Còn nhiều nỗi lo cho ngày Đại lễ

Thứ Hai, 16/02/2009, 08:55
Đến lúc này, chỉ còn hơn 600 ngày nữa là đến một dấu mốc trọng đại: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Cả thủ đô, cả nước ta đang hướng về ngày này. Đã từ nhiều năm trở lại đây, cùng việc chuẩn bị cho ngày đại lễ đã được khởi động, dĩ nhiên là đến giờ, mọi việc phải được xúc tiến ráo riết, bởi ngày đó đã đến gần kề.

Chẳng những nhiều việc lớn được bắt tay thực hiện mà ngay cả những tuyên truyền mang tính hình thức cũng được chú ý. Ngay trên đầu trang 1 của nhiều tờ báo ở Hà Nội đã xuất hiện con số "lùi" từng ngày.

Tại đền Bà Kiệu (đối diện với đền Ngọc Sơn, Bờ Hồ) cũng có cột đồng hồ điện tử báo số lùi mỗi ngày, ai đi từ xa cũng thấy rõ. Điều đó chứng tỏ cái ngày 10/10/2010 là vô cùng thiêng liêng, lớn lao, cần được tất cả mọi người ý thức.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc Hà Nội đã làm được và đang làm cho việc kỷ niệm này, người ta vẫn không khỏi băn khoăn, đúng hơn là lo ngại bởi nhiều điều, nhiều việc vẫn còn rất ngổn ngang không hiểu trong hơn 600 ngày, có thể hoàn thành hoặc khắc phục?

Muốn nói gì chăng nữa cũng không thể không thừa nhận: bên cạnh những việc thuộc về chiều sâu thì để chào mừng một sự kiện nào đó, bắt buộc phải quan tâm tới những gì đập ngay vào mắt mọi người tức là bề nổi.

Nhưng đó không phải là thuần túy, hình thức, mà thực chất cũng là sự phát triển của đời sống cộng đồng, văn minh đô thị. Việc đầu tiên rõ nhất, nổi cộm nhất vẫn là nạn kẹt xe, tắc đường. Đây là vấn nạn từ nhiều năm nay, ai nấy đều đã nói quá nhiều và cũng luôn là mối bận tâm, bức xúc của nhiều cơ quan chức năng. Song, tình hình không giảm mà gia tăng trầm trọng.

Giờ đây, không chỉ là những giờ cao điểm, chỉ là những đường phố chính mà bất cứ lúc nào (từ 6 giờ đến 21, 22 giờ), bất cứ phố nào ở Hà Nội cũng có thể diễn ra, chỉ có sự khác nhau về mức độ và thời gian ách tắc mà thôi.

Người đổ về Hà Nội, tìm cách làm ăn sinh sống càng ngày càng nhiều, xe máy, ôtô được sử dụng tự do, thoải mái mỗi ngày một nhiều gấp bội, trong khi đường phố mở rộng, nâng cấp không đáng bao nhiêu, không xuể so với sự bùng nổ các phương tiện giao thông. Tình hình này sẽ không thể được khắc phục trong 600 ngày tới.

Có thể tưởng tượng được chăng đến ngày đó (10/10/2010), đường phố thủ đô vẫn ùn tắc bất cứ lúc nào, chỗ nào? Đến phút này mà không thấy nhiều đường phố mới rộng thênh thang, những đường tầng, đường hầm đang được làm thì việc chấm dứt tình trạng đang nói là ảo tưởng. Tất nhiên, để làm được việc này, không dễ dàng. Nhưng bắt buộc phải làm, bởi yêu cầu của việc kỷ niệm ngày trọng đại.

Bộ mặt phố phường, văn minh đô thị qua nhiều đợt ra quân với nhiều văn bản, nghị định, thông tư của thành phố chỉ có hiệu quả một thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đó. Ghi nhận một số tuyến phố trật tự được vãn hồi, nhưng còn chiếm tỉ lệ quá ít trên toàn thành phố. Và có biểu hiện của sự tái phạm tại những nơi này.

Tại sao lại chỉ "làm điểm" ở một số phố? Cứ tình trạng này, có thể hình dung được chăng, đến cái ngày lễ lớn kia, Hà Nội vẫn nhếch nhác, nếu có được cải thiện, lại chỉ ở một số đường phố nào đó?

Rồi nạn xe dù, bến cóc ở tất cả các bến ôtô; nạn xây dựng tùy tiện; nạn chiếm dụng các công viên để bán hàng quán; phóng uế bậy bạ, vứt rác bừa bãi; nói rằng, ứng xử phản văn hóa v.v và v.v..., rất nhiều điều chúng ta chưa thể yên tâm. Liệu trong 600 ngày tới, tình trạng trên có được chấm dứt?

Đã đổ bể việc xây dựng một bộ phim truyện hoành tráng liên quan đến sự kiện này chỉ vì những chuyện ngoài nghệ thuật. Việc này là vô cùng đáng tiếc. Xin đừng "phá sản" kiểu như thế ở những việc, bằng việc khác.

Hà Nội vừa rồi đã làm được một điều hợp lòng dân, được xã hội đồng thuận: bãi bỏ việc xây dựng Trung tâm Thương mại tại chợ "Âm phủ" để trả lại con đường cũ. Mong tiếp tục tư duy tích cực đó để kiên quyết xúc tiến bằng được những việc cần thiết cho một sự kiện lớn lao sắp tới của thủ đô và dân tộc

Nguyễn Đình San
.
.