Cty CP Sàn BĐS Việt Nam: Thu tiền tỉ từ bán dự án trên giấy

Thứ Ba, 04/08/2009, 20:45
Mặc dù chưa hề được UBND TP Hà Nội cấp đất nhưng Công ty Cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam (CPSBĐSVN), văn phòng tại nhà số 7, ngõ 110 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội đã phân lô bán nền cho nhiều người bằng hình thức hợp đồng vay vốn. Rất nhiều bất thường xung quanh dự án này và rủi ro luôn thuộc về các nhà đầu tư.

Giá đất tăng từng ngày

Sáng 17/7 vừa qua, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 7, ngõ 110 đường Trần Duy Hưng. Dù đã gần trưa nhưng người ra vào vẫn tấp nập. Ngay quán nước đối diện cũng trở thành nơi giao dịch của các cò đất.

Để được mua đất ở dự án này (mỗi lô 60m2), sau khi đăng ký, khách hàng sẽ được chủ đầu tư phát cho một bộ hợp đồng vay vốn trong đó ngoài hợp đồng, còn có cả bản đồ quy hoạch chia lô, thậm chí cả bản phối cảnh rất màu mè. Những căn cứ mà công ty đưa ra ngoài luật dân sự, quy chế tài chính của công ty thì còn có hợp đồng liên doanh số 01 giữa Công ty CPSBĐSVN và Công ty Đầu tư và Thương mại Hoàng Hà ngày 28/11/2008 về việc đầu tư dự án khu nhà ở tại thôn Phúc Lý, xã Minh Khai.

Tại hợp đồng này ghi rõ mục đích sử dụng tiền vay “để thực hiện khu nhà ở Phương Đông”. Vào tháng 6/2009, giá mà công ty bán cho khách hàng là 10 đến 12 triệu đồng/m2, tức là 600- 720 triệu đồng/lô. Theo hợp đồng vay vốn thì khách hàng sẽ giao tiền thành 3 lần cho công ty, lần thứ nhất giao 50% tổng số tiền vay, lần thứ 2 giao 30% và lần cuối giao nốt. Phía công ty khẳng định vào tháng 2/2010 sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng.

Vì vậy mà từ mức giá ban đầu chỉ 7- 10 triệu đồng/m2, nhưng sau đó các nhà đầu tư, các môi giới nhà đất không ngại ôm hàng và sau đó dùng các thủ thuật để PR, khuếch trương, quảng bá để lôi kéo các khách hàng vào mua và cho tới thời điểm này, giá đã bị các cò đất đẩy lên tới hơn 20 triệu đồng/m2. Khi nghe chúng tôi hỏi mua đất, một cò còn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “không mua nhanh thì vài hôm nữa không còn giá ấy đâu”.   

Vậy dự án này ở đâu mà lại có sức hấp dẫn các nhà đầu tư như vậy? Theo thông tin mà Công ty CPSBĐSVN cung cấp cho khách hàng trong bản “hợp đồng vay vốn” thì “Dự án khu nhà ở Phương Đông là dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng, cao tầng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại... trên lô đất khoảng 40.000m2 tại địa điểm thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.

Phía bắc giáp đường Liên xã đi Học viện Cảnh sát, phía nam giáp sông Pheo, phía đông giáp Sở thú Hà Nội, phía tây giáp đường 32 đi Khu Công nghiệp Nam Thăng Long”.   Với những thông tin nghe có vẻ rất cụ thể, lại kèm theo bản đồ quy hoạch thì chắc chắn khi đặt bút ký hợp đồng và giao tiền cho công ty, các nhà đầu tư đều yên tâm là dự án đã bắt đầu được triển khai.

Dự án ma

Để tận mắt nhìn thấy mảnh đất này đẹp cỡ nào mà lại được mua bán tấp nập như vậy, ngày 15/7, chúng tôi tìm đến địa điểm mà chủ đầu tư quảng cáo. Nhưng điều bất ngờ là tại UBND xã Minh Khai, ông Chủ tịch Nguyễn Văn Sỹ khẳng định cho tới thời điểm này, tại xã Minh Khai chưa hề có một dự án nhà ở hay đô thị nào được cấp phép.

Thực tế tại nơi mà công ty quảng cáo là "Dự án Khu nhà ở Phương Đông".

Khi chúng tôi hỏi về dự án nhà ở Phương Đông ở thôn Phúc Lý, ông Sỹ cho biết diện tích đất tại thôn Phúc Lý hiện vẫn do UBND xã quản lý và ký hợp đồng cho một số hộ gia đình sản xuất. Theo ông Sỹ thì năm 2008, Công ty Hoàng Hà có về làm việc với UBND xã và đặt vấn đề thực hiện xây dựng khu nhà ở. Phía Công ty Hoàng Hà chỉ trình ra được văn bản của các sở chấp thuận về nguyên tắc.

Theo ông Sỹ, thời gian vừa qua có tình trạng Công ty Hoàng Hà tự giao dịch với các hộ để sang nhượng, nhưng đây chỉ là sang nhượng tài sản hoa mầu trên đất mà thôi còn đất vẫn do UBND quản lý. Trong khi theo quy định thì khi nào được thành phố ra quyết định giao đất, chủ đầu tư sẽ phải đền bù tiền đất, với diện tích đất do UBND xã quản lý thì tiền đền bù sẽ phải chuyển vào ngân sách xã. Chỉ khi nào thực hiện xong các thủ tục này thì đất mới là của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong khi đất vẫn do UBND xã quản lý thì ngày 25/6, Công ty Hoàng Hà đã đưa máy ủi đến “san lấp mặt bằng, làm mất độ mầu của đất trong sản xuất nông nghiệp, ao hồ với diện tích 8.965m2; thay đổi hiện trạng ban đầu tại khu lò gạch thôn Phúc Lý” (trích Biên bản vi phạm hành chính về đất đai). --PageBreak--

Theo ông Sỹ thì khi tổ công tác của UBND xã đến yêu cầu xuất trình giấy tờ, phía Công ty Hoàng Hà vẫn chỉ đưa ra được các văn bản chấp thuận về nguyên tắc của các sở liên quan và “hứa” đến ngày 20/7 sẽ có quyết định giao đất của thành phố. Vì vậy UBND xã Minh Khai đã yêu cầu Công ty Hoàng Hà đình chỉ san lấp mặt bằng đồng thời ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước vi phạm.

Phải nhờ anh cán bộ địa chính xã Minh Khai dẫn đường, chúng tôi mới tìm được mảnh đất “dự án nhà ở Phương Đông”. Dù nằm ngay bên cạnh con đường nhựa mới mở, tuy nhiên hiện trạng của khu đất này ngoài một chiếc máy ủi nằm chình ình ở một góc, tất cả vẫn là đất canh tác của người dân.

Chưa hết, trong quá trình tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi có được Công văn số 1619 ngày 29/4/2009 của Sở Tài chính Hà Nội về việc tham gia ý kiến về hồ sơ xin chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án xây dựng khu nhà ở Phương Đông tại xã Minh Khai gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Tại văn bản này, Sở Tài chính đã đánh giá về năng lực tài chính của nhà đầu tư như sau: Dự án xây dựng khu nhà ở Phương Đông do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Hà đề xuất địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án có tổng mức đầu tư 1.062 tỉ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn tự có của công ty và các cổ đông đóng góp là 120 tỉ đồng; nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động hợp pháp khác là 942 tỉ đồng.

Mặt khác, theo báo cáo tài chính năm 2008 (chưa được kiểm toán độc lập), nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1,206 tỉ đồng/1.062 tỉ đồng, bằng 0,11% tổng mức đầu tư của dự án. Theo quy định của UBND TP Hà Nội và Nghị định 153/CP nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính để thực hiện dự án”.

Về lời hứa là ngày 20/7 sẽ có quyết định giao đất của UBND TP Hà Nội mà Công ty Hoàng Hà đã hứa với UBND xã Minh Khai, ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết cho tới ngày 20/7, Công ty Hoàng Hà vẫn chưa trình được quyết định này với UBND xã.

Bản đồ dự án do công ty phát cho khách hàng.

Cũng trong ngày 20/7, chúng tôi cũng đã liên hệ với UBND TP Hà Nội để xác minh và câu trả lời từ những người có trách nhiệm ở UBND TP Hà Nội là cho tới thời điểm này, UBND thành phố chưa hề cấp quyết định giao đất ở xã Minh Khai cho doanh nghiệp này.

Như vậy, có thể khẳng định rằng dự án khu nhà ở Phương Đông cho tới thời điểm này là dự án “ma” và chủ đầu tư cũng không có đủ năng lực tài chính theo quy định của pháp luật. Và như vậy tất cả những giấy tờ liên quan tới dự án khu nhà ở Phương Đông mà Công ty CPSBĐSVN giao cho khách hàng không có giá trị.

Với hy vọng gặp và trao đổi trực tiếp về dự án này, chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Hồng Bàng, Tổng giám đốc Công ty CPSBĐSVN, người đã ký vào rất nhiều hợp đồng vay vốn với khách hàng mua đất, theo số điện thoại di động 0978435795. Lần đầu, sau khi nghe đề nghị làm việc của chúng tôi, ông Bàng nói đang bận và xin số điện thoại di động để chủ động liên hệ sau. Sau 2 tuần chờ đợi mà không thấy ông Bàng liên hệ lại, chúng tôi gọi lại thì chỉ thấy điện thoại đổ chuông nhưng không có người nghe máy.

Tiếp đó ngày 17/7, chúng tôi trực tiếp đến nhà số 7 ngõ 110 Trần Duy Hưng với hy vọng có thể gặp được ông Bàng. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đề nghị gặp, một người tự xưng tên là Kiên, số điện thoại 0983640248, giới thiệu là trợ lý của ông Bàng xuống gặp và nói “hiện sếp em đang bận nên hẹn các anh hôm khác”.

Cho tới thời điểm này việc mua bán đất “Dự án khu nhà ở Phương Đông” tại số 7, ngõ 110 Trần Duy Hưng vẫn diễn ra hết sức nhộn nhịp. Tuy nhiên, từ thực tế như chúng tôi vừa nêu, đã đến lúc cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ những bất thường từ chủ đầu tư của “dự án trên giấy” này 

Nguyễn Thiêm
.
.