Chuyện vườn tượng: “Mệt quá thân ta này…”

Thứ Sáu, 08/06/2012, 16:10

Vừa qua, hay tin bức tượng đồng, chân dung cụ Phan Bội Châu (nặng 5 tấn, cao 2m55), của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, đã được phép bày ra ở Công viên 19 Lê Lợi, TP Huế, nhìn ra cầu Trường Tiền; sau 37 năm (từ 1975 đến 2012) bị khuất lấp trong ngôi nhà chật hẹp, đã làm nức lòng mọi người. Nghĩ thấy mừng nhưng lại thật tủi cho số phận một tác phẩm điêu khắc lớn và có giá trị vào hạng bậc nhất hiện nay bị hắt hủi bao năm. Thiết ngẫm lại càng thấy thương cho số kiếp nhiều tượng của các nhà điêu khắc đang “không chốn nương thân”. Chúng đang ngày càng bị rơi vào quên lãng và tàn tạ theo thời gian…

Hẩm hiu những vườn tượng

Không biết bao nhiêu trại điêu khắc đã được tổ chức hơn nửa thế kỷ qua, tuy có không ít tác phẩm được chọn bày ở những nơi công cộng, tạo thành những vườn tượng; nhưng xem ra mọi chuyện chỉ bày ra cho có và những vườn tượng ấy cùng chịu chung số phận buồn thảm, trước con mắt thờ ơ của mọi người.

Nếu ai có dịp dạo qua vườn tượng ở thành phố Việt Trì, sẽ thấy nào là "Vua Hùng", hay "Mỵ Châu", hoặc "Bọc trứng Âu Cơ"… đều dầm mưa dãi nắng thì đã đành, chúng còn bị cỏ hoang mọc um tùm che lấp và đây đó có mùi xú uế. Dường như mọi người đều biết, hơn 30 tác phẩm chọn lọc của các tác giả nổi tiếng trong nước và quốc tế, qua trại sáng tác mới có được. Nhưng xem ra mấy năm qua, những bức tượng ấy đã trở thành xa lạ, chẳng mấy ai để ý. Vườn tượng trở nên hoang dại giữa chốn đông người qua lại.

Khi nhắc đến các bức tượng được bày xúm xít bên bờ sông Hương ở Huế thì hẳn ai cũng thấy đau lòng. Bởi lẽ vườn tượng ấy là sản phẩm của 5 kỳ tổ chức trại điêu khắc qua các Festival Huế, nhưng lại bị phá vỡ, chặt chém và xô đổ. Lòng tham của con người thật kỳ lạ, chỉ vì vài cân đồng, hay sắt, mà họ thẳng tay cưa cắt, đục phá những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, đánh dấu một thời đoạn rực rỡ của ngay chính quê hương mình. Nhưng câu chuyện đáng nói ở đây là sự quay lưng của chính những người tổ chức. Vườn tượng bị bỏ rơi. Do vậy không có người phá hoặc lấy cắp mới là sự lạ.

Chẳng cứ ở những địa phương mà ngay ở các thành phố lớn như TP HCM hay Hà Nội, những vườn tượng cũng để lại những hậu quả không kém về mặt quản lý. Quan sát vườn tượng ở Công viên Tao Đàn, Q1, TP HCM, mới thấy quá chật chội, hàng chục tượng chen chúc và lộn xộn về sắp đặt, bố cục. Bên cạnh chúng còn một khu mộ cổ của một dòng họ nào đó, nom nhếch nhác tạo một cảm giác vườn tượng như một nghĩa trang, mà mỗi bức tượng lạnh lẽo như bị đông cứng lại, vô cảm.

Tình trạng vườn tượng ở Hà Nội, một số nơi có tình trạng thảm hại không kém. Riêng nhóm tượng ở vườn hoa trước đền Ngọc Sơn thì xơ xác làm sao. Đa số tượng thì nhỏ bé và đơn điệu về bố cục. Hiện có tượng đã bị mất còn trơ lại cái đế. Có một số bức thì chân đế bị vỡ bung, những viên gạch men ghép xung quanh sứt mẻ, nát bét. Hẳn các nhà điêu khắc được chọn trưng bày trong vườn tượng như vậy, quả thấy cay đắng cho những đứa con tinh thần của mình, đã bị bỏ rơi cho đến chết thì thôi.

“Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời…”
(Ngẫu nhiên - Trịnh Công Sơn)

Cùng tình trạng này, những bức tượng bày ở vườn hoa Bách Thảo, Hà Nội đã bị xuống cấp một cách nẫu ruột. Ở đây, nghệ thuật sắp đặt bị loại trừ, dường như nhà tổ chức không quan tâm giá trị của từng tác phẩm độc lập, nên co cụm lại trong một không gian chật hẹp. Vì lẽ đó, ánh sáng của từng tác phẩm không được hắt lên vẻ lấp lánh mà chúng lại triệt tiêu nhau tạo nên cảm giác khó thở. Hiện có bức thì bị kẻ xấu phá thủng, vì chất liệu làm vỏ tượng quá mỏng; mấy bức tượng sắt thì đều bị hoen rỉ, rỗng ruễnh chân đế hay bị mẻ, thủng hoặc bung các mối hàn. Chúng trở thành đống sắt vụn không hơn không kém…

Đó là thực trạng của những bức tượng được bày đặt công khai giữa trời đất, còn thân phận của hàng trăm tác phẩm điêu khắc khác thì sao? 

Hoa cỏ ôm tượng ở Việt Trì.

Tượng bị giam tù hay lãnh án "Tử"

Nhắc đến sự kiện bức tượng "Phan Bội Châu" của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, sau 37 năm mới được bày ra để phản ảnh tình trạng thê thảm của nhiều tác phẩm điêu khắc còn lại, hiện đang nằm trong bóng tối mịt mùng, không có lối thoát.

Mới đây, Trường đại học Nghệ thuật Huế kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (4/2012), mới lộ ra một điều là trường không hề có nhà trưng bày hay nhà truyền thống lưu giữ những tác phẩm có giá trị của hàng trăm giáo viên, sinh viên, qua nhiều khóa đào tạo. Trong số đó ta thấy, không ít tên tuổi các họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng ở Huế, như Tôn Thất Văn, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Lê Thành Nhơn, Tôn Thất Đào… Vậy mà, hầu như hàng trăm bức tượng khác của các học sinh tốt nghiệp hoặc các trại sáng tác đều bị “nhốt” trong kho, hay bỏ ngoài trời. Họa sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng của trường ngậm ngùi nói: Nhiều tác phẩm của các tài năng trẻ qua hàng chục thế hệ được đào tạo đã bị hỏng hóc, phải chất đống để tiêu hủy. Đấy là sự xót xa khó tưởng tượng nổi.

Gần đây nhất, nhà điêu khắc nổi tiếng Đào Hải Châu, ở Hà Nội, nguyên giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã cho biết, hiện ông cũng chỉ giữ được khoảng một phần tư tác phẩm của mình là cùng, số còn lại đành cay đắng đập đi vì không có chỗ bày. Ông còn nói rằng, nhiều sinh viên có những tác phẩm tốt nghiệp rất khá, có giá trị, nhưng đa phần bị phá hủy, hoặc chôn xuống đất, cũng chỉ vì không có phòng trưng bày hoặc kho lưu trữ.

Hiện trạng những bức tượng bị cất kho, không chỉ diễn ra ở các trường mỹ thuật, mà còn xảy ra ngay tại các bảo tàng mỹ thuật ở Hà Nội hay các tỉnh lớn. Nhà điêu khắc người Chăm, Đàng Năng Thọ kể rằng, nay muốn xem lại tượng của mình cũng khó. Bởi lẽ được tiếng là các bảo tàng mua, nhưng thực ra các tượng đó lại bị “nhốt” trong kho, sau một thời gian trưng bày ngắn ngủi mà thôi. Một cán bộ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, các bức tượng sẽ được luân phiên bày, chứ diện tích đâu có nhiều để bày hết những tác phẩm mà Bảo tàng đã mua. Cái khó bó cái khôn là vì vậy chăng (!?).

Hiện có một số các nhà điêu khắc đã tự thân vận động, bằng cách tự tìm nơi bày tượng của mình và tạo điều kiện cho bạn đồng nghiệp cùng chung tay góp sức. Tuy vậy, việc làm này chỉ tự phát và cũng không phải ai cũng có điều kiện tậu đất, làm nhà cho tượng trú mưa, tránh nắng gió được. Ngay xưởng của nhóm điêu khắc trẻ ở TP HCM; gồm một số tác giả khá nổi tiếng, hoạt động theo hướng này khá đều đặn, như Bùi Hải Sơn, Hoàng Tường Minh, Trần Thành Nam, Phan Phương…; đặt ở Thủ Đức đã trở nên chật chội, nhiều tượng của họ đã phải bày ra vỉa hè, hoặc đặt rải rác ở các bụi cây. Vậy xem ra, có say nghề đến mấy cũng không khỏi lo toan hay nản lòng, vì thành quả của mình bị hắt hủi và thiếu sự hợp tác của cộng đồng. Còn nói việc làm sao để tượng có sức thu hút và tạo nên một thị trường, thì thôi rồi, điều đó chỉ có bắc thang lên hỏi ông trời (!?).

Xúm xít tượng ở vườn Tao Đàn.

Có hẳn là lực bất tòng tâm?

Hiện trạng xuống cấp của những vườn tượng ở một số trung tâm văn hóa lớn trong cả nước và hàng đống tượng phải hủy đi, hay chôn xuống đất đang là vấn đề bức xúc, không những cho người thưởng ngoạn mà còn là nỗi ai oán khôn cùng của các nghệ sĩ sáng tác, bởi lẽ đó là máu, mồ hôi và nước mắt của họ đã bị sự lạnh nhạt, thờ ơ của các cấp quản lý. Trong khi đó có người biện bạch, lãnh đạo cũng lực bất tòng tâm, chứ họ không sao nhãng trông nom.

Thực ra, mặt bằng không bao giờ thiếu đối với những yêu cầu khiêm tốn của các tác phẩm điêu khắc có giá trị. Đến nỗi để tác giả phải chôn tượng xuống đất để giữ lại tác phẩm của mình, quả là bất đắc dĩ. Nhưng hành vi đó lại chứng minh thêm sự tắc trách của các nhà quản lý, bởi lẽ họ có muốn gìn giữ hay không thôi. Ngoài cái tâm còn là cái tầm của chính họ. Nếu đánh giá đúng giá trị nghệ thuật, tất nhiên đã được chọn lọc kỹ và coi trọng những bức tượng, thì hẳn chỉ cần bớt một phần nhỏ của các dự án sân golf, hay các khu vườn sinh thái đang tràn lan như hiện nay là thừa đủ để lưu trữ những tác phẩm của hàng trăm nhà điêu khắc đã được đào tạo và làm nên những thành tựu trong thời gian qua.

Và ngay tại các khu du lịch, nghỉ mát hoặc cả những khu đô thị dân sinh mới, đang mọc lên như nấm hiện nay, các nhà đầu tư cần tạo những không gian kiến trúc cho tượng, tạo cảnh quan có ý tưởng nhân văn qua các tác phẩm. Điều đó hay biết bao. Thị trường là ở đấy chứ đâu. Và lẽ dĩ nhiên, khi ấy các nhà điêu khắc không còn bi quan chán nản bỏ nghề giữa chừng chỉ vì không “chốn dung thân” cho tượng

Vương Tâm
.
.