Con cá, phận người

Thứ Hai, 28/05/2018, 13:16
Ngày 20-5, khoảng 1.500 trên tổng số 2.000 tấn cá của các hộ dân nuôi cá trên sông La Ngà, đoạn chảy qua huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, chỉ sau một đêm đã chết nổi trắng bè. Hàng chục hộ dân lâm vào cảnh “cá chết, người trắng tay”. Nguyên nhân đã được cơ quan chức năng bước đầu xác định: do nước thiếu oxy vì biến động môi trường.

Các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, cho biết, cá chết làm 2 đợt. Đợt đầu kéo dài từ 21- 24h ngày 20-5. Đợt sau bắt đầu lúc 2h ngày 21-5 và kéo dài đến sáng. Cá nuôi trong lồng bè dọc đoạn sông dài gần 5km chết sạch,  chết trắng. 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, có 322 bè cá của 80 hộ dân trên sông La Ngà bị chết hàng loạt, thiệt hại tổng cộng hơn 1.500 tấn. Đây không phải lần đầu xảy ra cá chết trên sông La Ngà, tuy nhiên theo người dân, lần này là nặng nề nhất. Họ nghi ngờ nguyên nhân cá chết do các công ty ven sông xả thải.

Cá chết hàng loạt, người dân cố gắng thu gom nhặt bán.

Trong báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, kết quả kiểm tra tại chỗ mẫu nước tại hiện trường cho thấy nhiều chỉ tiêu về môi trường vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong khi hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn khuyến cáo nhiều. Nhận định ban đầu cá chết do có sự biến đổi bất lợi về môi trường, bắt nguồn từ những trận mưa lớn đầu mùa.

Hầu hết các hộ nuôi cá trên sông La Ngà đều không thể tin việc chỉ sau một đêm đã mất trắng tài sản mà nguyên nhân như điều tra ban đầu của cơ quan chức năng là do biến đổi thời tiết, do nước thiếu oxy…  Theo các hộ dân nuôi cá thì thời điểm cá chết nước có dấu hiệu bất thường. Nước trên sông thời điểm đó không đục như mọi năm (do mưa kéo phù sa về) nhưng nó lại có mùi hôi. 

Bình thường, các hộ dân vẫn lặn xuống sông để cào, xúc thức ăn cho cá, nhưng lần này họ không thể lặn xuống được vì nước quá hôi, nếu lặn xuống “người cũng chết chứ huống chi cá!”. Dòng nước hôi trôi tới đâu là cá chết tới đó. Chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, gần 1.500 tấn cá của bà con đã chết sạch. Người dân nghi ngờ có tình trạng xả thải từ các doanh nghiệp đóng trên thượng nguồn.

Anh Nguyễn Văn Chí, một hộ nuôi cá trên sông đã mất trắng tài sản cho biết, bình thường cũng có hiện tượng cá chết nhưng số lượng chết rất ít, chủ yếu do nước bùn. Xui rủi lắm, 10 bè chỉ chết 1-2 bè. Lần này cá chết hàng loạt, chắc chắn do nguồn nước bị nhiễm độc do xả thải. Nhiều người dân cũng khẳng định, do mấy công ty trên thượng nguồn xả thải xuống. Xả tới đâu cá chết tới đó.

Phía thượng nguồn, cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 3 km là con suối Ta Bung đổ nước ra sông La Ngà. Những ngày xảy ra hiện tượng cá chết, trên suối xuất hiện dòng nước đen ngòm, rất có thể dòng là “sản phẩm” của các nhà máy thải ra môi trường không qua xử lý. Ngược lại, lãnh đạo huyện Định Quán thì cho rằng, khu vực này không có nhiều nhà máy và chưa có đơn vị nào bị xử phạt về hành vi xả thải sai quy định. Việc kết luận có xả thải hay không còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra và các cơ quan chuyên môn.

Cục Bảo vệ môi trường miền Nam đã đến hiện trường sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) khảo sát để tìm nguyên nhân khiến hơn 1.500 tấn cá chết chỉ trong một đêm. Đoàn khảo sát do Cục trưởng Trần Phong dẫn đầu phối hợp cùng Sở Tài nguyên môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai đến khu vực sông La Ngà, đoạn chạy qua địa phận 2 xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán), nơi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt để làm rõ nguyên nhân. Các mẫu nước, cá đã được gửi đi kiểm nghiệm.

Lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết trên sông La Ngà, cạnh khu cá chết có Công ty cổ phần mía đường La Ngà và Công ty TNHH AB Mauri VN. Tuy nhiên, hiện Công ty cổ phần mía đường La Ngà không hoạt động do hết vụ mía. Trong khi đó, Công ty TNHH AB Mauri VN được sở lấy mẫu nước thải trước đó vào ngày 7-5, kết quả theo dõi quan trắc tự động truyền về ổn định, đến nay kết quả chưa vượt ngưỡng quy định. Vậy nguyên nhân cá chết có phải do các công ty xả thải hay không vẫn còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Ngay sau vụ việc Sở TN-MT Đồng Nai phối hợp cùng các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân các biện pháp thu gom, xử lý đối với cá chết, tránh tình trạng cá phân hủy, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng các hộ nuôi trồng khác trên sông La Ngà phía hạ lưu.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai khẳng định thiệt hại của các hộ nuôi cá trên sông La Ngà rất lớn, nếu xác định nguyên nhân cá chết do thiên tai hoặc dịch bệnh, Sở sẽ kiến nghị, Tỉnh ủy, UBND có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân. 

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã vào cuộc, phối hợp cùng các cơ quan ban ngành điều tra nguyên nhân cá chết.

Còn nhớ vào đầu năm 2016, người nuôi cá ở làng bè thuộc xã Hiệp Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai đã phải trải qua những “đêm trắng”. Hàng trăm tấn cá của bà con chỉ sau một đêm chết nổi trắng sông. Tỉnh ủy, UBND Đồng Nai đã chỉ đạo ban ngành, chính quyền các cấp tích cực hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả. Qua kiểm tra nhanh cho thấy lượng ôxy trong nước không đạt. Do thời điểm đó nước sông đang cạn, lưu lượng nước ít, dòng chảy thấp nên lượng ôxy giảm. 

Cơ quan chức năng khi đó còn kết luận mật độ cá nuôi trong bè quá dày nên cá bị ngộp? Ngoài ra có thể do thời tiết thay đổi, lượng thức ăn thừa tích tụ lâu ngày dưới đáy lồng nuôi cá khiến mầm bệnh phát sinh, kết hợp với việc thiếu oxy cũng là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, người nuôi cá thì đều cho rằng cá chết do nhà máy xả thải.

Cũng đã có lần trên kênh Nhiêu Lộc, TP Hồ Chí Minh cá chết nổi trắng mặt kênh. Nguyên nhân được xác định, do xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa dẫn đến lượng oxy trong nước thay đổi đột ngột, cá chết do thiếu oxy.

Đức Hà
.
.