Có quản lý được blog hay không?

Thứ Hai, 03/09/2007, 13:45
Khoảng năm 2005-2006, Blog (nhật ký điện tử trực tuyến) xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam sau khi mạng Yahoo đưa ra dịch vụ Yahoo 360. Theo thống kê của các chuyên gia mạng, hiện nay Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về số lượng người sử dụng dịch vụ này.

Với một khoảng thời gian ngắn ngủi, những người sử dụng Blog (Blogger) đã làm được nhiều việc rất có ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, những Blog "đen" và "nhờ nhờ" cũng được đà nảy nở. Vậy nhưng, chế tài quản lý đối với Blogger Việt Nam vẫn đang chỉ dừng lại ở "ngồi nói với nhau"...

 Hiện  tượng xã hội nhưng chưa... xã hội hóa

Nhìn vào tốc độ phát triển của blog, không thể nói không là hiện tượng khi trên thế giới vào năm 2005 chỉ có 20 triệu, vậy mà sau 2 năm đã ngót nghét con số 100 triệu. Con số này sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân và sẽ bùng nổ đột biến vào năm 2007 theo dự đoán của Hãng Gartner.

Sự phát triển của blog là điều hết sức tự nhiên bởi đơn giản nhất, là mỗi người đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình trước một vấn đề nào đó. Và một điều tự nhiên nữa, là chẳng ai đi thu tiền khi lập blog. Ở Việt Nam, trong 2 năm qua, các blogger đã liên kết nhau lại, dùng blog như một công cụ tích cực để quan tâm đến đời sống cộng đồng.

Nhóm blogger của ĐH Bách khoa Hà Nội đã cùng nhau về làng trẻ SOS Hải Phòng để giúp các em những việc có ích như giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng giao tiếp, hướng nghiệp sau khi các em qua tuổi 18.

Nhóm blogger của TP HCM cùng nhau đi dạy chữ cho các em ở những xóm lao động nghèo...Những hoạt động xã hội cũng được đẩy mạnh trên blog như quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt hoành hành của thiên tai như năm qua.

Nhóm “Những ước mơ xanh” của TP HCM đang háo hức lập kỷ lục về hiến máu nhân đạo từ những lời chấp thuận hiến máu khá rầm rộ trên blog. Một nhóm blogger khác lại cùng nhau “đồng ca vì công lý” cho vụ kiện chất độc da cam...

Ngay cả khi riêng rẽ, thì rất nhiều blog như một trang web bổ ích như blog của nhà văn Trang Hạ với nhiều tác phẩm văn học dịch mới mẻ, hấp dẫn. Blog của nhạc sĩ Giáng Son nêu những định hướng tốt cho nhạc nhẹ Việt Nam.

Blog của nhà báo Vũ Mạnh Cường với những câu chuyện thú vị về nghề báo. Blog của bạn Joe, người Canada với những cảm nhận dí dỏm, tinh tế nhưng lại không kém phần sâu sắc về TP Hà Nội...

Nhiều blog đã thực sự là những tin tức khá hiệu quả. Cuộc đảo chính ở Thái Lan tháng 9/2006, thông tin sớm nhất đến với toàn cầu cũng từ blog. Ngay ở Việt Nam, vụ đắm tàu trên sông Sài Gòn, những thông tin và hình ảnh đầu tiên cũng từ blog của một nhân viên cảng Sài Gòn.

Hay sau cái chết của diễn viên Lê Công Tuấn Anh, người mẫu Minh Anh đã tự giải tỏa những điều đào sâu chôn chặt trên chính blog của cô. Và cô diễn viên bí ẩn tên V.A trong mối tình của hai người với nhiều dấu chấm hỏi cho độc giả, đã được Blogger Fiona thông tin khá đầy đủ và chính xác trên blog...

Tuy nhiên, tốt là thế, tích cực là thế, tất cả cũng đều từ một sự tự nguyện, tự phát, cùng lắm là vài buổi hội ý (hay còn gọi offline) để xúc tiến cho một công việc nào đó như một diễn đàn không chính thống.

Có thể nói, blog là một hiện tượng xã hội, nhưng nó chưa được xã hội hóa ở Việt Nam chỉ vì nó vẫn còn ở cái dạng lưng lửng: cứ viết, cứ làm!

Blog “đen”, Blog “nhờ nhờ”

Chính vì nó ở cái dạng lưng lửng, nên “thế giới phẳng” của blog Việt đang ở cái dạng tạp pí lù. Một bức tranh đa dạng đấy nhưng không kém phần hỗn độn; mới mẻ đấy nhưng không kém phần chộp giật; thẳng thắn đấy nhưng không kém phần phát ngôn bừa bãi...

Tạm chia blog Việt ra 3 dạng: trong lành, đen tối và “nhờ nhờ”. Hiện nay blog “trong lành” đang chiếm phần lớn, với những tâm sự riêng như một cuốn nhật ký thông thường về những người xung quanh, những việc  xung quanh một cách khách quan.

Blog “đen” nhân cơ hội bùng nổ blog cũng ào ào như nấm sau mưa. Tuy nhiên, nó vẫn còn phải đứng vị  trí sau cùng khi trong cái thế giới ảo ấy, cái “nhờ nhờ” lại chiếm phần hơn.

Không thể tin nổi, một công chức ở đất Sài Gòn ngày ngày viết vào blog những entry về cảnh sinh hoạt tình dục tập thể của anh ta với những người đồng tính nam trong rạp chiếu phim Vườn Lài.

Chưa hết, y còn đưa lên blog của mình những hình ảnh về những gã đàn ông trần truồng với những hành vi rất bệnh hoạn.

Những blog “đen” kiểu đó rất dễ nhận thấy, bởi hầu hết đều để chế độ public (tất cả mọi người đều xem được). Điều này cũng đồng nghĩa với việc tránh nó, không “kết bạn” dễ dàng hơn so với kiểu blog “nhờ nhờ”.

Blog “nhờ nhờ” tạm hiểu là những blog đa số là có thông tin cá nhân của người sở hữu với những bài viết dù không rõ ý đồ xấu hẳn nhưng lại có những quan điểm thiếu văn hóa.

Thật khó tưởng tượng được một nữ sinh đang học lớp 11 của Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) với nickname là “Ná”, “văng” đủ thứ lên blog của mình. Khó có thể kiếm được một entry nào của cô mà không có từ, ngữ, những câu chửi tục tĩu nhất.

Cô từng đổi nickname hằng ngày về cái vụ “còn bao nhiêu ngày nữa là tôi hết tuổi vị thành niên, là tôi được... tự do thoải mái...”. Cô cũng không ngần ngại tuyên bố rằng cô đi chơi đêm ít khi về nhà trước 24 giờ.

Cô cũng chẳng thấy ngượng ngùng như bất cứ thiếu nữ nào đó, khi khoe những cuộc lắc kinh hoàng của mình đến nỗi... tuột cả xiêm y nhưng miệng vẫn cứ hét: “dân chơi sợ gì mưa rơi!".

Mà lạ thế, lại có nhiều người “cổ xúy” cô nữ sinh này, trong đó có một người cô nhận làm “đại ca”. Cái anh chàng “đại ca” này từng được giới blogger Việt xem là blog “hot” khi blog của anh ta có rất nhiều người truy cập.

Vào đọc qua một lượt, có thể rút ra một nhận xét: anh ta viết nhiều về cái “tốt”, kêu gọi nhiều cái “nhân văn nhân ái” nhưng với một thứ ngôn ngữ tục tĩu cũng chẳng kém gì “sư muội” của anh ta.

Hài hước nhất là anh ta làm  “yêng hùng” đứng ra bảo vệ “sư muội” mình trước những lời đàm tiếu của thiên hạ bằng kiểu - anh sẽ đưa em sang Gia Lâm để “phang” xem miệng lưỡi thiên hạ làm gì được anh em chúng mình!--PageBreak--

Một cô nữ sinh khác có kể lại trên blog của mình rằng, tại cái “thế giới ảo” này, suýt nữa là cô đã rơi vào tay của yêu râu xanh. “Yêu râu xanh” như cô nói, đó là một blogger tên là CuongMe O.

Thực hư của câu chuyện là người này qua blog tìm lại được cô bạn gái cũ của hắn ta, tuổi chưa qua vị thành niên. Ngay sau khi tìm lại, hắn đã ép cô đến nhà nghỉ Gia Lâm (Hà  Nội) để quan hệ.

Tuy nhiên, đi gần tới thì xe máy bị nổ lốp và nhân khi hắn dắt xe đi vá thì cô đã bỏ chạy. Hắn quẳng xe đi “vồ” lấy con mồi nhưng cô đã kịp leo lên xe của một bác xe ôm.

Không thể tưởng tượng được đây là dòng Blog của một nữ sinh lớp 11.

Sau khi câu chuyện bị “phơi” lên blog dù không nêu đích danh, lập tức blogger này nhảy vào chửi bới rất tục tĩu và nói rằng, người đưa câu chuyện này lên đã làm ảnh hưởng đến việc... kinh doanh của hắn! “Mục sở thị” blog này.

Những chuyện bôi nhọ nhau trên blog, dùng Blog để đánh bóng mình... đang xuất hiện như một “thói quen” trong hệ thống blog “nhờ nhờ” này. Cuộc chiến ầm ỹ giữa fans của các ca sĩ hết rồi thời kỳ khẩu chiến qua các diễn đàn và "bom” tin nhắn, giờ đây-một môi trường vô cùng thuận lợi - blog!

Một cô B muốn cho một anh A nào đó khó có thể “ngẩng” mặt được, chỉ vài cái entry với nội dung có thể là sự thật, có thể một nửa sự thật, có thể không là sự thật...

Một số blog còn “cả gan” hơn khi dám đứng hẳn tên và dùng ảnh của một vài chính khách cao cấp của nước ta như là... blog của những vị lãnh đạo này. Nhưng khi người đọc có lỡ check vào thì những thông tin trong blog đó toàn là những thứ vô  thưởng vô phạt.

Quản lý Blog không khó!

Có lẽ muốn tìm hiểu một thế giới người với muôn sự nhất thì không đâu khác sẽ là Blog. Nhưng một vấn đề đặt ra, chủ nhân của các blog có được cái quyền “là nhật ký của riêng tôi nên tôi muốn làm gì thì làm” không?

Điều dễ nhận thấy, khi nhật ký riêng tư mà nhiều người có thể đọc được thì điều đó không còn là riêng tư nữa, nếu không nói là những gì “riêng” ấy đã có một sự tác động lớn đến nhiều người và có thể sẽ tạo nên dư luận.

Mà khi đã như vậy, thì những người viết sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình đã viết. Một vấn đề được đặt ra, blog có quản lý được không khi người sử dụng lại sử dụng mạng miễn phí, họ có thể “ẩn mình”, không cần để lại những thông tin cá nhân mà vẫn có thể có được blog và... làm gì họ muốn?

Ông Nguyễn Tử Quảng, chuyên gia An ninh mạng -Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkis (ĐH Bách khoa HN) khẳng định, việc tìm tung tích những blog không lành mạnh đang “ẩn mình” không khó.

Theo ý kiến của ông Quảng thì trên Internet, chúng ta chỉ có một số đầu mối qua các ISP mà thôi. Cả nước có khoảng dăm bảy đến chục đầu mối, mọi người có làm gì thì cũng phải đi qua đó hết. Vậy sẽ không mấy khó khăn nếu muốn kiểm soát trong những trường hợp cần thiết.

“Kể cả trường hợp blogger sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, cũng không khó khăn hơn cho việc truy tìm chủ nhân của các blog “đen”. Bởi dù ở nước ngoài thì khi vào Việt Nam cũng phải đi qua đường biên, mặt khác các blogger và mọi người truy nhập blog lại ở Việt Nam.

Với những trường hợp lập blog “đen” ở nước ngoài thì chúng ta lại có cách xử lý  khác, giống như khi cấm “nhập cảnh” vào Việt Nam, cấm không cho truy nhập ở Việt Nam vậy” - ông Quảng nói.

Nhưng đấy chỉ là ý kiến của chuyên gia, chứ còn làm, thì lại phải văn bản, giấy tờ hẳn hoi chứ không thể ngồi nói với nhau như vậy được. Hơn 2 năm với biết bao nhiêu điều từ blog với sự phát triển như vũ bão của nó, các cơ quan chức năng không những là không theo kịp mà còn mới chỉ “động” tới nó một cách qua quýt.

Những blogger hiện tại có nằm ngoài Nghị định số 55/2001/NĐ-CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet hay không? Thực tế thì Nghị định này chưa có một chữ nào về blog. Chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm, còn mang tính chung chung thiếu thực tế, chưa “mạnh tay”.

Và 2 năm rồi, hành lang pháp lý mới chỉ là Thông tư về quản lý blog... đang được Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông nghiên cứu!

Mới đây, tại TP HCM, báo Lao động phối hợp với Công ty Liquidline - đơn vị quản lý trang mạng xã hội thuần Việt Yobanbe.com và Công ty Truyền thông kết nối Việt tổ chức một cuộc Hội thảo mang tên "Blog trong thế giới  thật".

Buổi hội thảo diễn ra đông đúc và vui vẻ với 5 nhóm thảo luận nhưng chưa đi đến một định hướng cụ thể nào ngoài những chuyện bàn tròn với nhau về cái hay của blog trong đời sống đã được những người sử dụng blog... biết rồi khổ lắm!

Hội thảo chỉ dừng lại như lời phát biểu của nhà báo Vũ Mạnh Cường (Phó TBT Báo Lao động): “Công nghệ thông tin và tiến bộ của khoa học phụ thuộc vào người sử dụng nó...

Việc xuất hiện và phát triển của blog, cũng như trào lưu trên mạng là một phát triển hợp quy luật, thỏa mãn được rất nhiều nhu cầu thật của con người, và là một xu hướng mà con người không thể cưỡng lại được. Vấn đề là làm thế nào để khai thác mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu mặt tiêu cực do blog mang lại!".

Sự có mặt của ông Trần Thế Tuyển, Phó cục trưởng Cục Quản lý Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) có vẻ là sự chờ đợi của hội thảo này. Nhưng ông Tuyển cũng chỉ gọn gàng phát biểu với đại ý: Luật chưa đáp ứng được tốc độ phát triển mãnh liệt của Internet và blog.

Hy vọng chúng ta sẽ cùng tìm ra một giải pháp tối ưu để phát triển đi đôi với quản lý tốt. Hội nhập nhưng vẫn  giữ đúng bản sắc! Thực tế, quản lý blog không lành mạnh không phải là một bài toán quá hóc búa.

Như ông Nguyễn Tử Quảng từng cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm duyệt và ngăn chặn các blog không lành mạnh nếu như các cơ quan chức năng và các đơn vị chuyên môn cùng ngồi lại để thống nhất một phương pháp quản lý khoa học, bài bản với những giải pháp hiệu quả nhất. Không khó khi truy tìm địa chỉ gốc của các blog “đen” bằng biện pháp kỹ thuật.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, quản lý nội dung trên Internet cũng có thể liên hệ với các đơn vị chuyên trách như Đơn vị chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an, Đơn vị cứu hộ máy tính của Bộ Bưu chính – Viễn thông hay các đơn vị nghiên cứu như BKIS... để tìm một giải pháp toàn diện.

Có thể tự tin rằng đó là những công cụ hỗ trợ “mạnh” và đắc lực. Vậy điều chờ đợi cuối cùng vẫn là: nhà quản lý sẽ đưa ra luật quản lý hữu hiệu đối với blog

Hoàng Nguyên Vũ
.
.