Cơ hội phát triển nền kinh tế số

Thứ Ba, 23/03/2021, 16:00
Công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cơ bản các phương thức sản xuất và mô hình kinh doanh của nền, thúc đẩy nền tảng internet công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chế tạo quy hoạch và sản xuất chính xác, đồng thời còn thúc đẩy các nền tảng của chuỗi sản xuất và cung ứng thực hiện tốt hơn việc quản lý tối ưu toàn hệ thống đối với các luồng thương mại, logictics, dòng vốn, dòng thông tin.

Về phương diện tài chính, một loạt sáng tạo trên lĩnh vực công nghệ tài chính hàng đầu đã tạo cơ hội phát triển cho các hệ sinh thái chưa từng có như tài chính nền tảng, tài chính bao trùm.

Ở châu Á, trong những năm gần đây, nền kinh tế số được cho là đã thẩm thấu toàn diện và ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các khâu, từ sản xuất, logictics đến tiêu thụ và tất cả các lĩnh vực, như bán lẻ trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến, làm việc từ xa... Ngoài ra, các nền tảng chia sẻ tài nguyên khác nhau cũng phát huy tác dụng tích cực trên các phương diện như thương mại trên nền tảng số và ổn định việc làm.

Kinh tế số không tiếp xúc đã có mảnh đất màu mỡ để phát triển.

Vậy, một khu vực đang lên của thế giới như châu Á, việc phát triển nền kinh tế số có ý nghĩa như thế nào? Chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, hiện nay trong thương mại toàn cầu đã xuất hiện xu thế tăng trưởng chậm mang tính kết cấu. Đại dịch COVID-19 sẽ khiến nhiều nước phải suy ngẫm lại về toàn cầu hóa, đồng thời đánh giá và xem xét lại những rủi ro do phụ thuộc quá mức vào chuỗi sản xuất quốc tế, từ đó có thể tăng cường nội địa hóa và khu vực hóa hoạt động sản xuất của một số loại vật tư và hàng hóa nào đó. Thương mại sẽ bị thu hẹp phạm vi và điều kiện để mở rộng nó sẽ là kinh tế số. Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), khối lượng thương mại toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 7-9% so với năm 2019. Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại kỹ thuật số chặt chẽ hơn sẽ giúp các quốc gia chống lại hoặc giảm bớt tác động của việc thương mại toàn cầu bị thu hẹp.

Sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số có thể sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc hội nhập và hợp tác nghiệp vụ doanh nghiệp của các nước châu Á, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất mới của châu Á. Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào nửa cuối năm 2018, trình độ kỹ thuật số của các nền kinh tế châu Á được đánh giá khá cao. Thậm chí, kể cả trong nền kinh tế của các nước châu Á tương đối nghèo, trình độ kỹ thuật số cũng liên tục tăng tốc. Sáng tạo kỹ thuật số đóng góp gần 1/3 tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người trong 20 năm qua của châu Á.

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu hạn chế sự phát triển của nền kinh tế truyền thống và bóng đen bao trùm của chủ nghĩa đơn phương, nền kinh tế số “không tiếp xúc” đã có mảnh đất màu mỡ để phát triển, cộng thêm xu hướng và các điều kiện phát triển có lợi cho nền kinh tế số nói trên, việc kịp thời nắm chắc cơ hội để xây dựng nền kinh tế số của khu vực châu Á hiện nay sẽ phù hợp với xu thế vận động phát triển.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.