Chuyện hậu Vedan: Bỗng dưng bị... rối

Thứ Năm, 06/01/2011, 08:50

Cuối cùng thì luật sư Đại diện của Vedan cũng đã lên tiếng đòi ngưng chuyển tiền đợt II cho đại diện các hộ dân ở 3 tỉnh bị thiệt hại do việc xả thải trái phép ra sông Thị Vải của Công ty này là: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM. Lý do được Vedan đưa ra là hiện tại ở các địa phương trên đang xảy ra tình trạng cá nhân người dân khởi kiện Vedan.

Điều này, vi phạm nguyên tắc khi bồi thường giữa Vedan và người đại diện cho các hộ dân là: “Sau khi Vedan bồi thường, các địa phương sẽ đảm bảo cho việc không còn đơn kiện công ty”. Vì đâu nên nỗi(?!).

Sự chuyển biến vai trò không phù hợp

Như chúng tôi đã phân tích trong bài viết "Chuyện hậu Vedan - còn nhiều băn khoăn" in trên Chuyên đề ANTG ngày 22/12/2010, thì những rắc rối xung quanh việc bồi thường chi trả cho các hộ dân xuất phát từ chuyện "tự thăng chức trọng tài" cho mình của các cơ quan, ban, ngành vốn dĩ chỉ giữ vai trò trung gian trong việc thương thảo hoặc khởi kiện giữa các hộ nông dân bị ô nhiễm và Công ty Vedan... Và UBND huyện Cần Giờ là đơn vị xung phong cho việc chuyển vai trò không thật sự cần thiết này.

Ngay từ thời điểm công bố 839 hộ dân bị thiệt hại do hành vi xả thải của Vedan và nhận số tiền đền bù đợt I của Vedan là 50% trong tổng số tiền 45,7 tỉ đồng, thì Hội Nông dân huyện Cần Giờ chỉ cần làm một động tác rất đơn giản là chi trả cho các hộ dân bị thiệt hại theo danh sách đã niêm yết công khai trước đó, thì họ lại chọn một cách phức tạp hơn. Đây là điều mà dư luận không thể nào hiểu nổi vì sao UBND huyện Cần Giờ lại chỉ đạo cho Hội Nông dân huyện nghĩ ra cách khó đến vậy trong việc  chi trả tiền bồi thường của Vedan cho các hộ dân (!?).

Ông Đoàn Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện với vai trò "Tổng chỉ huy" đã tổ chức một cuộc xét lại để loại hàng trăm hộ dân, mà trước khi Vedan đồng ý chi tiền ít lâu ông còn cho họ nằm trong danh sách 839 hộ được xác định bị thiệt hại. Ông Đỗ Thắng Tiên - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện cũng đứng ra cùng lãnh đạo của mình là ông Đoàn Văn Sơn "đối đầu" quyết liệt với hàng trăm hộ dân từng được ông chuẩn bị hồ sơ khiếu kiện Vedan trước đây.

Ông Sơn bảo với chúng tôi sở dĩ ông cho thực hiện rà soát lại các hộ dân bị ô nhiễm loại họ ra là bởi có phản ánh của người dân về chuyện "nhiều hộ không ô nhiễm nhưng vẫn nằm trong danh sách 839 hộ được Hội Nông dân huyện niêm yết". Thế nên, để yên dân ông buộc phải cho rà soát lại và kết quả là gần 400 hộ dân từ hai xã Tam Thôn Hiệp và Long Hòa đã bị đợt xét lại này loại ra.

Công ty bột ngọt Vedan.

Theo chúng tôi, thì chắc là ông Sơn đã nhầm lẫn về vai trò của mình. Thứ nhất, UBND huyện Cần Giờ chỉ có thể đóng vai trò trung gian, làm đại diện cho 839 hộ dân được xác định là bị thiệt hại trong việc thương thảo với Công ty Vedan dưới sự trợ giúp miễn phí của các luật sư. Thế nên, sau khi cuộc thương thảo đã hoàn tất, Vedan đồng ý bồi thường thay cho đơn kiện, huyện Cần Giờ chỉ cần căn cứ vào số tiền bồi thường đợt I chi trả theo danh sách đã niêm yết và... đợi tiền đợt II để chi trả tiếp.

Thứ đến, việc biến mình từ trung gian thành trọng tài của UBND huyện Cần Giờ đến cuộc "tổng rà soát" quy mô không kém “cuộc chiến” nghêu giống trước đây, khiến tình hình tại địa phận Cần Giờ trở nên căng thẳng. Không thể nào lấy lý do có dư luận phản ánh để tổ chức một cuộc xét lại và gạt bỏ gần 1/2 số hộ dân nằm trong danh sách 839 hộ được xác định thiệt hại. Bởi, theo tài liệu chúng tôi có được thì con số người nộp đơn khởi kiện ban đầu là hơn 1.000 hồ sơ, nhưng Hội Nông dân cơ sở đã tiến hành thẩm tra, rà soát và loại bỏ những trường hợp không đạt chuẩn. Cuối cùng, danh sách gút lại còn 839 người. Điều này cho thấy, 839 hộ dân này nghiễm nhiên được chính quyền thừa nhận bị ô nhiễm. Và họ chính là "bằng chứng tối quan trọng" trong việc khởi kiện Vedan.

Hoảng hốt với con số này do phía huyện Cần Giờ đưa ra cùng những hồ sơ chứng cứ hợp lý, Công ty Vedan đã đồng ý bồi thường thiệt hại cho nông dân ở huyện Cần Giờ là 45,7 tỉ đồng. Suýt chút nữa, Vedan đã có lãi hơn 15 tỉ khi họ không bắt kịp đề nghị của ông Đoàn Văn Sơn là "Vedan bồi thường 30 tỉ tôi cũng nhận" trong buổi thương thảo vào tháng 8/2010.

Từ những yếu tố này, có thể thấy được việc "có dư luận phản ánh nên phải tổng rà soát" theo trả lời của ông Đoàn Văn Sơn là điều khá kỳ lạ. Bởi khi rà soát và loại bỏ  gần 400 hộ dân trong tổng số 839 hộ dân đã được niêm yết trước đây, liệu ông Sơn có nghĩ đến chuyện phía Vedan sẽ cho rằng huyện Cần Giờ cố tình "ngụy tạo" chứng cớ để ép buộc họ phải bồi thường.

Như vậy, đang có tư cách quang minh chính đại, phút chốc những hộ nông dân huyện Cần Giờ được vị "Tổng chỉ huy" đợt rà soát lại biến thành những người... nói láo. Mà nói trắng ra, nếu không có con số ấn tượng là 839 hộ dân bị thiệt hại được UBND huyện Cần Giờ đưa ra thì số tiền mà Vedan đồng ý đền bù cho Cần Giờ không thể lên đến con số 45,7 tỉ. Dẫu khi trao đổi với chúng tôi, ông Sơn khẳng định việc loại bỏ nhiều hộ dân ra khỏi danh sách bồi thường không ảnh hưởng đến số tiền các hộ dân được UBND huyện "xác định" là có thiệt hại sau đợt tổng rà soát được nhận, bởi Vedan bồi thường theo diện tích mặt nước ô nhiễm chứ không phải bồi thường theo hộ cá nhân (?!). Thì thói thường vẫn vậy, khi đã câu được cá to, người ta có thể nói do tay câu có số sát cá, hoặc do mồi ngon, hoặc do dòng sông có cá lớn, cá đang đói. Thậm chí, họ có thể nói con cá dính câu là bởi... con cá ngu(!).

Điều này cho phép nhận định rằng, UBND huyện Cần Giờ đang dùng quyền lực hành chính để can thiệp và áp đặt vào một quan hệ dân sự đã được tiến hành thành công. Chính sự can thiệp  bất hợp lý này của UBND huyện Cần Giờ, đã khiến hàng trăm hộ dân quay ngược lại... bám vào Vedan để mong bảo đảm quyền lợi của mình. Họ đã tổ chức họp với Vedan và kiến nghị Vedan ngừng chi trả tiền đợt II. Vedan đã có cái cớ thứ nhất. Tiếp đến, hàng loạt đơn kiện Vedan xuất hiện tại Tòa án nhân dân các huyện đã khiến Vedan có cái cớ thứ hai.

Và với hai cái cớ trên được sự "giúp sức" không ít bởi sự thay đổi vai trò vô lý của UBND huyện Cần Giờ, luật sư đại diện cho Công ty Vedan đã đưa ra kiến nghị dừng chi trả số tiền còn lại.

Nếu khởi kiện lại Vedan, người dân được gì?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, người đại diện bảo vệ quyền lợi về mặt luật pháp cho các hộ dân tuyên bố rất cứng rắn là: "Nếu đến hạn chuyển tiền đợt II là trước ngày 14/1/2010, mà Vedan không chuyển tiền, chúng tôi sẽ khởi kiện họ". Bởi theo luật sư Hậu, cần phải xem xét những người đi khiếu kiện Vedan có nằm trong vùng ô nhiễm hay không?.

Giả sử Vedan không trả tiền đợt II theo đúng cam kết và UBND, Hội Nông dân huyện Cần Giờ và Luật sư Nguyễn Văn Hậu lại thêm một lần nữa đóng vai trò trung gian để giúp người dân khởi kiện, thì chuyện gì sẽ xảy ra(?!).

Có thể, họ sẽ thắng hoặc Vedan sẽ thắng. Nhưng, cái cốt lõi là sự đồng thuận tạo nên sức mạnh trong việc khiếu kiện Vedan vào thời điểm giữa năm 2010 đã không còn nữa. Một bộ phận người dân đã giảm niềm tin vào những người mà trước đây họ coi như là ân nhân cứu mạng của mình. Bởi họ nghèo, và họ hy vọng số tiền được Vedan bồi thường sẽ mở ra cho họ một cơ hội đổi đời mới. Ít ra, là con cái họ cũng sẽ có thêm phương tiện để thực hiện nối tiếp giấc mơ thoát nghèo.

Tuy nhiên, buồn thay, họ lại không ý thức được việc mình bị biến thành con át chủ bài trong một cuộc chơi không có nhiều sự minh bạch. Để khi tung ra quân bài cuối cùng và có được chiến thắng, họ nhanh chóng bị lãng quên như khi người ta vội vã cuống cuồng tìm đến họ để "giúp đỡ người nông dân ít hiểu biết về pháp luật tham gia khởi kiện, nhằm đòi lại quyền lợi hợp lý cho chính mình". Ân nhân cứu họ ngày hôm qua đâu rồi?

Trưa 30/12/2010, những con người khốn khó ấy lại lặn lội từ Cần Giờ lên tìm đến tôi. Họ đưa cho tôi cái biên bản mà Phòng Tiếp dân huyện Cần Giờ đã làm cho họ yên tâm. Trong biên bản có ghi chuyện họ bức xúc vì cách hành xử "nhũng nhiễu của Hội Nông dân huyện Cần Giờ".

Ai "hành xử nhũng nhiễu khiến họ bức xúc"?. Đó là ông Đỗ Thắng Tiên, người từng được họ tán tụng là anh hùng trong cuộc chiến đi tìm công lý từ Vedan. Ông Tiên chắc cũng búc xúc không kém các hộ dân này, nên ông đã trả lời họ rằng: "Giờ tui không công bố danh sách cho các chị coi, các chị làm gì được tui" khi họ đòi ông cho niêm yết công khai 839 hộ mà theo Hội Nông dân là "đạt chuẩn" để họ có thể tự mình đi giám sát.

Cái yêu cầu rất đỗi bình thường và hợp lý đó của người nông dân lại được một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho họ là Hội Nông dân từ chối, thì không biết Hội Nông dân huyện Cần Giờ thuộc về người nông dân để đứng về phía họ hay tự chuyển mình nhằm phục vụ cho một "thế lực" nào khác (!?).

Trở lại chuyện đòi kiện Vedan nếu Vedan không trả tiền đợt II đúng hẹn, kiện có thắng không? Câu hỏi mà cách đây vài tháng, bất cứ ai cũng tự tin trả lời rằng: "Thắng tuyệt đối", thì bây giờ gió có thể đã đổi chiều?!.

Mà nếu như khởi kiện lại Vedan, vụ việc chắc chắn sẽ còn kéo dài, rất dài, thì 50% trong tổng số tiền 45,7 tỉ mà Công ty Vedan đã chuyển cho Cần Giờ biết bao giờ mới đến tay những hộ dân mà theo UBND huyện Cần Giờ là xứng đáng được nhận(?!). Ông Đoàn Văn Sơn cách đây vài tuần có khẳng định với chúng tôi là sẽ cố gắng chi trả tiền bồi thường cho bà con chậm nhất là trước tết Dương lịch.

Vậy mà lại thêm một lần nữa, ông đã không thể thực hiện lời hứa của mình. Mà cũng chẳng biết đến khi nào ông Sơn mới chỉ đạo cho cấp dưới của mình chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân được xác định đủ chuẩn ô nhiễm trong đợt xét lại của UBND huyện Cần Giờ (?).

Lại vẫn trông chờ và hy vọng... Dẫu sao đi chăng nữa, chúng tôi vẫn tin công lý thuộc về phía sự thật. Và không có thứ bóng đêm nào lại không bị mặt trời soi rọi tới. Trên hết, điều không thể chối cãi vẫn là "Dĩ dân vi bản".

Tiếp xúc với PV Chuyên đề ANTG, bà Phạm Thị Tràng, một trong những người đại diện cho các hộ dân ở xã Long Hòa (đây là địa phương có 108 hộ dân ban đầu được xác định có thiệt hại nhưng về sau đã bị UBND huyện Cần Giờ loại bỏ hoàn toàn với lý do không ô nhiễm trong đợt rà soát lại - PV) phản ánh với phóng viên thông tin, bà liên tiếp nhận được các tin nhắn thóa mạ với ngôn từ thô tục đến cực điểm từ số điện thoại 01268133549.

Bà Phạm Thị Tràng và "nội dung" của một tin nhắn uy hiếp gửi vào ĐTDĐ của bà.

Đồng thời, nội dung của tin nhắn này cũng đe dọa rằng bà sẽ bị "xe đụng chết" nếu còn hay đi ra đường.

PV Chuyên đề ANTG rất mong các cơ quan chức năng quan tâm đến vụ việc này. Bởi đơn giản, đối với một người dân đang tin rằng họ phải đi tìm công lý cho một cộng đồng, thì việc nhận được những tin nhắn có tính chất đe dọa với ngôn từ thiếu văn hóa dễ khiến họ bị nhầm lẫn khi cố tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "Ai là người muốn mình không đi khiếu kiện nữa bằng mọi giá?".

Ngày 30/12/2010, trao đổi với báo giới, ông Yeh Sheau Yeh, Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty Vedan khẳng định Vedan sẽ chuyển số tiền đợt II cho các hộ dân bị thiệt hại tại 3 tỉnh Đồng Nai, TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu trước ngày 14/1/2011, theo đúng cam kết đã được thỏa thuận vào tháng 8/2010.

Với động thái này, Vedan cho thấy mình đã hoàn tất cuộc chơi theo cách mà công ty này đặt ra. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào cách hành xử của chính quyền các cấp trong việc chi tiền bồi thường thiệt hại cho các hộ dân. Hiện tại, không khí xung quanh chuyện đền bù của Vedan ở huyện Cần Giờ vẫn đang rất nóng.

Kinh Hữu
.
.