Công nghệ chi giả ngày một tân kỳ

Thứ Năm, 26/09/2013, 10:25

Vô địch Thế vận hội "Blade Runner" Oscar Pistorius nổi tiếng thế giới với hai chân giả Cheetah bằng sợi carbon. Nhưng ở thời đại kỹ thuật số, chúng ta sẽ chứng kiến những chi giả tinh tế hơn rất nhiều. Như là chân sinh học kiểm soát bằng ý nghĩ mà Zac Vawter sử dụng để leo Tháp Willis 103 tầng ở thành phố Chicago nước Mỹ. Hay là cánh tay sinh học kiểm soát bằng dây thần kinh mà cựu binh Iraq Glen Lehman thay cho chi bị mất do chiến tranh. Ngoạn mục hơn hết là i-limb Ultra - bàn tay giả với 5 ngón tay nhân tạo có khớp hoạt động độc lập. Các bộ phận giả tinh diệu này phản ứng hoàn toàn theo ý nghĩ của chủ thể.

Chúng ta đang sống ở giữa cuộc cách mạng sinh học, song phần lớn trong chúng ta lại không biết đến điều đó. Khoảng 220.000 người trên toàn cầu đang sống với vật cấy ốc tai hay thiết bị trợ thính biến sóng âm thanh thành xung điện truyền trực tiếp đến dây thần kinh thính giác. Khoảng 10.000 người được cấy thiết bị kích thích não sâu tạo hiệu ứng chui hầm trong não để kiểm soát bệnh Parkinson (liệt rung) và được thử nghiệm - với các kết quả đáng khích lệ - ứng dụng chữa chứng trầm uất nặng và chứng rối loạn xung lực ám ảnh (bị ám ảnh phải hành động không có sự kiểm soát). Mô phỏng sinh học rõ ràng nhất nơi những người mang chi giả.

Thời đại của các bộ phận giả làm bằng những vật liệu cứng đờ như gỗ, kim loại hay chất dẻo đã qua. những tiến bộ ngoạn mục trong chế tạo mạch vi xử lý, trong những kỹ thuật giao tiếp công nghệ số với hệ thần kinh con người và trong công nghệ pin đã cho phép chúng ta chế tạo những bộ phận giả mạnh hơn nhưng nhẹ hơn và vô cùng thông minh. Trong một số trường hợp, chúng thậm chí không hoàn toàn gắn liền với cơ thể.

Như trường hợp của Cathy Hutchinson. Năm 1997, Cathy bị đột quỵ và không còn kiểm soát được hai cánh tay của mình nữa. Cathy tình nguyện tham gia cuộc thí nghiệm được cho là vào một ngày nào đó có thể giúp cho hàng triệu người trên thế giới không may bị liệt một phần hay toàn phần! Các nhà khoa học cấy một thiết bị nhỏ vào phần não kiểm soát vận động của Cathy Hutchinson. Nhờ thiết bị kỳ diệu mà Cathy có thể dùng ý nghĩ điều khiển từ xa cánh tay robot không gắn liền với cơ thể.

Câu hỏi đặt ra là: Cathy có thể ra lệnh được cho cánh tay nằm từ khoảng cách bao xa? Câu trả lời là thiết bị cấy trong não kiểm soát được một cánh tay robot ở khoảng cách hơn 10.000km! Thí nghiệm trên con khỉ cho thấy các tín hiệu ý nghĩ của nó được gửi qua Internet, từ Đại học Duke ở North Carolina, đến cánh tay robot ở Nhật Bản. Điều đó cho thấy khoảng cách chẳng có ý nghĩa gì ở thời đại kỹ thuật số ngày nay.

Các bộ phận giả thế hệ mới không chỉ phục hồi những khả năng đã mất của chúng ta mà còn tăng cường chúng, cho chúng ta sức mạnh mới chưa từng có trước đó và củng cố những khả năng đã có. Ví dụ như một nghiên cứu khác liên quan đến trí nhớ.

Oliveira Barata với các thiết kế chi giả độc đáo.

Đồi hải mã (hippocampus) là vùng nhỏ có hình dạng cá ngựa của não liên quan đến sự hình thành các ký ức mới. Do đó, nếu nó bị tổn hại - ví dụ như bị vết thương vùng đầu - người ta sẽ khó hình thành các ký ức dài hạn mới. Để sửa chữa loại tổn hại não này, năm 2011 các nhà nghiên cứu đã tạo ra một "con chip đồi hải mã" có thể thay thế mô não tổn hại. Sau khi được cấy con chip này, những con chuột bị hư hỏng vùng đồi hải mã không chỉ sửa chữa ký ức mà còn cải thiện khả năng học những điều mới của chúng.

Chân giả được thiết kế ngày càng tinh tế hơn.

Một nghiên cứu khác vào năm 2012, chứng minh chúng ta có thể tăng cường trí thông minh nơi khỉ. Các nhà khoa học ở Đại học Wake Forest cấy những con chíp đặc biệt vào não một nhóm khỉ thí nghiệm rồi huấn luyện chúng chơi một game xếp hình. Khi con chip được kích hoạt, điểm số của chúng tăng lên trung bình 10 điểm trong thang 100 điểm. Kết luận: những con chip cấy vào não khiến những con khỉ thông minh hơn. Cả hai công nghệ tăng cường ký ức và trí tuệ chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm và có thể cần đến nhiều năm (hoặc thậm chí nhiều thập niên) mới có thể áp dụng rộng rãi nơi con người.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là - những gì sẽ xảy ra khi có thể cải thiện cơ thể và trí óc con người? Dĩ nhiên, cuộc tranh luận chỉ mới bắt đầu… Oscar Pistorious phải chiến đấu rất gian nan cuối cùng mới được chấp nhận thi đấu tại Thế vận hội. Ban đầu, nhiều người chỉ trích hai chân giả sợi carbon giúp cho Pistorious có lợi thế hơn trong thi đấu. Pistorious - với sự giúp đỡ của các bác sĩ và chuyên gia sinh y học - cố gắng chứng minh thật ra hai lưỡi Cheetah không hề mang lại lợi thế nào cho anh trên vận động trường. Công nghệ tạo ra siêu nhân đang sắp diễn ra và điều đó thật sự có ý nghĩa với tất cả chúng ta.

Modesta với chân giả nguyên mẫu gắn loa âm thanh nổi và mang giày cao gót.

Một con rắn xanh lè cuộn quanh cánh tay của Jo-Jo Cranfield trông tựa như một bức tranh của danh họa Salvador Dali. Nhưng, nếu nhìn kỹ nơi cổ tay trái của Jo-Jo Cranfield, chúng ta sẽ phát hiện điều khác thường - con rắn trượt vào và ra nơi đó như sợi chỉ luồn qua lỗ kim! Cranfield thật ra là người bị mất cánh tay và cánh tay giả kỳ quái của cô là tác phẩm của nhà thiết kế Oliveira Barata người Anh - chuyên gia về các bộ phận giả mang tính nghệ thuật độc đáo.

Dự án chi thay thế (ALP) của Oliveira Barata có lẽ gắn liền với nghệ thuật siêu thực. Barata giải thích: "Nó khiến người ta nhìn những người khuyết tật theo hướng tích cực. Chi thay thế sẽ phản ánh con người của chủ thể". Vào năm 2012, cả thế giới sững sờ khi người mẫu kiêm ca sĩ Viktoria Modesta mang chân giả bằng pha lê gọi là Swarovski của Oliveira Barata tại buổi bế mạc sự kiện thể thao London Paralympics dành cho người khuyết tật.

Thường thì các chi giả được thiết kế thật kín đáo trước mặt mọi người. Song, Modesta lại tỏ ra hãnh diện chìa ra chiếc chân giả pha lê nạm nữ trang của mình tại sân vận động trước những ống kính camera rợp trời và hàng triệu khán giả trên thế giới đang theo dõi sự kiện qua màn hình tivi. Modesta - người mẫu chào đời ở Latvia - bị cưa mất chân trái đến tạn đầu gối do bệnh tật ở tuổi thiếu niên và từ đó những chi giả được cô coi như quần áo mặc trên người để thể hiện bản thân.

Bàn tay giả được kiểm soát bằng ứng dụng điện thoại thông minh là tương lai của I Limbo.

Cũng tương tự như Modesta, Cranfield thường mang cánh tay rắn của mình về đêm khi gặp gỡ bạn bè và điều đó khiến cô cảm thấy mạnh mẽ hơn và gợi cảm hơn trước mắt mọi người. Cranfield - nữ vận động viên khuyết tật 3 môn phối hợp - thổ lộ: "Tôi muốn mọi người nhìn tôi 2 lần với cả sự trầm trồ ngưỡng mộ. Cranfield chào đời không có phần tay dưới khuỷu tay.

Kiera Roche, chủ tịch tổ chức từ thiện LimbPower, với chân giả nghệ thuật của Oliveira Barata. Bà cho biết chân giả nghệ thuật đã làm thay đổi nhận thức của bà về nỗi bất hạnh mất chi.

Nhà thiết kế Barata làm việc cho một công ty sản xuất bộ phận giả trong 8 năm và sử dụng thời gian rỗi để thí nghiệm những chi giả mang tính nghệ thuật. Năm 2009, bà Barata hợp tác với Modesta để làm ra một chi giả hết sức độc đáo - chân giả tích hợp loa phát nhạc và mang giày cao gót.

Nguyên mẫu thành công ngoài sự mong đợi và các khách hàng hiện nay của Barata từ cựu quân nhân muốn có chân giả như trong phim viễn tưởng cho đến những đứa trẻ muốn sở hữu hộp đựng bút có dạng chi giả nghệ thuật.

Các chi giả của bà có giá từ 4.600 USD, đến 21.000 USD. Chất liệu cũng thay đổi tùy theo mỗi thiết kế bền, nhẹ và không thấm nước. Không chỉ là người tiên phong trong lĩnh vực chi giả nghệ thuật, Nhà thiết kế Barata hiện nay còn cho ra đời nhiều mẫu độc đáo - những cánh tay cò dạng con dao quân đội Thụy Sĩ kết hợp với một số công cụ kèm theo, chân giả phản ứng sáng lên với âm nhạc khi mang vào các hộp đêm và những cánh tay "đính kèm" những công cụ nấu ăn trong nhà bếp.

Xem ra, có gì đó hơi khôi hài trong các thiết kế chi giả của Oliveira Barata

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.