một nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia ở Đại học Columbia, Mỹ đứng đầu là Tiến sĩ David Brenner cho thấy, kỹ thuật CT toàn thân ở trẻ em còn có mức độ nguy hiểm hơn cả ở người lớn, đặc biệt là liều phóng xạ.

Trong nghiên cứu này, nhóm đề tài còn tham khảo cả số liệu của những nạn nhân qua khỏi các vụ ném bom nguyên tử ở Nhật năm 1945 và qua kiểm chứng cho thấy những người từ nhỏ đã qua kỹ thuật CT toàn thân và duy trì đều đặn trong suốt cuộc đời của mình thì hậu quả rủi ro mắc bệnh ung thư rất cao.

Theo đó, những ai có “thâm niên” chụp CT khoảng 30 năm (mỗi năm một lần) thì rủi ro qua đời vì ung thư khoảng 1/100. Mặc dù không phản đối kỹ thuật CT nhưng các chuyên gia ở đại học cho rằng, chỉ nên áp dụng kỹ thuật quét cắt lớp có giới hạn để hạn chế phóng xạ, đặc biệt là ở những bộ phận bị nghi là mắc bệnh hoặc những người có dấu hiệu mắc bệnh còn những người khỏe mạnh thì không nên sử dụng kỹ thuật này

Khắc Nam (theo MH)
.
.