Có phải Sơn Tùng M-TP đạo nhạc?

Thứ Ba, 25/11/2014, 14:45

Tối 10/11/2014, sau cuộc họp với Hội đồng thẩm định, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khẳng định: “Ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng đạo nhạc một cách tinh vi”.
"Chắc ai đó sẽ về" là ca khúc đang gây sốt của nam ca sĩ trẻ rất được yêu mến lẫn phản ứng hiện tại là Sơn Tùng M-TP.

Lần này, thì chắc chắn Sơn Tùng M-TP gặp rắc rối to, vì vấn đề không phải là một ca khúc đang ăn khách. Vấn đề chính là mối hồ nghi về việc Sơn Tùng M-TP có đạo nhạc hay không đã được khẳng định bởi một Hội đồng gồm nhiều nhạc sĩ từ lớn tuổi cho đến trẻ tuổi đầy uy tín, như: nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc sĩ Đỗ Bảo, nhạc sĩ Dương Khắc Linh…

1. Cuối tháng 10 vừa qua, Sơn Tùng M-TP cho xuất bản ca khúc mới với tên gọi "Chắc ai đó sẽ về". Như những ca khúc trước, "Chắc ai đó sẽ về" do Sơn Tùng M-TP tự sáng tác, phát hành dưới dạng online và nhanh chóng tạo được cơn sốt mới trên mạng Internet. Chưa đầy 24 giờ sau khi Sơn Tùng cho trình làng ca khúc này, đã có gần 4 triệu lượt người nghe, một kỷ lục của làng âm nhạc Việt Nam.

Thế nhưng, cũng như "Cơn mưa ngang qua", "Em của ngày hôm qua"… những sáng tác trước đây của Sơn Tùng, "Chắc ai đó sẽ về" lại bị cư dân mạng phát hiện ra có giai điệu giống với ca khúc "Because I Miss You" do Jung Yong Hwa trình diễn.

Vốn dĩ đã "ấm ức" với Sơn Tùng M-TP từ các ca khúc trước, những người không thích (hay nghi ngờ Sơn Tùng M-TP đạo nhạc) ngay lập tức hè nhau ném đá tập thể chàng trai này. Số ủng hộ Sơn Tùng thì giữ nguyên quan điểm, ca khúc giống nhau một chút cũng chẳng sao miễn hay là được. Tuy nhiên, với ca khúc mới này mọi thứ có vẻ không còn êm xuôi với Sơn Tùng M-TP như trước đây.

Trên trang fanpage quốc tế của Lee Jung Shin - thành viên nhóm CNBLUE đã có bài viết dài liên quan đến Sơn Tùng. Trong đó, những thành viên hâm mộ CNBLUE đã gọi Sơn Tùng là kẻ bắt chước, hay còn gọi là kẻ ăn cắp âm nhạc chuyên nghiệp (Music Thief Pro- chơi chữ theo nghệ danh M-TP của Sơn Tùng). Đồng thời, các thành viên này kêu gọi "đừng giúp kẻ cắp kiếm tiền" và đề nghị fan tố cáo tới FNC Entertainment, công ty quản lý của CNBLUE. Ngoài ra, họ cũng đăng tải cụ thể thông tin công ty quản lý của Sơn Tùng M-TP.

Không như những lần giải thích khác, lần này Sơn Tùng M-TP chọn giải pháp “im lặng là vàng”.

Vấn đề quan trọng hơn cả lời giải thích, "Chắc ai đó sẽ về" là ca khúc chính trong bộ phim "Chàng trai năm ấy", một bộ phim do Galaxy Studio và Công ty Wepro phối hợp thực hiện với dàn diễn viên nổi tiếng, trẻ đẹp đang được giới trẻ chờ đợi..

Trong nỗ lực "giải cứu" Sơn Tùng M-TP, nhạc sĩ Quang Huy đã nhiều lần xuất hiện trên truyền thông khẳng định Sơn Tùng M-TP không đạo nhạc. Đồng thời, ông chủ của Wepro còn có công văn gửi Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giải trình về nghi án Sơn Tùng đạo nhạc trong ca khúc "Chắc ai đó sẽ về", công văn có đoạn trích "Điều 12 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định "Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn".

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết với đại ý, giải thích như nhạc sĩ Quang Huy là cưỡng từ, đoạt ý, ngụy biện… Vì hình thức sáng tác của mỗi nhạc sĩ khác nhau theo từng thời điểm, hiện tại các nhạc sĩ sáng tác bằng nhiều phương tiện khác nhau chứ không chỉ dưới dạng văn bản, ký tự.

"Việc sáng tác mà dựa theo phần nhạc của người ta ít hay nhiều gì cũng không thể chấp nhận được. Tôi khẳng định, ca sĩ Sơn Tùng đạo nhạc. Và ngay ngày mai, chúng tôi sẽ gửi kết luận của Hội đồng thẩm định cho Cục Điện ảnh để họ xem xét về các cơ sở trước khi quyết định có cấp phép cho bộ phim "Chàng trai năm ấy" hay không?", nhạc sĩ Phó Đức Phương nói. "Còn quan điểm đạo đức, thì rõ ràng sáng tác mà ăn cắp thì không còn đạo đức gì nữa rồi. Hiện tại, chúng tôi chỉ mới xét ca khúc này, còn những ca khúc khác của Sơn Tùng M-TP chúng tôi chưa có kế hoạch", vẫn lời của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Trước khi Hội đồng thẩm định kết luận "Chắc ai đó sẽ về" đạo nhạc, thì một ca khúc đình đám khác của Sơn Tùng M-TP là "Em của ngày hôm qua" đã từng bị loại khỏi cuộc bình chọn của Làn Sóng Xanh vì "có quá nhiều nghi ngờ về giai điệu".

Ngay khi tin tức về kết luận của Hội đồng thẩm định được đưa ra, phía nhà sản xuất bộ phim "Chàng trai năm ấy" đã phải xin hoãn lại ngày công chiếu, dự tính là vào ngày 13/11. Bởi, quá khó để nhà sản xuất hy vọng vào việc Cục Điện ảnh sẽ thông qua và cấp phép cho một bộ phim có ca khúc chính lại là một sáng tác… ăn cắp.

Vì sao trước đây Sơn Tùng M-TP lại không vướng vào rắc rối lớn như hiện tại(?). Tất cả bắt nguồn từ việc Sơn Tùng M-TP rời khỏi công ty cũ.

2. Sơn Tùng M-TP là ca sĩ độc quyền của Công ty Văn Production theo hợp đồng 5 năm bắt đầu từ tháng 11/2012. Thế nhưng, sau khi tham gia vào bộ phim "Chàng trai năm ấy" của một ông bầu đầy danh vọng khác là nhạc sĩ Quang Huy, người từng quản lý Ưng Hoàng Phúc, Phạm Quỳnh Anh, Lương Bích Hữu… thì mối quan hệ giữa Sơn Tùng M-TP và Công ty Văn Production đã không còn nồng thắm như trước nữa.

Theo nguồn tin của tôi thì chính Sơn Tùng M-TP đã quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng với Văn Production. Tất nhiên thì Văn Production không dễ để mất "gà son" của mình đến vậy. Sau nhiều cuộc thương lượng, Sơn Tùng M-TP vẫn kiên quyết rời công ty cũ, nơi mà đã cho Sơn Tùng nhiều thứ khi cậu chàng chỉ vừa chơi nhạc theo kiểu bất chấp lề lối. Đây cũng không là điều quá lớn hay lạ lẫm trong làng giải trí Việt, tôi vẫn còn lưu một vài bộ hồ sơ kiện tụng lẫn nhau giữa ca sĩ và công ty quản lý độc quyền.

Cách đây không lâu, Văn Production đưa ra một tín hiệu với Sơn Tùng M-TP: "gửi thông báo yêu cầu Sơn Tùng M-TP phải tạm ngừng hoạt động biểu diễn từ ngày 1/11/2014 đến 30/4/2015 vì vi phạm hợp đồng". Lý do mà bên Văn Production đưa ra là "Sơn Tùng M- TP đã ký hợp đồng độc quyền trong vòng 5 năm với Công ty Văn Production. Theo các giao kết, Sơn Tùng có trách nhiệm tuân thủ tuyệt đối thời gian biểu của công ty và có nghĩa vụ không được tham gia tất cả các hình thức giao dịch liên quan đến biểu diễn và hoạt động nghệ thuật, không được thu thanh, thu hình với các đối tác khác mà không có ý kiến đồng ý của Văn Production.

Thế nhưng, Sơn Tùng đã nhiều lần không chấp hành thời gian biểu của công ty, tự ý hủy các chương trình biểu diễn mà công ty ký hợp đồng, tự ý ký các hợp đồng quảng cáo cung cấp các bản ghi âm, ghi hình thuộc bản quyền của công ty cho các kênh trực tuyến mà không có ý kiến đồng ý của công ty. Việc vi phạm này đã được nhắc nhở nhiều lần, các bên đã lập biên bản xử lý. Sơn Tùng đã hứa sẽ không lặp lại các vi phạm đã được nhắc nhở nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm.

Phim “Chàng trai năm ấy” phải hoãn chiếu vì nghi vấn Sơn Tùng đạo nhạc.

Vì vậy, Văn Production quyết định không giao việc cho Sơn Tùng trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 1/11/2014 đến ngày 30/4/2015 để Sơn Tùng có thời gian xem xét, chấn chỉnh lại thái độ lao động và tinh thần trách nhiệm đối với các cam kết của mình. Ngoài ra, trong 6 tháng này, công ty sẽ không nhận bất cứ một công việc nào để Sơn Tùng thực hiện, không phân biệt chương trình biểu diễn trong hay ngoài nước, ghi âm hay ghi hình (bao gồm cả những chương trình phi lợi nhuận hoặc Sơn Tùng M-TP tham gia với tư cách khách mời). Đồng thời, phía công ty cũng tạm thời rút xuống toàn bộ hình ảnh và âm thanh của Sơn Tùng trên các mạng xã hội, mạng nghe nhạc, chia sẻ video...".

Trước đó vài tuần, nhạc sĩ Huy Tuấn cũng tuyên bố về việc thôi hợp tác với ca sĩ Sơn Tùng trong một bức thư ngắn gửi giới truyền thông, "Do cá nhân tôi hiện có khá nhiều hoạt động và không có đủ thời gian để quán xuyến hết công việc hiện tại và sau một thời gian tìm hiểu cũng như bàn bạc kỹ giữa các đối tác, phía Công ty Văn production có yêu cầu tôi dừng hợp tác với Sơn Tùng từ vài tháng nay. Những câu hỏi liên quan đến âm nhạc, những sáng tác mới hay hình ảnh của ca sĩ Sơn Tùng M-TP tới lúc này, tôi không còn quyền hạn để trả lời, do việc hợp tác giữa hai bên đã ngừng lại", nhạc sĩ Huy Tuấn viết.

Khi Văn Production bắn ra một tín hiệu, Sơn Tùng M-TP đã phản ứng lại, từ Australia ca sĩ này đã có thông cáo "Tôi (Sơn Tùng M-TP đã gửi văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng với Văn Production từ ngày 1/11, đúng hai năm kể từ ngày ký hợp đồng làm ca sĩ độc quyền. Văn bản được gửi đi ngày 2/10, yêu cầu công ty quản lý hợp tác thực hiện việc thanh lý hợp đồng trong vòng 30 ngày. Như vậy, mọi phát ngôn, quyết định của Công ty Văn Production liên quan đến tôi đều không còn giá trị từ ngày 2/11. Bằng quyền công dân của mình, tôi đề nghị Công ty Văn Production ngừng cung cấp, phát tán những thông tin liên quan đến tôi".

Không chỉ vậy, Sơn Tùng M-TP còn tố đã bị Văn Production bóc lột công sức, không được tôn trọng, không được thực hiện theo đúng cam kết, bị khai thác quá sức lao động trong một thời gian dài với một môi trường làm việc không phù hợp. Ngoài ra, vẫn theo Sơn Tùng M-TP, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày Sơn Tùng gửi công văn về việc thanh lý hợp đồng cho Văn - Production, Sơn Tùng vẫn thực hiện những show diễn công ty đã ký kết trước đó. Thậm chí, một số show diễn Sơn Tùng phải tự bỏ chi phí của mình ra để lo việc di chuyển, ăn ở trong những chuyến lưu diễn mà công ty đã thu doanh thu về nhưng nam ca sĩ này vẫn chưa được thanh toán thù lao.

Đại diện Văn Production đã từ chối trả lời PV Chuyên đề ANTG về vấn đề này. "Chúng tôi không muốn đôi co với Sơn Tùng, mọi thứ sẽ được tuyên bởi tòa án", người đại diện nói.

3. Sơn Tùng M-TP là một ca sĩ có thể sáng tác nhạc và hát. Mặc dù vẫn có những tranh luận cho rằng Sơn Tùng M-TP ăn cắp của các nhóm nhạc Hàn Quốc từ phong thái biểu diễn, cách biểu cảm khuôn mặt cho đến giai điệu của các bài hát gây sốt… thì vẫn không thể phủ nhận Sơn Tùng M-TP là một hiện tượng thú vị của làng giải trí Việt trong suốt hơn hai năm qua.

Thời còn học phổ thông, Sơn Tùng M-TP đã sáng tác ca khúc "Cơn mưa ngang qua", rồi tung lên mạng Internet. Hai tháng sau, ca khúc này đã có hơn 1,7 triệu người nghe. Một con số mà tất cả các ca sĩ chuyên nghiệp đều mơ ước có được đối với một sản phẩm âm nhạc online. Sau "Cơn mưa ngang qua", rất nhiều ca khác của Sơn Tùng được đông đảo giới trẻ yêu thích, con số triệu lượt nghe đã trở nên bình thường đối với các ca khúc của Sơn Tùng.

Điều đáng tiếc nhất của Sơn Tùng M-TP (khiến nảy sinh ra câu chuyện thị phi hiện tại), theo quan điểm của tôi là mãi khi đã trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, có lượng người hâm mộ cực kỳ đông đảo, Sơn Tùng M-TP vẫn chưa từ bỏ thói quen cái thời còn chơi nhạc theo kiểu Underground  (dòng chảy ngầm). Những nghệ sĩ thực hiện âm nhạc Underground, thường chọn cách sáng tác theo kiểu tải miễn phí từ mạng Internet hay mua lại với giá rẻ một đoạn nhạc đệm (nhạc nền - beat) rồi phát triển lên thành ca khúc do mình sáng tác. Thế nhưng, chơi để thỏa mãn đam mê thì có thể chọn cách sáng tác theo kiểu Underground, chứ đã quyết lập thân lập danh bằng con đường ca hát thì Underground không được giới làm nghệ thuật truyền thông chấp nhận, do đã có vay mượn một cách chủ ý một đoạn nhạc đệm nào đó.

Sơn Tùng M-TP đã nhầm lẫn về vị trí của mình khi vẫn sáng tác ca khúc dưới dạng "xưa sao giờ vậy". Và sự nhầm lẫn ấy lại không còn được hậu thuẫn từ một công ty đủ tiềm lực như Văn Production, thì việc Sơn Tùng M-TP mắc vào scandal đạo nhạc như hiện tại là điều sớm hay muộn sẽ xảy đến

Ngô Nguyệt Hữu
.
.