“Cô giáo cung Bọ cạp” và câu chuyện rất dài

Thứ Tư, 05/08/2015, 15:35
Tất nhiên, cô giáo cung Bọ cạp có tên họ rất đầy đủ. Cô tên là Phạm Nguyễn Lê Na (cô giảng dạy ở Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế LeNa), cô vẫn còn trẻ. Thế nhưng, bây giờ thì người ta không gọi cô bằng cái tên thật nữa, người ta gọi cô là “Cô giáo cung Bọ cạp” hay vắn lược hơn là “Cô giáo Bọ cạp”.

Cô giáo Bọ cạp vang danh khắp nơi, từ trên mạng xã hội cho đến đời thực. Người ta chế ảnh cô, người ta kinh doanh với câu nói “trứ danh” của cô, người ta chế những lời cô thành một đoạn nhạc phát trong quán bar, diễn viên hài nổi tiếng Trấn Thành nhại cô trên sân khấu…

Thú thật, đôi lúc tôi không thể nào hiểu được điều gì đang xảy ra xung quanh nữa(?)

Bọ cạp thì có tội gì đâu?

Mọi chuyện bắt đầu từ một đoạn clip dài khoảng 7 phút được lan truyền trên mạng xã hội, đoạn clip này có nội dung là cuộc tranh luận về vấn đề gia hạn thi cử giữa giáo viên và học viên của một trung tâm ngoại ngữ tại Thủ đô Hà Nội. Từ tranh luận chuyển sang căng thẳng, từ căng thẳng chuyển sang có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ bạo lực trấn áp về tinh thần.

Đáng tiếc là, người sử dụng ngôn ngữ bạo lực để trấn áp về tinh thần lại là cô giáo dạy tiếng Anh. Sau khi nói rất nhanh, nói rất nhiều, nói rất phản cảm những điều khó nghe thì cô giáo chốt hạ: "Tao là cung Bọ cạp, một khi mày đã đụng đến lòng tự ái và tự trọng của tao. Tao sẽ làm đúng những gì mày đang làm với tao".

Chính vì câu nói có tính chất như một khẩu ngữ này, "Cô giáo cung Bọ cạp đã ra đời", rút gọn thành "Cô giáo Bọ cạp" đã ra đời.

Vài năm nay, giới trẻ lẫn giới đã thôi trẻ ở nước ta đang phát cuồng vì những thông tin kiểu, cung Bọ cạp là như thế này, cung Thần nông là như thế kia, cung Song tử là như thế nọ, cung Thiên mã là như thế ấy?... Có đến 12 cung như vậy, gọi là cung Hoàng đạo.

Từ ngày cung Hoàng đạo được lan truyền, đã có hàng loạt trang báo chém gió về vấn đề cung này cung kia, hàng loạt sách được in cũng phân tích đặc điểm của từng cung. Đại loại, ai sinh ra trong một khoảng thời gian được quy định từ quãng nào đến quãng nào thì người ấy sẽ thuộc cung này hay cung kia. Nó cũng như là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong bản mệnh mà người phương Đông hay sử dụng.

Cô giáo Bọ cạp đang tấn công bằng ngôn từ bạo lực với học viên (ảnh cắt từ clip).

Theo đó, thì cung Bọ cạp được quy định là những cá nhân: "Hầu hết đều ẩn giấu những đam mê, vì thế cảm xúc của họ luôn được đẩy cao hơn người khác, kể cả cảm xúc tích cực hay tiêu cực đều bị đẩy đến mức cực đoan. Khi đã yêu thì yêu không hối tiếc, yêu hết mình không do dự nhưng một khi đã ghét, họ sẽ ghét tất cả mọi thứ liên quan đến đối tượng đó. Thậm chí, cảm xúc cực đoan khiến Bọ cạp tìm cách trả thù một cách dai dẳng.

Bên cạnh đó, cảm xúc của Bọ cạp không ổn định, rất dễ nổi giận, có lúc rất khó hiểu, luôn ẩn chứa nỗi hoài nghi, sự ganh ghét nên rất dễ lâm vào tình trạng cực đoan tiêu cực". Tóm lại thì những người thuộc cung này thường rất thích "thù vặt", theo lý giải của các nhà chiêm tinh đã được Việt hóa.

Thế nên dễ hiểu nhất rằng, đây không phải là lần đầu tiên cô giáo Bọ cạp cãi nhau, đã có rất nhiều bằng chứng ném đầy trên mạng Internet về những phát ngôn rất không nên có của một giáo viên. Đáng tiếc, cô giáo Bọ cạp lại hồn nhiên lao vào những thứ đáng ra rất nên tránh.

Niềm tin là của mỗi cá nhân, chúng tôi không bàn cãi. Nhưng xét theo thuyết âm dương hoặc các thuyết khác có tính tướng số, tâm linh thì vạn sự đều nằm trong bốn chữ "đức năng thắng số".

Hơn nữa, với những niềm tin vào chuyện mặc định cá tính chỉ vì nằm trong quãng thời gian được quy định thì cũng chỉ nên phiên phiến cho vui thôi. Ai đời, một giảng viên ngoại ngữ, có thể được xem là một trí thức trẻ mà lại rất tự hào khi vỗ ngực "Tao là cung Bọ cạp" để rồi lấy đó như một nguyên cớ nhằm… chửi người khác cho thêm phần nhiệt huyết? Đến chịu vào niềm tin của cô giáo Bọ cạp!

Trong suốt đoạn clip ấy, không chỉ có to tiếng, có mày tao với học viên, có cái vung tay hay có cách nói chuyện hồ đồ, có cách biểu thị khuôn mặt rất phản cảm… Cô giáo Bọ cạp cứ khiến tôi nhớ đến hình ảnh của các phụ nữ khi đánh ghen rồi quay clip tung lên mạng để sỉ vả "đôi gian phu dâm phụ" ấy, nhìn chỉ thấy một sự hung dữ cao độ.

Câu chuyện rất dài

Trên thực tế, từ ngày điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi, từ ngày Facebook trở nên thông dụng thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể trở thành đối tượng để đám đông ném đá. Bởi chỉ cần trong khoảnh khắc thiếu kiềm chế, thoải mái để bản năng tự do bộc lộ. Và khi chúng ta đang mê mải với bản năng, người khiêu khích sự hiện hữu của bản năng chỉ cần âm thầm quay lại clip và sau đó là chuyển lên Facebook cá nhân.

Từ đây, cái clip đầy những điều không hay ấy sẽ được chia sẻ (share) theo cấp số nhân, không thể nào kiểm soát được. Đừng nói là một cá nhân, ngay cả một tập đoàn lớn tại Việt Nam cũng từng lâm vào cảnh lao đao vì không đánh giá hết những hệ lụy để lại trên mạng xã hội.

Trở lại vụ việc của cô giáo Bọ cạp. Hai học viên mà cô giáo Bọ cạp cho rằng đã đụng chạm đến lòng tự ái và tự trọng của cô đã có trước ý đồ đối với cô giáo Bọ cạp không? Có cố tình gây ức chế với cô giáo Bọ cạp không? Có kích thích để cô giáo Bọ cạp bộc lộ bản năng không? Chắc là có.

Nếu học viên mà đi cài bẫy giáo viên vì bất cứ lý do gì thì cũng không đáng nhận được sự khích lệ hay tán thưởng. Rất nên gọi là vô văn hóa. Tuy nhiên, quá khó để vin vào lý do này mà thông cảm cho cô giáo Bọ cạp.

Cô giáo Bọ cạp sau đó có xuất hiện nói tỉnh queo: "Mắng học viên là vô học thì có gì ghê gớm". Trước đó thì trên fanpage của Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế LeNa, người quản lý trang cho chạy dòng chữ có nội dung: "Mình cảm ơn các bạn chửi mình, vì chỉ trong vòng một ngày mà lượng tiếp cận Facebook tăng đột biến và hàng nghìn người biết đến LeNa. Marketing cách này hiệu quả thật". Nội dung này đã bị đả kích rất dữ dội.

Sau lần xuất hiện hiếm hoi ấy, cô giáo Bọ cạp không xuất hiện nữa, thay vào đó phụ huynh của cô giáo Bọ cạp xuất hiện. Phụ huynh của cô giáo Bọ cạp cho rằng, đoạn clip trên đã được cắt ghép rất tinh vi nhằm bôi nhọ uy tín và danh dự của cô giáo Bọ cạp, học viên cũng chủ động quay clip để nói xấu cô giáo.

Cũng theo phụ huynh của cô giáo Bọ cạp thì, "Dẫu vậy thì ngôn ngữ ấy không phải là ngôn ngữ của thầy cô". Tất nhiên không phải ai cũng cáu với cô giáo Bọ cạp, một vài cá nhân từng là học trò cũ của cô giáo Bọ cạp cũng lên tiếng bảo vệ cô.

Những đồng nghiệp trong Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế LeNa cũng nắm chặt lấy tay cô, họ nói: "Bản tính cô Lê Na thẳng thắn, thật thà, trung thực. Luôn giúp đỡ đồng nghiệp, bảo ban học viên tận tình". Lại nói: "Chỉ là thiếu kiềm chế nên nói những lời khó nghe". Lại nữa: "Cô Lê Na là người giỏi chuyên môn và tốt tính nhưng hơi nóng tính và thường mất bình tĩnh khi bị kích động"…

Giáo viên cũng là con người, đồng ý điều này. Con người có lúc nóng giận thiếu kiềm chế, đồng ý điều này. Khi con người nóng giận và thiếu kiềm chế thường có những phản ứng tiêu cực, đồng ý điều này. Tuy nhiên, có những cá nhân đã lựa chọn những nghề đặc biệt để theo nghiệp hoặc sòng phẳng hơn là kinh doanh, mưu sinh thì phải biết cách chấp nhận những nguyên tắc mà mình không được vi phạm. Nghề giáo, là một nghề đặc biệt như vậy.

Diễn viên Trấn Thành nhanh chóng mang cô giáo Bọ cạp lên sân khấu để giễu cợt.

Cũng từ Facebook, độ giữa tháng 7 vừa rồi, người ta cũng xôn xao vì clip quay lại cảnh một nam giáo viên dạy quân sự có hành vi quá trớn trên thân thể của một sinh viên tại Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo trần tình của thầy dạy quân sự, sau giờ học chính thức để "tạo cảm giác thoải mái cho sinh viên" thầy bèn đề nghị các nữ sinh cùng tham gia chơi một trò giống trò chơi "bịt mắt bắt dê". Điểm khác duy nhất, thầy dạy quân sự chính là nhân vật chính. Thầy dạy quân sự được bịt mắt cẩn thận, còn một nữ sinh viên thì đứng như trời trồng để thầy dùng… tay tìm chiếc kẹp quần áo mà các sinh viên khác đã giấu vào người nữ sinh được thầy tầm soát. Trước khi trò chơi bắt đầu, thầy dạy quân sự đã dặn dò các sinh viên quan sát trò chơi không nên quay phim hoặc chụp ảnh. Thế nhưng, các sinh viên lại cãi lời thầy dạy quân sự để đến nỗi thầy bị bêu riếu…

Tự hàng nghìn năm nay, người Việt luôn có truyền thống tôn sư trọng đạo, một chữ cũng thầy nửa chữ cũng thầy, hay không thầy đố mày làm nên… Tiếc rằng, những điều vụn vặt của đời sống đã khiến cái nhìn của đám đông đối với người theo nghiệp trồng người đã không còn như trước nữa. Lại càng đáng tiếc hơn khi trong một môi trường giáo dục vốn đã không nhận được nhiều thiện cảm như trước lại xuất hiện một cô giáp Bọ cạp hay một thầy giáo dạy quân sự có hành vi, ngôn từ quá quắt với học viên, sinh viên.

Và như tôi đã bàn luận ở phần trên, thời đại mà chúng ta đang sống là một thời đại rất khác với điện thoại có chức năng quay phim chụp ảnh, với sóng wifi phủ khắp nơi, với mạng xã hội lan tràn như virus. Mỗi cá nhân sở hữu một kênh thông tin của do chính cá nhân mình làm chủ. Nên không còn cách nào khác ngoài việc chúng ta phải tự thích ứng với nó bằng khả năng kiềm chế do tu dưỡng hay tri thức mang lại.

Tôi rất đồng ý với quan điểm này của nhà báo Hoàng Minh Trí (được chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân của anh): "Cách đây mấy tháng, trên mạng có đoạn clip nhân viên cafe Starbucks Mỹ cãi vã với khách hàng rồi đuổi cô ta ra khỏi cửa hàng một cách đầy dung tục là "vĩnh viễn không mong mày trở lại". Điều đáng chú ý là Starbucks luôn tự hào rằng họ đã tạo được một văn hóa bền vững mà trong đó, nhân viên không bao giờ được phản ứng tiêu cực với khách hàng.

Trong các cuốn sách đào tạo cho nhân viên, Starbucks dành hàng chục trang giấy trắng để họ có thể tưởng tượng và viết ra cách thức xử lý những rắc rối, trong số đó điển hình nhất là đối mặt với các khách hàng đang trạng thái giận dữ. Starbucks gọi đó là phương pháp biến nghị lực thành thói quen, các nhân viên sẽ phải phân tích để có thể kiềm chế bản thân trước những tình huống có khả năng khiến họ phát khùng, tập luyện vượt qua khoảnh khắc đó và biến ứng xử ấy thành phản xạ.

Nhưng con người luôn là con người. Trong một phút giây thiếu tự chủ, thì văn hóa của Starbucks cũng là cái đinh với một người đang chất chứa giận dữ. Cô nhân viên trong đoạn clip có thể đã được dạy về sự kiềm chế, nhưng cô hoàn toàn có thể đánh mất nó trong một phút giây nhất thời "mất cảnh giác". Không biết là có bao nhiêu bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ, và cả giáo viên Anh ngữ nói riêng và các môn nói chung đã được dạy trong trường sư phạm về kiềm chế, hoặc được giáo dục đúng nghĩa về kiềm chế bằng văn hóa trong môi trường đầy tử tế xung quanh.

Đó là một kỹ năng phải tập luyện gian khổ, nếu bạn vốn sinh ra ở cung Bọ cạp hay cung thần tiên đi chăng nữa. Bằng không, sẽ còn nhiều bảo mẫu, giáo viên Anh ngữ ứng xử style Bọ cạp trước những học trò nhất quỷ nhì ma đang ngày một hiểu rõ quyền lực của chúng hơn và trong tay luôn lăm lăm những chiếc điện thoại thông minh, đó là điều thậm nguy hiểm.

Những cuốn sách của Starbucks có thể sẽ không có tác dụng gì, nhưng những tai nạn chết chìm trong sóng của xã hội mạng sẽ là bài học lớn cho bất cứ ai.

Hãy luyện tập thật kỹ khả năng kiềm chế!".

Thế nhưng, thay vì cố gắng kiềm chế thì còn một cách đơn giản hơn, đó chính là luôn ý thức và nhớ được cụm từ:  "Tôi là một giáo viên". Dẫu rằng, nhà giáo ở nước mình luôn rất nhọc nhằn.

Ngô Tây Côn
.
.