Phản hồi sau bài báo: “Nhập nhèm dịch vụ tư vấn vay vốn ngân hàng”

Có phải là phạm tội hình sự không?

Thứ Sáu, 09/01/2009, 08:30
Tiến sĩ - Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân cho biết: Bọn “cò mồi” đưa người có nhu cầu vay vốn đến ngân hàng để họ ký trực tiếp với ngân hàng nhưng lại bày trò giục giã họ phải ký thật nhanh khiến người ký không kịp đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Theo tôi, đây là một tình trạng rất nguy hiểm bởi vì hậu quả xã hội của nó rất nặng nề.

>>Nhập nhèm dịch vụ tư vấn vay vốn ngân hàng
>>Bài 2: Làm gì để không mắc bẫy?

Chuyên đề ANTG các số 816, 817 đăng tải loạt bài về những khuất tất đằng sau dịch vụ tư vấn vay vốn ngân hàng, một loại hình dịch vụ đang rất phát triển hiện nay. Trong đó, nêu lên hiện trạng nhiều người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng do ngại mất thời gian đi làm thủ tục và do thiếu hiểu biết về pháp luật đã ký hợp đồng ủy quyền về tài sản của mình cho bọn "cò mồi", dẫn đến hậu quả bị mất trắng tài sản.

Sau loạt bài viết này, nhiều bạn đọc là nạn nhân của các vụ việc tương tự đã gọi điện, gửi thư về Tòa soạn kể lại câu chuyện họ đã bị sa chân vào bẫy của bọn "cò mồi" như thế nào. Mỗi người trong số họ là một hoàn cảnh, không ai giống ai nhưng tất cả đều chung một nỗi bức xúc: Vậy những vụ việc này có dấu hiệu của tội phạm hình sự hay không? Các đối tượng “cò mồi” đã lừa đảo họ, tại sao không bị xử lý hình sự?

Để giải đáp các vấn đề này trên cơ sở các quy định của pháp luật, PV Chuyên đề ANTG đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - Luật sư (TS-LS) Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân.

Con nợ sống vương giả, chủ nợ lâm vào cảnh khốn cùng

- TS-LS Trần Đình Triển: Tôi đã đọc loạt bài trên Chuyên đề ANTG về những khuất tất đằng sau dịch vụ tư vấn vay vốn ngân hàng. Đúng là hiện nay đang rộ lên tình trạng này. Bọn “cò mồi” vay vốn ngân hàng thường có hai thủ đoạn chính để chiếm đoạt tài sản của người dân:

Thứ nhất là dụ người có nhu cầu vay vốn ký hợp đồng ủy quyền tài sản cho chúng. Có giấy ủy quyền trong tay chúng mang tài sản của họ đi thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Thường là người dân có nhu cầu vay 1 nhưng chúng lại vay 10 để chiếm đoạt 9. Nhưng do đã ủy quyền toàn bộ cho chúng nên người dân không ký hợp đồng với ngân hàng nên không hay biết rằng, tài sản của họ đang phải bảo lãnh cho một khoản vay lớn gấp 10 lần số tiền thực bọn “cò mồi” vay hộ họ.

Thủ đoạn thứ hai là bọn “cò mồi” đưa người có nhu cầu vay vốn đến ngân hàng để họ ký trực tiếp với ngân hàng nhưng lại bày trò giục giã họ phải ký thật nhanh khiến người ký không kịp đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng.

Theo tôi, đây là một tình trạng rất nguy hiểm bởi vì hậu quả xã hội của nó rất nặng nề.

- PV: Cụ thể là gì, thưa ông?

- TS-LS Trần Đình Triển: Hậu quả dễ nhìn thấy nhất là người dân sẽ mất trắng nhà, đất. Bọn “cò mồi” sau khi ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, rút được tiền ra, đút túi xong là phủi tay. Quá hạn thanh toán, ngân hàng sẽ phải làm đơn khởi kiện ra tòa án. Tất nhiên, theo pháp luật tòa sẽ tuyên buộc bên vay phải thanh toán trả cho ngân hàng.

Nhưng bọn “cò mồi” khi ấy hoặc đã biến mất hoặc nếu không thì cũng cứ chây ỳ ra không chịu trả nợ. Trong khi đó, trong hợp đồng ký kết với ngân hàng thì người dân đóng vai trò là bên thứ ba bảo lãnh cho món vay đó bằng tài sản của chính mình với trách nhiệm sẽ là người trả nợ thay nếu bên vay nợ không trả được. Vì thế, ngân hàng sẽ phải phát mại tài sản thế chấp, tức là người dân sẽ mất trắng nhà đất. Chuyện bị mất nhà, mất đất, không còn nơi để trú ngụ, làm ăn sinh sống sẽ phát sinh thêm hàng loạt các hậu quả nguy hiểm khác.

Ví như, người dân sẽ phải dùng các biện pháp ngoài pháp luật (dùng đao búa) để xử bọn “cò mồi”, những kẻ đã làm tan cơ nát nghiệp của gia đình họ, làm phát sinh các vụ ẩu đả, thậm chí giết người, làm phức tạp thêm tình hình trật tự xã hội.

- PV: Nhưng trong khi người dân chỉ vay ngân hàng 1 phần mà bọn “cò mồi” lại dùng tài sản của họ để thế chấp vay ngân hàng những 10 phần để chiếm đoạt. Vậy thì sau khi bị ngân hàng phát mại tài sản, liệu người dân có thể tiếp tục khởi kiện bọn “cò mồi” ra tòa án để buộc chúng phải trả lại cho họ 9 phần mà chúng đã chiếm đoạt kia không, thưa LS?

- TS-LS Trần Đình Triển: Theo quy định của pháp luật, người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện bọn “cò mồi” ra tòa và tòa án sẽ giải quyết các tranh chấp này bằng một phiên tòa khác. Trong vụ kiện này, người dân sẽ là chủ nợ còn bọn “cò mồi” sẽ là con nợ. Nếu người dân đưa ra được đầy đủ các bằng chứng để chứng minh rằng, họ chỉ được nhận 1 phần tiền từ bọn “cò mồi” còn 9 phần tiền kia là bọn “cò mồi” giữ thì họ sẽ thắng kiện.

Tuy nhiên, có một thực tế là ngay cả khi đã có phán quyết của tòa án buộc bọn “cò mồi” phải trả lại 9 phần tiền còn lại cho người dân thì việc thi hành án cũng không hề dễ dàng. Bởi vì, trong một kịch bản đã được tính toán một cách kỹ lưỡng để chiếm đoạt thì bọn “cò mồi” bao giờ cũng biết cách để tự biến mình thành kẻ trắng tay.

Nghĩa là 9 phần tiền đã chiếm đoạt được kia chúng sẽ biến hóa thành nhà đất, thành ôtô... nhưng không mang tên chúng mà mang tên...  người khác. Mang tên anh chị em họ, mang tên bạn bè thân cận của chúng chẳng hạn.  Thế thì sẽ lấy đâu ra tài sản để bảo đảm thi hành án? Các cụ xưa đã bảo: "Nắm người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu". Trên danh nghĩa, bọn “cò mồi” chả còn tài sản gì mang tên chúng thì làm sao thi hành án được.

- PV: Thế có nghĩa là người dân dù tiếp tục theo kiện thì tay trắng vẫn hoàn "trắng tay"?

- TS-LS Trần Đình Triển: Đúng vậy. Và sẽ xảy ra một nghịch lý: chủ nợ sẽ lâm vào cảnh khốn cùng, không nhà không cửa còn con nợ thì ngạo nghễ đi xe hơi, ở nhà lầu, sống một cách vương giả.

Có dấu hiệu của tội lừa đảo hay không?

- PV: Nhiều nạn nhân của các vụ việc viết thư, gọi điện cho ANTG bức xúc cho rằng, bọn “cò mồi” rõ ràng là bọn lừa đảo, tại sao chúng không bị khởi tố hình sự mà chỉ là đương sự trong các vụ kiện kinh tế, dân sự? Vì thế chúng vẫn sống vương giả, nhởn nhơ trên sự mất mát, đau khổ của người khác. Theo LS, điều này có cơ sở về mặt pháp luật không?

- TS-LS Trần Đình Triển: Nhìn vào diễn biến của các vụ việc có thể thấy rõ sự bất cẩn, thiếu hiểu biết về pháp luật của các nạn nhân. Họ đã giao phó toàn bộ tài sản của mình cho những người hoặc là không quen biết hoặc là quen biết sơ qua. Họ đã thiếu thận trọng khi đặt bút ký vào các bản hợp đồng bảo lãnh cho những món vay có giá trị lớn bằng tài sản của chính mình mà không hiểu trách nhiệm của người bảo lãnh là gì.

Thậm chí còn có trường hợp bọn “cò mồi” đưa đến Phòng công chứng để ký hợp đồng ủy quyền tài sản cho chúng mà cũng không biết đấy là Phòng công chứng mà lại tưởng là cơ quan thu thuế... nhà đất;  ký hợp đồng ủy quyền tài sản mà lại tưởng ký giấy nộp tiền... thuế đất (!).

Tuy nhiên, diễn biến của các vụ việc cũng cho thấy một điều là bọn “cò mồi” đã sử dụng những thủ đoạn lập lờ đánh lận con đen. Chúng đã cố tình không giải thích một cách tường tận để người dân lầm lẫn (ví như lầm lẫn giữa Phòng công chứng và cơ quan thuế); để người dân ngộ nhận (ví như ngộ nhận rằng bảo lãnh là chỉ ký trên giấy thôi còn nhà mình thì mình vẫn ở, không mất đi đâu mà sợ); dùng những lời lẽ ngon ngọt để người dân tin chúng một cách mù quáng. Chúng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để chiếm đoạt tài sản của họ.

Nếu các nạn nhân có các bằng chứng để chứng minh được rằng, bọn “cò mồi” đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho họ tin vào những điều không có thật để chiếm đoạt tài sản của họ thì hoàn toàn có thể làm đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra kèm theo các bằng chứng này. Cơ quan điều tra sẽ xem xét, thẩm tra, nếu các bằng chứng này có giá trị về mặt pháp lý thì sẽ được xem đây là một trong những căn cứ để khởi tố vụ án.

- PV: Xin LS có thể nói rõ hơn, những bằng chứng cụ thể này là gì?

- TS-LS Trần Đình Triển: Ví như nạn nhân ghi âm được nội dung thể hiện rằng họ chỉ nhờ bọn “cò mồi” vay 1 nhưng bọn “cò mồi” đã vay ngân hàng 10 mà không nói cho họ biết. Hay như nạn nhân có các bằng chứng khác bằng văn bản, bằng băng ghi âm cho thấy, bọn “cò mồi” đã lừa dối họ trong ký kết các hợp đồng ủy quyền, hợp đồng bảo lãnh...

- PV: Nhưng việc có được các bằng chứng này là rất khó bởi vì trong khi giao dịch với bọn “cò mồi” các nạn nhân đã bất cẩn và thiếu hiểu biết về pháp luật, làm sao mà biết được mình đang bị mắc bẫy để mà ghi âm...

- TS-LS Trần Đình Triển: Đúng là như vậy nhưng khó mà khác được bởi xử lý các vụ việc phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Muốn khởi tố một người nào đó về tội lừa đảo thì phải có các căn cứ để chứng minh rằng hành vi của người đó có các dấu hiệu của tội phạm này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nói "án tại hồ sơ" là như vậy!

Cách tốt nhất để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc như thế này đó là người dân phải thận trọng trước khi ký hợp đồng, phải đọc thật kỹ các quy định trong đó; phải nâng cao hiểu biết về pháp luật của bản thân khi tham gia vào các giao dịch này.

Nhưng còn một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh, đó là để hạn chế tình trạng nguy hiểm này cần phải thay đổi một số vấn đề về cơ chế. Ví như cơ chế cho vay của ngân hàng chẳng hạn. Phải thay đổi để làm sao người dân có nhu cầu vay vốn thực sự sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi, được đáp ứng nhu cầu. Lẽ vì nếu họ bị gây khó khăn thì tất họ sẽ phải viện đến bọn “cò mồi” và hậu quả thì chúng ta đã nhìn thấy rõ qua các vụ việc đã xảy ra. Hay như khâu thi hành án chẳng hạn. Phải làm sao để tất cả các bản án đều được thi hành, không bị tồn đọng chứ không thì người dân thắng kiện cũng bằng không, chả lấy lại được tiền bạc, tài sản.

- PV: Xin cảm ơn TS-LS về cuộc trao đổi này

.
.