Có nên bửa đôi một di tích ngàn năm tuổi?

Thứ Hai, 28/09/2009, 22:30
Xin được nói ngay, đó là ngôi đền thờ trống đồng do vua nhà Lý (Lý Phật Mạ tức Lý Thái Tông) cho xây năm 1028, tính đến thời điểm này thiếu 19 năm nữa là tròn 1000 năm! Đền Đồng Cổ giữa phố Thụy Khê (đất làng Yên Thái cũ) thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ.

Từng trơ gan cùng tuế nguyệt ngót ngàn năm như thế (tất nhiên có nhiều lần sửa sang tu tạo) nhưng hiện nay đền Đồng Cổ có nguy cơ bị xẻ làm đôi để phục vụ cho Dự án thoát nước của Hà Nội...

Thông điệp của Đền thiêng

Có ý kiến từng cho rằng, đền Đồng Cổ ở Hà Nội bây giờ là bản sao của đền Đồng Cổ  làng Đan Nê Thượng bên bờ sông Mã thuộc phủ Yên Định, Thanh Hóa  (nay là xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Sự thật ra sao?

Đền thờ thần núi Đồng Cổ còn có tên là núi Khả Lao xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền ngày xưa Vua Hùng đi đánh giặc trú quân dưới chân núi đêm mộng thấy sơn thần hiện lên xin cho đem trống đồng theo quân để trợ chiến.

Khi lâm trận Vua Hùng nghe có tiếng trống văng vẳng oai hùng từ không trung dội xuống. Giặc nghe thấy thất kinh bỏ chạy cả. Thắng trận trở về Vua Hùng phong cho vị Sơn thần ấy là Đồng Cổ Đại Vương và lập đền thờ.

Sách “Việt Điện U Linh”  (NXB Văn hóa năm 1960) của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV) chép một đoạn về Lý Thái Tông, đại ý: khi còn là Thái tử, phụng mạng vua cha là Lý Thái Tổ, đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu (núi Khả Lao của Đan Nê) đóng quân tạm nghỉ.

Canh ba đêm ấy, thấy một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: "Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công". Thái tử vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh dậy luôn. Hôm sau tiến quân đến đất Chiêm, trận ấy quả nhiên đại thắng.

Khi khải hoàn về qua Trường Châu, Thái tử bèn sai quân gia sửa sang lễ tạ rồi rước về kinh đô để giữ nước hộ dân. Đang chọn đất khắp ngoại thành, chưa biết nên lập đền chỗ nào, thì đêm đến, Thái tử lại thấy thần báo mộng: "Xin lập đền ở bên hữu trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ". Thái tử theo lời cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong.

Khi Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử Lý Phật Mã chưa kịp lên ngôi thì xảy ra loạn Tam vương. Các hoàng tử Vũ Đức, Đông Chính và Dực Thánh khởi loạn giành ngôi báu. Âm mưu bại lộ. Thái tử được Lê Phụng Hiểu giúp sức dẹp yên. Phật Mã lên ngôi tức là Vua Lý Thái Tông nhận rằng trước thời điểm xảy ra đảo chính (loạn) một hôm, chính thần núi Đồng Cổ báo mộng cho biết nên đã kịp thời mà phòng bị.

Nhân đó vua cho rước bài vị ở chân núi Đồng Cổ Thanh Hóa về Kinh đô sai dựng đền ở sau chùa Khánh Thọ (có bản chép là Thánh Thọ) phường Yên Thái thuộc Bưởi bây giờ để phụng thờ. Trải qua các triều đại đền thờ thần Đồng Cổ Đan Nê vẫn được coi là đền chính. 

Khi Lý Thái Tổ mất, 3 hoàng tử Vũ Đức, Đông Chính, Dực Thánh gây biến định tranh ngôi báu. Thái tử Lý Phật Mã được vệ sĩ Lý Nhân Nghĩa Lê Phụng Hiểu giúp sức dẹp yên. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông nhận rằng trước hôm nổi loạn ba vương Thái tử đã được thần núi báo mộng vì thế vua mới biết mà phòng bị.

Vua xuống chiếu giao cho quan hữu ty dựng đền thờ phía sau chùa Thánh Thọ (năm 1028) lấy ngày 25/3 dựng đàn thề. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kị nên chuyển sang ngày mồng 4/4.

Nhà vua ban chiếu lập đàn treo cờ tại đền Đồng Cổ, bắt các hoàng thân quốc thích và tất cả triều thần tới đền, đứng trước thần vị, đọc lời thề rằng: Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất trung bất hiếu, thì xin thần minh làm tội. Đoạn mỗi người từ cửa đông đi vào, qua thần vị, uống tiết sống ăn thề.

Từ đó hàng năm thành lệ. Ai trốn không thề sẽ bị phạt 50 trượng.

Sách “Hà Nội địa dư” còn chép thêm rằng: đời nhà Trần cũng bắt chước lối thề của nhà Lý. Ngày hôm đó, nhà vua ngự tại điện Đại Minh, các quan phải đem cả gia nhân tới đền mà thề rằng: Làm tôi phải hết lòng trung, làm quan phải thanh bạch; ai trái lời thề, thần minh giết chết. Đến triều Hậu Lê cũng vẫn theo lệ này, nhưng chọn ngày Mậu tháng Giêng mỗi năm làm lễ tuyên thệ ở bến sông. Còn tại đền Đồng Cổ thì vua sai quan đến tế lễ.

Xem thế thì, việc thờ thần núi Đồng Cổ, cũng là mang phong tục tốt, vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa phản ánh sự tôn vinh thần quyền bên cạnh vương quyền từ thời cổ và trung đại. Trống đồng còn là một linh vật tượng trưng cho tinh thần thượng võ và truyền thống văn hóa lâu đời của nước ta...

Sử sách Trung Hoa viết rằng trong các trận giao chiến, dân Bách Việt đánh trống đồng để thị oai. Đám quân bại trận ở Đại Việt về, còn lưu truyền câu: Đồng Cổ thanh trung bạch phát sinh. (Nghe tiếng trống đồng sợ đến bạc tóc).

Tuy vậy, do cuộc xâm lược với âm mưu đồng hóa người Việt, nền văn minh trống đồng Đông Sơn bị bao phủ mờ, sau một ngàn năm vẫn còn ẩn chứa nhiều điều nên ta chưa hiểu biết hết về xã hội thời Hùng Vương nhất là đêm trường dằng dặc ngàn năm Bắc thuộc. Nhưng dân gian đã làm được những việc diệu kỳ.

Phải chăng từ thời Hùng Vương, đền thờ trống đồng được lập ở núi Khả Lao (Yên Định) đã làm cái việc nhắc nhở cho các hậu duệ Việt việc cần thiết phải thờ phụng thứ binh khí đến linh khí là trống đồng là linh vật tượng trưng cho tinh thần thượng võ của dân ta? Tiếp nối ngọn lửa truyền thống đó, Vua Lý Thái Tông đã mang bài vị thờ thần trống đồng về Thăng Long để thờ phụng.

Hội thề Đồng Cổ, đặc biệt là trong nội dung lời thề tất nhiên có khiếm khuyết. Mà khiếm khuyết đó chính là thiếu lời thề của vua. Chức phận bề tôi đã thế nhưng còn vua? Đây có thể là vũ khí lợi hại để củng cố sự đoàn kết nội bộ của các triều đại phong kiến nhưng cũng là biến tướng của đạo lý người Việt nên hình thức đó đã lung linh huyền ảo trang trọng dằng dặc suốt từ đời Lý, rồi đời Trần, cho đến Hậu Lê sau này. Có nhiều ý kiến còn cho rằng tục uống máu ăn thề của người Việt mình có thể bắt đầu từ hội thề Đồng Cổ như thế?

Trong nắng thu nhưng khá gắt, các kíp thợ nề, mộc đang hối hả vào việc. Đền Đồng Cổ hiện tại là di tích trọng điểm đang được tôn tạo dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Với kinh phí trên 6 tỉ đồng, chưa khi nào đền được tu tạo cẩn trọng hoành tráng như lần này bắt đầu từ cuối năm ngoái. Toàn bộ nội thất đền đã được chuyển sang thờ tạm tại đình Mật Dụng của phường cách đó không xa. Chúng tôi thơ thẩn trên sân, ngó lại những hàng câu đối còn lưu lại trên các cột hoa biểu của đền:

Linh từ nhất thốc tiểu Long Đỗ/ Thần ngữ thiên thu ưởng Phượng Thành (Đền thiêng một góc ngời Long Đỗ/ Lời Thánh thiên thu vọng Phượng Thành) Long Đỗ, Phượng Thành chỉ đất thiêng Thăng Long - Bản dịch của nhà thơ Ngô Văn Phú). Hai câu đối ngay cạnh: Bát diệp sơ, Đồng Cổ sơn ngôn, lịch đại bao phong lưu ngọc điệp/ Thiên tải hậu Chu Bàn hải thệ, nhất tâm trung hiếu phụng kim chương. (Xin tạm hiểu là: Tám đời vua Lý, Đồng Cổ lời xưa, các triều phong thần còn lưu sắc ngọc. Ngàn năm từng trải, Đàn Thề ghi tạc, một lòng trung hiếu lấp lánh ánh vàng).

Ý khá hay. Nhưng hiềm nỗi chữ viết chưa chuẩn chưa xứng với tầm của một ngôi đền thiêng, chắc lần sửa sang tu tạo nào đó làm hơi vội? Lại chạnh thêm một nỗi nữa, lối đi vào đền hình như mỗi năm mỗi hẹp? Cảnh quan xung quanh đền bị băm nát bởi sự lấn chiếm này khác cùng với việc xây cất à uôm vô lối. Nhưng đón chúng tôi thăm và giới thiệu di tích, ông Hàn Tín Nhâm, một thành viên trong BQL Di tích của đền lại chưa coi sự phiền muộn ấy làm trọng. Hiện BQL di tích của đền Đồng Cổ và bà con trong phường còn có thứ bức xúc khác gay cấn cấp bách hơn mà chuyện sau sẽ nói...

Chúng tôi may mắn có lần về viếng đền Đồng Cổ ở Đan Nê xứ Thanh. Bên cạnh việc quốc lễ tại đền ở Thăng Long, các triều đại phong kiến còn luôn chăm lo việc tu bổ phục dựng đền ở Đan Nê. Mãi cho đến năm 1947, giặc Pháp ném bom xuống công binh xưởng đóng trong hang đá cạnh đền làm đền bị hư hại hầu hết.

Ngôi đền mới dựng tạm gần đây tuy gạch ngói sơ sài nhưng cảnh trí xung quanh ngôi đền khá thơ mộng, có hồ kề bên là sông Mã là những rặng núi đá chất ngất. Công đức của chính quyền địa phương cùng khách thập phương chưa nhiều, tuy nội thất của đền chưa xôm tụ nhưng khá nghiêm cẩn. 

Bên bức hoành Hồng Bàng Duy Vận có đôi câu đối của Hoàng giáp đời Lê Nguyễn Đức Lý: Thiên vi anh địa vi linh tất Mã giang tây Thanh miếu cổ/ Thần đương trung, tử đương hiếu Thăng Long thành bắc thệ đàn cao. (Tạm hiểu: Trời đất anh linh bên phía tây dòng Mã giang sừng sững tòa miếu cổ/ Làm tôi phải trung làm con phải hiếu, vang vọng lời thề trời bắc Thăng Long)

Một câu đối khác: Chí hỷ vô năng danh, trần cấu do đào Nghiêu Thuấn/ Cách tử bất khả đạc, tang thương tằng lịch Lý Trần. (Khôn tả nỗi mừng vui dấu vết vốn từ Nghiêu Thuấn/ Khó lường được linh hiển bể dâu trải đến Lý Trần).

Lần hành hương ấy, chúng tôi còn có dịp tham khảo thêm cuốn “Hán tự Tam Thai sơn linh tích” (chưa rõ tác giả. Sở dĩ có tên Tam Thai là do 3 ngọn núi đá sừng sừng làm án tạo nên thế phong thủy đắc địa cho đền) do chính quyền xã đương lưu giữ có chép tương đối kỹ về ngôi đền thiêng này.

(Còn nữa)

H.Đ.Đ. - X.B.
.
.