Cô gái chinh phục 3 trường đại học danh tiếng của Mỹ

Thứ Ba, 21/01/2020, 12:51
Ngọc Hà nhận được lá thư của trường đại học Rochester chấp thuận vào mùa ED (mùa sớm) với học bổng toàn phần danh giá trong đó có 10 ngàn đô la cho nhà lãnh đạo trẻ. Ngoài ra, Hà còn được 2 trường đại học khác gọi tên.

Có lẽ, không có niềm hạnh phúc nào hơn vì em đã chạm tay tới giấc mơ của mình. từ câu chuyện của Hà, ta có thể hi vọng về một thế hệ trẻ Việt Nam đầy ý chí và khát vọng.

1. Tôi ấn tượng với một cô gái cao ráo, xinh đẹp và luôn toát ra sự tự tin, chững chạc của Ngọc Hà. Hà đang học lớp 12 chuyên Anh trường Đại học Sư phạm. Cô bé sở hữu một hồ sơ mơ ước với rất nhiều giải thưởng: giải Quốc gia tiếng Anh năm lớp 11; IELTS 8.5, các giải tranh biện trong, ngoài nước và rất nhiều các hoạt động ngoại khóa ấn tượng.

Mới đây nhất, Ngọc Hà đạt giải nhì tiếng Anh trong kỳ thi Quốc gia 2019-2020. Nhưng có lẽ, điều ấn tượng với tôi không phải là hồ sơ đẹp của Hà mà bởi chính những khát vọng, tư chất toát ra từ nội lực của cô gái ấy. Mới đây, Ngọc Hà gây “bão” trên cộng đồng mạng trong cuộc thi Debaters do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức bởi khả năng nói tiếng Anh cực siêu và những lý lẽ khác biệt, “làm việc lương thấp cũng được, miễn là sáng dậy vui vẻ đi làm”.

Ngọc Hà (bên phải) trong cuộc thi Debaters.

Chỉ còn mấy tháng của tuổi học trò để chuẩn bị cho một chặng đường du học dài phía trước, Hà vẫn tất bật với những kế hoạch và dự định. Hà kể cho tôi nghe về giấc mơ du học được nuôi dưỡng từ những ngày còn nhỏ. Hà còn nhớ, lúc lên lớp 7, chị gái đi du học Mỹ.

“Em vẫn còn nhớ lúc tiễn chị ra sân bay, mẹ nước mắt đầm đìa nhưng chị gái, lưng đeo balo tay kéo vali, vẫn rất kiên cường. Cũng từ đó, chị kể những câu chuyện về cuộc sống, học tập bên đấy đã khơi dậy niềm đam mê trong em. Từ lúc học cấp 2, em đã bị hấp dẫn bởi giáo dục đại học Mỹ - về những lý tưởng về tự do và sáng tạo trong việc tìm tòi tri thức. Em yêu thích sự cá nhân hóa trong giáo dục Mỹ, thích sự toàn diện trong quá trình tuyển sinh và cũng thích cách các trường đại học xây dựng một mạng lưới và cộng đồng trong trường. Những câu chuyện của chị đã là một điểm tựa chắc chắn để em quyết định du học Mỹ”.

Và để thực hiện giấc mơ đó, Hà đã có những năm tháng của tuổi học trò sôi động và nhiều màu sắc và vô cùng bận rộn. Việc học tập ở môi trường chuyên Sư phạm giúp em phát huy được cá tính của mình. Trước hết, năm lớp 10, lớp 11, Hà tham gia các hoạt động tranh biện và hùng biện. Hai hoạt động này không chỉ dạy Hà cách trình bày ý tưởng, giao tiếp với đám đông mà còn cung cấp cho em nhiều kiến thức về xã hội và triết học. Từ đó, Hà thực hiện một dự án nghiên cứu với Viện Kinh tế và tự thành lập dự án về chủ đề Công dân toàn cầu.

Hà quan niệm: “Với em, dự án ngoại khóa không phải là để cho hồ sơ đẹp mà là để học hỏi, trưởng thành và cống hiến cho cộng đồng”. Cũng nhờ khả năng học tiếng Anh tốt, ngay từ năm lớp 10, Hà đã thành lập một dự án mang tên “Lilly of the Valley” - với mục đích dạy tiếng Anh tình nguyện ở trại trẻ SOS.

Trong 2 tháng mùa hè lớp 10, em đã phát triển giáo án, tuyển tình nguyện viên dạy học để mang đến những lớp tiếng Anh nhấn mạnh kỹ năng nói và tương tác giữa người dạy và học sinh cho các em từ tiểu học đến trung học cơ sở. Dự án không chỉ dạy cho Hà những kỹ năng lãnh đạo cơ bản mà còn giúp em hiểu được thế nào là “bất bình đẳng về cơ hội”, chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.

Tôi hỏi Ngọc Hà, điều gì ấn tượng ở Hà khiến trường đại học top 29 của Mỹ, Rochester nhận với một khoản hỗ trợ tài chính mơ ước? Hà nói: “Họ ấn tượng với khả năng lãnh đạo và đam mê học tập của em. Em nghĩ điểm nhấn của mình là có một sự kết hợp vừa đủ giữa việc có thành tích học thuật xuất sắc và hoạt động ngoại khóa có chất riêng.

Nguyễn Thị Ngọc Hà, học sinh lớp 12 Chuyên Anh Trường trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Em vừa có những thông số “cứng” cao ví dụ như 1510 SAT hay giải quốc gia, vừa có những hoạt động ngoại khóa thể hiện đam mê bản thân như là dự án nghiên cứu hay dự án Công dân toàn cầu làm về giáo dục người trẻ. Chính vì thế, ngoài việc hỗ trợ tài chính, trường còn dành cho em học bổng Wilder về lãnh đạo trẻ mang giá trị 10.000 đô một năm”.

2. Ngọc Hà sinh ra trong một gia đình trí thức có gốc gác từ mảnh đất hiếu học Hà Tĩnh. Bố Hà là phó giáo sư, tiến sĩ luật học Nguyễn Cảnh Quý. Mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ xã hội học Đặng Thị Ánh Tuyết. Chính môi trường tri thức đó đã vun đắp cho cô bé Ngọc Hà niềm say mê, yêu thích và khát vọng vươn tới những đỉnh cao của tri thức.

Chị Tuyết, mẹ của Hà kể, từ khi còn nhỏ, Ngọc Hà đã rất thích đọc sách. Trong ký ức của chị về cô con gái bé nhỏ đó là những ngày tháng ngồi vắt vẻo sau xe mẹ lên tận Đinh Lễ mua sách. Chị kể, Ngọc Hà có khả năng “nghiện đọc” sách, đọc bất cứ ở đâu, thời gian nào. Ngay từ năm lớp 9, Ngọc Hà đã thiên hướng lựa chọn sách về triết học, khoa học chính trị, luật để đọc. Đó là nền tảng để Ngọc Hà có những thành công trong các cuộc thi tranh biện bằng tiếng Anh.

“Tôi vẫn rất nhớ cảm giác hạnh phúc cùng con vào những năm con học cấp II hằng tuần “thăm hỏi” tận tình các nhà sách ở phố Đinh Lễ và nhớ nhất là nhà sách Lâm (vì con nói nhà sách này nhiều sách ngoại văn nhất và giá ưu đãi)”. Chị Tuyết chia sẻ.

Còn với Hà, đọc sách là một điều không thể thiếu trong cuộc đời. Bởi đọc sách là cách nhanh nhất để tiếp cận tri thức và ngoài ra, đọc sách là cách để em hiểu hơn về bản thân.

Ngọc Hà trong cuộc thi ấn tượng Debaters.

“Với em, sách mang vai trò khuyến khích, để em hiểu hơn về suy nghĩ của tác giả và từ đấy có suy nghĩ của riêng mình. Em sẽ không gọi đọc sách là một “niềm đam mê” mà chỉ đơn giản là cách học của em mà thôi và người nuôi dưỡng nó nhiều nhất chắc chắn là những tác giả mà em yêu quý, người đã cho em nhìn ra những thế giới khác nhau. Cuốn sách tâm đắc của em là “Sự an ủi của triết học” của Alain De Botton - người đã có ảnh hưởng rất nhiều đến góc nhìn và cách viết văn của em”.

Ngọc Hà là một cô gái cá tính, luôn có chính kiến riêng. Và may mắn là em được nuôi dưỡng trong một gia đình trí thức, bố mẹ luôn tôn trọng sự lựa chọn của con. Tôi nghĩ, thành công hôm nay của Hà, có sự đóng góp rất nhiều của mẹ, chị Tuyết, người đã đồng hành cùng con gái trong chặng đường dài của học vấn.

Chị Tuyết chia sẻ: “Tôi công tác trong lĩnh vực giáo dục nên tôi nghĩ điều tối quan trọng là làm thế nào để truyền cảm hứng cho con yêu việc học, việc học trở thành nhu cầu tự thân và học để khám phá bản thân, khám phá được những giá trị của cuộc sống từ việc học tập có trách nhiệm. Vì vậy, chị luôn tôn trọng sự lựa chọn cá nhân chứ không có bất kỳ sự áp đặt nào, nếu có chỉ là đưa ra những lời tư vấn để các con tự quyết định thôi”.

Ngọc Hà cùng bố mẹ và chị gái.

Tháng 8 năm nay Hà sẽ sang Mỹ bắt đầu cho hành trình du học của mình. Hà chọn ngành Khoa học chính trị (Political Science) vì quan tâm đến những vấn đề của xã hội, đặc biệt là phát triển bền vững và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính phủ. Và sau này, Hà sẽ theo ngành luật - cảm hứng từ bố là một giáo sư luật học. Tôi hỏi Hà, học xong, liệu cô bé có trở về Việt Nam đóng góp cho cộng đồng.

Hà cười: “Em nghĩ việc đóng góp cho Việt Nam không nhất thiết yêu cầu trở về Việt Nam. Kế hoạch của em là sau khi học xong trường luật ở Mỹ sẽ đi làm cho tổ chức phi lợi nhuận quốc tế như Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, với mục tiêu gây dựng sự phát triển bền vững ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam”.

Hà kể cho tôi nghe về những dự định của mình. Sắp tới em sẽ làm Đại sứ học sinh cho chương trình trại hè Harvard-Việt Nam (HVIET) liên kết giữa Đại học Harvard với các trường THPT Việt Nam và sẽ vào TP Hồ Chí Minh hè này để làm trợ lý học tập. Và mở một chương trình dạy IELTS cho các bạn quan tâm, bởi Hà sở hữu một điểm số IELTS cực kỳ ấn tượng, 8.5 với phần nghe, đọc, nói đạt điểm tuyệt đối 9.0.

Ngoài niềm đam mê học và nỗ lực trên con đường chinh phục tri thức, những lúc căng thẳng, stress, Hà ngồi thiền, vẽ doodle, viết luận, nướng bánh và nấu ăn. Đó là cách em cân bằng cuộc sống, bởi ai cũng hiểu, chinh phục giấc mơ du học Mỹ là một con đường gian nan và quá nhiều áp lực. Nhưng tôi tin, cô gái bé nhỏ Ngọc Hà sẽ viết tiếp những trang rực rỡ về khát vọng của mình trong thời gian tới.

“Em nghĩ thời gian tới sẽ là một thời gian rất đáng mong đợi, vì đó sẽ là khoảng thời gian để em đặt ra những mục tiêu mới và khám phá những điều mới mẻ về bản thân”, Hà nói.

Trò chuyện với Hà, tôi có thêm niềm tin về thế hệ trẻ Việt Nam, những người được vun đắp và nuôi dưỡng từ một nền tảng gia đình coi trọng học vấn và văn hóa. Và có lẽ, gia tài lớn hơn mà Hà có không phải chỉ là những thành công hay việc du học Mỹ mà là ước mơ, khát vọng của một cô bé được sống và theo đuổi giấc mơ của mình. Đó chính là chìa khóa của con đường đi tìm hạnh phúc.

Việt Linh
.
.