Cuộc chấn hưng kinh tế ở một quốc đảo rộng… 316km2

Thứ Năm, 21/06/2018, 11:09
Cộng hòa Malta là một miền đất có diện tích vỏn vẹn 316km2, tọa lạc trên những hòn đảo thuộc Địa Trung Hải với 3 đảo lớn nhất là Malta, Gozo và Comino.

Trong nhiều thế kỷ tiếp nối, rất nhiều thế lực ngoại bang đã đô hộ xứ này từ người Finik, người Goths, tới người Ảrập và đoàn quân Thập tự chinh La Mã, rồi đến người Pháp dưới thời Hoàng đế Napoleon Bonaparte, cuối cùng, để người Anh tới “khai hóa” vào đầu thế kỷ XIX.

Đất nước Malta giành được độc lập vào năm 1964, để 10 năm sau chính thức tuyên bố thiết lập thể chế cộng hòa, tuy rằng Cộng hòa Malta vẫn nằm trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Anh. Hơn 1,5 thế kỷ trước đó, nền kinh tế Malta chủ yếu phụ thuộc vào việc sửa chữa và tu bổ cho đội tàu viễn dương của hải quân Hoàng gia Anh. Tới năm 1958, đột nhiên London quyết định đóng cửa cơ sở sửa chữa tàu chiến khổng lồ ở Malta.

Bờ biển thủ đô Valletta luôn tràn ngập du khách.

Tình hình càng thêm trầm trọng, bởi sau khi nhà nước cộng hòa nhỏ bé giành được nền độc lập, toàn bộ binh đội thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồn trú tại đây đã dần phải triệt thoái hết - theo yêu cầu tiên quyết của người Malta.

Tới năm 1979 thì nhân viên quân sự Anh cuối cùng cũng rời khỏi Malta, khiến ngân sách quốc gia bỗng dưng “thâm thủng” tới 28 triệu bảng Anh, bao gồm khoản tiền thuê mướn các căn cứ của NATO, cũng như số tiền chi tiêu thường niên của binh đội Anh và gia đình họ. Nước cộng hòa trẻ tuổi bắt buộc phải tập “đứng vững” trên chính đôi chân của mình.

Kỹ sư Dom Mintoff (1916-2012), vị thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Malta (tại nhiệm từ năm 1971-1984), liền áp dụng ngay những biện pháp năng động nhằm xoay chuyển thực trạng nền kinh tế quốc gia, ưu tiên ủng hộ các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và du lịch, đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Nhưng đà chấn hưng kinh tế có phần sa sút, sau quyết định từ chức bất ngờ của Thủ tướng D. Mintoff vào cuối tháng 12-1984. Sau 13 năm chèo lái con thuyền đất nước, ông quyết định trao lại quyền hành cho người kế nhiệm là luật sư Karmenu Mifsud Bonnici.

Thoạt đầu, nhiều người cho đó là chuyện “nực cười”, bởi tiến sĩ luật học K. Bonnici là “người không có tên tuổi”, chưa bao giờ được liệt vào hàng ngũ những chính khách “cộm cán nhất” của chính thể đương quyền. Nhưng sau đó thì giới quan sát mới vỡ lẽ, rằng vị cựu Thủ tướng D. Mintoff không muốn xảy ra chuyện tranh giành vai trò thủ lĩnh - đầu tàu trong nội bộ giới chính trị gia cao cấp, tránh sự mất đoàn kết không đáng có.

Quả thực việc chuyển giao quyền lực lãnh đạo đất nước đã diễn ra hoàn toàn êm thấm, góp phần thúc đẩy sự ổn định cho Cộng hòa Malta. Thủ tướng kế nhiệm K. Bonnici đã thành công trong việc trao quyền tự chủ cho các nghiệp đoàn lao động, cũng như giải quyết ổn thỏa nhiều nỗi bất hòa cố hữu giữa nhà nước và giới chức Công giáo.

Nên biết rằng Malta là quốc gia có tỷ lệ người theo đạo Cơ đốc cao nhất thế giới (hơn 95% dân số) và giáo hội nơi đây cực kỳ “bảo thủ - cố chấp”. Ví như cho tới giờ vấn đề giáo dục miễn phí trên toàn quốc, vẫn luôn là đề tài tranh luận kịch liệt chưa ngã ngũ giữa chính phủ và nhà thờ.

Các ngành kinh tế then chốt là công nghiệp nhẹ và du lịch vẫn tiếp tục được duy trì. Ngoài ra là việc phục hồi các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thủy, qua một hợp đồng trị giá 265 triệu USD ký với Liên bang Nga. Malta bán cho Nga sản phẩm dệt, giày da, tân dược và đồ điện; nhập từ Nga về dầu mỏ, than đá và sản phẩm cơ khí.

Đài tưởng niệm cố Thủ tướng Dom Mintoff - “cha đẻ” của nền Cộng hòa Malta - ở thành phố cảng Cospicua.

Trong khi các cơ sở kinh tế quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ chốt, đóng góp tới 40% tổng thu nhập quốc dân (GDP) hằng năm và thu hút 1/4 lực lượng lao động của đất nước.

Riêng trong lĩnh vực du lịch có phần hơi chựng lại. Vào các thời kỳ trước, nền “kỹ nghệ không khói” của Malta, vốn được mệnh danh “tứ bề là bãi tắm” đã đem lại 1/4 nguồn thu ngoại tệ quốc gia. Nhưng do đà khủng hoảng kinh tế thế giới khởi phát từ cuối thập niên trước, nên miền đất thơ mộng trữ tình này đã không còn là một trong những tụ điểm du lịch quốc tế nữa, khiến chính phủ hiện hữu của Thủ tướng Joseph Muscat thuộc Công đảng (PL) đương quyền đã rút ra được nhiều bài học từ quá khứ. Không thể chủ quan ỷ lại vào sự “hào phóng vô bờ” của thiên nhiên mãi được nữa, mà cần phải đề ra các đường hướng sách lược cụ thể để khuếch trương tiềm năng “thiên đường du lịch” dồi dào.

Quả thực Cộng hòa Malta vốn có khí hậu Địa Trung Hải đặc thù quanh năm, thật lý tưởng cho việc nghỉ ngơi thư dãn. Những công trình kiến trúc lịch sử kỳ vĩ ở cố đô Mdina nhiều nghìn năm tuổi, cũng như tại thủ đô Valletta - hình thành từ thế kỷ XVI - đều là những tụ điểm lôi cuốn du khách...

Nhưng để lấy lại được phong độ như trong thời kỳ “bùng nổ du lịch”, từng diễn ra dạo thập niên 70 thế kỷ trước là điều không dễ dàng chút nào. Để tiến tới mục tiêu đã định, người Malta đang cố thực thi theo những quyết sách mới. Việc cải tổ lại toàn bộ hệ thống điện năng theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) đã được hoàn tất, mạng lưới đường sá lưu thông cũng vậy...

Những thành quả ban đầu đã ló dạng. Trong cả năm 2017, lần đầu tiên trong vòng 15 năm trở lại đây, lượng du khách ngoại quốc đổ tới Malta đã đạt tới con số xấp xỉ 1 triệu lượt người. Đây là một trong những kỳ tích mà chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Lawrence Gonzi của đảng Dân tộc (PN) dày công theo đuổi.

Thu Hường (theo Financial Times)
.
.