Chuyện oái oăm ở xứ Maroc

Thứ Tư, 25/04/2012, 11:15

Maroc có thể nói là nơi có những chuyện oái ăm nhất thế giới, từ những chuyện trong xã hội tới luật pháp của đất nước.

Đàn ông xứ Arập cũng bị bạo hành!

Một tổ chức phi chính phủ tại Maroc vừa đưa ra một báo cáo đánh giá tình trạng bạo hành gia đình mà đối tượng bị hại là… đàn ông. Tổ chức có tên là "Mạng lưới bảo vệ nam quyền tại Maroc" đưa ra con số hơn 4.000 đàn ông bị vợ bạo hành từ năm 2008 đến cuối năm 2011, chiếm 20% các vụ bạo hành thể chất tại đất nước Arập này.

Bạo hành gia đình chống đàn ông thường xảy ra ở các địa bàn đô thị, nhất là các thành phố lớn. Như Bayda - thủ đô kinh tế của Maroc chiếm tới 80% các vụ bạo hành đàn ông được ghi nhận. Phương tiện gây án chủ yếu được các bà vợ dùng để "xử lý" chồng là dụng cụ nhà bếp, như dao và các vật dụng sắc nhọn khác. Các dụng cụ này được dùng để đe nẹt hoặc trực tiếp xâm phạm thân thể các ông chồng, để lại vết thương hoặc bầm tím. Cũng không ít trường hợp bạo hành tâm lý, như "cấm vận tình dục", đe dọa, khiêu khích hoặc xúc phạm danh dự.

Mạng lưới bảo vệ nam quyền là tổ chức duy nhất loại này tại Maroc. Tổ chức này luôn lắng nghe để chia sẻ nỗi bức xúc của các đấng nam nhi bị phái đẹp bạo hành, động viên tâm lý cho họ và tư vấn pháp luật giúp họ vượt qua tình trạng khủng hoảng tâm lý, tránh những hậu quả nghiêm trọng do bế tắc cách xử lý tình huống rất hóc búa này.

Tình trạng bạo hành đàn ông ở Maroc chẳng những diễn ra trong phạm vi các giai tầng xã hội bình dân và ít học, mà còn có cả trong những gia đình học vấn thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả. Đối tượng phụ nữ bạo hành cũng có đủ các ngành nghề, từ phổ thông đến cao quý.

Một người chồng tên là Mohammed F. liên hệ với Mạng lưới bảo vệ nam quyền để giãi bày trường hợp của mình. Anh này bị vợ tấn công bằng bất cứ thứ gì mà cô ta vớ được. Một lần, cô vợ ném cả cốc nước vào mặt khiến anh chồng chảy máu mũi. Lần khác, cô ta dội cả cốc trà nóng vào đùi chồng. Đó là chưa kể những lời quát tháo oang oang khiến Mohammed muốn điếc tai! Anh này cho rằng cô vợ có bản tính mạnh mẽ và gia trưởng. Trong khi anh ta thì hiền lành và hòa hiếu. Cá tính này là hậu quả của việc thời thơ ấu cô này đã chịu một phương pháp giáo dục hà khắc của cha mẹ.

Bác sĩ Hameed Afraz - chuyên gia tâm lý giải thích cấu trúc thần kinh và tâm lý của một số phụ nữ tạo thành một nhân tố quyết định cho hành động của họ khi bạo hành chồng. Họ dồn nỗi bực dọc lên những người gần gũi mình như một cách giải thoát khỏi gánh nặng tâm lý dồn nén đối với họ. Ông cũng đưa ra những yếu tố khác góp phần dẫn đến tình trạng vợ bạo hành chồng là có khi gặp những ông chồng quá nhu mì, trốn tránh trách nhiệm gia đình. Chính sự nhu mì ấy lại tạo ra những bức xúc cho các bà vợ. Đó là chưa kể đến tình trạng phụ thuộc tâm lý của người chồng vào vợ mình, cụ thể là lo sợ mất quyền chính đáng được "chung đụng" với vợ.

Tình trạng này khiến một số bà vợ dùng "cái giường" làm “vũ khí” để áp bức chồng mình. Đó là một kiểu bạo hành tâm lý. Người vợ nhiều khi vô cớ "cấm vận chuyện chăn gối" với chồng nhằm buộc chồng phải đáp ứng một nhu cầu cụ thể nào đó.

Bác sĩ Mohammed Qotaybi - nhà nghiên cứu xã hội học của Đại học Rabat nói: Eo hẹp kinh tế gia đình cũng là một áp lực đối với phụ nữ, nhất là đối với những người vợ buộc phải ra khỏi nhà làm việc vì kế sinh nhai. Những phụ nữ này thường cáu gắt và có thể bạo hành chồng, đặc biệt với các ông chồng không thể làm trụ cột gia đinh về kinh tế, thậm chí thất nghiệp, để vợ phải làm việc nuôi mình.

Tình trạng này cũng khiến nhiều ông chồng bị bạo hành không dám công khai "chuyện" của họ. Bởi thế, nhiều trường hợp bạo hành chống đàn ông không được ghi nhận. Nhiều ông chồng chịu bạo hành mà không dám tiết lộ về nỗi bức xúc của mình. Đây là tâm lý phổ biến trong một xã hội nam quyền ngự trị như tại Maroc. Nơi mà đàn ông trong gia đình luôn được tuân lệnh và mọi đòi hỏi của "ông chủ" với vợ đều phải được thỏa mãn.

Tình trạng này tuy vậy cũng không thể so sánh được với nạn bạo hành gia đình mà nạn nhân là các bà vợ. Theo thống kê, có tới 4.700 vụ bạo hành phụ nữ tại Maroc được ghi nhận mỗi năm.

Miễn tội cho kẻ hiếp dâm nếu chịu cưới nạn nhân

Bà Fauzi Asouli - Chủ tịch Hội Dân chủ vì nữ quyền Maroc nói với phóng viên Hãng tin AFP rằng, cô Ameena al-Faylali, 16 tuổi đã tự tử vào ngày 10/3 vừa qua tại huyện al-Ara'ish gần thành phố Tanja ở miền Bắc Maroc để phản kháng việc phải làm vợ kẻ đã hãm hiếp mình. Đám cưới của cô này diễn ra cách đây 5 tháng tại tòa án gia đình huyện al-Ara'ish sau khi đôi bên gia đình đạt được thỏa thuận hòa giải, theo đó, gia đình nạn nhân chấp nhận để kẻ phạm tội cưới con gái mình làm vợ, để y khỏi bị trừng phạt vì tội hiếp dâm.

Chuyện kỳ cục này dựa theo điều 475 của Luật Hình sự hiện hành tại Maroc. Điều khoản này quy định: "Kẻ hiếp dâm được miễn tù nếu cưới nạn nhân làm vợ".

Bà Asouli cho rằng điều khoản của luật này tuy được coi là nhằm "bảo vệ danh dự cho gia đình người bị hại", nhưng lại không đếm xỉa gì đến quyền của chính người bị hại. Luật sư Khaleel Idreesi thuộc Đoàn luật sư thủ đô Rabat cho rằng điều luật này cần phải được sửa đổi để đảm bảo quyền của phụ nữ.

Vụ cô dâu vị thành niên tự tử vì phải cưới kẻ đã cưỡng hiếp mình bỗng trở thành đề tài tranh luận trong cuộc họp hằng tuần của Chính phủ Maroc, bởi vụ này đã gây chấn động trong xã hội và phản ứng từ nhiều tổ chức nhân quyền. Dư luận chung phê phán Luật Hình sự hiện hành cho phép miễn tội cho kẻ cưỡng hiếp nếu cưới nạn nhân làm vợ. Hơn nữa, cô gái xấu số đã liên tục khiếu nại vì trong suốt thời gian 5 tháng phải làm vợ kẻ đã cưỡng hiếp mình, cô thường xuyên bị chồng đánh đập, nhưng đã không nhận được sự trợ giúp nào, khiến cô phải tự giải thoát bằng một cái chết thương tâm.

Ông Mustafa al-Khalfi - Bộ trưởng Thông tin đồng thời là người phát ngôn của Chính phủ Maroc trình bày quan điểm: có thể nói cô Ameena đã bị cưỡng bức tới hai lần. Lần thứ nhất là bị cưỡng hiếp. Lần thứ hai là khi buộc phải làm vợ kẻ đã cưỡng hiếp mình. Ông Al-Khalfi cho rằng cần phải xem lại điều luật hiện hành cho phép kẻ cưỡng hiếp được miễn tù nếu chịu cưới nạn nhân

Trần Thanh (tổng hợp)
.
.