Có những bác sĩ như thế…

Thứ Bảy, 08/03/2014, 16:55

Trong gần 20 năm kể từ khi ra đời, nhóm Công tác xã hội từ thiện - Công đoàn khoa Y - Đại học Y Dược TP HCM (ĐHYD) đã cùng với các nhà hảo tâm tổ chức những chuyến đi từ thiện tại rất nhiều vùng miền trên cả nước.

1. Ra đời năm 1995, xuất phát từ cái tâm đối với người nghèo, cái đức của nghề Y và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, nhóm Công tác xã hội từ thiện - Công đoàn khoa Y - Đại học Y Dược TP HCM (ĐHYD) lúc ấy quy tụ một số bác sĩ (BS), dược sĩ, điều dưỡng thuộc ĐHYD, BV ĐHYD, BV Chợ Rẫy và một số BV khác trong thành phố. Đó là BS Lê Văn Quang - nay là Phó giám đốc BV Thống Nhất, giảng viên Bộ môn Ngoại ĐHYD; là BS Tấn, BS Thông, BS Cộng Hòa, BS Đỗ Hải, BS Phước Hưng - giảng viên Bộ môn Ngoại; Bs Huỳnh Nghĩa, giảng viên bộ môn Huyết học và cũng là Chủ tịch Công đoàn khoa Y; BS Thiện, giảng viên bộ môn Vi sinh; BS Trường, Trung tâm Pháp y TP HCM, BS Thanh - nay là Giám đốc BV Q 2 TP HCM…

Ông Đặng Phước Ái, nguyên Trưởng ban quản lý chợ An Đông, một trong những "Mạnh Thường Quân" có thâm niên của nhóm, kể lại: "Hồi đó, hễ nghe tôi báo tin các BS trong nhóm chuẩn bị đi từ thiện là bà con tiểu thương chợ An Đông lại nhiệt tình ủng hộ vật chất để anh chị em có điều kiện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho những gia đình chính sách, gia đình nghèo…".

Ông Trịnh Khắc Thiệu, cũng là một nhà hảo tâm có thâm niên, cho biết: "Sau khi nhóm lên kế hoạch, tôi cùng anh Ái và một số anh em khác, vận động nhau quyên góp tiền bạc, kẻ ít người nhiều làm kinh phí mua thuốc". Nhờ sự quyên góp này, nhóm đã tổ chức những chuyến đi đến nhiều miền quê xa xôi hẻo lánh.

BS Tấn, hiện công tác tại BV ĐHYD kể lại: "Khi ấy, trung bình mỗi tháng chúng tôi tổ chức khám từ thiện một lần, còn nếu xảy ra thiên tai, bão lũ thì hễ xảy ra lúc nào, chúng tôi liền họp nhau lại, sắp xếp nhân sự, thuốc men để có thể có mặt trong thời gian sớm nhất".

Những chuyến đi từ thiện đã để lại biết bao kỷ niệm cho những thành viên trong nhóm. Ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, năm 1997 khi anh em BS, điều dưỡng lên đến nơi, thì BV huyện vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Nước máy chưa có, điện chập chờn nên chỉ cánh nữ giới mới được ưu tiên tắm nhờ trong nhà dân, còn cánh đàn ông thì tất cả ra giếng công cộng. 8 giờ tối, trời lạnh cắt da, giếng lại nằm dưới một con dốc, đường xuống giếng hai bên cây cỏ rập rạp nên cậu y sĩ ở BV huyện phải dùng đèn pin soi lối cho từng tốp 2 người xuống tắm.

Năm 2000, khi bão đang chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung thì nhóm lên đường ngay. Xe vừa xuống khỏi đèo Hải Vân thì cũng là lúc cơn bão ập đến. Mặc kệ mưa to gió lớn, anh tài xế vẫn nhắm hướng Quảng Trị thẳng tiến. Lúc ra đến nơi, tấm biển kiểm soát gắn phía trước đầu xe bị gió, cát bào mòn hết lớp sơn, chỉ còn trơ lại một màu  kim loại trắng xóa.

Ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, vì là mùa lũ nên cả nhóm phải đến điểm khám bệnh bằng xuồng. Chưa hết, điểm khám được chính quyền địa phương bố trí tại một trường học nằm trên một gò đất cao nên khi xuồng cặp bờ, anh chị em BS, dược sĩ, điều dưỡng còn phải mang vác hàng chục thùng thuốc, dụng cụ, lội bộ qua những bãi lầy gần 2km mới vào được.

Bà con người Chăm tập trung để ghi tên khám bệnh.

2. Tre già măng mọc, hầu hết những thành viên ban đầu của nhóm Công tác xã hội từ thiện Công đoàn khoa Y - ĐHYD TP HCM có người nay đã nghỉ hưu, có người đang nắm giữ những chức vụ quan trọng, có người chuyển đi nơi khác và có người do tuổi tác nên việc tham gia không còn thường xuyên. Để có được đội ngũ kế thừa nhằm duy trì phong trào, BS Cộng Hòa kêu gọi sự tình nguyện của thế hệ trẻ.

Bây giờ, ngoài BS Cộng Hòa, giảng viên Bộ môn Ngoại gan mật, ĐHYD giữ vai trò trưởng nhóm, còn có BS Mỹ Dung - giảng viên Bộ môn Nội gan mật là phó nhóm, BS Vũ Đức - khoa Ngoại tổng quát, BS Tiến - đơn vị Viêm gan BV Chợ Rẫy, BS Cẩm Lệ, BS Tâm - khoa Tai Mũi Họng BV ĐHYD, BS Thư - Khoa Thận nhân tạo BV Trưng Vương, BS Nghi - Khoa Giải phẫu bệnh BV Nhân dân Gia Định, BS Vui - Công ty Dược Pfizer cùng một số BS hiện đang đi nội trú ở Khoa Ngoại tổng quát BV Chợ Rẫy…

Bên cạnh đó, còn có BS Bích Liên, chuyên khoa Răng Hàm Mặt ở mãi Vĩnh Long nhưng cứ hễ nhận được thông báo của nhóm, là BS Liên lại cùng 4 nha sĩ trung cấp, kỹ thuật viên, tay xách nách mang chiếc thùng chứa 100 cây kìm nhổ răng, nồi hấp vô trùng, thuốc tê, bông băng, gòn gạc, bơm tiêm lên TP HCM đi với nhóm.

BS Cộng Hòa cho biết: "Trong những buổi sinh hoạt cộng đồng với sinh viên khoa Y, tôi phổ biến tinh thần hoạt động của nhóm nên số sinh viên tình nguyện tham gia rất đông, có em vào nhóm ngay từ khi mới học năm thứ nhất".

Đến nay, nhiều sinh viên như Nghi, Thư, Trúc, Thảo, Hoài… đã là BS và vẫn là thành viên thường xuyên của nhóm.

Lê Duy, hiện là sinh viên năm thứ 5, nói: "Em đi với thầy Cộng Hòa lúc em bắt đầu học năm 2. Đến nay, em đã tham gia gần 50 chuyến công tác xã hội từ thiện. Trong những chuyến đi này, ngoài việc học hỏi về chuyên môn, em còn hiểu thêm về Y đức qua việc làm của các thầy, cô, của những BS đàn anh…".

Và cũng như buổi ban đầu, nhóm Công tác xã hội Công đoàn Khoa Y -  ĐHYD TP HCM đã có mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước. Dù ở bất kỳ địa phương nào, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành chức năng, của chính quyền và các đoàn thể.

Ở Ninh Thuận, đích thân Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, Giám đốc Công an tỉnh đã cử 12 cán bộ, chiến sĩ Phòng Công tác chính trị và Cảnh sát cơ động đi cùng để giúp anh chị em BS, điều dưỡng trong việc gọi tên, phát thuốc, phát quà cho bà con người Chăm vì số lượng bệnh nhân đến khám, nhận quà là gần 1.000 người trong lúc cả nhóm không ai biết tiếng Chăm.

Ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, anh Xuân, Phó tổng biên tập Báo Sóc Trăng đã cử 4 phóng viên biết tiếng Kh'mer làm phiên dịch cho nhóm vì đa số bà con đến khám bệnh đều là người Việt gốc Kh'mer. Ở cảng cá Hòn Rớ, cảng cá Đại Lãnh tỉnh Khánh Hòa, thông tin về chuyến khám bệnh của nhóm được Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Ban quản lý Cảng thông báo cho ngư dân biết trước một tuần để bà con sắp xếp thời gian.

Có nơi phải ở lại đêm, cả nhóm ngủ nhờ ngoài hiên của một ngôi nhà. Chủ nhà tốt bụng - ngoài việc lau chùi nền gạch sạch sẽ, còn cho nhóm mượn hai cái mùng - loại mùng lớn giăng cho trâu, bò tránh muỗi. Thế là chia đôi, 12 nữ chung một mùng, 10 nam một mùng, sáng mở mắt ra thấy 1/3 quân số lọt ra khỏi mùng vì cái tật ngủ hay lăn. Có nơi, liên hệ bà con nấu giùm bữa cơm, chủ nhà cho biết mùa này thức ăn chỉ có cá con, nhỏ cỡ ngón tay út. Khám xong, bụng đói, cơm với rau má, trái bần chấm nước cá kho mà vẫn ngon lạ lùng.

Lại có nơi, một doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi nghe tin nhóm về khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo nên đã tìm đến, mời nhóm về trụ sở của mình cho bằng được để ăn một bữa cơm, rồi đề nghị sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí để lần sau, nhóm quay lại, khám tiếp.

BS Mỹ Dung cho biết: "Thông thường, các địa phương có nhu cầu mời chúng tôi về khám cho người dân thì họ gửi công văn đến Công đoàn Khoa Y. Sau khi trình lãnh đạo ĐHYD phê duyệt, chúng tôi thông báo cho địa phương ngày, giờ khám đồng thời sắp xếp nhân sự, chuẩn bị thuốc men, phương tiện di chuyển".

Trung bình mỗi chuyến đi, anh chị em khám bệnh, phát thuốc, nhổ răng cho 500 người, tặng quà cho từ 200 đến 300 hộ, kinh phí từ 100 đến 150 triệu đồng, tất cả đều do một số nhà hảo tâm đóng góp. Bên cạnh đó, để tạo nguồn hoạt động cho nhóm, mỗi tháng, mỗi BS trong nhóm đóng tiền quỹ 200 nghìn còn sinh viên, mỗi em đóng 10 nghìn đồng. Riêng các nhà hảo tâm, hằng tháng mỗi người tự nguyện góp 500 nghìn.

3. Đi công tác xã hội từ thiện, không thể không nhắc đến những nhà hảo tâm vì nếu thiếu họ thì những chuyến đi không thể hình thành. Đó là Đại tá Trần Văn Lộc, nguyên Trưởng Công an quận 11, TP HCM; là ông Lưu Minh Quan, chủ Cơ sở đúc đồng Thuận Lợi; ông Đặng Thành Phước, chủ Cơ sở dệt lưới Hóc Môn; ông Trần Thành Phát, Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy hải sản Ngọc Phát; ông Lâm Nhơn Hưng, Trường Dạy lái xe Trường Vinh; ông Huỳnh Văn Khai, Trưởng phòng Hành chính Điện lực Bình Chánh; ông Mã Cáo, Giám đốc Công ty nhựa Đệ Nhất; vợ chồng anh chị Dũng, Viên…

Cứ mỗi chuyến đi, họ lại chung nhau, kẻ ít người nhiều góp lại mua thuốc đồng thời tháp tùng theo nhóm để hỗ trợ khi cần. Cũng phải kể thêm, Công ty Huỳnh Mai bao giờ cũng có vài trăm phần quà gồm mì gói, nước tương, đường, sữa, bột ngọt, bánh kẹo...

Tháng này qua tháng khác, năm nọ nối tiếp năm kia, công việc của nhóm Công tác xã hội - Công đoàn Khoa Y - ĐHYD TP HCM vẫn diễn ra trong thầm lặng. Và mặc dù ngành Y đây đó còn xảy ra những chuyện đáng buồn, đáng lên án nhưng xã hội vẫn rất cần đến những người thầy thuốc và những nhà hảo tâm có tấm lòng như thế…

Vũ Cao
.
.