Cuộc chiến pháp lý giữa sharp và Samsung về công nghệ màn hình LCD

Thứ Hai, 18/02/2008, 09:00
Hai đại gia cỡ lớn trong lĩnh vực công nghệ cao của thế giới là Samsung Electronics và Sharp lại bắt đầu một cuộc chiến pháp lý mới có thể sẽ rất căng thẳng, sau khi Samsung nộp đơn kiện đối thủ cạnh tranh của mình với lý do sử dụng trái phép công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của họ trong việc sản xuất các màn hình tinh thể lỏng (LCD).

Trước đó, chính Hãng Sharp cũng đã nộp đơn kiện Samsung cũng với tội danh tương tự - vi phạm bằng sáng chế của họ trong lĩnh vực màn hình LCD. Có thể thấy những vụ kiện tụng về những hành vi vi phạm bằng sáng chế đang trở nên ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử thế giới.

Cả Samsung và Sharp hiện đang là những đại gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất màn hình LCD. Theo nghiên cứu của Display Search qua các số liệu đến tháng 9/2007, Samsung đang chiếm vị trí đầu tiên trong thu nhập về màn hình LCD, còn Sharp ở vị trí thứ ba (sau Hãng Sony).

Việc Samsung chính thức nộp đơn kiện đối thủ của mình vào ngày 21/12/2007 được coi là một “đòn phản công” từ đại gia sản xuất hàng điện tử tại Hàn Quốc. Vấn đề là chỉ trước đó có một tuần, chính Hãng Sharp đã nộp đơn kiện Samsung lên tòa án tại Seoul.

Nguyên nhân theo họ là tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc đã sử dụng trái phép những phát minh của họ, khiến cho Sharp bị sụt giảm nhiều về doanh số bán hàng trong lĩnh vực tivi và màn hình tinh thể lỏng.

Trong khi chỉ mới tháng 8 trước đó, chính Sharp cũng từng nộp một đơn kiện khác nhằm vào Samsung. Trong lần phản công này, Samsung đã nộp đơn lên các cấp tòa án có thẩm quyền tại Mỹ và Nhật. Đại diện James Chung của công ty đã tuyên bố, Samsung cũng đã chính thức yêu cầu Ủy ban thương mại quốc tế của Mỹ xem xét về vụ kiện.

Những vụ kiện kiểu như vậy thông thường phải được xem xét tại các cấp tòa án trong suốt nhiều năm trước khi có thể đưa ra được phán quyết cuối cùng.

Trên thực tế, những vụ kiện cáo về vi phạm quyền sỡ hữu phát minh có thể coi là khá phổ biến trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, phần nhiều liên quan tới những ý tưởng và sáng chế sơ khai ban đầu.

Nhiều tập đoàn điện tử lớn hàng đầu thế giới vẫn đang đổ rất nhiều tiền bạc nhằm thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát minh ra những công nghệ mới liên quan đến việc sản xuất mặt hàng đang rất thịnh hành như tivi và màn hình LCD.

Cũng theo nghiên cứu của DisplaySearch, doanh số bán tivi LCD trên toàn cầu đã tăng lên tới 17,5 tỉ USD trong tháng 9/2007, tức là tăng tới 48% so với cùng thời điểm một năm trước đó.

Trong vụ kiện lần này, Samsung khẳng định Sharp và các chi nhánh của tập đoàn này tại Mỹ đã kinh doanh không trung thực, khi bán loại sản phẩm LCD được bảo vệ bằng 4 bằng sáng chế khác nhau của Samsung. Cụ thể là họ đã sử dụng trái phép các phát minh đã đăng ký bản quyền của Samsung trong việc sản xuất các màn hình tinh thể lỏng dành cho tivi, máy tính xách tay và điện thoại di động.

"Samsung đã và sẽ luôn kiên quyết bảo vệ mình trước những hành vi sử dụng trái phép và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ" - tập đoàn điện tử hàng đầu của Hàn Quốc đã tuyên bố như vậy trong bản thông báo chính thức của mình.

Còn về phần mình, đại diện của Sharp lại tuyên bố, công ty sẽ triển khai những hành động về pháp lý sau khi xem xét chi tiết đơn kiện của đối thủ cạnh tranh. “Sharp sẽ áp dụng những biện pháp trả đũa thích hợp sau khi nghiên cứu xong đơn kiện” – đại diện Akinori Shibua đã cho biết như vậy.

Chiếc tivi LCD 108 inch lớn nhất thế giới vừa được Sharp giới thiệu tại triển lãm CES 2007.

Cuộc chiến pháp lý giữa hai nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng hàng đầu thế giới đã phần nào phản ánh tình trạng cạnh tranh quyết liệt về công nghệ trong lĩnh vực thị trường tivi phẳng đang rất phát triển này.

Nếu đánh giá một cách tổng thể, vụ kiện tụng kéo dài giữa Samsung Electronics và Sharp chỉ là giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến bằng sáng chế giữa các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản đã kéo dài từ vài năm nay.

Hồi tháng 11/2004, Công ty Matsushita Electric Industrial của Nhật đã nộp đơn kiện với lý do bảo vệ quyền sáng chế của mình đối với loại màn hình plasma, mà theo họ đã bị Tập đoàn LG Electronics của Hàn Quốc vi phạm.

Cuộc xung đột giữa hai hãng điện tử này chỉ được thu xếp một cách tạm ổn vào tháng 4/2005, sau khi cùng ký kết một thỏa thuận chia sẻ phát minh.

Trong khi mới hồi tháng 3/2007, Hynix Semiconductor (Hàn Quốc) và Hãng Toshiba (Nhật) cũng vừa kết thúc một giai đoạn tranh chấp pháp lý lâu dài với thỏa thuận trao đổi sản phẩm và một số bằng sáng chế về công nghệ bán dẫn

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.