Cuộc chiến ở Cửa khẩu Cầu Treo

Thứ Sáu, 13/07/2007, 15:34
Cửa khẩu Cầu Treo là một cửa ngõ quan trọng để đất nước Lào và cả khu vực kinh tế 17 tỉnh đông bắc Thái Lan vượt dãy Trường Sơn mở cửa thông thương với thế giới. Lượng người và hàng hóa qua lại giữa hai nước càng tấp nập, những khó khăn và thách thức mới càng xuất hiện dồn dập.

Cửa khẩu Cầu Treo thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nó nằm giữa quốc lộ 8, con đường cắt ngang quốc lộ 13 - trục giao thông huyết mạch chạy dài từ Bắc xuống Nam Lào.

Đất lành - Đất dữ

Trạm biên phòng cửa khẩu thuộc Đồn Biên phòng Cầu Treo đóng trên một đỉnh núi cao 996m. Ngọn gió Lào cháy khét và phồng rộp chưa bao giờ len đến được nơi ấy. Giữa trưa mùa hè, vùng cửa khẩu vẫn mát rượi. Ngược lại, mùa đông và những tháng mưa thường kéo dài hết sức khắc nghiệt. Mưa tầm tã, nhiệt độ nhiều hôm tụt xuống chỉ còn 2oC. Hết đỉnh núi này qua đỉnh núi khác đều chìm trong sương mù đặc quánh.

Khu vực dân cư gần nhất phía Việt Nam cũng cách trạm 16km đường đèo dốc quanh co hoang vắng, đèn pha ôtô cũng không chọc thủng nổi sương mù. Bên kia biên giới, cũng phải thêm 12km đường đèo, xuyên rừng rậm với nhiều khúc cua tay áo (nhưng bằng phẳng hơn) mới đến được Thoong Pe, bản đầu tiên của nước bạn Lào thuộc huyện Kamker, tỉnh Bolikhamxay.

Năm 1988, đúng 10 năm trước khi Cầu Treo chuyển mình thành cửa khẩu quốc tế, có hơn 200 hộ, trên 1.500 người Mông (ở Lào, họ được gọi là người Lào Sủng) từ các địa phương giáp giới tỉnh Xiêng Khoảng, Lào và huyện Kỳ Sơn, Nghệ An của Việt Nam đã ồ ạt di cư đến Thoong Pe.

Tập quán đốt rừng làm rẫy từ nhiều đời của họ đã khiến đời sống kinh tế xã hội của bản, vốn chỉ quen trồng lúa nước theo mùa ở những khoảnh ruộng manh mún, bị đảo lộn. Những vạt rừng già bạt ngàn nhanh chóng bị san thành bình địa để trồng ngô, trồng rau và trồng thuốc phiện.

Vốn quen lối sống du canh, người Mông chỉ quan tâm đến nhu cầu đời sống và tập quán canh tác của chính họ, còn lại những vấn đề trọng đại như khu vực địa lý, biên giới và chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, họ không mảy may có ý định biết đến. Những cánh rừng già của huyện Hương Sơn cũng co rúm mình trước nguy cơ bị xóa sổ.

Nhà Trưởng bản cũ, giờ là Trưởng ban Mặt trận bản Vừ Xoong Dở cũng trồng 1 ha thuốc phiện, mỗi năm thu được 4-5kg. Ở quê cũ, thuốc phiện được người Mông xem như một loại cây trồng chính.

Trước năm 1975, khu vực sinh sống của họ chịu ảnh hưởng và sự khống chế của “lực lượng đặc biệt” của Vàng Pao, lực lượng phản động do CIA Mỹ dựng lên để đối phó với bộ đội Lào và phá hoại tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của Quân đội nhân dân Việt Nam phía tây bắc Trường Sơn. Hầu hết thanh niên trai tráng người Mông từ khu vực giáp biên giới Việt Nam đến thủ phủ Long Tieng (Long Chẹng) đều bị ép buộc cầm súng cho Vàng Pao nhưng không được trả lương.

Gạo, muối, vải..., nhu cầu lương thực, thực phẩm cốt yếu của họ được CIA không vận cung cấp. Ngược lại, các bản, mường trong khu vực đều phải nộp thuế cho Vàng Pao bằng thuốc phiện.

Đến Thoong Pe, những người Mông di cư cạo trắng ngay 5 ngọn đồi lớn để trồng thuốc phiện. Vào mùa, những triền đồi lấp lóa bạt ngàn hai màu trắng đỏ của hoa anh túc. Chăm thuốc phiện như chăm con mọn, ngày nào cũng cắm mặt vào vạt nương, thu hút gần hết lao động nam giới, nhưng thuốc phiện thu hoạch được cũng chỉ đủ cung cấp cho cả trăm con nghiện trong toàn bản, không giúp gì được việc cải thiện kinh tế gia đình hay lo lắng cho việc học hành của con trẻ. Cả bản bị đẩy vào một đời sống tăm tối, luôn bị đe dọa bởi nạn đói và dịch bệnh.

Hiện nay, số người Mông ở bản Thoong Pe, theo thông báo của tân Trưởng bản Vừ Nừng Chá đã lên đến con số 246 hộ với 1.926 nhân khẩu. Có khoảng 100 gia đình trong số này có người thân đang định cư tại Mỹ. Nhiều người trong số họ đã tham gia vào mặt trận Neo Hom của Vàng Pao, một tổ chức phản động lưu vong chuyên chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Đời sống nghèo nàn, lạc hậu và mất vệ sinh của đồng bào trở thành miếng đất màu mỡ cho các loại tư tưởng tiêu cực bắt rễ, tạo cơ hội cho bọn phản động tuyên truyền, xuyên tạc và lôi kéo họ vào những hoạt động gây rối trên đất nước Lào. Nó cũng đe dọa an ninh vùng biên giới Việt Nam. Chỉ một va chạm nhỏ, một sự hiểu lầm cũng có khả năng bùng phát thành một nguy cơ.

Bị những kẻ lưu vong từ Mỹ kích động, năm 2002, một nhóm người Mông bao vây đòi đốt trụ sở Đồn Biên phòng Nậm Phao của Lào. Phía bạn lúng túng, phải nhờ lực lượng biên phòng Việt Nam sang thuyết phục, giải thích và vận động giúp, tình hình mới tạm lắng dịu.

Bắt ma cho thầy cúng

Từ 20 năm trước, Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh xác định: muốn ổn định an ninh chính trị vùng biên giới, trước hết phải ổn định đời sống kinh tế cho đồng bào phía bạn.

Nhiệm vụ “mở đường” được giao cho Trung tá Nguyễn Đình Tiến, lúc đó là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Treo và Trung úy Võ Trọng Hải đảm trách. Biên phòng Hà Tĩnh xuất toàn bộ kinh phí thuê máy ủi của Công ty Chang Linh (của Đài Loan) đóng ở thị trấn Lạc Sao để cày, ủi cải tạo toàn bộ sân bay Na Pei cũ thành một cánh đồng rộng và ngăn một con đập để chủ động nguồn nước tưới.

Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Cầu Treo đều tình nguyện luân phiên sang giúp đồng bào Thoong Pe trồng lúa nước. Ai làm thì làm, đồng bào Mông chỉ đứng xem. Chỉ đến khi cả sân bay tiêu điều cũ vàng rực một màu lúa chín thì họ mới thật sự bị cuốn hút.

Mùa sau, thanh niên, thanh nữ của bản tò mò lội xuống ruộng xem thử mình cấy có thẳng, gặt có nhanh như Bộ đội Biên phòng Việt Nam hay không. Khi họ tự khẳng định là “có thể bằng” thì kỹ thuật canh tác lúa nước đã được chuyển giao một cách tự nhiên sang cho dân bản.

Mỗi hộ người Mông di cư được chính quyền Lào chia 1 ha ruộng trồng lúa. Đất tốt, năng suất lúa đạt 4-6 tấn/ha, tùy mùa. Bát cơm đầy hơn, có của ăn của để đã lôi kéo đồng bào Mông tự giác dời nhà nằm rải rác trên các sườn núi xuống quần cư thành bản dưới chân núi. Bộ đội bày cách làm chuồng nuôi gia súc để tích trữ phân bón ruộng thì họ dứt khoát không nghe.

Thầy cúng Gơ Lung Xinh tỏ ra “kinh nghiệm” nhất: “Nhánh lúa bé như cây tăm, bón phân vào, bông lúa nặng quá nó gãy mất đấy”. Lại phải khoanh ruộng làm mẫu. Lúa không những không gãy mà năng suất những ruộng có bón phân tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Lúa nhiều chất đầy các lao khau (nhà sàn nhỏ cất biệt lập ở ruộng rẫy để làm kho), đồng bào mới công nhận bộ đội biên phòng “bày cái đúng”.

Xóa bỏ cây thuốc phiện càng khó khăn hơn. Trưởng bản cũ Vừ Noong Văn giãy nảy, quát thẳng vào mặt cả Thượng úy Võ Trọng Hải lẫn Thượng úy chính trị viên Phan Trọng Nhân: “Chúng mày nói sai rồi. Nhổ thuốc phiện thì trồng cây gì? Tao đi mười cái rừng, hai mươi cái núi, không thấy cây gì nhiều tiền như cây thuốc phiện đâu. Không trồng nó, người ốm, người nghiện lấy gì mà... hút”.--PageBreak--

Không thể thuyết phục suông, CBCS Biên phòng Hà Tĩnh và Đồn Cầu Treo lại phải cử người đi khắp vùng trung Lào và đông bắc Thái Lan, mày mò tìm hiểu như những nhà sinh vật học thực thụ để tìm giống cây thích hợp, lợi ích kinh tế cao thay thế cho cây thuốc phiện.

Đáp số là cây gừng Thái Lan và cây trầm gió Hương Sơn. Mùa đầu, Trưởng bản Vừ Noong Văn chỉ đồng ý cho phá một đồi thuốc phiện để thử thay bằng cây gừng Thái. Gừng tốt vùn vụt, Bộ đội Biên phòng Việt Nam tìm mối bên Hà Tĩnh thu mua giúp.

Cây gừng cho thu nhập gấp ba lần cây thuốc phiện. Sang năm 2003, màu hoa thuốc phiện mới thật sự biến mất, nhường chỗ trên 5 ngọn đồi cho cây gừng Thái. Vấn đề cai nghiện hóa ra lại không quá khó.

Đầu tháng 6/2007, tôi ghé thăm, ông Chủ tịch Mặt trận Vừ Xoong Dở cho biết: cả bản chỉ còn đúng 3 con nghiện, đều là người già đã gần đất xa trời. Đồng bào Mông có một bài thuốc nam đem ngâm rượu, con nghiện uống mỗi bữa hai "chũm" (ly nhỏ), uống hết chừng một “hươu” (1/4 lít) là hết nghiện.

Rất hào sảng, ông bảo tôi: “Thuốc gia truyền, người Mông không bán đâu. Nhà mày có người già, hay vợ mày... nghiện, cứ nói, ta ngâm rượu cho, đem về uống là chán thuốc ngay mà!”.

Chợ biên giới cửa khẩu Cầu Treo.

Phấn khởi với cây gừng nên khi 10.000 cây trầm gió giống, mỗi cây 20.000 VNĐ, bộ đội đưa sang, đồng bào Mông tin cậy hưởng ứng ngay. Mỗi ha đất đồi rừng trồng được 3.000 cây trầm gió, 5 năm tuổi, giá mỗi cây là 30 USD. Cứ 1.000 cây là đổi ngang được một chiếc xe hơi loại bán tải.

Ông Dở khoe “nhà tao trồng được một xe rưỡi (1.500 cây trầm)” và “tế nhị” kéo rộng cánh cửa cho tôi thoáng thấy một chiếc Toyota Vigo đã đậu sẵn trong gian giữa ngôi nhà.

Trưởng bản Vừ Nừng Chá thì vừa tiếp khách, vừa thường xuyên đưa mắt ngắm một chiếc xe tải mới toanh đang sừng sững đậu giữa sân nhà, trong khi vẫn luôn miệng thanh minh rằng: “Làm trưởng bản bên Lào khổ lắm, không có lương đâu. Trụ sở cũng không có. Tao phải đưa con dấu cho... vợ tao cất và ký giấy ngay tại nhà mình đấy”. Điều này thì anh nói hoàn toàn đúng. Cán bộ bản là người uy tín, được dân bầu lên lo việc chung. Ngoài trách nhiệm, trưởng bản không hề có quyền lợi gì cả. Nhưng ở bên Lào, chưa hề có ông trưởng bản nào vì thế mà từ chức.

Ma chay, cưới hỏi hay đau ốm gì, người Mông cũng chỉ tìm đến ông thầy cúng. Thầy cúng Gơ Lung Xinh rất “giỏi”. Ông nói chuyện được cả với… Giàng và người chết, lại còn nói chuyện được cả với người sống ở bên Mỹ bằng... điện thoại di động (cước gọi quốc tế ở Lào rất rẻ, chỉ 600 kip, khoảng 1.000 VNĐ/phút).

Bộ đội Biên phòng cử y, bác sĩ sang chữa bệnh cho người ốm, ông thầy cúng phản đối kịch liệt, xúi dân đuổi bộ đội về để ông cúng trừ ma. Chưa kịp bắt ma ông đã bị ma bắt, lăn đùng ra vì viêm đường ruột cấp, cao tay mấy cũng bó tay. May Bộ đội Biên phòng Việt Nam phát hiện cứu chữa kịp thời ông mới thoát chết và bình phục.

Mẹ ông cựu Trưởng bản Vừ Xoong Dở bị viêm loét giác mạc, ông thầy cúng cũng chịu thua. Bà được đưa đi bệnh viện ở Lạc Sao rồi lên Viêng Chăn, bệnh vẫn không khỏi. Đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo lại xuất kinh phí đưa bà sang Bệnh viện Hà Tĩnh, cử cả y sĩ của đồn đi theo chăm sóc cho đến ngày bà khỏi hẳn.

Bà về, ông Trưởng bản mừng mà thầy cúng Gơ Lung Xinh cũng khâm phục. Người ta nhờ đến cúng trừ ma, chữa bệnh, ông chối đây đẩy, bảo: “Tao không làm thầy cúng nữa, sang nhờ Bộ đội Biên phòng Việt Nam đi”. Ông còn cẩn thận dặn thêm: “Chỉ có cái thuốc mới chữa hết bệnh. Nhờ khám bệnh chứ đừng nhờ bộ đội... cúng nhé, nó cười cho đấy!”.

Tháng 5/2007, Đồn Biên phòng Cầu Treo lại xây tặng bản một trạm xá trị giá 250 triệu đồng, trong đó có 36 triệu do CBCS trong đồn đóng góp. Đầu tháng 7, trạm xá sẽ mở cửa chữa bệnh cho dân. Bệnh viện Hà Tĩnh sẽ giúp giường bệnh và thuốc men, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh sẽ cử 1 bác sĩ, 2 y sĩ sang giúp trạm xá.

Cật lực phấn đấu và được Bộ đội Biên phòng Việt Nam giúp đỡ tận tình, bản Thoong Pe lột xác. Cứ hai ba nhà lại có chung với nhau một chiếc máy cày tay. Nhiều  nhà có xe máy, tivi mắc ăngten chảo, đôi ba hộ khá giả đã mua được ôtô.

Bản đã có trường tiểu học, trung học cơ sở, tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, nhiều em được gửi ra thị trấn Lạc Sao để học cấp III. Có 5 em đã tốt nghiệp trung học được gửi lên Viêng Chăn học nghề y để sau này trở về phục vụ ngay tại trạm xá của bản.

Người Mông ở Thoong Pe và các bản khác gần biên giới phấn khởi lắm, lễ, tết, cưới hỏi, người già đều bảo bọn thanh niên lấy ôtô chở lên cửa khẩu mời Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Cán bộ của đồn sang công tác, các nóc nhà trong bản cứ nằng nặc tranh nhau mời bộ đội “về nhà tao uống rượu, ăn cơm mới”.

Chuyện gì trong bản, người dân cũng hỏi ý kiến Bộ đội Việt Nam. Cả những người Mông từ bên Mỹ về Thoong Pe thăm họ hàng cũng lấy làm cảm kích, cứ xin sang tận trạm để cảm ơn. Họ bảo: “Bộ đội Biên phòng Việt Nam tốt lắm, thương người Mông ta lắm. Về bên Mỹ ta sẽ nói cho nhiều người sáng cái bụng, không nghe lời bọn xấu nữa”.

Hôm tết Nguyên đán 2007, bản Thoong Pe huy động toàn bộ xe cộ chở gần 50 thanh niên trong bản sang trạm “ăn cái tết, uống cái rượu với những người anh em biên phòng”. Hát hò vui quá, 22 giờ đêm, Biên phòng Lào sang gọi, họ cũng chẳng chịu về. Trạm trưởng, trạm phó phía Việt Nam lại phải đích thân sang xin phía biên phòng bạn “gia hạn” cho anh em người Mông được vui chơi thêm 1 giờ nữa.

Những nghi kị, lo lắng đã biến mất, nhường chỗ cho một tình anh em thân thiện, gắn bó và đầy chia sẻ. Trận tuyến an ninh biên giới dù không rào vẫn kín, vẫn trở nên vô cùng vững chãi khi nó được xây dựng ngay giữa chính lòng người dân nước bạn

.
.