Còn ai tắm được trên dòng sông quê

Thứ Tư, 23/12/2020, 13:01
Quê tôi có 3 dòng sông rất thuần Việt. Trong quá khứ đây đều là những dòng sông huyền thoại với bao sự kiện lịch sử oai hùng, đó là sông Cầu (Nguyệt Đức giang), sông Thương (Nhật Đức giang), sông Lục Nam (Minh Đức giang). 3 con sông này xòe tựa 3 vệt chân chim ở miền Đông Bắc rồi cùng hội tụ ở Lục Đầu giang.

Từ đây, đường sông có thể thông ra biển theo hệ sông Kinh Thầy hay ngược sông Đuống (Thiên Đức giang) về kinh đô Thăng Long. Cũng vùng Kinh Bắc quê tôi, những ngày qua người dân sống hai bên bờ sông Cầu đang vô cùng phẫn nộ và bất an trước tình trạng nước sông tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng với màu nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu và hệ quả nhãn tiền là cá tôm chết dày đặc. 

Cá chết nổi trên sông Cầu.

Dòng sông chở nặng... nỗi lo

“Trong tim, ai cũng có một dòng sông riêng mình”. Còn nhớ hồi đó, ở quê tôi hễ ai đi xa lâu ngày, về đến bên sông đều muốn vục đôi tay xuống dòng sông vốc lên ngụm nước táp nhanh vào mặt, một cảm giác thanh mát, thân thương, gợi nhớ đến vô ngần. Rồi những trưa hè oi ả, đám trẻ trâu đùa nghịch chạy ào ra bến sông bơi lặn thỏa thích. Những đêm trăng thanh gió mát nam thanh, nữ tú quây quần hò hẹn và trao gửi bên bờ sông...

Nhưng, có lẽ giờ đây mấy ai còn dám ngụp lặn, bơi lội trên những quãng sông quê. Và những dòng sông vốn hiền hòa, êm dịu là thế nay lại trở nên dữ dằn và đáng sợ hơn rất nhiều. Người dân quê tôi không con dám tắm gội, thậm chí chẳng còn dám rửa chân tay trên bến sông thuở trước. Và năm ngoái thôi, chính tôi đã định đưa tay xuống vục nước sông Thương đưa lên rửa mặt nhưng rồi giật mình rụt ngay lại khi thấy xác con lợn nổi lềnh bềnh trước mặt, từ đấy tôi chẳng bao giờ còn ý định đó nữa. 

Dòng sông Cầu với biểu tượng được định danh trong tiềm thức nhiều người dân quê tôi với “nước chảy lơ thơ”, rồi “dòng sông quan họ”, nơi đó gắn với bao chiến thắng oai hùng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm phương Bắc và cũng là nơi làm thăng hoa cho những cảm hứng nghệ thuật nên thơ, nên nhạc vô tận. Thế nhưng, đó là trong quá khứ, là những hoài niệm đẹp đẽ còn sót lại trong tâm khảm của những lớp cao, trung tuổi.

Nước sông Cầu có màu đen sẫm và rất nhiều cá chết.

Còn nay, có người lại bảo nó không khác gì sông Tô Lịch ở Hà Nội, cũng có người gay gắt hơn bằng cụm từ “dòng sông chết”. Mà đúng vậy, dòng sông đang “chết dần, chết mòn” khi độ ô nhiễm mỗi năm lại tăng lên, chính sự phát triển kinh tế mà mà chúng ta vẫn quen gọi là công nghiệp hóa, đô thị hóa với hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, sự xả thải bừa bãi của con người là nguyên ngân chính bức tử dòng sông, bảo sao dân chài lưới than trời khi tôm cá sao đi đâu hết?

Vừa rồi một số người dân sinh sống hai bên sông Cầu, đoạn qua tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh rất bức xúc khi chứng kiến nước sông có màu đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu, hệ quả trước tiên có thể nhìn thấy được là cá tôm chết hàng loạt. Thẫn thờ đứng bên dòng sông với màu nước đen ngòm dài tới cả gần chục cây số, anh Ong Khắc Hạnh ở xã Thắng Cương (Yên Dũng) than thở: “Sông Cầu chết thật rồi”.

Nhưng, những gì mà người trần mắt thịt có thể nhìn thấy được thì chỉ là hiện tượng, ai biết đâu trong dòng nước ấy có hàng chục, hàng trăm và thậm chí nhiều hơn nữa những chất độc hại gây nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường sống. Truy xuất nguyên nhân, ngành chức năng và người dân nhận thấy nguồn nước bẩn đó được chảy từ các nhánh kênh của tỉnh Bắc Ninh - nơi có những nhà máy từ lâu đã được cho là thủ phạm chính gây ô nhiễm sông Cầu. Đó là dòng nước từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải công nghiệp không được xử lý của các cơ sở sản xuất bấy lâu nay.

Lục Đầu Giang - nơi hợp nhất sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam.
Màu nước sông Cầu đen ngòm và có mùi hôi.

Sự việc đã được báo chính quyền, ngành chức năng song vấn đề đáng ngại là đây không phải lần đầu tiên tình trạng nước sông Cầu bị ô nhiễm nặng như vậy. Những năm trước đây đã nhiều lần dòng sông này phải hứng chịu những đợt xả thải và để lại hậu quả nặng nề. Người dân hai tỉnh đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần và dù đã có sự kiểm tra, chỉ đạo, thậm chí xử phạt; lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã có những buổi làm việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên, thậm chí đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc... song đến nay vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. Và dòng sông vẫn ngày đêm oằn mình gánh chịu sự hành hạ của con người.

Đáng lo hơn, một số nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục, hàng trăm nghìn người dân trên địa bàn cũng nằm trên tuyến sông này, thậm chí nhà máy nước cách khu vực ô nhiễm đó không xa. Một số người dân cho biết, họ phải đóng kín cửa cả ngày để ngăn không cho mùi nước hôi thối từ sông bay vào nhà. Nguồn nước ấy dùng để tưới cho cây trồng còn không yên tâm huống hồ lại cấp nước sinh hoạt cho con người. Hết tôm cá, nhiều ngư dân đã treo thuyền, gác lưới bỏ nghề và cả những hộ nuôi cá bè trên sông cũng nơm nớp lo sợ.

Đâu chỉ ô nhiễm do các nhà máy ở Bắc Ninh, nguyên nhân còn được ngành chức năng chỉ ra có sự góp sức từ việc khai thác và chế biến khoáng sản ở thượng lưu, hoạt động mở rộng sản xuất tại các làng nghề ở khu vực trung và hạ lưu, rồi tốc độ đô thị hóa cao trong khi phần lớn các đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung...

Tất cả những yếu tố đó làm nước sông Cầu ngày càng bị hủy diệt, vào mùa khô hằng năm sự ô nhiễm đã được đẩy lên cao hơn, rõ rệt hơn. Được biết, mới đây Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Cầu tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông cầu giai đoạn 2006-2020 và định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn tiếp theo. Mong rằng nhà chức trách sớm có những giải pháp để trả lại sự trong sạch cho dòng sông này.

Trăm thứ rác đổ về dòng sông

Từ câu chuyện của sông Cầu, tôi liên hệ tới những con sông khác trên quê hương và rất nhiều dòng sông trên đất Việt. Có người từng ví von, chất lượng cuộc sống được đo bằng... rác thải. Nghĩa là lượng rác nhà nào, địa phương nào thải ra càng nghiều là gia đình, địa phương ấy có điều kiện, cuộc sống sung túc. Còn tôi cho rằng đấy là nói vui, tếu táo thôi bởi ai chẳng hiểu rằng chất lượng cuộc sống được đo bằng rất nhiều tiêu chí, mà một trong những tiêu chí vô cùng quan trọng đó là điều kiện vệ sinh môi trường. Dẫn ra điều này để thấy, sự phát triển của kinh tế, của công nghiệp mà ta hiểu nôm na rằng con người càng làm ra nhiều của cải vật chất thì cũng đồng nghĩa với việc phải tác động đến môi trường.

Nguồn tôm cá trên những dòng sông ngày càng vơi cạn.
Người dân đứng nhìn dòng sông đang chết.

Những buổi chiều về quê, đi trên con đê đầu làng ngắm nhìn dòng sông lặng trôi, tôi trộm nghĩ, ở dưới con sông kia còn biết bao thứ rác rưởi, tạp chất khắp nơi đổ về. Mùa khô thì sông có màu đen thẫm là vậy. Mỗi mùa mưa lũ đến, rác thải ở đâu trôi dạt về nổi khắp mặt sông. Ngẫm lại, chính dòng sông là nơi chứa đựng mọi thứ chất thải. Đâu chỉ chất thải công nghiệp mà còn nhiều nguồn khác.

Người nông dân xưa kia đâu có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhiều như bây giờ. Qua năm này, tháng nọ, người dân đã đổ vào đồng ruộng, vườn đồi không biết bao nhiêu hóa chất độc hại đó, thậm chí ở một số làng quê, người dân có thói quen vứt những chai lọ, vỏ bao bì thuốc trừ sâu, trừ cỏ bừa bãi trên kênh mương và còn chất thải từ sinh hoạt, chăn nuôi... thế rồi nó ngấm vào đất, hòa vào nước, cuối cùng thì vẫn phải đổ ra sông, ra biển.

Nguy hại hơn trên dọc dài đất nước, nhiều nơi vẫn phải sử dụng nước sông làm nguồn cấp nước sinh hoạt cho dân cư, nhất là khu vực đô thị, khu công nghiệp. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, người dân quê tôi phải “lắc đầu lè lưỡi” khi hằng ngày bắt gặp những xác lợn từ đâu trôi về nổi dập dềnh, rồi chẳng biết nó sẽ trôi về đâu.

Hè năm nay, tôi về quê chơi, ra cánh đồng lúa vừa gặt để thăm thú thì bố mẹ nhất định bắt đi ủng. Ông bà bảo, đồng ruộng giờ độc lắm con ạ, không còn sạch như trước, đến các bà, các chị quê mình quanh năm quen với ruộng đồng nhưng giờ hễ lội bùn mà không được bảo hộ là y rằng về sẽ bị ngứa, sưng đỏ tấy chân tay. Phải thế chăng mà cua cá cứ vơi cạn dần, người ở quê bảo, đến con đỉa sống khỏe, sống dai là vậy mà bây giờ còn vắng bóng thì bảo có con gì sống được ở đồng đất này. Ngẫm ra thấy phải quá.

Mấy chục năm thôi mà những bức tranh làng quê, phố phường không ngừng đổi mới, khang trang, sáng sủa, cuộc sống người dân khấm khá hơn nhưng chỉ tiếc một điều môi trường thì ngày càng kém đi. Và những cánh đồng, dòng sông trên khắp đất nước này có lẽ chung tình cảnh như vậy. Phải chăng chúng ta đã vô tình hay hữu ý đánh đổi môi trường lấy kinh tế?

Ở góc độ một bài viết, tác giả chẳng dám bàn sâu những giải pháp cho tình trạng trên bởi đây là vấn đề quá rộng lớn và ngoài tầm. Dưới góc nhìn của một người dân, tôi hiểu rằng, cứu những dòng sông cũng là cứu cho cuộc sống của chính chúng ta và tương lai của hậu thế.

Khánh Đông
.
.