Cúm gia cầm và con đường lây nhiễm

Thứ Hai, 17/03/2014, 15:40

Theo thông tin mới nhất từ Cục Thú y, đến nay dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại 21 tỉnh thành trong cả nước với 67 ổ dịch. Số gia cầm mắc bệnh, chết và những đàn gia cầm có cá thể mắc bệnh đã được tiêu hủy là gần 64 nghìn con.
Để có thể phòng tránh một cách hữu hiệu nhất, thì cần biết về các chủng virus cúm và những con đường lây truyền…

Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài gia cầm - kể cả loài chim và có thể lây nhiễm sang một số động vật có vú khác, được phát hiện lần đầu tiên tại Italia vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Nó có tên khoa học là Avian influenza thuộc nhóm virus cúm A, họ Orthomyxociridae. Biến chủng của nó là virus H5N1, bắt đầu hoành hành từ năm 1997 và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch theo chu kỳ 5 năm 1 lần (2009 - 2014).

Các chủng của virus cúm gia cầm có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như chim, gà, vịt, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và con người. Nó lây qua không khí và phân, nhưng cũng có thể lây bằng đường thực phẩm, nước, dụng cụ và quần áo. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy virus cúm gia cầm tồn tại trong thức ăn nấu chín kỹ.

Đến nay, các nhà khoa học đã phân lập được các chủng virus gây bệnh cúm gia cầm. Đó là H1N1, H5N1, H2N2, H3N2, H6N1, H7N2, H7N3, H7N7, H7N9, H9N2... Virus H1N1 chẳng hạn, tính đến cuối năm 2013, đã có 1.893 ca nhiễm tại 23 quốc gia, trong đó 31 ca tử vong. Hay như virus H5N1, từ 1997 đến nay, sự bùng phát của nó đã làm chết hàng chục triệu gia cầm.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Từ cuối năm 2003 đến năm 2013, trong tổng số 622 ca nhiễm H5N1 tại 15 nước, chủ yếu ở châu Á, đã có 371 người tử vong. Cũng trong khoảng thời gian này, Việt Nam có 62 ca tử vong trong  số 124 người nhiễm.

Một chủng nữa, đó là virus H7N9 mới vừa được phát hiện, có khả năng lây từ gia cầm sang người và có tỉ lệ tử vong cao. Nó bùng phát tại Trung Quốc từ tháng 3- 2013, chủ yếu ở các tỉnh phía đông. Hầu hết người nhiễm H7N9 đều chết vì suy hô hấp nặng.

Mặc dù đang có dịch, nhưng gà sống và cả gà chết vẫn được bán bên lề đường.

Ca tử vong đầu tiên trong năm 2014 vì cúm H5N1 tại nước ta là một nam giới, 52 tuổi, trú tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Bệnh nhân này chết sau 8 ngày xuất hiện triệu chứng bệnh. Điều tra dịch tễ phát hiện trước đó bệnh nhân đã giết mổ, ăn thịt vịt, còn khu vực xung quanh nhà bệnh nhân có hiện tượng gà ốm chết không rõ nguyên nhân.

Ca thứ hai là nữ giới, 60 tuổi, ở Đồng Tháp. Bệnh nhân phát bệnh ngày 22/1 với triệu chứng sốt cao. Đến ngày 27/1, xuất hiện các biểu hiện khó thở. Được người nhà đưa vào BV Đa khoa tỉnh An Giang nhưng tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, bệnh nhân suy hô hấp rồi tử vong sau một ngày điều trị.

Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đã được Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm, khẳng định dương tính với cúm A/H5N1. Kết quả rà soát lưu hành virus H5N1 cho thấy, 6% đàn thủy cầm dương tính với virus cúm gia cầm còn tại các chợ, các điểm buôn bán gia cầm bên lề đường, tỷ lệ này đặc biệt cao, trên 60%.

Khi gia cầm nhiễm virus, thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3 đến 5 ngày với những triệu chứng khác nhau tùy theo loài, chẳng hạn như bỏ ăn, chảy nước giãi, đi đứng xiêu vẹo hoặc nằm bẹp một chỗ và thường chết sau vài ba ngày. Với con người, bệnh có nhiều thể lâm sàng, thường gặp là sau thời gian nung bệnh ngắn -  chỉ khoảng một ngày, bệnh phát rất đột ngột với các hiện tượng như sốt 39 đến 40 độ C, rét run từng đợt kéo dài kèm theo mệt mỏi, đau toàn thân, nhức  đầu dữ dội, đau các cơ xương, khớp, da khô nóng, mặt bừng bừng, mắt chói, chảy nước mắt, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, có khi ho tức ngực, khạc đờm hoặc chảy máu cam, miệng đắng, buồn nôn, táo bón.

Sau thời gian đó, nhiệt độ giảm dần, có thể hạ nhanh xuống bình thường rồi vọt lên - gọi là nhiệt độ dạng V cúm. Biến chứng hô hấp chủ yếu là viêm phổi tiên phát và thứ phát. Người bệnh ngoài các triệu chứng trên, còn kèm theo khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu, nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi tử vong do thiếu oxy máu không khắc phục được.

Cho đến nay, chủng cúm gia cầm đang hoành hành tại nước ta chủ yếu vẫn là H5N1. Nó lây sang người qua việc tiếp xúc trực tiếp với phân gia cầm, hoặc qua nước giãi tiết ra khi gia cầm nhiễm cúm và thậm chí còn có thể lây khi cầm, nắm hoặc giết thịt, ăn tiết canh, ăn thịt nấu không kỹ. Bệnh có thể phát hiện qua những xét nghiệm cúm thông thường nhưng các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H5N1 đều phải sử dụng virus sống để tương tác với những kháng thể có trong máu của bệnh nhân. Vì lý do an toàn sinh học, các xét nghiệm này phải được tiến hành trong các phòng thí nghiệm với độ an toàn  ở mức cao nhất.

Để tránh lây nhiễm, người chăn nuôi gia cầm khi tiếp xúc với vật nuôi phải trang bị bảo hộ, gồm khẩu trang, áo choàng, găng tay, mũ... Sau khi tiếp xúc, phải rửa tay thật kỹ bằng xà phòng. Tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn chứ không nên lặng lẽ tiêu hủy.

Mặc dù đến nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy bệnh viêm phổi do virus có thể lây truyền từ người này sang người khác, nhưng việc trang bị bảo hộ đối với người chăn nuôi và nhất là người dân sống trong vùng có dịch vẫn hết sức cần thiết. Việc đảm bảo vệ sinh môi trường cũng phải được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh biện pháp tẩy uế chuồng trại, thì cần phun thuốc Cloramin B ở môi trường xung quanh khu vực nhà ở. Trường hợp dịch lan rộng, nên phun thuốc từng nhà.

Các gia đình có người thân nhiễm cúm H5N1 phải có biện pháp vệ sinh nhà cửa, đồ dùng của người bệnh phải được ngâm vào dung dịch tẩy trùng 20 phút, sau đó giặt sạch và phơi khô rồi mới đưa vào sử dụng lại.

Hiện tại, các nhà khoa học lo ngại rằng một số chủng virus cúm gia cầm có thể chuyển đổi tính kháng nguyên để vượt qua các rào cản khác loài - thí dụ từ loài chim lây sang con người. Nếu thực sự biến chủng này được tạo ra thì nó sẽ vừa mang tính đa hình rất cao và có độc tính rất mạnh. Điều ấy đồng nghĩa với việc vừa khó kiểm soát, vừa khó chữa trị. Một biến chủng như vậy có thể gây nên một đại dịch tương tự như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918,  làm tử vong 50 triệu người.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo, rằng đại dịch cúm đang đến gần, và nhiều khả năng là do một biến chủng của virus H5N1. Để đối phó, nhiều quốc gia - trong đó có Việt Nam - đã bắt đầu vạch kế hoạch chi tiết khi tình huống đại dịch bùng nổ với các biện pháp như phân vùng, giới hạn sự lan truyền, tiêu huỷ và tiêm vaccin cho gia cầm. Ngoài ra, các kế hoạch dài hạn cũng được thực thi là thay đổi dần lối sống, thay đổi phương pháp chăn nuôi gia cầm tại các vùng dân cư có nguy cơ cao.

Cũng cần nói thêm rằng thuốc chống virus đã chứng tỏ khả năng hữu hiệu trong cả ngăn ngừa và trị bệnh. Nhưng với những chủng biến thể mới, trung bình phải mất 4 tháng mới sản xuất ra vắcxin ngừa cúm. Mà 4 tháng so với một trận đại dịch thì đó là khoảng thời gian quá dài, nhất là chủng virus H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc đang có nguy cơ thâm nhập qua nước ta từ những đàn gia cầm nhập lậu..

Vì vậy, hãy tự cứu mình bằng các biện pháp tích cực đề phòng trước đã!

Vũ Cao
.
.