Chuyện mổ nhầm ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Thứ Tư, 21/04/2010, 11:20
Bác sĩ Hương thừa nhận trong trường hợp này khuyết điểm của bác sĩ là mổ xong bác sĩ phải thông báo ngay trường hợp này không phải là chửa ngoài dạ con để bệnh nhân biết và phối hợp...

Bác sĩ mổ... nhầm

Gặp chúng tôi, anh Đào Minh Cường vẫn chưa hết hoang mang khi kể lại câu chuyện "khó tin nhưng có thật". Ngày 5/3, vợ anh là chị Dương Thị Trang, ở xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) xuống Hà Nội thăm chồng. Vợ chồng mới cưới nhau được mấy tháng và đang rất mong có con, vì thế khi nghe vợ nói đã bị chậm ngày, hai vợ chồng quyết định vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám cho chắc.

Vào bệnh viện, sau khi khám, siêu âm, bác sĩ chẩn đoán chị Trang chửa ngoài tử cung và hẹn về theo dõi thêm 3 ngày nữa đến khám lại.

Ngày 8/3, hai vợ chồng lại vào bệnh viện. Lần này, sau khi siêu âm, bác sĩ vẫn xác định chị Trang chửa ngoài tử cung và chỉ định phải mổ ngay ngày hôm sau vì nếu để sẽ rất nguy hiểm.

Ngày 9/3, chị Trang được bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi. Sau khi mổ, bác sĩ còn nói kết quả tốt. Mất một ngày nằm viện, chị Trang được bác sĩ cho ra viện và hẹn 1 tháng sau đến khám lại. Trước khi ra viện, bác sĩ điều trị Đặng Vũ Hà còn kê cho chị Trang một đơn thuốc gồm 10 viên Zotinat 200, 20 viên Aiphachymtrycin 5g và 1 hộp Tavitmax.

Yên tâm vì đã được "bác sĩ Hà Nội" mổ, chị Trang uống hết số thuốc bác sĩ cho và chờ đến ngày khám lại. Ngày 10/ 4, chị Trang đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám lại theo đúng lịch hẹn. Tại đây, sau khi khám và siêu âm, bác sĩ bất ngờ thông báo rằng chị Trang đang có thai và tuổi thai là 9 tuần 5 ngày. Nghe bác sĩ thông báo, thay vì vui mừng, hai vợ chồng chị Trang bàng hoàng không hiểu tại sao.  

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Cường kể rằng dù chi phí cho lần đi viện của vợ hết gần chục triệu, nhưng cả hai gia đình ai cũng bảo may mà xuống Hà Nội khám nên phát hiện sớm chứ cứ ở nhà thì có khi còn nguy hiểm tới tính mạng.  Bây giờ nỗi lo lắng lớn nhất của vợ chồng anh Cường và cả hai gia đình là nếu để thì không biết cái thai có bị ảnh hưởng gì không vì khi mổ cho chị Trang, bác sĩ đã phải tiêm thuốc mê, sau đó lại uống thuốc kháng sinh.

"Suốt từ hôm đi khám lại đến giờ, gần 1 tuần rồi nhưng vợ chồng em, cả bố mẹ hai bên, đều mất ăn mất ngủ vì lo. Có người khuyên vợ chồng em nên bỏ cái thai đi nhưng chúng em sợ đứa con đầu mà bỏ thì sau này sẽ khó có con vì thấy nhiều người bị vô sinh. Mà không biết khi mổ, người ta có còn cắt mất cái gì không. Cứ nghĩ từ quê cất công xuống Hà Nội khám cho yên tâm, chẳng ngờ lại gặp phải chuyện thế này?".

"Bệnh viện xin trả lại viện phí và có trách nhiệm với bệnh nhân"

Lâu nay, việc chẩn đoán nhầm dẫn tới mổ nhầm không phải là chuyện hiếm, nhất là với những bệnh viện tuyến dưới, nơi mà ngoài trình độ bác sĩ còn hạn chế thì còn rất thiếu thốn về trang thiết bị. Nhưng với một cơ sở y tế lớn và lại chuyên sâu về sản như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì quả là "chuyện khó tin nhưng có thật". Vì sao lại có câu chuyện này? Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã có buổi làm việc với bác sĩ Tô Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bác sĩ Hương cho biết chị Trang vào viện ngày 8/3 và được mổ nội soi vào lúc 13h ngày 9/3. Trong quá trình mổ, không tìm thấy khối chửa ngoài tử cung nên bác sĩ đã quyết định ngừng phẫu thuật lại ngay.

Theo bác sĩ Hương, chửa ngoài dạ con là rất nguy hiểm bởi nếu phát hiện muộn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ. Vì vậy hiện bệnh viện đã đầu tư cả hệ thống thiết bị chẩn đoán sớm, cùng với siêu âm và xét nghiệm sinh hóa, có thể phát hiện rất sớm các trường hợp chửa ngoài dạ con sau khi thụ thai khoảng 14 ngày là có thể phát hiện được. "Nhưng trong hàng ngàn ca chẩn đoán sớm đó sẽ có một vài ca sai sót. Nhưng sai sót này không gây ảnh hưởng gì vì mổ nội soi chỉ là một phẫu thuật vi phẫu".

Không những thế trong 5 tuần đầu mang thai, nhiều trường hợp siêu âm và xét nghiệm sinh hóa cũng không phát hiện ra. Với những trường hợp khó như vậy thì có thể vẫn phải dùng tới phương pháp mổ nội soi để... chẩn đoán. Với trường hợp của chị Trang, dù bác sĩ đã chẩn đoán sai dẫn đến một "cuộc mổ không cần thiết" nhưng cũng không ảnh hưởng gì bởi "cuộc mổ này chỉ là một quan sát rất nhanh và không cắt bỏ bất cứ thứ gì của sản phụ" - bà Hương khẳng định.

Bác sĩ Hương thừa nhận trong trường hợp này khuyết điểm của bác sĩ là mổ xong bác sĩ phải thông báo ngay trường hợp này không phải là chửa ngoài dạ con để bệnh nhân biết và phối hợp. 

Trả lời băn khoăn của chúng tôi liệu thai nhi có bị ảnh hưởng bởi thuốc mê và cả những loại thuốc được bác sĩ kê cho sau khi mổ? Bà Hương khẳng định qua siêu âm thai, hiện chị Trang đang mang thai được hơn 9 tuần và hình ảnh thai rất tốt. "Bệnh viện đã kiểm tra toàn bộ các loại thuốc và thấy không có thuốc nào cấm chỉ định đối với phụ nữ có thai nên thai không bị ảnh hưởng".

Để sửa sai vì đã tiến hành một "cuộc mổ không cần thiết và không thông báo cho bệnh nhân biết", tại cuộc gặp với gia đình chị Trang, bệnh viện đã đề nghị được trả lại toàn bộ tiền viện phí và một số chi phí khác tổng cộng là 5 triệu đồng. Bệnh viện cũng cam kết là sẽ có trách nhiệm theo dõi chị Trang từ nay tới khi sinh. Trong quá trình bệnh nhân mang thai, bệnh viện có theo dõi sàng lọc từng giai đoạn và sẽ thông báo cho bệnh nhân.

Bà Hương cho biết bà đã cho số điện thoại di động của bà và của Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp để chị Trang có thể liên lạc bất cứ lúc nào khi có yêu cầu và bệnh viện luôn sẵn sàng phục vụ tốt nhất.

Tuy nhiên, cho tới lúc này, giữa bệnh viện và gia đình chị Trang vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết

Nguyễn Thiêm
.
.