Cuộc chiến phòng chống tiền euro giả

Thứ Sáu, 11/01/2008, 14:00
Ngày 1/1/2002, tiền euro chính thức ra đời. Chỉ vài tuần sau đó đã có 14,5 tỉ euro tiền giấy và 80 tỉ euro tiền kim loại được lưu hành thay thế các loại tiền của các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Rất tiếc là bên cạnh đồng tiền euro thật, đã xuất hiện tiền giả.

Kỹ nghệ làm tiền giả của bọn tội phạm  

Hội nghị lần thứ 5 (tháng 9/2007) các chuyên gia chống tiền euro giả của EU đã tiết lộ, cho dù khi chế tạo tiền, họ đã sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật chống giả, các đối tượng làm euro giả vẫn liên tục đưa ra thủ đoạn làm giả mới.

Ngay sau mấy tháng lưu thông tiền euro, tháng 6/2002 trên thị trường đã xuất hiện giấy bạc giả mệnh giá 50 euro, nhưng không nhiều và chất lượng rất kém nên nhanh chóng bị phát hiện. Loại tiền euro giả đầu tiên này là do bọn tội phạm nghiệp dư ở Pháp chế tác.

Sau đó, từ năm 2003 đến năm 2005, tập đoàn tội phạm làm tiền giả sừng sỏ “có thâm niên” ở các nước Đông Âu, Italia và Colombia đã vào cuộc. Năm 2006, giấy bạc euro giả bất ngờ xuất hiện ở Đức, không ít người đã nhầm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Chuyên gia chống tiền giả thuộc EU cho biết, cho đến nay, trên toàn thế giới có hơn 6 tỉ tiền euro giả đang lưu hành. Tại châu Âu, mỗi tháng trung bình tịch thu được khoảng 4 vạn tờ euro giả các loại mệnh giá.

Thời kỳ tiền euro phát hành, chính là lúc kỹ thuật tin học số hóa phát triển nhanh chóng, đã đem lại nhiều thuận lợi cho kỹ xảo chế tác tiền giả. Nếu như những năm trước, phần tử làm tiền giả phải thực sự là “nghệ nhân”, nhờ vào đôi bàn tay điêu luyện khắc chạm chế bản in tiền bằng kim loại đồng, cùng với một loại thiết bị dụng cụ tinh vi in khác, thì ngày nay chỉ cần dựa vào một bộ thiết bị số hóa (máy tính điện tử, máy quét, máy in màu laze...) là có thể chế tạo được tiền giả rất giống tiền thật.

Cuộc chiến phòng chống tiền giả  

Được biết, bản in hoa văn đầu tiên tiền euro công bố công khai trên báo chí ngày 1/9/2001, thì 3 tháng sau (1/1/2002) tiền euro chính thức lưu thông trên thị trường.

Thực ra, công nghệ chế tác tiền euro đã sử dụng kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới: chữ cái hiện nổi trên giấy bạc, màu mực đặc biệt không phai, có một số chữ chìm siêu nhỏ, không nhìn thấy bằng mắt thường và cũng không có cách nào phôtô được; trên giấy bạc còn có 63 vết điểm an toàn...

Nhiều người nghĩ rằng, kẻ làm giả sẽ bó tay trước các biện pháp an toàn được thiết kế. Nhưng “đạo cao một thước, quỷ cao một trượng”, bọn làm tiền giả vẫn hoành hành.

Cho nên, các chuyên gia chống tiền giả cho rằng, cùng với nghiên cứu cải tiến kỹ thuật in tiền để kẻ làm giả không thể mô phỏng làm giả, thì công việc quan trọng hàng đầu là phát hiện kịp thời tiền giả và khám phá tiêu diệt tận gốc bọn tội phạm làm euro giả cùng với phương tiện phạm tội của chúng.

Tại Frankfort, Tổng bộ Ngân hàng Trung ương châu Âu đã xây dựng “Trung tâm phân tích tiền tệ” chuyên phụ trách thu thập thông tin liên quan đến tiền bạc.

Liên minh châu Âu thường xuyên tổ chức bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên công tác một số ngành và cảnh sát có liên quan đến tiền euro, đồng thời phát huy vai trò cảnh sát hình sự quốc tế đứng ra điều phối trao đổi, phối hợp cảnh sát các nước với nhau trên lĩnh vực tiền giả.

Gần đây, từ những công việc nghiên cứu tiền USD giả, nhân viên công tác thuộc Trung tâm Chống tiền giả, đã làm rõ một số tổ chức tội phạm ở châu Âu và tại một số quốc gia khác làm tiền euro giả. Họ cho biết, nguy hiểm nhất là tập đoàn tội phạm Colombia, sau đó là tổ chức xã hội đen của các nước Rumani, Bungari và Latvia... Những phần tử làm tiền giả này đã trải qua thời kỳ Chiến tranh lạnh, rất “tâm đắc” chế tạo tiền giả, có kinh nghiệm tiêu thụ mua bán tiền giả.

Tháng 6/2004, nhân viên Trung tâm Chống tiền giả Pháp đã hành động thành công, thu được 21,1 vạn tờ tiền giả tại Paris, trị giá lên tới 1,81 triệu euro.

Tại một tòa nhà ngoại ô Paris, cảnh sát đã phát hiện nhiều loại công cụ làm tiền giả: 4 bộ máy tính kiểu mới nhất, cùng với máy quét, nối với máy in lazer tạo thành dây chuyền sản xuất; nhóm tội phạm còn sử dụng cả công nhân kỹ thuật mạ vàng để bổ sung dây an toàn trên tiền giả. Tại xưởng in, đã thu được rất nhiều loại tiền giả đã in xong với các mệnh giá 10 euro, 20 euro và 50 euro.

Được biết, tập đoàn tội phạm Colombia làm tiền giả thuộc loại có máu mặt nhất trên thế giới cũng đã bắt đầu làm euro giả. Cuối năm 2006, Cảnh sát Tây Ban Nha phối hợp Cảnh sát Colombia và Mỹ đã phá mạng lưới buôn bán trao đổi tiền giả ở Bogota (thuộc Colombia). Bọn tội phạm đang chuẩn bị 5 triệu euro giả và 4 triệu USD giả, đưa vào châu Âu và châu Mỹ.

Đầu năm 2007, ngành tiền tệ Italia cũng đã thu được tổng cộng 1,65 triệu euro giả; trong đó loại tiền giả mệnh giá 20 euro nhiều nhất, chiếm 21%; còn các loại tiền euro giả mệnh giá quá nhỏ và quá lớn thì chiếm tỉ lệ tương đối thấp: đồng 5 euro: 2%; đồng 10 euro: 5%; đồng 500 euro: 3%.

Một quan chức thuộc Trung tâm Chống tiền giả Pháp xác nhận rằng, bọn tội phạm Italia có đủ tiền bạc để mua sắm đầy đủ các trang thiết bị hiện đại chế tác tiền giả. Trong việc mua bán thiết bị làm tiền giả (cả euro và USD) thì phần tử làm tiền giả Italia ở vị trí hàng đầu.

Giới báo chí thành phố Milan còn tiết lộ, việc mua bán tiền giả ở Roma hay Napolis rất hưng thịnh; những kẻ mua bán tiền giả đã bằng mọi thủ đoạn để kiếm lời lớn.

Ngày 5/10/2007, Edeward Lidgens, chuyên gia nổi tiếng chống tiền euro giả, đại diện của Đức tại Cục Chống lừa gạt của EU cho biết, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang xem xét sử dụng kỹ thuật cao phòng chống làm tiền euro giả, đồng thời sẽ sử dụng một số biện pháp mạnh tiến công các hành vi giả mạo tiền tệ ngày càng điên cuồng của bọn tội phạm

Nguyễn Mau (theo Hải ngoại tinh vân)
.
.