Có một Trường THPT Nga tại Hà Nội

Thứ Hai, 25/01/2010, 15:45
Trong số những trường phổ thông thuộc sự quản lý của các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam thì Trường THPT Nga của Đại sứ quán Nga ở 191 đê La Thành, Hà Nội, là trường có đông học sinh Việt Nam theo học nhất. Việc ngày càng có nhiều con em người Việt xin vào đây có lẽ bắt nguồn từ mối quan hệ hợp tác hữu nghị lâu bền của hai nước Nga - Việt.

Song còn một lý do nữa là do phương pháp giáo dục của các thầy cô giáo Nga có nhiều điều mới mẻ và tích cực; các em học sinh học nhẹ nhàng hơn học sinh trong các trường phổ thông Việt Nam rất nhiều. Ở đây gần như không có áp lực về học thêm, về điểm số và các loại danh hiệu. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi tìm đến ngôi trường thân thiện này để tìm hiểu.

Thầy hiệu trưởng Pribưtkov Valeri Nikolaievich là một người gần gũi. Ở thầy toát lên vẻ đôn hậu rất đặc trưng của người Nga. Thầy sang Việt Nam đã được 3 năm và chỉ còn một năm nữa là hết nhiệm kỳ, nhưng nguyện vọng của thầy là vẫn muốn được ở lại trường thêm một thời gian nữa.

Đúng hẹn, thầy chờ đón chúng tôi ngoài cổng Đại sứ quán và đưa chúng tôi vào trường. Trường THPT Nga nằm giữa khuôn viên Đại sứ quán rộng mênh mông. Một không gian thoáng mát, trong lành đến lạ lùng, như một thế giới khác vậy.

Những ngôi nhà kiến trúc cổ kính màu trắng xám nằm xen giữa những rặng cây xanh rợp. Thầy Valeri Nikolaievich cho biết, ngôi trường này theo đúng mô hình giáo dục của nước Nga, mục đích để dạy dỗ con em cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và con em người Việt Nam, với một điều kiện là các em học sinh phải biết tiếng Nga.

Học phí ở đây là 700 USD/học sinh/năm đối với lớp 1 đến lớp 4, 800 USD/năm với học sinh lớp 5 đến lớp 8 và 1.000 USD với học sinh lớp 9 đến lớp 11, trong khi chi phí một năm cho một học sinh ở đây trung bình hết khoảng 2.500 USD, nhưng số tiền còn lại sẽ do Chính phủ Nga tài trợ. Tiền sách vở, nhà trường cũng trang bị cho học sinh. Hiện ở đây có 183 học sinh, trong đó có 104 học sinh Việt Nam. Đưa chúng tôi đi xem trường, ngoài thầy Valeri Nikolaievich còn có ông Alexei, tùy viên báo chí của Đại sứ quán Nga.

Có một cái gì đó thật khác những trường học của Việt Nam. Ngay ở hành lang tầng 1 là cả một thế giới tranh ảnh được treo trang trọng. Bắt đầu là những tấm ảnh minh họa cho các giai đoạn lịch sử của nước Nga. Thầy Valeri Nikolaievich cho hay, mục đích là để các em học sinh hiểu về lịch sử nước Nga, đây là cái gốc rất quan trọng, sau này lớn lên và trưởng thành, dù đi đâu về đâu các em cũng không thể quên được bản sắc dân tộc cũng như những trang lịch sử hào hùng của nước Nga.

Bên cạnh các tấm ảnh về lịch sử, nhà trường còn treo bảng điểm kiểm tra, điểm thi của học sinh, nhìn vào đó, các em sẽ biết được ai học khá, giỏi để phấn đấu.  Bước lên tầng trên, chúng tôi thực sự ấn tượng là tấm bảng lớn được làm bằng vải tuyết nhung, ở đó có ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Bảng thông tin này được cập nhật mỗi tháng một lần, thông tin thường xuyên về quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Nga - Việt. Tôi đặc biệt chú ý đến thông tin: "Ở Nga có gần 100 ngàn người Việt Nam sinh sống, trong khi ở California (Mỹ) có khoảng 1 triệu người Việt Nam"...

Giới thiệu về Việt Nam là những thông tin khá thú vị như: Con cháu Việt Nam sinh ra đã là con rồng, cháu tiên; dân số Việt Nam đông hơn cả nước Đức; Việt Nam xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới và thời gian tới, quan hệ hợp tác kinh doanh buôn bán giữa hai nước Nga - Việt có thể gấp 6 lần hiện tại... Anh Alexei giải thích: Bên cạnh việc dạy học sinh về văn hóa, nhà trường còn mong muốn các em được trang bị kiến thức toàn diện, am hiểu đời sống kinh tế chính trị xã hội.

Hành trang này cũng rất quan trọng giúp các em tự tin hơn khi bước vào đời. Tại tầng 2, tôi còn thấy bảng sơ đồ trường học treo ở hành lang, trong đó lối thoát hiểm được gạch dấu đỏ. Thầy Valeri Nikolaievich cho biết, mỗi năm trường tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy cho các em học sinh hai lần. Bác sĩ của trường thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho học sinh nên rất ít khi có em bị ốm. Đợt dịch cúm H1N1 vừa rồi, trường đã tổ chức tiêm vaccine phòng cúm cho cả trường...

Dù trường phổ thông Nga có quy mô nhỏ nhưng cảm nhận của riêng tôi thì đây là một môi trường sư phạm lý tưởng. Trường có phòng tập thể thao, sân bóng và có cả bể bơi. Một lớp học không được quá 25 học sinh. Trường có 2 thư viện với hàng ngàn đầu sách được mang từ nước Nga xa xôi.

Đặc biệt, từ lớp 5 trở lên, các em học theo phòng bộ môn, có nghĩa là, có phòng học Toán riêng, phòng học Hóa - Sinh riêng, đến giờ học môn nào là các em sẽ di chuyển đến nơi đó. Chúng tôi được thầy hiệu trưởng dẫn đến lớp học Toán. Đúng là cả một thế giới toán học xung quanh các em. Quanh lớp, nhà trường cho treo, dán tất cả những công thức, định lý, tiên đề về toán học. Có cả tủ sách về toán học.

Phải chăng đây là cách giúp các em ghi nhớ các kiến thức về toán học một cách tốt nhất. Phòng học Hóa và Sinh học cũng vậy. Thế giới của cây cỏ, của các loài động vật được thể hiện qua các bức ảnh treo trên tường và các mô hình; bảng hệ thống tuần hoàn, các công thức, nguyên tố hóa học được dán ở khắp nơi. Trâm Anh, một học sinh người Việt vui vẻ cho chúng tôi hay, ngày nào cũng nhìn vào các công thức toán học là một cách học bài, không phải học vẹt mà là "mưa dầm thấm lâu", những kiến thức cơ bản này sẽ lưu giữ trong em rất lâu.

Thầy hiệu trưởng Pribukov Valeri Nikolaivich và các học trò của mình.

Sách Hóa học lớp 9 mà các em đang học có thâm niên 20 năm rồi, đến nay vẫn chưa cải cách. Ở ngoài cửa lớp của học sinh lớp 9, tôi để ý thấy một khung tranh, bên trong có rất nhiều mẫu quần áo của các thế kỷ trước. Cô giáo cho biết, đây là cách để hỗ trợ học sinh cảm thụ văn học. Trong nhiều tác phẩm văn học Nga ở thế kỷ trước, nhân vật có trang phục khác bây giờ, nhìn vào khung ảnh này các em sẽ dễ hình dung ra con người, nhân vật trong tác phẩm...

Thầy Hiệu trưởng dẫn chúng tôi đến một lớp tiểu học. Lớp học của cô Anna Sergeevna đang trong giờ "Thế giới quanh ta". Với học sinh lớp 2, đây là một môn học rất thú vị. Tôi cầm quyển sách của các em lên xem. Sách được in màu rất đẹp. Cô Anna Sergeevna đang cho các em viết bài luận nhỏ, đề bài được ra theo hướng mở: Lớn lên em muốn làm gì? Lớp học có bao nhiêu em là có bấy nhiêu ước mơ.

Có em muốn được trở thành người bán động vật, chăm sóc thiên nhiên; có em muốn làm bác sĩ, có em muốn làm diễn viên múa, nhưng cũng có em tự tin khi viết rằng, nghề gì em cũng làm được. Với đề bài mở như thế này, các em tha hồ  nói lên ý nghĩ của mình, không bị điều gì ràng buộc.

Thầy Hiệu trưởng chỉ vào những bức tranh treo trên tường giải thích với chúng tôi, ở những lớp nhỏ, các hình ảnh này đều do giáo viên tự làm, điều này giúp phát triển tư duy của cả thầy và trò. Gần lớp của cô Anna Sergeevna là lớp của học sinh lớp 1. Từ cửa ra vào, trên bảng, trên tường treo đầy các dãy số, bảng chữ cái, vần và các mô hình truyện cổ tích.

Các em đang trong giờ tập đọc. Bài tập đọc là những truyện cổ tích và những tích dân gian như "Nhổ củ cải", "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn". Có thể gọi đây là những câu chuyện bằng hình ảnh cũng được, vì sách có rất nhiều tranh ảnh in màu. Cô giáo cho biết, xem tranh ảnh các em sẽ học bài hào hứng hơn nhiều... Thật thú vị khi nhìn thấy các em học sinh lớp 1 líu lo bên cạnh cô giáo như một bầy chim non. Không khí lớp học vô cùng thoải mái, giữa cô và trò không có khoảng cách.

Vậy ở đây các em học tập có bị quá tải? Em Thảo Dương, em Trần Sơn - hai học sinh Việt vui vẻ cho biết, ngày nào em cũng náo nức đến trường. Ngoài việc học văn hóa, em còn được vui chơi, được tập thể thao, được đọc sách ở thư viện. Có một điều Thảo Dương thích nhất, đó là học sinh ở trường được nghỉ 4 kỳ trong năm, gọi là nghỉ xuân - hạ - thu - đông, trong đó kỳ nghỉ dài nhất kéo dài 3 tháng.

Buổi học phụ đạo vào buổi chiều, em nào thích học môn nào cũng được, không thích thì có thể về nhà. Trong tương lai có thể trường sẽ tăng cường tiết thể dục để các em được rèn luyện sức khỏe. Ngoại trừ những lúc thi học kỳ các em phải làm thêm bài tập, còn cơ bản, bài tập được các em làm tại trường. Nhiều lớp học, chúng tôi thấy có tủ sách để các em để sách vở ở trường. Vì thế ở đây sẽ không có cảnh học sinh gò lưng mang những chiếc cặp nặng nề  với hàng đống sách vở.

Sẽ còn nhiều điều thú vị ở ngôi trường này mà chúng tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu hết. Đúng là mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng khi tạm biệt Trường THPT Nga, chúng tôi chợt có suy nghĩ rằng, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh phong trào xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực", thì mô hình học tập như thế này ắt hẳn có nhiều điều cần học hỏi

Thu Phương
.
.