Có một làng Nôm xứ Luy Lâu

Thứ Ba, 02/02/2021, 20:36
Làng Nôm là cách gọi dân dã, cách nói ai cũng hiểu. Nhưng cũng như các làng lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, chẳng hạn như làng Bần hay làng Thứa quê tôi, làng Nôm xưa cũng do nhiều thôn, xóm hội lại thành làng. Chứ nói về làng Nôm bây giờ là nói về xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên thì mới đầy đủ. Xã có chín thôn gồm: Bùng Đồng, Văn Ổ, Xuân Phao, Đại Từ, Lộng Thượng, Đình Tổ, Đại Bi và Đại Đồng (Thôn Đại Đồng được xem là kế thừa Làng Nôm).


Tôi biết đến làng Nôm cách đây đúng 50 năm. Còn nhớ dịp hè năm ấy tôi về quê chơi, một sáng mẹ nuôi tôi đánh thức tôi dậy. Mẹ bảo: "Có đi chợ Nôm với u thì dậy đi". Nói tới được đi chợ thì trẻ con đứa nào chả thích. Được đi chơi này, được gặp nhiều người này và nhất là kiểu gì cũng được ăn quà chợ.

Mới bốn giờ sáng, tôi mắt nhắm mắt mở theo chân mẹ nuôi đi chợ. Muốn tới chợ Nôm chúng tôi phải đi tắt từ đường Quốc lộ 5, chỗ đầu phố Bần (nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), rồi theo đường Quán Chuột. Con đường nhỏ giống như một lối đi hai bên bờ ruộng của cánh đồng Hoàng Nha - Thanh Đặng vượt qua đường sắt Hà Nội - Hải Phòng là tới cánh đồng Hè Nôm. Ngang qua cổng làng Nôm và bước chân trên con cầu đá cổ là đã tới chợ Nôm. Một cái chợ quê đúng nghĩa với dãy lều lán dựng bằng tre mái lợp rạ. Chợ quê thường họp rất sớm và tan cũng sớm. Nghĩa là từ tờ mờ đất chợ đã râm ran chuyện mua chuyện bán, đến tỏ mặt người thì vào hồi vãn chợ.

Cổng cổ làng Nôm

Rồi cũng phải đúng một phần tư thế kỷ tôi mới trở lại làng Nôm, thăm lại chùa Nôm. Lần trở lại muộn mằn này tôi được "quen" với Thượng tọa Thích Đồng Huệ, dịp đó ông là Đại đức trẻ mới về trụ trì chùa Nôm.

Tâm niệm hay là thể hiện của ước vọng

Thượng tọa Thích Đồng Huệ mời chúng tôi vào Nhà Mẫu hay còn gọi là Điện thờ Mẫu. Đó là một ngôi nhà khá cổ với kiểu dáng kiến trúc thuần Việt, nhà ba gian, thấp, nhỏ hơn ngôi Chính điện và ở phía sau Chính điện. Sư Huệ đã hai mươi nhăm năm gắn bó với chùa Nôm nên rất am tường. Hướng mặt lên trần nhà, ông hỏi: "Các bác có thấy hình gì không?" Quả tình sau hồi ngửa cổ ngắm nghía, chúng tôi đành thú thực là "không thấy gì". Thượng tọa Thích Đồng Huệ bấy giờ mới chậm rãi nói, ông nói bằng giọng am tường và truyền cảm "Nóc của nhà Mẫu được thiết kế thành hình lòng thuyền".

"Tức là một con thuyền đang úp". Tôi à lên và không khỏi bày tỏ sự ngạc nhiên. Nhưng vì sao người xưa lại cố ý tạo dựng như vậy? Thượng tọa Thích Đồng Huệ cười thân tình, ông giải thích: "Con thuyền đang úp tức là con thuyền ấy người ta không sử dụng đến nó nữa hay nói cách khác để các bác hiểu là người xưa đã có thâm ý gửi vào đó mong muốn của mình".

Nghe sư trụ trì giải thích như vậy tôi vô cùng thấm thía bởi tôi từng đôi ba lần về vùng bãi bồi ven sông Hồng ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên nên rất hiểu chuyện thuyền được úp. Những gia đình sống ngoài bãi sông bao giờ cũng "thủ" cho mình một con thuyền nhỏ. Đó là phương tiện đi lại khi mùa nước về, là công cụ để kiếm sống khi nước dâng tràn. Khi không sử dụng đến thuyền nữa, người dân thường úp thuyền và cách bảo quản tốt nhất là gác lên xà nhà. Cách thức bảo quản ấy nếu cần thì gỡ xuống cũng dễ và không để thuyền phơi sương phơi nắng ngoài vườn.

Lối cổng cũ dẫn vào chùa Nôm

Vùng đất huyền tích

Theo các cụ truyền lại thì làng Nôm vốn thuộc vùng đất Luy Lâu cổ từ thời Bắc thuộc. Vùng đất Luy Lâu là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và Phật giáo cổ xưa. Làng Nôm xưa, xã Đại Đồng nay, có con sông Nguyệt Đức chảy qua; do bị bồi lấn theo thời gian nên dòng sông giờ bé nhỏ như một lạch nước phục vụ tưới tiêu, có cây cầu đá làng Nôm nổi tiếng bắc qua sông này. Đâu như hồ nước có dài rộng ở chính giữa thôn Đại Đồng quanh năm soi bóng một làng Việt cổ, được tạo nên từ phụ lưu của sông Nguyệt Đức.

Vùng đất Luy Lâu cổ xưa còn nằm giữa hai con sông lớn là sông Dâu và sông Đuống nên mỗi khi nước về thì cả vùng ngập trắng trong nước. Hồi xưa vấn đề đắp đê phòng lũ hay xây đập ngăn nước chưa có nên chuyện ngập lụt là lẽ thường xuyên. Và con thuyền chính là phương tiện phổ biến thời đó.

Khi xây dựng chùa Nôm, cách đây gần 350 năm, những người xây dựng đã gửi vào công trình Phật giáo này những ước muốn của mình: Ước muốn không còn lũ lụt. Và hình tượng nóc nhà Mẫu chùa Nôm mang dáng con thuyền úp chính là sự gửi gắm đó.

Đình Đại Đồng thờ Thánh Tam Giang

Thượng tọa Thích Đồng Huệ cho biết thêm: "Chùa Nôm có 122 pho tượng phật được làm bằng đất nhưng có điều lạ là chùa từng nhiều lần bị lụt, có năm nước ngập tới tận mái chùa (1945,1971) nhưng khi nước rút hết thì các pho tượng vẫn y nguyên như chưa hề bị ngâm dài ngày trong nước". Giải thích về điều kỳ diệu này, ông Báu, một người đã nhiều năm làm công quả trong chùa bổ sung thêm: "Xưa Luy Lâu có nghề gốm khá nức tiếng".

Nghe ông Báu nói vậy tôi chợt nghĩ: Tượng đất chùa Nôm được chế tác từ đất sét tuy không được nung nhưng nhờ kỹ thuật luyện đất làm gốm khi xưa lại được trộn đều với rơm chuốt kỹ rồi băm nhỏ, nên giúp cho đất làm tượng được liên kết chặt bền với nhau. Sau đấy những bức tượng còn được phủ sơn ta nhiều lớp, tô màu chế từ thảo quả. Cách thức này đã tạo nên một lớp bảo vệ bề ngoài của tượng rất bền vững giúp cho tượng không bị nước cùng thời gian làm hư hại.

Ngoài ngôi chùa thiêng, làng Nôm còn có di tích nổi tiếng khác là đình Đại Đồng thờ Thánh Tam Giang, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Đình có kiến trúc cổ, lại kèm với cây đa, giếng nước, sân đình rất đặc trưng của quê hương Bắc bộ.

Ông Giao, thủ từ đình cho biết: Vào thời Tây Hán ở trong Vân Mẫu thuộc Bắc Giang có một người con gái xinh đẹp tên là Tĩnh nhưng nàng không muốn lấy chồng, một lòng về vùng đây theo đạo Phật. Một hôm Nàng Tĩnh ra bờ sông Nguyệt Đức để tắm gội bỗng nhiên trời đất sầm lại, sóng gió nổi lên ầm ầm, rồi một con thuồng luồng nổi lên quấn lấy mình nàng. Nàng Tĩnh hoảng hốt chạy về chùa, đến đêm hôm ấy bà nằm ngủ ở phía trước án thờ, trong giấc mơ nàng thấy mình nuốt vầng trăng vào bụng. Tỉnh dậy nàng biết mình có thai. Chín tháng sau Nàng Tĩnh sinh được một người con trai, tướng mạo khác hẳn người, liền đặt tên là Tam Giang, có nghĩa là "Người con của ba dòng sông".

Tác giả với ông Cửu, một người thợ đúc đồng ở thôn Lộng Thượng

Tam Giang lớn lên văn võ toàn tài, có công dẹp giặc, cứu dân được phong làm "Hộ quốc Phúc thần ". Không những vậy, ông còn có công lập ra trại Đồng Cầu, tức làng Nôm hay xã Đại Đồng hiện nay.

Chuyện xưa kể lại: Trong một trận giáp chiến với giặc, tướng Tam Giang không may bị tử nạn. Đầu ông bị chém văng xa, không hiểu bằng cách nào mà nhập được vào sông Nguyệt Đức rồi trôi về đến đúng cuối làng Nôm thì dừng lại. Người dân trong làng vớt đầu của tướng Tam Giang đem đi chôn cất. Một ngôi đình thờ người con anh dũng của quê hương được dựng lên đúng vị trí đầu ông bị mắc lại.

Đình không chỉ độc đáo về huyền tích, kiến trúc hiếm có và được xem là nơi tập trung linh khí. Trong đình còn là nơi lưu giữ nhiều sắc phong có giá trị. Đình Đại Đồng đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1994 về "lịch sử và kiến trúc nghệ thuật"..

Một làng nghề truyền thống

Làng Nôm hay xã Đại Đồng ngoài ngôi chùa Nôm nổi tiếng, ngoài ngôi đình huyền tích, ngoài ngôi làng cổ ra còn có một nghề truyền thống, đó là nghề đúc đồng. Được biết người dân làng nghề đúc đồng ở đây đã cùng với người dân các làng nghề đúc đồng khác vùng Kinh Bắc xưa như: Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền được Triều đình vời lên Kinh thành Thăng Long, mới đầu là để đúc tiền sau phát triển lên đúc tượng phật và đồ thờ cúng. Họ đã tạo nên phường đúc đồng Ngũ Xã lừng danh trên đất Kinh Kỳ.

Năm tháng phôi phai, bốn trong chín thôn của xã Đại Đồng có nghề đúc đồng là Bùng Đồng, Văn Ổ, Xuân Phao và Lộng Thượng, thì nay giữ được nghề truyền thống chỉ còn thôn Lộng Thượng.

Đường chính của thôn Lộng Thượng giờ mang dáng dấp của một dãy phố, mặt đường trải nhựa, hai bên là những cửa hàng cửa hiệu kinh doanh đủ thứ nhưng nhiều nhất vẫn là đồ đồng. Tôi ghé vào một cửa hàng, ông chủ hiệu tuổi ngoại 50, tên là Đặng Văn Cửu giới thiệu: "Nghề đúc đồng do nhà sư Khổng Minh Không (tên thật là Nguyễn Minh Không và được suy tôn là Lý Quốc Sư) truyền cho dân làng từ thời Lý. Sản phẩm đồng ở đây chủ yếu là đồ thờ cúng. Hiện có thêm sản phẩm khác là đúc tượng chân dung".

Theo như ông Cửu, một trong gần 200 chủ lò đúc đồng của thôn, thì người thợ đúc đồng ở đây kiêm luôn chủ lò, kiêm người thiết kế mẫu và kiêm chủ hiệu. Cũng theo ông Cửu thì ngoài kế thừa mẫu mã truyền thống ra người thợ đúc đồng còn phải trăn trở để tạo nên những mẫu mã mới hợp thị hiếu đương đại. Rồi ông Cửu bùi ngùi nói: "Một lò đúc đồng mỗi năm sử dụng có khi tới cả trăm tấn nguyên liệu, nhưng hiếm có người được gọi là "đại gia" vì mức lãi chỉ đạt 7% trên tổng chi phí".

Nghe tới đây tôi chợt suy nghĩ: Làng Nôm hay xã Đại Đồng vẫn chỉ là lấy lúa làm chính, điều kiện đang mở ra nên cần tính tới một "Mô hình Kinh tế kết hợp du lịch" tại chỗ. Theo đó sẽ là: Nông nghiệp - Làng cổ - Làng nghề - Tâm linh - Lịch sử và Văn hóa, xã hội. Và để làm được điều này thì xã Đại Đồng nên có những cơ sở dịch vụ thích ứng như: Điểm bán đồ lưu niệm, có người hướng dẫn viên chuyên nghiệp ở từng di tích cụ thể, dịch vụ đi kèm, tiến hành tổ chức lại một số sinh hoạt xưa….

***

Ngày đã chuyển chiều, trời mùa này tối sớm, tôi tạm biệt "Làng Nôm" để ra về lòng còn tiếc rẻ vì chưa "khai thác" được hết những "bí ẩn" của một làng quê Bắc Bộ. Nhưng lại hóa hay bởi chắc lần về sau sẽ có nhiều điều mới lạ.

Nguyễn Trọng Văn
.
.