Chuyện lạ xung quanh những thương hiệu nổi tiếng thế giới

Thứ Ba, 11/09/2018, 17:38
Huyền thoại về các thương hiệu nổi tiếng đôi khi có một nửa là bắt nguồn từ những sự kiện thực tế trong lịch sử thành lập, còn lại là thành quả của trí tưởng tượng của đội ngũ nghiên cứu thị trường.

Các công ty phương Tây thậm chí còn có một thuật ngữ đặc biệt gọi là "storytelling" chuyên về tuyên truyền cũng như thêu dệt nên những huyền thoại này. Hãy cùng điểm qua một số câu chuyện liên quan đến những thương hiệu hàng đầu thế giới.

Pampers

Victor Mills - người điều hành lĩnh vực công nghệ hóa học của Procter & Gamble khi chăm sóc cháu mình đã gặp phải nhiều khó khăn khi sử dụng tã lót: thường xuyên phải thay, giặt và phơi khô chúng trước khi tái sử dụng. Lúc đó trong đầu ông đã có một ý tưởng về tã dùng một lần với lớp lót có nếp có khả năng thấm hút cao. Sau vài lần thử nghiệm với những chất liệu khác nhau, Mills đã tạo ra sản phẩm mới cho P&G, được sản xuất dưới nhãn hiệu rất phổ biến là Pampers.

Chupa-Chups

Thương hiệu Chupa-Chups được công ty Granja Asturias giới thiệu tại Tây Ban Nha vào năm 1958 của thế kỷ trước. Enric Bernat là người đầu tiên tạo ra kẹo mút có tay cầm để trẻ em có thể dễ dàng mút kẹo mà không làm bẩn tay và quần áo. Logo của sản phẩm được thiết kế bởi họa sĩ nổi tiếng Salvador Dali. Năm 1969  chính ông đã nghĩ ra hình mẫu bông hoa cho logo của Chupa-Chups còn tồn tại cho tới ngày nay. Ông cũng là người đã đề nghị không đặt logo ở bên cạnh mà đặt ở phía trên viên kẹo.

Land Rover

Logo hãng Land Rover vẫn được giữ nguyên vẹn qua 6 thập niên. Người ta nói rằng người sáng lập hãng đã lấy cảm hứng từ… hộp cá mòi. Có vẻ như một trong những kỹ sư đã quên mất bản vẽ logo. Vết dầu từ hộp cá đã được sao chép và được đề xuất làm biểu tượng mới của xe.

Lacoste

Đội trưởng đội tennis Pháp đã hứa hẹn tặng một chiếc vali cá sấu cho Rene Lacoste nếu ông giành chiến thắng tại David Cup. Vì câu chuyện này, báo chí Mỹ đã gọi Lacoste là cá sấu. Từ đó ở Pháp, biệt danh của Lacoste đã đổi thành cá sấu, trở thành biểu tượng cho sự kiên trì và bền bỉ của ông trên sân đấu. Robert George, một người bạn của Lacoste đã vẽ cho ông một con cá sấu mà sau này đã được thêu lên những chiếc áo thể thao mà các vận động viên thường mặc.

Swarovski

Daniel Swarovski đã chế tạo máy mài điện đầu tiên trên thế giới để cắt pha lê và đá quý. Việc này đã giúp ông tạo ra kim cương nhân tạo. Những viên kim cương này được đặt tên theo thợ kim hoàn nổi tiếng thế kỷ 18 - Georges Frederick Strass. Nhờ có sự nhạy bén và khiếu thẩm mỹ của Swarovski, kim cương nhân tạo được yêu thích không kém kim cương thật. Swarovski đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Apple

Người ta cho rằng một trong những ý nghĩa của logo Apple, quả táo cắn dở là để tưởng nhớ Alan Turing - thiên tài toán học, cha đẻ của máy tính hiện đại. Turing là người đồng tính, vào thời điểm đó điều này bị cấm ở Anh và bị coi là một loại bệnh tâm thần.

Năm 1952 Turing bị cáo buộc tội có hành vi không đúng đắn và bị kết tội. Ông có hai sự lựa chọn: ở tù hoặc ức chế ham muốn của mình bằng cách tiêm hormone estrogen hay còn gọi là thiến hóa học. Ông đã chọn cách thứ hai. Vì bản án, ông còn bị mất việc và quyền làm ở lĩnh vực mật mã. Cả năm, ông sống tách biệt rồi tự sát bằng xyanua. Turing đã tiêm dung dịch vào một quả táo và cắn nó. Người ta đã tìm thấy quả táo cắn dở trên bàn cạnh xác chết của ông.

Nestle

Logo ban đầu của công ty Nestle được tạo ra vào những năm 60 của thế kỷ 19: một cái tổ với ba chú chim con và mẹ. Henri Nestle đã dùng gia huy của gia tộc mình làm nhãn hiệu cho những sản phẩm đầu tiên. Vào thời điểm đó, một gia đình được coi là truyền thống gồm cha mẹ và ba đứa con. Sau đó, gần giữa thế kỷ 20, truyền thống đã thay đổi và logo cũng vậy. Hiện nay, logo của Nestle chỉ còn cái tổ với 2 chú chim con.

Ariel

Casual Friday (thứ sáu thường phục) - là một thuật ngữ để chỉ ngày mà nhân viên trong công ty không phải mặc đồng phục do công ty P&G nghĩ ra. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, P&G là công ty đứng đầu thị trường bột giặt ở Mỹ với nhãn hiệu Ariel. Tuy nhiên mặc dù công ty đã đẩy mạnh việc quảng cáo nhưng kết quả thu được vẫn không cao. Vì vậy họ đã tiến hành một khảo sát về cách giặt giũ quần áo. Theo kết quả, có tới 65% người tham gia sử dụng bột giặt và 35% chọn cách giặt khô. Họ thấy rằng, 70% khách hàng mặc đồng phục đi làm từ 5 ngày 1 tuần, sau đó đem đi giặt khô.

Hơn nữa, khảo sát chung của P&G và Levi Strauss cho thấy những nhân viên mặc quần áo thường ngày làm việc sáng tạo hơn và  hiệu quả hơn những người mặc đồng phục. Vì thế, P&G đã quyết định cho phép nhân viên mặc quần áo thường đi làm vào thứ 6. Điều này đã được quảng bá trên báo chí và được nhiều tập đoàn làm theo. Kết quả là thị trường bột giặt đã tăng 20%.

Heinz

Khi mua tương cà của hãng này, hãy chú ý đến dòng chữ ở phía trên "57 Varieties" (57 loại). Có câu chuyện kể rằng, vào mùa thu năm 1896, Henry John Heinz đang đi dạo quanh New York thì nhìn thấy quảng cáo của một cửa hàng giày giới thiệu cho khách hàng "21 kiểu giày".  Tương tự  như vậy, ông quyết định đếm số lượng sản phẩm mà nhà máy sản xuất. " Tôi đếm được hơn 57 nhưng con số 57 cứ ở trong đầu tôi - Henry Heinz nhớ lại - Con số 7 có sức hấp dẫn mà các số 58 hay 59 hoàn toàn không có". Một tuần sau, "57 Varieties" xuất hiện trên nhãn tất cả các sản phẩm của Heinz.

Adidas và Puma

Được biết, tên công ty Adidas là để tỏ lòng kính trọng với một trong những người sáng lập Adolf  Dassler. Còn Puma thì được thành lập bởi người anh Rudolf Dassler. Adolf và Rudolf Dassler đã cùng nhau mở một xưởng làm giày thể thao. Adolf sở hữu phẩm chất của một nhà thiết kế còn Rudolf thì là một nhà tiếp thị.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai và cái chết của cha, hai anh em đã cãi nhau kịch liệt và chia đôi công ty Dassler. Thị trấn ở Đức  Herzogenaurach do hậu quả của trận cãi nhau này cũng bị tách làm đôi. Công nhân hai nhà máy đi tới những quán rượu riêng, uống loại bia khác nhau, con của họ đi học ở những trường khác nhau. Hai công ty có đội bóng riêng. Và cho đến nay nhân viên của công ty sẽ bị sa thải nếu bị nhìn thấy mặc quần áo hoặc đi giày của đối thủ.

Hạnh Trang (tổng hợp)
.
.