Chụp hình suy nghĩ của con người

Thứ Tư, 19/10/2011, 18:30

Các nhà khoa học vừa tìm được một phương pháp mới giúp tái tạo hình ảnh từ phân tích dòng máu lưu thông lên não. Nhóm chuyên gia tin rằng phương pháp này có thể được sử dụng trong tương lai để phân tích giấc mơ và ký ức.

Các giảng viên thuộc Trường đại học California (ở Berkeley, Mỹ) vừa phát minh một quy trình đột phá trong việc chụp ảnh não cho phép họ "thấy" những hình ảnh chuyển động trong tâm trí con người. Khi đối tượng (người tình nguyện tham gia thí nghiệm) nghĩ về một phim nào đó, các nhà nghiên cứu lập tức "thấy" nó trên màn hình. Đây được xem là minh chứng ấn tượng nhất của công nghệ "đọc suy nghĩ" từng được chứng minh.

Đầu tiên, họ đo lượng máu lưu thông qua vùng vỏ não kiểm soát thị giác, và dùng thông tin này để xây dựng hình ảnh mà người ta đang nghĩ tới. Sau đó, họ dùng máy tính chuyển thông tin này thành những mảng màu nhìn thấy được. Các nhà khoa học gọi đây là quy trình "mở cửa sổ vào suy nghĩ của con người".

Hiện giờ, thí nghiệm này chỉ có thể nhận dạng và tái xây dựng những đoạn phim chiếu cho đối tượng thí nghiệm xem trước khi họ được đưa vào máy quét. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, đột phá này sẽ mở đường cho việc tái tạo hình ảnh sống động bên trong đầu của chúng ta mà không ai khác có thể thấy được, chẳng hạn như những giấc mơ và ký ức.

Ảnh diễn viên Steven Martin (trái) trong phim “Điệp vụ Báo hồng 2” được tái tạo nhờ phương pháp phân tích dòng máu chảy vào vùng vỏ não kiểm soát thị giác để tạo ra hình ảnh bên phải.

Giáo sư Jack Gallant, một nhà khoa học thần kinh tại Trường đại học California cho biết: "Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc tái tạo hình ảnh trong tâm trí của con người".

Các nhà khoa học hy vọng quy trình nổi bật này có thể được dùng để hiểu tâm tư của những người không thể giao tiếp bằng lời, chẳng hạn như bệnh nhân đột quị và bệnh nhân hôn mê. Dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, phải mất thêm nhiều thập kỷ nữa thì công nghệ này mới đạt tiến bộ đủ để đọc những dự tính và suy nghĩ của con người.

Trước đó, Giáo sư Gallant và nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được hoạt động não ở vùng vỏ não kiểm soát thị giác trong khi đối tượng xem nhiều hình ảnh đen trắng. Tiếp đến, nhóm nghiên cứu xây dựng một mẫu máy tính đặc biệt cho phép họ dự đoán chính xác hình nào được đối tượng đang nhìn.

Trong thí nghiệm mới nhất, nhóm nghiên cứu cho biết họ đã giải quyết được một vấn đề khó hơn nhiều bằng cách thực sự giải mã được các tín hiệu não phát ra bởi việc di dời hình ảnh. Đối tượng thí nghiệm được cho xem 2 đoạn phim khác nhau trong khi máy quét cộng hưởng từ theo dõi lượng máu lưu thông qua vùng vỏ não kiểm soát thị giác (phần não xử lý thông tin thị giác). Trên màn hình máy tính, não bộ được chia thành những khối lập thể nhỏ - thuật ngữ gọi là "voxel".

Hoạt động của não bộ được ghi nhận lại trong khi đối tượng thí nghiệm xem các đoạn phim. Thông tin này được máy tính xử lý, theo từng giây, để kết hợp với mẫu trong từng phim tương ứng hoạt động não. Sau đó, máy tính được nạp thông tin (gồm 18 triệu giây video ngẫu nhiên từ YouTube) để nó tự xây dựng "phiên bản" phim mà đối tượng thí nghiệm đang xem - không sử dụng tài liệu gốc.

Tiếp đến, máy tính tham chiếu chéo 2 bộ dữ liệu - và đối tượng được xem các đoạn video hoàn toàn mới. 100 đoạn phim YouTube mà chương trình máy tính "chọn" (gần như giống với đoạn phim mà đối tượng xem) được "trộn lại", tạo nên hình ảnh mờ ảo nhưng có thể nhận biết những gì đang diễn ra trong tâm trí họ

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.