Chuyện "5C" ở… Hollywood

Thứ Tư, 27/01/2021, 10:57
Hollywood mang trong mình nó một sự "bí mật" mà có vẻ như, rất nhiều người trên thế giới hiếm có cơ hội được khám phá một cách đầy đủ nhất. Đó là câu chuyện con cháu các nghệ sỹ bao giờ cũng được ưu ái hơn khi theo đuổi sự nghiệp của cha mẹ tại một trong những trung tâm nghệ thuật nổi tiếng và uy tín nhất thế giới này. 

Người trong nghề khi chứng kiến cảnh các "cậu ấm", "cô chiêu" được "tạo điều kiện trên mức bình thường" với việc nhận những vai chính trong phim cũng chỉ thường nhún vai bỏ đi. Nhưng trong một số trường hợp, sự ưu ái quá lộ liễu tại Hollywood đến mức tạo ra những phản ứng trái chiều.

Khi "con cháu các cụ cả" nhanh chóng trở thành sao

Bộ phim "Once Upon a Time in Hollywood" của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino ngay sau khi ra mắt đã nhận được chú ý đặc biệt vì có sự tham gia của ba diễn viên trẻ: Margaret Qualley, Harley Quinn Smith, và Maya Hawke.

Chuyện lợi dụng quan hệ gia đình không có gì là lạ tại Hollywood

 Điều đáng nói ở đây là, cả ba diễn viên nói trên  đều là con của các minh tinh Hollywood: Margaret là con gái của Andie MacDowell; Harley lại là con gái của Andie MacDowell. Riêng Maya là trường hợp đặc biệt nhất. Bởi lẽ, bố cô là diễn viên, đạo diễn nổi tiếng Ethan Hawke. Còn mẹ của Harley lại là nữ minh tinh Uma Thurman. Uma Thurman, người được Tarantino coi như "nàng muse" của mình, đã cùng vị đạo diễn dành vô số giải Oscar với ba bộ phim "Pulp Fiction"; "Kill Bill: Volume 1" và cuối cùng, "Kill Bill: Volume 2".

Khi được phóng viên tạp chí Variety đặt câu hỏi, liệu có phải nhờ quan hệ của mẹ mình với Quentin Tarantino mà cô mới nhận được vai chính hay không, Maya Hawke phủ nhận hoàn toàn. Đồng thời, cô cũng cho biết bản thân mình cũng phải trải qua giai đoạn thử vai như tất cả mọi những diễn viên khác. Tuy vậy, không phải ai cũng tỏ ra tin tưởng vào Maya cả. Họ cho rằng, một diễn viên trẻ mới chỉ nhận hai vai phụ - một trong series phim truyền hình; một trong tác phẩm điện ảnh - lại có đủ "độ chín" để nhận vai chính trong một bộ phim của Quentin Tarantino. Cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ và nghi ngờ Maya Hawke đã làm thức dậy một vấn đề vốn tưởng đã "ngủ quên" từ lâu: Liệu Hollywood có nên trực tiếp đối mặt với vấn đề quan hệ gia đình hay không?

Không có gì lạ khi con cháu của các diễn viên cũng mang trong mình tài năng diễn xuất như chính cha mẹ họ, những nghệ sĩ từng tạo được tên tuổi và chỗ đứng của mình trong làng Hollywood. Hollywood ngay từ những ngày đầu ra đời đã có các "đại gia đình" nhiều thế hệ diễn viên tài năng nối tiếp nhau. Đó là dòng họ Barrymore; dòng họ Fonda, và nữa là dòng họ Wayan. Hậu duệ của các gia đình này lớn lên trong bầu không khí nghệ sỹ, lại học hỏi tài năng diễn xuất qua việc quan sát cha mẹ hằng ngày, cho nên cũng là điều dễ hiểu khi họ trở thành diễn viên tài năng khi lớn lên.

Đứng dưới "cái bóng" quá lớn của cha mẹ cũng có thể là một trở ngại lớn mà các diễn viên trẻ ở Hollywood phải tìm cách vượt qua. Nicolas Kim Coppola là con trai của giáo sư, nhà phê bình phim August Coppola. Ngay từ nhỏ Nicolas đã tỏ ra yêu thích nghiệp diễn. Do vậy Nicolas  thường xuyên xuất hiện tại trường quay của chú mình - đạo diễn lừng danh Francis Coppola - để theo dõi cách các diễn viên nổi tiếng trong quá trình họ vào vai. Nicolas nhận vai diễn đầu tiên vào năm 17 tuổi dưới nghệ danh "Nicolas Cage". Chỉ sáu năm sau đó, bộ phim "Moonstruck" mà Nicolas Cage thủ vai chính đã giành được giải Oscar.

"Di truyền" hay môi trường?

Tại sao có nhiều người coi việc ưu ái con cháu của các diễn viên lại là một vấn đề? Đối với những người phản đối, vấn đề không phải tài năng mà là sự bình đẳng cơ hội. Đại đa số các diễn viên trẻ chỉ có một cơ hội để chứng tỏ bản thân trước các đạo diễn và ông chủ hãng phim mà thôi. Nếu như ngay từ vai diễn đầu họ đạt được sự thành công nhất định mọi việc sau đó sẽ trở nên rất thuận buồm xuôi gió trong quá trình phát triển nghiệp diễn. Nhưng một khi người diễn viên trẻ ấy "thất bại từ vòng gửi xe" cũng đồng nghĩa với sự nghiệp tiêu tan không khác gì bong bóng xà phòng. Điều này không áp dụng với con cháu của các nghệ sỹ nổi tiếng.

 Lấy ví dụ như diễn viên Robert Downey Jr. Sau khi đạt được thành công với một số vai diễn phụ, Robert  bị kéo vào con đường nghiện ngập. Do đó,  từng đã rất nhiều lần Robert Downey Jr phải vào tù hay trại cai nghiện. Với bất kỳ diễn viên nào khác, họ không mất nhà cửa là may, chứ chưa nói gì tới câu chuyện sẽ tiếp tục nhận được vai diễn. Robert Downey Jr. đã phải dựa rất nhiều vào sự giúp đỡ từ cha mình, đạo diễn, nhà sử học điện ảnh Robert Downey Sr. trước khi nhận được vai chính trong bộ phim "Iron Man", từ đó trở thành một trong những diễn viên đắt giá nhất Hollywood.

Nếu không biết Maya Hawke là con gái minh tinh Uma Thurman, khó ai có thể tin được một diễn viên trẻ như cô lại nhận được vai trong bộ phim của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino

Nữ diễn viên, biên kịch, đạo diễn Sofia lại là một trường hợp cực đoan hơn bất cứ ai. Đạo diễn Francis Coppola đã cho con gái mình các vai quan trọng trong cả ba phần của bộ phim "Bố già" nổi tiếng. Diễn xuất có phần cứng nhắc và nghiệp dư của Sofia Coppola được nhiều nhà phê bình coi là khuyết điểm nghiêm trọng nhất của tác phẩm điện ảnh kinh điển này. Nhưng trong mười năm tiếp theo, cô vẫn nhận được vai chính trong nhiều bộ phim khác nhau. Và Sofia Coppola tiếp tục chịu sự chỉ trích từ giới phê bình. Phải đến năm 1999, Sofia mới nhận được thành công đầu tiên trong vị trí đạo diễn bộ phim "The Virgin Suicides". Lần này cũng chính Francis Coppola làm nhà đồng sản xuất cho bộ phim của con mình.

Đi tìm sự bình đẳng

Điện ảnh không vận hành theo các quy tắc dân chủ. Nhưng trong bối cảnh Hollywood (hay cả nền văn hoá Mỹ) đang đối mặt với các câu hỏi về bình đẳng giới tính, sắc tộc, giai cấp, v.v…sự ưu ái mà con cháu các diễn viên nổi tiếng nhận được thật chẳng khác nào "một cái gai" trong mắt rất nhiều người vậy. Trước hết là vấn đề đa dạng sắc tộc. Hầu hết các "đại gia đình" diễn viên tại Hollywood gồm toàn người da trắng. Do đó, rất nhiều đạo diễn; nhà sản xuất vì quan hệ cá nhân đã đành chịu bỏ qua mọi cơ hội tạo điều kiện cho các diễn viên da màu xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh bạc.

Ở một khía cạnh khác, thế hệ diễn viên thuộc "thời đại vàng" của điện ảnh Mỹ hồi thế kỷ trước xuất thân từ đủ mọi giai cấp. Sự đa dạng giai cấp này theo thời gian dần biến mất, phần nhiều do chi phí theo học ngành diễn viên càng ngay tăng lên. Ngày nay hầu hết các diễn viên trẻ có tên tuổi xuất thân từ tầng lớp trung lưu, hay trong trường hợp các "đại gia đình" nổi tiếng, từ giai cấp thượng lưu. Mà tại Hollywood, con cháu của các gia đình giàu có sống rất gần nhau do chỉ theo học tại một số ít trường học danh tiếng. Chẳng hạn như minh tinh Tilda Swinton là bạn từ thời học lớp một với nữ đạo diễn Joanna Hogg. Trong khi đó, Joanna Hogg là mẹ nuôi con gái của Tilda Swinton, Honor Swinton-Byrne. Và hơn 20 năm sau cũng là đạo diễn Joanna giao cho Honor vai diễn đầu tiên trong bộ phim "The Souvenir" ngay sau khi cô này tốt nghiệp đại học.

Điện ảnh nói riêng và các tác phẩm nghệ thuật nói chung có trách nhiệm phản ánh xã hội một cách chân thực dưới mọi khía cạnh. Nhưng khi chính những người làm ra nghệ thuật đều thuộc về chỉ một góc nhỏ của xã hội, liệu họ có thể phản ánh toàn cảnh xã hội đến mức nào? Nhiều người nuôi hy vọng rằng, nếu giảm được hiện tượng ưu ái con cháu nghệ sỹ, tiếng nói từ những đối tượng "thấp cổ bé họng" trong xã hội sẽ có cơ hội vang lên, từ đó làm đa dạng hoá lẫn sâu sắc hoá nền điện ảnh Mỹ nói riêng cũng như nghệ thuật nói chung tại xứ sở cờ hoa.

Hy vọng xa vời

Vẫn biết "nói dễ hơn làm", nhưng những nhà quan sát không khỏi có cảm giác rằng: mọi chuyện đang trở nên khó hơn cho các diễn viên da màu, xuất thân từ tầng lớp lao động,… "Thủ phạm" được họ chỉ ra là sự "phù phiếm hoá" Hollywood.

Không gia đình nào thể hiện rõ điều này hơn dòng họ Kardashian. Robert Kardashian là một luật sư nổi tiếng vì thường nhận bào chữa cho các vụ kiện được toàn thể nước Mỹ theo dõi, đồng thời cũng sở hữu một số doanh nghiệp thành công. Nhưng "người chơi" thật sự tại Hollywood lại là bà vợ của Robert, Kris Jenner. Một tay bà ta đã biến dòng họ Kardashian trở thành "thế lực có số có má" tại bờ Tây nước Mỹ thông qua… một series truyền hình thực tế. Hàng triệu người dân Mỹ hàng tuần lại mở chương trình "Keeping Up with the Kardashians" để theo dõi lối sống vương giả nhưng cũng hỗn loạn và thiếu kỷ cương của gia đình Kardashian.

Bước thứ hai trong kế hoạch của Kris Jenner là lấy sự nổi tiếng làm "bàn đạp" sự nghiệp cho các con. Trong số bốn người con, chị em Kim Kardashian và Kyle Jenner đạt được nhiều thành công nhất. Ngày nay cả hai người đều là những tỷ phú sở hữu nhiều thương hiệu thời trang và mỹ phẩm hàng đầu. Nhưng năng khiếu diễn xuất ít đi kèm sự nhạy bén trong tương lai. Những bộ phim mà hai chị em nhà Kim Kardashian tham gia diễn xuất đều phải nhận sự chỉ trích từ cả giới phê bình lẫn khán giả. Vậy mà kỳ lạ sao, bộ phim có sự tham gia của họ không bao giờ lâm vào tình trạng thua lỗ. Có được điều "thần diệu" đó chính nhờ vào số lượng fan hâm mộ đông đảo đổ đến rạp chỉ để xem thần tượng xuất hiện trên màn ảnh.

Các hãng phim càng ngày sử dụng nhiều chuyên gia phân tích thị trường và thuật toán máy tính trong quá trình sản xuất hơn. Chỉ khi nào kết quả phân tích kết luận rằng: bộ phim chắc chắn kiếm được lợi nhuận cao gấp hai lần chi phí, lúc đó các ông chủ hãng phim mới chịu "móc hầu bao" bỏ tiền đầu tư sản xuất. Mà qua lăng kính phân tích kinh doanh, chọn một cá nhân đã nổi tiếng sẵn làm diễn viên chính chắc chắn sẽ dễ thu hút nhiều khán giả hơn. Chính vì vậy những cá nhân thiếu tài diễn xuất nhưng là con cháu của các diễn viên nổi tiếng khác mới có nhiều cơ hội tham gia các bộ phim như vậy.

Về lâu về dài, việc đuổi theo sự nổi tiếng phù phiếm gần như chắc chắn sẽ làm hại Hollywood là điều tất yếu. Yêu cầu của khán giả không lúc nào dừng lại cả, đặc biệt là với khán giả trẻ. "Danh tiếng" sẽ không còn có thể kéo họ đến với các bộ phim nữa, vì họ đi tìm sự sâu sắc; sự đa dạng và cuối cùng là, sự mới mẻ chân thực.

Với nhiều nhà quan sát, giải pháp hiện nay đã rõ: Hollywood cần khởi động lại "bộ máy" săn tìm tài năng từ khắp mọi ngóc ngách của xã hội, chứ không thể tiếp tục giới hạn mình trong một bộ phận "con cháu các cụ" được.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.