Cuộc chiến giành độc giả giữa những ông trùm truyện tranh

Thứ Hai, 19/09/2011, 15:30

Kỹ nghệ xuất bản sách truyện tranh đang chuẩn bị bước vào một cuộc chiến không khoan nhượng giành độc giả giữa phương Tây và châu Á. Những siêu anh hùng có thân hình vạm vỡ trong văn hóa truyện tranh Mỹ đang phải đối đầu với những cô gái xinh đẹp lãng mạn trong truyện tranh manga nổi tiếng của Nhật Bản.

Trong cuộc so găng kỳ phùng địch thủ này giữa hai gã khổng lồ Mỹ - Nhật, người chiến thắng sẽ làm bá chủ thị trường truyện tranh châu Á với hàng triệu độc giả tiềm tàng. Với doanh số đang tuột dốc tại quê nhà, ông trùm truyện tranh Mỹ Marvel và đối thủ cạnh tranh cũ rích DC Comics buộc phải dòm ngó đến thị trường hải ngoại để cứu vãn doanh nghiệp của mình.

Cebulski, Phó chủ tịch và người tìm tài năng quốc tế của Marvel phát biểu: "Chúng tôi đang cố gắng lôi kéo những độc giả mới tìm đến hiệu sách. Doanh số đang đi xuống và chúng tôi đang mất dần thị phần cho những loại hình giải trí khác như là video game, mạng truyền thông xã hội, phim ảnh".

Trong khi đó, châu Á tồn tại một nền văn hóa truyện tranh phong phú với lượng người hâm mộ trung thành đông đảo. Thể loại manga truyền thống của Nhật Bản - với hình ảnh con người bình thường tương phản với siêu anh hùng - vẫn tiếp tục làm mưa làm gió ở thị trường châu Á.

Kỹ nghệ truyện tranh nội địa Nhật Bản ước tính trị giá 420 tỉ yen (khoảng 5,5 tỉ USD) năm 2009, theo đánh giá của All Japan Magazine, Book Publishers và Editors Association. Không những thế, manga còn bao trùm đến những vùng khác của châu Á với những nhân vật tên tuổi như là Naruto và Bakuman.

Trong vài thập niên đầu tiên của truyện tranh Mỹ, nhân vật anh hùng chủ yếu là người nam da trắng.

Một cuộc điều tra ở 10 quốc gia trong khu vực châu Á cho thấy manga của Nhật Bản chiếm lĩnh hơn 50% thị trường Đài Loan và Hồng Công, trong khi truyện tranh phương Tây chưa đến 11% - theo nghiên cứu thị trường do Hakuhodo, công ty quảng cáo Nhật Bản, thực hiện. Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây doanh số ở Nhật Bản cũng giảm.

Mới đây, chính quyền Nhật thông báo một kế hoạch mới để tăng cường quảng bá văn hóa dân gian hiện đại, trong đó bao gồm thể loại manga, ra thị trường quốc tế. Như thế có nghĩa là cuộc chạy đua quyết liệt giành thị trường giữa phương Tây và Nhật Bản đang bắt đầu.

Các công ty truyện tranh Mỹ cố gắng tiếp tục phát triển nhờ vào phim ảnh với số nhân vật như Thor, Người Sắt và Bộ Tứ Siêu phàm. Song cho dù có sự tiếp sức của điện ảnh, thành công không chắc được bảo đảm. Và gã khổng lồ Marvel bị đuối sức trước tiên.

Trong thập niên 90 thế kỷ trước, Marvel đã ồ ạt xâm nhập thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, song Cebulski thừa nhận công ty không có kế hoạch đúng đắn. Cebulski tiếc nuối: "Chúng tôi luôn nhận thấy rằng châu Á là thị trường khó nuốt".

Một trong nhiều lý do có lẽ là người châu Á từ lâu ít được thể hiện trong thế giới truyện tranh. "Trong 35 hay 40 năm đầu tiên của kỹ nghệ, truyện tranh Mỹ có khuynh hướng kể những câu chuyện không có chủng tộc, không tôn giáo, không sắc tộc. Về mặt đa dạng hóa thì chủng tộc không tồn tại trong thời gian này", Paul Levitz bình luận. Ông là cựu Chủ tịch DC Comics và hiện là cố vấn cho công ty.

Người Nhện của Marvel bây giờ sẽ mang phong cách châu Á.

Nhưng bây giờ DC Comics và Marvel đang cố gắng sửa chữa lại những chiến lược của họ trong khu vực châu Á. Về điều này Paul Levitz nêu ý kiến: "Để sửa đổi sai lầm trong quá khứ, chúng ta phải tìm kiếm những nhà văn mới, nghệ sĩ mới cùng với cách nhìn mới". Cebulski cũng cho rằng một trong những phương cách hiệu quả để thâm nhập thị trường truyện tranh châu Á là trao quyền sáng tạo nhiều hơn nữa cho nghệ sĩ địa phương.

Benjamin Ang là một trong những nghệ sĩ mới này. Mới đây, nghệ sĩ Singapore 27 tuổi Benjamin Ang được chọn làm cây cọ cho Marvel - công ty truyện tranh hiện được coi là lớn nhất ở Mỹ tính theo thị phần. Nhân vật của Marvel bao gồm Người Nhện, Thor và X-Men.

Benjamin Ang sáng tác những trang kỹ thuật số rồi mail cho Marvel. Một trong những công việc đầu tiên của Ang là sáng tạo trang bìa cho truyện tranh “Người Nhện” mới nhất của Marvel. Theo Cebulski, Marvel muốn thu dụng những nghệ sĩ như Ang cũng như nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới để mở rộng thị trường cho công ty.

Cebulski nói: "Khi đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo đông lên, bao gồm nhiều hơn người Mỹ gốc Phi, người châu Á và tác giả nữ cũng nhiều thêm, họ sẽ mang đến cảm xúc riêng của họ và giới thiệu những nhân vật phản ánh được nét riêng của vùng miền địa phương họ".

Nhưng không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo ra nhiều nhân vật khác biệt, mà vấn đề nữa là cần biến nhân vật trở nên thật như chính con người địa phương. Như là “Siêu nhân” hay “Người Dơi” được hâm mộ từ lâu trên đất Mỹ

An An (tổng hợp)
.
.