Cơ hội mới của TPP 11

Thứ Năm, 25/05/2017, 13:20
Nhật Bản, New Zealand và các thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đồng ý tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại mà không có Mỹ tham gia. Mỹ đã tỏ rõ thái độ, tuy nhiên, với lợi ích trước mắt và lâu dài vô cùng lớn lao, các thành viên “TPP 11” vẫn mong có Mỹ trong thời gian sớm nhất.

Không Mỹ, TPP vẫn khả thi

Tại các cuộc gặp bên lề APEC mới được tổ chức tại Hà Nội, 11 quốc gia còn lại của TPP đã đồng ý tìm cách tiếp tục thực hiện hiệp định này, đồng thời hy vọng Washington sẽ xem xét lại việc rời khỏi hiệp định. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - một nhà đàm phán thương mại đầy kinh nghiệm từ thời Tổng thống R.Reagan, đã tuyên bố nước Mỹ từ bỏ các hiệp định thương mại đa phương và ưu tiên các hiệp định song phương.

“Tôi tin rằng sau này sẽ có một loạt thỏa thuận song phương với các đối tác trong khu vực này. Đàm phán song phương tốt hơn cho Mỹ”, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer chia sẻ về quan điểm của nước Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định, chính quyền Washington sẽ không thay đổi quan điểm và quyết định của mình với TPP. "TPP không đáp ứng cho lợi ích của Mỹ, nhưng không có nghĩa chúng tôi quay lưng lại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không tham gia vào khu vực này", ông Robert Lighthizer nói. Là quốc gia xuất - nhập khẩu lớn nhất của khu vực, Mỹ khẳng định vẫn tiếp tục hợp tác với các thành viên của khu vực ở kênh song phương, bởi sẽ mang nhiều lợi ích hơn cho nước này.

"Đó cũng là lý do tôi có mặt ở đây để chia sẻ về chính sách thương mại của Mỹ", ông Robert bày tỏ. Theo ông, APEC đã giúp tạo ra sự đồng thuận về thương mại quốc tế, công bằng và cũng là mục tiêu mà Mỹ muốn thúc đẩy. "Tôi ở đây để khẳng định sự tham gia của Mỹ với khu vực. Đây là điều quan trọng với tương lai chúng ta", vị này tiếp lời.

Thủ tướng New Zealand Bill English và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo hôm 17-5. Ảnh Reuters.

Trước đó, tại cuộc họp ở Hà Nội ngày 21-5, Bộ trưởng Thương mại của 11 nước tham gia TPP đã nhất trí hoàn tất công tác chuẩn bị vào tháng 11-2017 tới để nhanh chóng đưa TPP đi vào hiệu lực, qua đó tiến sát hơn tới việc thực hiện TPP. Hầu hết các nước đều mong muốn, nếu TPP 11 do Nhật Bản dẫn dắt có thể thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và tăng cường đầu tư ở khu vực Thái Bình Dương, khi đó Mỹ có thể có động lực quay lại tham gia TPP trong một nỗ lực nhằm tận dụng tăng trưởng kinh tế nhanh.

Những tính toán này không phải không có cơ sở khi mới đây, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và New Zealand, ngày 17-5, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Thủ tướng New Zealand English bày tỏ sự hài lòng với cuộc gặp người đồng cấp Shinzo Abe và những gì họ đã thảo luận “thậm chí còn tích cực hơn những gì mà tôi mong đợi”.

Còn Thủ tướng Nhật Bản khẳng định rằng, ông mong muốn TPP sẽ tiếp tục được triển khai theo lịch trình đã thống nhất từ khi Mỹ vẫn còn là thành viên của Hiệp định này. Có nghĩa là vào nửa đầu năm tới sẽ tiếp tục mở rộng Hiệp định. Còn theo ông English, New Zealand và Nhật Bản sẽ trở thành những quốc gia dẫn đầu mới của TPP, đồng thời sẽ mang đến những động lực thúc đẩy việc triển khai Hiệp định và khuyến khích các quốc gia thành viên khác.

Các nước thành viên TPP trong cuộc họp tại Hà Nội vừa diễn ra bên lề APEC cũng đã lường hết các khó khăn khi không có Mỹ. Song, theo nhà kinh tế học Jeffri Shott của trung tâm phân tích thuộc Viện Peterson, việc 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP hiện nay tham gia vào Hiệp định này không chỉ vì có sự tham gia của Mỹ mà còn vì mô hình hợp tác này sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế của họ. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, các quốc gia còn lại vẫn thực sự quan tâm đến triển vọng của TPP.

Lãnh đạo Trường Nghiên cứu phương Đông thuộc Đại học Kinh tế cao cấp Aleksey Maslov cho rằng, cơ hội để triển khai TPP thiếu Mỹ vẫn có, tuy nhiên để đạt được điều này thì các quốc gia còn lại phải xem xét lại một số điều khoản. Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng không phải là quốc gia dẫn đầu của Hiệp định mà là liệu 11 quốc gia còn lại có thể đơn giản hoá khái niệm của thỏa thuận để triển khai nó mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ?

lHiện thực hóa cơ hội tái khởi động TPP 11

Trong hai ngày 20 và 21-5, Bộ trưởng Thương mại 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã nhóm họp để bàn về một số thỏa thuận thương mại trong kỳ họp tại Hà Nội. Mục tiêu của kỳ họp là nhằm thiết lập hoạt động thương mại tự do hơn tại vùng châu Á-Thái Bình Dương, tận dụng những thế mạnh của toàn cầu hóa trong lúc vẫn bảo vệ được quyền lợi của những người bị ảnh hưởng.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều là cơ hội tái khởi động Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bất chấp việc Mỹ đã tuyên bố rút lui.

Trong cuộc họp bên lề các cuộc đàm phán APEC, các Bộ trưởng nhóm TPP 11 đã đồng ý ra lệnh cho các quan chức cao cấp thảo luận về "các lựa chọn nhằm nhanh chóng đưa hiệp định có tính toàn diện và có chất lượng cao này vào thực thi càng nhanh càng tốt", với mục tiêu hướng đến việc thảo luận các lựa chọn trong tháng 11. Tuyên bố các bộ trưởng nhóm TPP-1 được phát đi ngày 21-5 đã nhấn mạnh việc thực hiện TPP sẽ "đóng góp tích cực vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên".

Các bộ trưởng tham gia cũng thể hiện hy vọng của mình rằng hiệp định này sẽ được mở rộng tới "các nền kinh tế khác có thể chấp nhận những tiêu chuẩn cao của TPP". Với việc sẵn sàng chào đón Mỹ quay trở lại bàn đàm phán, tuyên bố cũng cho biết các quan chức cấp cao sẽ xem xét các biện pháp để khuyến khích sự trở lại của các nước thành viên ban đầu. Mỹ là nước ký kết TPP duy nhất đã bỏ ngang hiệp định này.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Nobuteru Ishihara phát biểu: "Cam kết của 11 nước còn lại trong TPP đã được xác nhận công khai". Cũng theo ông Ishihara, vào tháng 7 tới đây tại Nhật Bản sẽ có một cuộc họp giữa các nhà đàm phán đến từ nhóm “TPP 11”. Trong khi đó, chia sẻ tại họp báo ngày 21-5 về kết quả cuộc họp các Bộ trưởng các nước TPP 11, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết, các nước đồng thuận cao sẽ tiếp tục triển khai TPP để đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

"Vài tháng tới, chúng tôi sẽ có những hành động cụ thể để hiện thực hóa những lợi ích mà TPP đem lại", ông Todd McClay nói.

Hy vọng khởi động lại TPP đang được làm nóng lại, đặc biệt sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật - Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand - Bill English hôm 17/5 tại Tokyo. Cả hai nước này hiện nhắm tới việc thực thi TPP mà không cần đàm phán lại quá nhiều. "Là những nước giương ngọn cờ đầu về tự do thương mại, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và sớm đưa TPP đi vào thực tế", ông Abe phát biểu.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại các cuộc gặp bên lề APEC diễn ra tại Hà Nội ngày 21-5. Ảnh: Agencia EFE.

Sự quyết tâm của hai nhà lãnh đạo trên đã “truyền cảm hứng” cho Australia, Singapore và Brunei... cũng ủng hộ tái khởi động TPP 11. Theo thỏa thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2-2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật).

Câu hỏi đặt ra là khi TPP 11 được hình thành, liệu Mỹ có quay trở lại với Hiệp định này? Báo Độc lập (Nga) số ra ngày 19/5 có bài viết cho rằng không loại trừ khả năng Mỹ có thể quay lại vì chính quyền lợi của nước Mỹ. Trong khi đó, trang mạng RSIS (Singapore) mới đây đăng bài của Evan Rogerson, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trung tâm nghiên cứu đa phương, Trường Nghiên cứu quốc tế RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) nhận định, TPP chính là một hiệp định đầu tiên trong thế kỷ 21.

Không chỉ các chính phủ mà cả các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều năng lượng và vốn liếng chính trị vào hiệp định này. Do vậy, TPP không dễ dàng bị rơi vào quên lãng.

TPP 11 không thay thế và không phải địch thủ của RCEP

Hiện nay, nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra giữa 11 nước tham gia còn lại với mục đích tìm kiếm một cách thức để TPP có thể vận hành mà không có Mỹ. Nhiều quốc gia hiện đang trông chờ vào Nhật Bản với tư cách là nền kinh tế lớn nhất còn lại của TPP có thể giữ vai trò lãnh đạo hiệp định này. Những dấu hiệu gần đây từ Nhật Bản đã cho thấy có nhiều hy vọng.

Các hoạt động hướng ra bên ngoài của chính phủ Thủ tướng Abe có thể giúp Bộ Ngoại giao Nhật Bản chiếm ưu thế hơn đối với các tư tưởng bảo hộ trong một số bộ ngành khác của Nhật Bản, mặc dù là chưa có ngay những động cơ thúc đẩy để tiếp cận thị trường Mỹ.

Đối với các nước tham gia TPP khác như Australia và New Zealand thì việc duy trì lợi ích đạt được từ các cuộc đàm phán không có Mỹ vẫn rất quan trọng. Hai nước này có thể được hy vọng sớm xác nhận động cơ đổi mới trong nền kinh tế. Trong khi đó, Đông Nam Á vẫn giữ một vai trò quan trọng.

Có những điểm yếu về cơ cấu trong tiếp cận thương mại song phương. Đó là những vấn đề liên quan tới sự chồng chéo trong các cam kết và các yêu cầu về quy định. Bên cạnh đó còn là chính sách bảo hiểm đối với thương mại song phương cũng bị hạn chế, đặc biệt là khi diễn ra tình trạng bảo hộ. Chính vì vậy, đại diện các nước đều cho rằng, chỉ trong hệ thống thương mại đa phương mới có thể làm giảm hoặc xóa bỏ trợ cấp thương mại méo mó. 

TPP sẽ phải thay đổi một số điều khoản để có thể được áp dụng mà không có sự tham gia của Mỹ. Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói Tokyo sẽ không loại trừ khả năng đàm phán một thỏa thuận như vậy. "Khi mà tình hình quốc tế bất ổn như lúc này, điều quan trọng hơn hết đối với những quốc gia mở rộng giao thương với bên ngoài như New Zealand và Nhật Bản là phải thể hiện rõ những nguyên tắc của mình", ông English nói.

Ông kêu gọi các nước giữ vững cam kết về thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế khu vực. "Tôi rất vui mừng rằng New Zealand đồng hành cùng Nhật Bản để mang đến những bước tiến cho hiệp định khu vực quan trọng này", Thủ tướng New Zealand khẳng định.

Hiện 11 thành viên còn lại của TPP đang đứng trước 3 viễn cảnh. Ở viễn cảnh thứ nhất, các nước sẽ phải thay đổi một số điều khoản của thỏa thuận hiện tại. Điều kiện hiện tại là ít nhất 6 nước có tổng GDP chiếm trên 85% tổng GDP của 12 nước ban đầu (gồm Mỹ) phê chuẩn hiệp định. Trong tình thế hiện nay, 11 nước còn lại không thể đáp ứng yêu cầu này khi chỉ riêng Mỹ đã chiếm đến 60% GDP của toàn bộ 12 nước.

Viễn cảnh thứ 2 là 11 nước phải đàm phán lại các điều khoản trong TPP, trong khi viễn cảnh thứ 3 là thiết lập một khu vực tự do thương mại mới bằng việc bổ sung các nước khác. Theo hãng thông tấn Kyodo, giới chức Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã bắt đầu mở đường cho việc hiện thực hóa TPP theo đó thiết lập các quy định "cấp cao" về thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho dù không có sự tham gia của Mỹ.

Quan điểm của Nhật Bản và New Zealand đang nhận được nhiều sự ủng hộ. Tổng thống Chile Michelle Bachelet khẳng định Mỹ Latinh sẽ đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy việc triển khai TPP. Bà Bachelet cảnh báo mối đe dọa của “chính sách bảo hộ thương mại tại một vài quốc gia”, đồng thời kêu gọi các nước cùng chung tay hành động.

Theo Tổng thống Bachelet, hội nhập khu vực không còn là sự lựa chọn mà đóng vai trò quan trọng và là nhu cầu sống còn đối với thương mại toàn cầu. Tổng thống Chile nhấn mạnh cùng với các đồng minh Mỹ Latinh, Chile sẽ đưa ra những giải pháp thay thế nhằm thúc đẩy tự do thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương, tận dụng tối đa những thỏa thuận đã đạt được trong quá trình đàm phán TPP, đồng thời cam kết củng cố những nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương.

Bà Bachelet cũng đề cập tới những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt như xung đột vũ trang, đói nghèo, tham nhũng, bạo hành phụ nữ và cho rằng giải pháp cho những vấn đề này đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và tổ chức. Bà nhấn mạnh trong một thế giới toàn cầu, mọi quốc gia đều chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề trên và không có một quốc gia nào hay một bức tường ngăn nào có thể giải quyết được những khó khăn toàn cầu.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng khẳng định có thể ký kết TPP nếu 11 thành viên còn lại tìm được tiếng nói chung khi không có Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng việc Mỹ rút khỏi TPP không ngăn cản các quốc gia thành viên khác đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên ông Lý cũng hy vọng Washington sẽ "thay đổi quan điểm, đánh giá sâu sắc hơn về tình hình thế giới, từ đó đưa ra cái nhìn cân bằng hơn về vấn đề này".

Nhìn xa hơn, thậm chí có thể sẽ có một TPP bao gồm cả Anh hậu Brexit. Và không phải là không thể hồi sinh TPP với những cam kết hiện tại vẫn được duy trì có thể một lần nữa thu hút sự quan tâm của Mỹ. Những ảnh hưởng mà 11 quốc gia còn lại của TPP thể hiện không thể bị xem nhẹ.

Một TPP 11 sẽ không phải là một sự thay thế hay trở thành địch thủ của Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) như phiên bản TPP đầy đủ. Tham vọng và giá trị của RCEP nằm ở khuôn khổ hợp tác giữa khu vực Nam và Đông Á.

Hoa Huyền
.
.