Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Quản lý, khai thác kém hiệu quả

Thứ Ba, 26/08/2014, 16:10

Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào các công trình văn hóa - xã hội trọng điểm với mong muốn các công trình này sẽ trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, thưởng thức, bảo tồn nghệ thuật truyền thống hoặc là nơi tham quan, đào tạo nghề và vận động viên chất lượng cao của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, qua gần 4 năm khánh thành và đi vào hoạt động, việc quản lý, khai thác cũng như tính hiệu quả của các công trình xem ra chưa đạt như mong muốn.

Ba năm hoạt động: Không quy chế sử dụng!

Hơn 9h sáng, Rạp Đại Nam có vẻ như vẫn còn… chưa "ngủ dậy"! Tấm biển "Chúc mừng năm mới - Xuân Giáp Ngọ 2014" vẫn đỏ rực tươi tắn trên cửa ra vào, bất chấp bây giờ đã là giữa tháng 8 của năm 2014. Lan can dọc hai bên thềm bước vào cửa chính, có chỗ gạch ốp trang trí đã bong tróc đi đâu mất. Đèn đóm trong sảnh tối om. Cửa kính trong suốt có thể quan sát rõ bên trong im ắng như tờ. Tấm biển "Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010)" được gắn ngay bên trái phía trên cửa ra vào. Tấm vách kính bên ngoài ngay trước tấm biển vẫn sót lại chi chít các mẩu băng dính hai mặt, chắc hẳn là vết tích của những lần gắn trang trí cho các sự kiện diễn ra tại đây.

Trong vai người đi hỏi đặt tiệc cưới, tôi gặp một cô nhân viên mặc váy đỏ từ trong rạp đi ra. Chẳng là đích thân người viết bài này đã từng hơn một lần dự tiệc cưới, với hội trường dự tiệc chính là sảnh lớn của công trình này. Cô nhân viên cho biết, hiện giờ đơn vị tổ chức tiệc cưới ở đây đã chuyển sang Triển lãm Vân Hồ.

Khi tôi hỏi về việc sao chẳng thấy lịch biểu diễn hay bán vé xem chèo gì cả, thì một anh từ ngoài đi vào nói ngay: Có lịch ở ngoài bàn bán vé đấy! Tuy nhiên, ở quầy bên ngoài chỉ có duy nhất một tấm biển mica mà không hề có người cũng như dán lịch biểu diễn gì. Có vẻ như nhận thấy sự băn khoăn của tôi, cô nhân viên ban nãy bước ra, vừa mở cửa kính ra vào vừa nói: "Ngày 31 này bọn em diễn ở Cung Việt Xô (Cung Văn hóa Hữu nghị). Vở Nàng Sita!".

Trong đợt kiểm tra giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND  TP Hà Nội, "Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" Rạp Đại Nam phát hiện nhiều tồn tại. Dự án xây dựng Rạp Đại Nam được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1233/QĐ-UB ngày 13/3/2009 với tổng mức đầu tư 95 tỉ đồng. Công trình được xây dựng trên quy mô diện tích đất 890m2.

Được đầu tư xây dựng năm 2009 và đưa vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và Ngày giải phóng Thủ đô tháng 10/2010. Tuy nhiên, cho đến thời điểm kiểm tra giám sát công trình vẫn chưa quyết toán xong. Thiết kế và chất lượng công trình cơ bản đảm bảo nhưng còn một số vấn đề bất cập như thiết bị camera giám sát an ninh không được lắp đặt. Khu vực tầng hầm và tường bị thấm. Kính khu vực mặt tiền của rạp bị rạn, nứt. Hệ thống tiêu thoát nước không đảm bảo, không có hệ thống thoát khí khu vệ sinh. Hệ thống âm thanh trong hội trường thiết kế chất lượng thấp. Công trình không có hệ thống thang máy phục vụ chuyên chở đạo cụ, cảnh trí phục vụ biểu diễn.

Rạp Đại Nam có vị trí đắc địa giữa phố trung tâm Hà Nội.

Mặc dù được đánh giá là đã trở thành trung tâm dàn dựng, luyện tập và biểu diễn nghệ thuật chèo của thành phố, tuy nhiên, Ban Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chưa ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; chưa có quy chế chi tiêu nội bộ và xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính đối với Rạp Đại Nam.

Đến giờ vẫn chưa bàn giao, chưa quyết toán

Một trong những công trình khác, dự án Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được UBND TP phê duyệt từ tháng 12/2003. Đến năm 2008 bắt đầu được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2010, gắn biển chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội dịp khánh thành. Tổng mức đầu tư ban đầu hơn 282 tỉ song cho đến thời điểm đoàn kiểm tra, công trình vẫn chưa được quyết toán. Chính vì thế, một số hạng mục xuống cấp của công trình qua thời gian sử dụng cũng đành bỏ mặc bởi không có kinh phí. Thậm chí một số thiết bị đào tạo thuộc 1/21 gói thầu vẫn chưa được bàn giao cho nhà trường, gây khó khăn cho công tác đào tạo.

Thực tế ngoài chuyện chưa bàn giao, chưa quyết toán, ngay tại công trình Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội có thiết kế và chất lượng công trình có những điểm bất hợp lý. Tòa nhà D theo thiết kế  ban  đầu là nơi lắp đặt toàn bộ các máy móc, thiết bị ngành cơ khí. Tuy nhiên, các thiết bị ngành này gồm các máy móc lớn, nặng, khi vận hành có độ rung lớn, ảnh hưởng đến độ chịu rung, lắc và kết cấu của tòa nhà. Tuy nhiên nó lại được thiết kế đặt ở tầng cao.

Cùng với đó là các tòa nhà không được thiết kế lắp đặt thang máy hỗ trợ công tác vận chuyển máy móc lên tầng cao nên nhà trường phải thay đổi công năng các phòng học, ưu tiên lắp đặt các trang thiết bị lớn, nặng tại các tầng dưới nên dẫn đến tình trạng khó cho việc quản lý, sử dụng tài sản cho các khoa. Toàn bộ trường được lắp đặt cửa kính, không có chấn song bảo vệ. Qua kiểm tra cho thấy, cầu thang nối các tòa nhà không được đổ bê-tông hai đầu, khi các tòa nhà có hiện tượng lún, cầu thang xuất hiện hiện tượng nứt vỡ, vôi vữa bong tróc rơi xuống, gây nguy hiểm cho người đi lại.

Lễ cắt băng khánh thành Công trình Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đi sâu vào kiểm tra cho thấy nhiều hạng mục của công trình bị xuống cấp. Toàn bộ sảnh và hành lang tầng 1 của tòa nhà Hiệu bộ bị lún gây vỡ gạch lát nền. Được biết sau nhiều lần khắc phục hiện trạng này vẫn tiếp diễn. Hệ thống cửa kính không đảm bảo, khi mưa nước hắt và thấm vào các phòng gây hỏng trang thiết bị học tập, thực hành bên trong. Các khu giảng đường, Thư viện, Hội trường, Nhà Thi đấu đều có hiện tượng lún nứt sâu so với cốt 0, có những chỗ lên tới -20cm.

Các khu vệ sinh đa phần bị sập, vỡ hệ thống cấp thoát nước. Nhiều vị trí tường bị rạn nứt. Toàn bộ hệ thống lan can bảo vệ trước và sau, tay vịn cầu thang lên xuống của Khu nội trú bị gỉ sét, mọt, gãy gây mất an toàn cho người sử dụng, chủ yếu là sinh viên ở tại khu nội trú. Thiết kế ban đầu không đảm bảo cho công suất sử dụng từ 700 đến 800 người tương đương quy mô của trường nên tình trạng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Hầu hết các khu vực sân, vườn ngoài trời đều xảy ra tình trạng sụt, lún gây vỡ hệ thống ngầm, làm ảnh hưởng tới hoạt động chung của nhà trường.

Xuống cấp, bất cập

Ngoài các công trình do thành phố đầu tư, còn có công trình như Trung tâm Văn hóa Kim Đồng là dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng với tổng số vốn đầu tư hơn 113 tỉ đồng. Quy mô công trình nằm trên tổng diện tích 962,85m2 gồm 7 tầng, 2 tầng hầm song thực tế khi đưa vào vận hành mới thấy số lượng phòng chiếu ít, chưa đáp ứng nhu cầu lựa chọn phim phục vụ khán giả. Diện tích rộng nhưng thiết kế ít phòng làm việc và phòng tổ chức các hoạt động văn hóa khác. Cầu thang cuốn hai bên tốn chi phí về điện năng và kinh phí bảo hành.

Phòng đọc thiếu nhi tại Thư viện Hà Nội thu hút khá đông độc giả nhỏ tuổi.

Một số hạng mục của công trình cũng đã xuống cấp. Toàn bộ nhà bị thấm dột nặng từ trên tầng 7 xuống tầng hầm B2. Toàn bộ hệ thống các khu vệ sinh không đảm bảo, thường xuyên bị tắc, hỏng. Là công trình công cộng, địa điểm thường xuyên tập trung đông người song tủ báo cháy thường xuyên báo sai, báo không chính xác nên gây nhiều hoang mang cho khách đến xem phim cũng như cho cán bộ công nhân viên. Trong khi đó hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ hội nghị, biểu diễn nghệ thuật phạm vi nhỏ chưa có. Phòng chiếu 4D hiệu quả hoạt động không cao, vắng khách…

Nằm trong số các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có tổng kinh phí đầu tư lớn nhất: 1.030 tỉ đồng (chỉ sau công trình Bảo tàng Hà Nội), Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội là nơi ăn ở, tập luyện thường xuyên của khoảng 2.000 vận động viên. Một số hoạt động thể dục thể thao quốc tế và trong nước đã diễn ra tại đây.

Tuy nhiên, một số hạng mục của công trình như Nhà Văn hóa, Trung tâm Y học và phục hồi sức khỏe chưa khai thác được tối đa công suất sử dụng. Thiết kế và chất lượng của nhiều hạng mục còn bất cập. Tại tòa nhà điều hành, nhà chuyên gia không có hệ thống Internet ngầm. Hạ tầng ngoài nhà nhiều nơi bị lún. Khu nhà ở của vận động viên bị dột, ngấm tường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của vận động viên.

Được và chưa được

Nằm trong số 6 công trình thuộc diện giám sát và cũng là công trình có vốn đầu tư lớn nhất, Bảo tàng Hà Nội là công trình duy nhất được đánh giá về chất lượng công trình không có biểu hiện xuống cấp (ngoại trừ sự cố dột thấm xảy ra đã được khắc phục). Tuy nhiên đây lại là công trình bị đánh giá là hoạt động khai thác chưa tương xứng với công năng sử dụng và mục tiêu của dự án, gây lãng phí.

Được biết Bảo tàng Hà Nội có tổng vốn đầu tư hơn 2.910 tỉ đồng, trong đó phần trưng bày chiếm hơn 789 tỉ. Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn giám sát, qua hơn 3 năm mở cửa đi vào hoạt động, phần trưng bày mới hoàn thành 5/8 chủ đề, chuyên đề. Phần trưng bày hiện nay bị đánh giá là chưa sinh động, thiếu hiện vật độc đáo có giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử cao để thu hút người xem.

Hiện vật trưng bày chưa cân đối với không gian trưng bày, chưa khai thác hết diện tích của công trình và chưa tạo được nét riêng của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là một trong số các đơn vị đi vào hoạt động đã lâu nhưng cũng chưa ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, chưa xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính.

Có hoạt động được đánh giá là hiệu quả nhất trong số các công trình được giám sát có lẽ là công trình Dự án xây dựng Thư viện Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 37 tỉ đồng. Tính từ năm 2011, Thư viện Hà Nội đã cấp hơn 19.000 thẻ bạn đọc, trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô nhiều tầng lớp. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng công trình đã có những xuống cấp. Nhiều nơi trong tòa nhà bị thấm, dột nặng.

Toàn bộ hệ thống trần, cửa, các vách ngăn bằng nhựa khu nhà vệ sinh bị xuống cấp và bung gãy. Thiết bị vệ sinh hư hỏng, sàn nhà gạch men bị mòn, không đảm bảo vệ sinh. Đá ốp phía bên ngoài và gạch ốp tường xung quanh tòa nhà thường xuyên bị bung tróc gây nguy hiểm cho người đi lại bên dưới. Hệ thống trung tâm báo cháy tự động đã bị hỏng. Các đầu báo cháy không được bảo trì, bảo dưỡng…

Bên cạnh việc vạch ra những tồn tại và phương hướng khắc phục, đoàn giám sát cũng chỉ rõ một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuống cấp chung, đó là các công trình đều có quy mô lớn, phức tạp, thời gian thi công ngắn (khoảng 2 năm), nhiều vấn đề phát sinh nên vừa thi công vừa bổ sung thiết kế, dẫn tới khó tránh khỏi những bất cập, hạn chế…

Đoàn cũng đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp cụ thể với UBND Thành phố cũng như các cơ quan liên quan đối với từng công trình cụ thể để sớm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình xứng đáng với số tiền đầu tư đã bỏ ra cũng như ý nghĩa lịch sử đã gắn với mỗi công trình

Mai Khuê
.
.