Cơ nhân tạo phục hồi khả năng chớp mắt

Thứ Ba, 09/03/2010, 22:45
Đối với các nạn nhân đột quị, tổn thương mặt nặng, hay các bệnh thoái hóa cơ, mất khả năng chớp mắt có nguy cơ dẫn đến các bệnh nặng như loét giác mạc, hay thậm chí mù bất ngờ. Để giúp cho thị lực của những người bị tổn hại cơ mặt, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật ở Trung tâm Y khoa Davis trực thuộc Đại học California đã nghiên cứu phát triển thành công vật cấy mí mắt sinh học giúp phục hồi khả năng chớp mắt với cơ nhân tạo.

Vật cấy tập trung quanh cơ nhân tạo polymer kích hoạt điện (EPAM), một loại silicon co giãn được tùy theo điện áp, cũng giống như cơ thật. Kỹ thuật mới này cũng giúp phát triển cơ tổng hợp để kiểm soát các bộ phận cơ thể khác. Thành tựu khoa học được công bố trên tờ Archives of Facial Plastic Surgery số tháng 1 và 2/2010. 

EPAM là công nghệ nổi bật có thể được sử dụng trong phục hồi cử động gương mặt ở các bệnh nhân liệt cơ mặt. Đối với các chứng liệt khác, cơ nhân tạo giúp phục hồi khả năng cười hay kiểm soát bàng quang.

Chớp mắt là một phần chủ yếu của hoạt động tự nhiên duy trì sức khỏe cho mắt. Mí mắt có chức năng lau sạch bề mặt của mắt và làm tản nước mắt ra khắp giác mạc. Nếu không có hoạt động bôi trơn này, mắt sẽ nhanh chóng gặp nguy cơ phát triển chứng loét giác mạc và cuối cùng dẫn đến mù mắt. Hoạt động chớp mắt không chủ ý do dây thần kinh sọ não kiểm soát. Đối với phần đông các bệnh nhân bị liệt mí mắt thường xuyên, dây thần kinh này đã bị tổn thương do tai nạn, đột quị hay phẫu thuật cắt bỏ khối u trên mặt. Nhiều người mắc phải hội chứng Mobius (tức là các dây thần kinh vùng mặt kém phát triển). Một số bệnh nhân cũng khó giữ cho mí mắt này đóng lại khi nằm ngủ.

Trong nghiên cứu, các chuyên gia phẫu thuật tạo hình Senders và Tollefson sử dụng một phương pháp thay thế mới cho sự phục hồi mí mắt đối với chứng liệt mí mắt thường xuyên. Họ sử dụng cơ chế dây đeo mí mắt để tạo ra cử động chớp mắt khi được một cơ nhân tạo kích thích. Các nhà phẫu thuật dùng xác chết để lồng một sợi dây làm bằng mô liên kết hay kết cấu cấy quanh mắt. Những đinh ốc nhỏ bằng titanium bảo đảm sợi dây kết nối với những xương nhỏ của mắt. Sợi dây được nối với một cơ nhân tạo hoạt động bằng pin. Thiết bị cơ nhân tạo và pin được giấu trong phần hõm tự nhiên nơi thái dương.

Senders và Tollefson thấy rằng, cơ nhân tạo có khả năng tác động đến sợi dây để đóng mí mắt lại. Khả năng này cho phép tạo một cử động chớp mắt như bình thường. Một hệ thống tương tự có thể giúp những đứa trẻ bẩm sinh mắc chứng liệt gương mặt có được nụ cười. Tollefson cho biết hoạt động co giãn của cơ nhân tạo tương tự như cơ tự nhiên.

Hiện nay các nhà nghiên cứu đang cố gắng cải tiến kỹ thuật trên xác chết hay động vật thí nghiệm và họ dự đoán công nghệ sẽ được ứng dụng cho bệnh nhân trong vòng 5 năm tới. Nghiên cứu nhận được tài trợ của Viện Phẫu thuật phục hồi và tạo hình gương mặt Hoa Kỳ

An An (theo Science Daily)
.
.