Chuyện “hồi sinh” bảo vật hoàng cung

Thứ Tư, 01/12/2010, 06:10
Phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều thông tin về cuộc trưng bày “Bảo vật hoàng cung” tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN). Nhiều câu chuyện bí ẩn xung quanh các bảo vật được hé lộ phần nào. Trong bài này, xin kể vài mẩu chuyện vui nghề nghiệp để bạn đọc hiểu thêm về quá trình “hồi sinh” của các bảo vật.

Hành trình của các bảo vật

Năm 1945, Cách mạng thành công, Nhà nước phong kiến cuối cùng ở Việt Nam bị đánh đổ. Ông Trần Huy Liệu, thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Huế tiếp quản ấn tín của vị vua cuối cùng và thu thêm một số đồ dùng của vua và hoàng tộc. Đồ dùng của hoàng cung có lẽ ít người được nhìn tận mắt, sờ tận tay. Vài năm gần đây, khu Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu) được phát lộ và được tổ chức khai quật, nhiều cổ vật của các triều đại phong kiến trước đã được tìm thấy. Ở độ sâu từ 1,3 đến 4m (từ 2,5 đến 4m là thời kỳ tiền Thăng Long), các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết mặt bằng các công trình kiến trúc thời Đại La, thời Trần, thời Lê.

Ngoài ra còn phát hiện nhiều loại hình cổ vật của các thời kỳ này, tiêu biểu là bát, đĩa, ấm, chén bằng gốm men; một số cổ vật bằng kim loại như: tiền đồng, đồ dùng khác bằng đồng; đầu rồng, nghê và các trang trí trong kiến trúc bằng đất nung... Tất cả các cổ vật không còn nguyên vẹn. Nhưng với  những bảo vật cung đình triều Nguyễn đang lưu giữ tại BTLSVN gồm hàng chục loại, từ những đồ dùng hàng ngày như: bát, đũa, đĩa, ấm chén, chậu rửa mặt, hộp đựng trầu cau, khay, tách... cho đến những đồ thiết triều như: mũ, kiếm, ấn tín của vua, hoàng hậu và những đồ thờ: cành vàng lá ngọc, kim sách, lư hương, đỉnh... Tất cả những bảo vật này đều được làm bằng vàng, bạc, ngọc, ngà, đá quý.

Những bảo vật này giao Ủy ban kháng chiến Liên khu V lưu giữ, bảo quản và đi theo cuộc kháng chiến suốt 9 năm trời. Lúc khó khăn, Ủy ban Kháng chiến Liên khu V đề nghị Chính phủ bán để lấy tiền xung công quỹ phục vụ kháng chiến. Tuy nhiên, Bác Hồ và Chính phủ sớm nhận ra giá trị của số bảo vật này và coi đó là tài sản văn hóa vô cùng giá trị của cha ông để lại nên đã quyết không cho bán.

Hòa bình lập lại, các bảo vật được giao về Bộ Tài chính, sau mới về Bộ Văn hóa. Từ đây, các bảo vật được giao BTLSVN lưu giữ, bảo quản và phát huy. Năm 1962, một chiếc ấn trong số những bảo vật đưa ra trưng bày bị mất cắp. Công an Hà Nội phải mất một thời gian dài mới tìm ra được thủ phạm. Trước tình hình ấy, các cơ quan chức năng quyết định kiểm kê, đóng hòm niêm phong bộ sưu tập bảo vật và giữ tại kho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cũng từ đây, các thế hệ cán bộ của BTLSVN (kể cả Ban Giám đốc) không ai được nhìn tận mắt các bảo vật.

Hội đồng khoa học BTLSVN đóng góp ý kiến trong quá trình nghiên cứu, phục hồi mũ.

Sự ra đời của một dự án

Tháng 7/2007, được sự đồng ý của Chính phủ, BTLSVN nhận lại sưu tập bảo vật để bảo quản và phát huy giá trị. Như vậy, sau 9 năm tại kho của Liên khu V, 6 năm tại kho BTLSVN, 46 năm tại kho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bảo vật không được bảo quản, lưu giữ theo đúng chế độ của kho bảo quản hiện vật, không được chăm sóc và bảo quản thường xuyên, do đó rất nhiều bảo vật đang bị  xuống cấp. Trước thực tế đó, Ban Giám đốc Bảo tàng cùng các phòng, ban liên quan tổ chức khảo sát sơ bộ và quyết định sớm khắc phục với mục tiêu ưu tiên cho những bảo vật bị đe dọa nghiêm trọng, tiến tới việc bảo quản toàn bộ sưu tập này. Sự ưu tiên ấy dành cho những bảo vật sau:

6 khay trà bằng ngà, đáy gỗ đã bị mối xông mất hoàn toàn; 5 thanh bảo kiếm chuôi ngọc, nạm vàng; vỏ kiếm bằng gỗ, ngoài bọc đồi mồi đã bị hư hỏng nặng. Lưỡi kiếm bằng sắt đã bị rỉ, có nguy cơ bị mủn gãy; 4 mũ vua (mũ triều phục) đã bị hư hại toàn bộ cốt mũ và vải bọc, chỉ còn những chi tiết gắn trên mũ, nhưng cũng bị ôxy hóa và cong vênh. Những chi tiết này được đựng trong hai túi vải, một túi ghi 1 mũ thượng triều, túi còn lại ghi 3 mũ thượng triều. Tại buổi khảo sát sơ bộ, trong túi số 1 thống kê được hơn 700 mảnh, miếng, chi tiết bằng vàng, bạc và những viên đá quý nằm lẫn lộn với đất mối. Trong túi số 2, thống kê được hơn 1.400 chi tiết các loại cũng nằm lẫn lộn với đất mối.

Trên cơ sở đó, Giám đốc giao Phòng Kỹ thuật Bảo quản (KTBQ) xây dựng phương án và tìm đối tác thực hiện việc phục hồi. Nhận nhiệm vụ xây dựng phương án bảo quản và tổ chức thực hiện, một phần mừng nhưng chín phần lo. Lo vì, đây là loại hình dự án mang tính nghiên cứu khoa học về bảo quản, phục hồi những bảo vật quý hiếm quốc gia, là loại hình mới, có những đặc thù riêng. Trong lĩnh vực nghiên cứu tương đối rộng, bao gồm nghiên cứu về khoa học lịch sử, về trang trí mỹ thuật cung đình, về trang phục cung đình kết hợp việc nghiên cứu để tu bổ, phục hồi những đồ ngự dụng. Trong kho tàng cổ vật quốc gia cũng không có loại hình tương tự để đối chiếu so sánh. Việc nghiên cứu, tu sửa phục hồi chỉ dựa vào các mũ thờ, bản ảnh, các tư liệu thành văn ghi chép về áo, mũ thời vua Nguyễn. Tuy nhiên các tư liệu về ảnh rất mờ, tư liệu thành văn chỉ mô tả sơ sài, mang tính thống kê...

Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, chúng  tôi đến các đền, đình, chùa ở các địa phương khảo sát các mũ thờ, đến Huế vào các lăng tẩm và gặp một số nhà nghiên cứu về Huế, về triều Nguyễn để tìm hiểu thêm thông tin. Bằng nhiều cách tiếp cận như vậy, nên phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi các bảo vật triều Nguyễn của phòng KTBQ được đánh giá rất tốt. Tháng 11/2008, dự án được thẩm định và trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ.

Phục hồi mũ thiết triều

Đầu tiên là tạo cốt mũ. Từ các chi tiết nằm trong hai túi vải, cốt mũ không còn, nên việc xác định hình hài, form và kích thước của từng chiếc mũ là công việc nan giải. Sau nhiều lần trao đổi, kết hợp tư liệu ảnh và  xem tại các đền, đình, chùa và ở các bảo tàng, nhóm thực hiện dự án đã xác định các loại hoa văn, chi tiết sau có liên quan đến kích thước và form mũ.

Trên cơ sở dữ liệu này, cùng nhau trao đổi, bổ sung và dùng xốp để gia công các cốt mũ phụ. Để có được bốn cốt mũ chính thức, nhóm thực thi dự án phải sản xuất 56 cốt mũ phụ. Trong tài liệu (Quốc sử quán triều Nguyễn) miêu tả về mũ thì cốt mũ thường làm bằng  lông đuôi ngựa bạch, hoặc bằng đồng. Nhóm thực thi dự án quyết định dùng đồng sợi, có đường kính 0,27mm. Bắt tay vào đan cốt mũ bằng các sợi đồng, mọi người thống nhất tạo bốn cốt bằng gỗ có kích thước chính xác để làm khuôn đan. Đây là sáng kiến rất hay, nhưng khi đan các sợi đồng không căng, cốt mũ phập phồng, không dùng được.

Cuối cùng, một nghệ nhân đưa ra phương pháp dệt. Phải tạo một khung cửi giống như dệt vải để dệt thành những tấm lưới đồng, sau đó cắt khâu thành mũ. Cốt mũ bằng đồng có nhiều hình thể khối ghép lại, nên bọc lớp vải lụa bên ngoài mũ căng, phẳng cũng  rất khó. Ban dự án lại thử rất nhiều phương pháp, chọn nhiều loại vải, cuối cùng chọn được vải lụa đen, có khả năng co giãn để bọc lớp ngoài cùng của mũ.

Sắp xếp, trang trí các chi tiết và hoa văn trên mũ: Có thể nói, đây là công việc phức tạp, gian nan, vất vả nhất. Từ hai túi có hơn 2.000 chi tiết nằm lẫn lộn cùng đất mối. Đặc biệt trong túi ghi ba mũ thượng triều, trong đó gồm 3 mặt rồng phù, 5 con rồng ổ, 86 rồng con, 62 ngọn lửa, nhiều đoạn vàng trang trí bị gãy, 4 bác sơn, 2 cặp hốt thông thiên, nhiều áng mây, các băng hoa văn trang trí cùng với hàng trăm viên đá quý và những mảnh, miếng rơi ra từ các chi tiết. Trước tiên, phải vệ sinh sơ bộ để khảo sát, phân chia chúng thành từng mũ. Việc phân chia được dựa vào đặc điểm, phong cách trang trí, phong cách tạo dáng của từng loại chi tiết.

Việc tìm ra các phương án bố trí rồng các loại, hoa lửa, hoa văn khác trên mũ giống như trò chơi rubic với hàng trăm chi tiết. Mặc dù đã nghiên cứu tìm ra các quy luật, nguyên tắc cơ bản để sắp xếp, bố trí chúng. Trong bố cục sẽ có nhiều sự hợp lý, nhưng bố cục nào là hợp lý nhất khi được đặt trên mũ và phù hợp với chi tiết hoa văn khác là bài toán vô cùng hóc búa. Trong quá trình phục dựng, phải sử dụng cốt mũ phụ để bố trí sắp xếp thử rồi báo cáo xin ý kiến Hội đồng khoa học và tổ cố vấn và đổi đi, đổi lại nhiều lần sau đó mới gắn vào mũ.

Tất cả các phương án bố trí, sắp xếp  trên mũ đều phải làm đi, làm lại không dưới hai lần. Mỗi phương án bố trí các chi tiết trên mũ mất ít nhất từ 7 đến 10 ngày. Trường hợp mũ Nam giao, chúng tôi gặp may mắn, khi cả ban đang tranh luận và bàn phương án bố trí bốn thanh góc nhún có hoa văn trang trí bằng vàng thành chữ thọ và xung quanh 12 rồng chầu. Về lý giải nghe rất hợp, vì trên đầu vua có gắn chữ thọ. Nhưng khi sắp xếp bố trí vào thực tế thấy có gì đó chưa ổn. Một tình cờ, khi xem tạp chí Heritage trong mục "ướm áo nghinh xuân" có một chiếc mũ tương tự. Nhờ đó, đã tháo gỡ cho nhóm dự án được những vướng mắc.

4 chiếc mũ đã được “hồi sinh”.

Mai đồi mồi bọc ngoài bao kiếm

Để có mai đồi mồi to bọc đủ ngoài bao kiếm là rất khó. Hơn thế nữa, đồi mồi là loài động vật nằm trong Sách đỏ, tìm mua trên thị trường không dễ. Cả nhóm dự án đang tính chuyện báo cáo và xin chủ trương sử dụng đồi mồi nhân tạo. Đây là việc làm bất đắc dĩ, vì là những bảo vật quý hiếm của cung đình còn lại mà sử dụng vật liệu bảo quản thay thế không tương xứng.

Một sự tình cờ, khi chúng tôi đến làm việc ở một cơ quan, thấy trên tường treo một mai đồi mồi, hỏi ra đây là quà tặng từ thời bao cấp. Khi chúng tôi ngỏ lời rất cần mai đồi mồi về tu bổ, phục hồi  một số bảo vật triều Nguyễn. Ban đầu, vị lãnh đạo còn chút do dự, vì dẫu sao cũng là vật kỷ niệm của một thời. Nhưng khi nghe chúng tôi kể sơ qua về kho báu của các vua chúa nhà Nguyễn để lại, ông như bị cuốn hút và thích thú vì lần đầu tiên được nghe những thông tin, được nghe kể về đồ dùng của vua và hoàng hậu trong kho tàng cổ vật Việt Nam. Cuối cùng, ông đã giúp ban dự án có được mai đồi mồi về tu sửa các bao kiếm.

Có mai đồi mồi, ai cũng phấn khởi và bắt tay vào tách bóc mai thành từng miếng mỏng, có kích thước phù hợp với bao kiếm. Đây là công đoạn không ít khó khăn. Dùng lưỡi dao để bóc tách, không cắt nổi. Dùng cưa xẻ cũng không được. Bởi để lâu ngày, mai đồi mồi khô đanh lại, không dễ để gia công. Chúng tôi ngâm vào nước hàng tuần lễ không có biểu hiện gì. Biện pháp cuối cùng được sử dụng là gia nhiệt. Mỗi lần nhúng vào nước sôi, mang ra chỉ bóc tách được vài xăngtimét. Việc bóc tách được các miếng đồi mồi bọc ngoài bao kiếm để lại cho những người thực thi dự án kỷ niệm nhỏ khó quên.

6 khay trà bằng ngà, 5 thanh bảo kiếm và 4 mũ triều phục đã được các nghệ nhân, các nhà bảo quản trả lại tên. Nhìn 6 khay trà bằng ngà, với đáy bằng gỗ trắc đen bóng được làm màu giả cổ ít người biết rằng, trước đó là những thanh ngà bị sứt vỡ được bó lại. Còn 5 thanh bảo kiếm, phần gỗ của vỏ bao bị mối xông, mục nát. Đồi mồi bọc ngoài bao gỗ bị hư hỏng nhiều đoạn, đã trở lại những thanh bảo kiếm oai nghiêm.

Đặc biệt, 4 mũ thiết triều không còn hình hài chiếc mũ. Giờ đây nhìn 4 mũ Đại Triều nguy nga, lộng lẫy, uy nghiêm và rất sống động nhờ sự khéo léo của các nghệ nhân xưa đã gắn thêm những lò xo giữa đầu và thân rồng, giữa ngọn lửa gắn vào mũ, tạo sự rung rinh,  lung linh, huyền ảo. Có thể nói, đây là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác

Nguyễn Mạnh Hà
.
.