Con người dùng tăm xỉa răng từ... 1,8 triệu năm trước

Thứ Bảy, 02/11/2013, 11:25

Một nhóm nhà khảo cổ học thuộc Trường đại học Tổng hợp Zurich (Thụy Sĩ), vừa khai quật được một hộp sọ người tiền sử còn nguyên vẹn ở Cộng hòa Gruzia thuộc vùng Trung Á, với niên đại 1,8 triệu năm tuổi là kỳ tích chưa từng có trong lịch sử ngành khảo cổ học thế giới.

Kết quả phân tích đồng vị phóng xạ của kim loại thiếc (Sn) kết hợp với khí hiếm argon (Ar) đã khẳng định độ tuổi nói trên. Địa điểm khai quật tọa lạc ở thị trấn Dmanisi tồn tại từ thời Trung cổ, cách thủ đô Tbilisi của Gruzia 62 dặm (100km) về phía tây nam.

"Điều đặc biệt nữa là bộ hàm của người đàn ông tiền sử này không thiếu một chiếc răng nào, có điều chúng thưa hơn so với lý thuyết về niên đại khảo cổ trước đây", nữ Tiến sĩ Annie Margvelashvili, Trưởng nhóm khảo cổ cho biết.

Đồng thời bà A. Margvelashvili cũng lên tiếng giải thích: "Độ mòn của hàm răng cho thấy cách thức ăn uống của con người, cũng như tuổi tác tương ứng của họ lúc sinh thời. Riêng với hộp sọ tiền sử mới khai quật chúng tôi đã phát hiện ra dấu vết của chứng bệnh nướu răng, là nguyên nhân chính khiến 2 hàm răng mọc so le và không đồng nhất với nhau.

Đi sâu phân tích chúng tôi cũng tìm thấy những chỗ bị "hổng" giữa chân răng và lợi, khiến toàn bộ hàm răng trông có vẻ thưa hơn. Những "vết lõm" xen kẽ này có độ rộng vừa đủ, để một vật với kích cỡ ngang một cây tăm bình thường có thể xuyên qua".

Hộp sọ người vượn cổ vừa khai quật được ở Dmanisi.

"Giả thuyết có tính thuyết phục nhất là người tiền sử đã biết dùng tăm xỉa răng từ 1,8 triệu năm trước, cốt làm sạch thức ăn còn bám xung quanh chân răng. Chính thói quen này đã tạo ra chứng bệnh viêm nướu răng", Tiến sĩ A. Margvelashvili kết luận

Q.Phú (theo Live Science)
.
.