Cơ hội điều trị cho bệnh nhân hư khớp vai

Thứ Ba, 31/03/2009, 12:15
Sáng 19/3/2009, tại Bệnh viện Chấn thương - chỉnh hình (CT-CH) TP HCM, trên 80 bác sĩ hàng đầu về chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện CT-CH trên cả nước đã về dự lớp tập huấn thay khớp vai do hai bác sĩ Hoa Kỳ là ông Jerry L Schiz và Davis Mathews hướng dẫn thực hiện công nghệ tiên tiến này.

Chúng tôi được biết, bác sĩ Davis Mathews  là Trưởng khoa CT-CH một bệnh viện tại Mỹ và bác sĩ Jerry L Schiz là  chuyên gia thay khớp vai tại một bệnh viện ở California, ông từng thực hiện mổ và thay khớp vai cho trên 3.000 bệnh nhân. Trong đợt tập huấn này, hai bác sĩ Mỹ sẽ tiến hành trao đổi về lý thuyết và thực hành việc mổ thay khớp vai cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện CT-CH TP HCM.

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng gần 10.000 người bị thương do tai nạn giao thông, trong số này có rất nhiều trường hợp bị gãy, vỡ chỏm xương cánh tay. Ngoài ra tai nạn lao động và các bệnh lý khác như do thoái hóa khớp làm biến dạng chỏm xương cánh tay; bệnh u bướu, lao làm hoại tử, mất chỏm xương cánh tay. Những bệnh nhân bị vỡ, biến dạng hoặc mất chỏm xương cánh tay phải chịu sự đau đớn và mất một phần hoặc mất hẳn cử động của cánh tay như không bới tóc được, không thể giơ tay ra sau gáy, không thể giơ tay lên cao...

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Trưởng Khoa chi trên, Bệnh viện CT-CH TP HCM cho biết: Tại Việt Nam khi chưa triển khai công nghệ thay khớp vai thì tất cả những trường hợp bị vỡ chỏm xương cánh tay, các bệnh viện đều phải tiến hành mổ để sắp xếp xương lại nhằm phục hồi xương. Mặc dầu được kết hợp xương, nhưng bệnh nhân sau khi được điều trị thì những hoạt động của tay cũng rất hạn chế do xương chỏm không hoàn chỉnh. Có trường hợp bệnh nhân gãy nhiều (3 đến 4 mảnh) sau khi mổ kết hợp xương không hiệu quả thì buộc phải mổ lại để loại bỏ chỏm xương, như vậy sẽ gây đau đớn và tốn kém cho bệnh nhân.

Còn trường hợp khi xương bị hoại tử thì chỉ còn cách mổ lấy bỏ chỏm xương đi. Vì thế ngay sau khi triển khai công nghệ mới thay khớp vai thì những trường hợp gẫy nhiều (3 đến 4 mảnh), những trường hợp mất xương thì sau khi khám, chẩn đoán, bệnh viện sẽ thực hành việc thay chỏm. Đây là phương pháp tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng lâu nay.

Bác sĩ Thái cho biết,  khớp vai này được Công ty Zimmer , một công ty chế tạo khớp nhân tạo hàng đầu của Mỹ sản xuất từ hợp kim có tính năng phù hợp với cơ thể. Nhiệm vụ của nó thay thế chỏm xương cánh tay để thực hiện chức năng của khớp vai như nâng, xoay...

Tại Bệnh viện CT-CH TP HCM, các bác sĩ Khoa Chi trên đã thực hiện thay cho 7 bệnh nhân. Qua theo dõi thì 6 bệnh nhân sau khi thay khớp vai đã phục hồi được 80% hoạt động. Đặc biệt có một bệnh nhân phục hồi được gần 100% hoạt động. Đây có thể coi là một thành công của Bệnh viện CT-CH về điều trị thay khớp vai cho bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Thái thì Công ty TNHH Thành An Hà Nội  là một công ty chuyên đưa kỹ thuật tiên tiến và thiết bị mới, hiện đại vào điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện chấn thương chỉnh hình hàng đầu Việt Nam đã cùng với bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc bệnh viện và bác sĩ Thái đã mời được những chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về thay khớp vai đến TP HCM để thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến trong đợt tập huấn này. Đây là một dịp để các bác sĩ chuyên khoa trong nước được tiếp cận với phương pháp phẫu thật chỉnh hình tiên tiến trên thế giới

Nguyễn Thanh Hải
.
.