Cuộc chiến chống vi khuẩn đối kháng thuốc kháng sinh

Thứ Tư, 16/05/2012, 11:45

Hiện nay, những loại thuốc kháng sinh tiêu chuẩn gần như hoàn toàn vô hiệu trước các mầm bệnh như là MRSA. Trước tình hình lạm dụng thuốc kháng sinh như hiện nay thì các công ty dược phẩm lớn có chạy đua cũng chẳng làm gì được. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nếu như con người không tìm được phương thuốc mới để chống lại những căn bệnh nhiễm trùng này thì trong tương lai không xa chúng ta sẽ bước vào một "kỷ nguyên hậu - kháng sinh" - nghĩa là lúc đó mọi bệnh nhiễm trùng đều không chữa được.

"Vi khuẩn sát thủ" MRSA - viết tắt của Staphylococcus aureus kháng thuốc kháng sinh methicillin - có mặt trong hầu hết các bệnh viện của nước Đức gây nhiễm cho trung bình 1 trong 70 bệnh nhân nằm ở khoa Săn sóc đặc biệt (ICU). Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh hàng đầu của Đức cho biết ở nước Đức ít nhất 4 cái chết hết sức vô lý xảy ra mỗi ngày do bị nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Cụ bà Emma P., 83 tuổi, sống gần thành  phố Munster miền Tây Bắc Đức, nói: "Đầu tiên đó chỉ là một vết xước nhỏ không đáng kể ở chân của tôi". Nhưng, vết thương có vẻ như vô hại này bắt đầu trở thành vấn đề nghiêm trọng kéo dài trong suốt nhiều tháng.

Câu chuyện là sau khi nhập viện với một chân gãy, bà Emma P.  bị xước mắt cá chân do va chạm với khung tập đi của bệnh nhân chung phòng trong bệnh viện. Ban đầu không có gì là nghiêm trọng. "Y tá chỉ dán băng lên chỗ trầy xước là xong", bà Emma P. giải thích. Nhưng vết thương coi nhỏ nhặt thế mà mãi không chịu lành và cứ tiếp tục ăn sâu. Đến lúc đó vết xước trở thành một cái lỗ thật sự, bà cụ nói. Cuối cùng một xét nghiệm miếng gạc băng vết thương tiết lộ MRSA đã hiện diện trong vết thương! Điều đó có nghĩa là máu bị nhiễm độc có thể dẫn đến chết người.

Tuy nhiên, có một số nghiên cứu và dự án lạc quan chứng tỏ những vi khuẩn này có thể chống lại được. Nhưng trước mắt con người vẫn phải đề ra chiến lược đúng đắn. Trong nhiều năm qua, việc khử trùng hai bàn tay thường xuyên và kỹ lưỡng được coi là thứ vũ khí thần diệu chống lại mọi loại nhiễm trùng trong bệnh viện. Nhưng thói quen này nay đã không đủ hiệu quả diệt khuẩn nữa.

Thực tế cho thấy công việc hàng ngày trong bệnh viện đã trở nên phức tạp đến mức một y tá ở ICU chịu trách nhiệm chăm sóc 3 bệnh nhân bắt buộc phải rửa sạch tay của mình đến 150 lần trong một ngày - một con số nghe qua thật khó tin! - mới có thể hy vọng ngăn chặn được sự lây nhiễm của vi khuẩn đa kháng thuốc.

Và còn có những vấn đề khác nữa. Mattias Schrappe, Giám đốc Viện An toàn cho bệnh nhân của Đại học Bonn, nói: "Vi khuẩn đa kháng thuốc cũng bị lây nhiễm từ bên ngoài bệnh viện rồi sau đó lan trở vào môi trường này. Bất cứ ai muốn chống chọi thành công những mầm bệnh nguy hiểm tiềm ẩn đều phải hết sức lưu ý đến việc này".

Chiến lược "tìm và diệt" của Hà Lan nhằm chống lại vi khuẩn MRSA chính là để giải quyết mối nguy hiểm lây nhiễm. Mỗi một bệnh nhân có nguy cơ đều phải bị cách ly ngay lập tức cho đến khi kết quả xét nghiệm cho thấy không có sự hiện diện của MRSA. Mặc khác, những người không may có mang theo bên mình những vi khuẩn nguy hiểm sẽ được tách riêng ra để chữa trị cho đến khi nào không còn dò tìm thấy MRSA nữa.

Hình ảnh "vi khuẩn sát thủ" MRSA chụp từ kính hiển vi điện tử.

Bà Emma P. cũng được cách ly kiểm dịch và phát hiện dương tính với vi khuẩn chết người. "Tôi được phép tiếp những người đến thăm bệnh, nhưng họ phải mang mặt nạ bảo vệ", bà cụ nói. Mỗi ngày một loại thuốc mỡ chứa một trong vài loại thuốc kháng sinh mới nhất có thể có hiệu quả chống lại MRSA được bơm vào mũi của bà cụ - nơi mà vi khuẩn thường hay tích tụ nhất. Mỗi ngày, bà cụ phải được tắm rửa toàn thân và gội đầu bằng xà phòng sát khuẩn.

Sau khoảng 3 tuần, mầm bệnh MRSA dường như không hiện diện trong vết thương của bà cụ nữa. Lúc đó các bác sĩ tiến hành cắt một mẫu da nơi phần chân trên của bà cụ để ghép vào cái lỗ hổng (của vết thương) nơi phần chân dưới. Giờ thì vết thương đang lành dần.

"Tích cực săn tìm, đánh dấu mục tiêu và tiêu diệt là cơ hội duy nhất của chúng tôi", Alexander Friedrich - bác sĩ Viện Vệ sinh của Bệnh viện UKM ở Munster, Đức - nói. Bác sĩ Friedrich tin tưởng chiến lược "Tìm và diệt" được áp dụng ở Hà Lan sẽ trở thành kiểu mẫu đáng để các nước khác làm theo. Với chiến lược đơn giản này, người Hà Lan đã giữ thành công tỷ lệ MRSA ở mức cực thấp trong hai thập niên qua.

Cách đây vài năm, Friedrich đã khởi động EurSafety Health-Net - một dự án phối hợp Đức - Hà Lan chống lại vi khuẩn bệnh viện giữa các khu vực dọc và trên hai bên biên giới của hai nước. Dự án hợp tác chặt chẽ này dạy cho người Đức nhiều bài học và cũng mang lại lợi ích cho Hà Lan. Ron Hendrix - nhà vi trùng học và người điều phối dự án, sống ở Enschede, cách biên giới nước Đức 5km - nói: "Khi có đám cháy ở Đức, chúng ta cũng sẽ gặp vấn đề". Có nghĩa là ông biết rõ sự gần gũi giữa hai nước Đức và Hà Lan có ý nghĩa quan trọng như thế nào.

Tại khu vực miền Tây Bắc nước Đức, nơi tham gia dự án, mọi bệnh viện hiện nay đều phải tiến hành dò tìm MRSA ở bệnh nhân. Friedrich nói: "Năm 2004, có 2 bệnh nhân được phát hiện có MRSA dòng mới được chuyển từ miền Nam nước Đức đến nơi đây". Năm 2008, cũng dòng MRSA mới này được phát hiện trong các bệnh viện tại 5 khu vực địa phương khác nhau. Vấn đề trở nên khó kiểm soát, song nó dừng lại tại biên giới Hà Lan.

Ngoài các bệnh viện, Friedrich còn đưa vào mạng lưới của ông những bệnh xá, trung tâm phục hồi và quan trọng nhất là phòng khám bệnh tư nhân. Chiến lược mới của Friedrich đã có được thành công bước đầu. Trong khu vực dự án quanh thành phố Munster, con số những ca nhiễm độc máu liên quan đến MRSA đã giảm đáng kể.

Hiện nay, theo Friedrich, điều quan trọng là chuyển giao trách nhiệm chống MRSA từ cấp độ hợp tác đến chương trình trong các bệnh viện

Trang Thuần (theo Spiegel)
.
.