Cuộc chiến thương mại mới giữa EU và Mỹ

Thứ Hai, 02/08/2010, 23:55
Những người hâm mộ món mỳ ống (spaghetti) của Italia ở New York hay Boston sẽ phải trả thêm một khoản tiền nữa, nếu họ muốn thỏa nguyện sở thích ẩm thực cố hữu của mình; bằng không họ phải tự hài lòng với những sản vật địa phương có giá rẻ hơn.

Bởi vì Mỹ, cũng như với các sản phẩm thép cán và thép cuộn - đang bị Liên minh châu Âu (EU) kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã tăng giá qua luật thuế trừng phạt đối với những sản phẩm chế biến từ bột mỳ được nhập từ  các quốc gia thuộc EU.

Với những sản phẩm không chứa trứng, mức thuế mới đã tăng từ 0,5% lên... 40%; còn với những loại bột nhào có trộn trứng, mức thuế mới tăng từ 0,25% lên 25% - nghĩa là gấp cả 10 lần trước đây. Giới chuyên gia am hiểu so sánh, rằng mức thuế đánh vào mặt hàng thép (từ 8% lên 30%) - nguyên nhân của sự đối đầu kinh tế gay gắt giữa đôi bờ Đại Tây Dương vừa bùng phát - xem ra vẫn còn... nương tay.

Người Italia với 1 triệu tấn sản phẩm bột nhào mỗi năm xuất sang Mỹ, hiển nhiên là mường tượng ra rõ mức giảm sút đáng kể của họ trên thị trường Mỹ. Các chuyên gia ở Rome tính rằng, chỉ riêng chuyện này đã khiến họ mất đi khoản doanh thu cỡ 1,5 tỉ euro (gần 2 tỉ USD) hàng năm. Mặt khác, ngành công nghiệp thực phẩm Italia cũng mất đi 10 nghìn chỗ làm. Trong "cuộc chiến mỳ ống" Rome chịu nhiều thiệt thòi nhất, bởi các nước khác thuộc EU chiếm thị phần rất nhỏ tại Mỹ.

Các đại diện chính thức tại trụ sở của EU ở Brussels (Bỉ) đã kết tội hành động nói trên của người Mỹ như là một lối đối xử bất công đối với các bạn hàng truyền thống, qua việc tăng mức thuế quan nhập khẩu mới đánh vào các mặt hàng truyền thống.

Hành động phúc đáp tức thì của EU là tăng thuế nhập khẩu trái cây (cam, quýt...) từ California vốn ở mức 8% lên 20%, cũng như thuế nhập quả óc chó từ 8% lên 30%. Chỉ riêng mặt hàng quả óc chó, người tiêu dùng Tây Âu phải trả thêm hơn 10 triệu euro - so với khối lượng nhập về từ Mỹ của cùng kỳ năm ngoái.

Đàm phán cam go về các sản phẩm áp mức thuế mới giữa đôi bờ Đại Tây Dương.

Nhưng "cuộc chiến mỳ ống" và "cuộc chiến quả óc chó" chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến tranh thương mại triền miên giữa Mỹ và EU. Với hậu quả là các nước trong cuộc bị thua thiệt tổng cộng tới 100 tỉ USD/năm. Sự nhích dần lên của đồng USD khiến hàng hóa của Mỹ tăng cao trên thị trường quốc tế, làm dòng chảy của hàng hóa Mỹ đổ vào châu Âu trở nên "uể oải" hơn. Còn chính các sản phẩm của EU - nhờ sự tăng giá của đồng USD - lại có giá rẻ hơn so với các sản phẩm bản địa cùng loại tại Mỹ.

Các kỹ nghệ gia, các dân biểu cũng như giới thống đốc các tiểu bang của Mỹ trong tình trạng lo lắng. Người ta luôn nằng nặc đòi Nhà Trắng phải tăng thuế đánh vào mọi mặt hàng nhập khẩu, nhằm bảo hộ nền nội thương và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ ngay trên quê hương mình. Cũng có cả những đề nghị tiên quyết thoạt nghe rất nực cười, như bà Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbra Boxer của tiểu bang California lại đòi: "Trên các chuyến bay của các hãng hàng không dân dụng Mỹ chỉ nên phục vụ duy nhất thứ rượu vang gốc California mà thôi" (!).

Đồng thời Washington cũng đe dọa sẽ tăng cao mức thuế quan đánh vào các sản phẩm hoa quả đóng hộp, nho khô và rượu vang đóng chai, nếu như các nước thuộc EU không tự  nâng giá thành của chúng lên ngay từ  bây giờ. Thật đúng là một cuộc chiến không tiếng súng nhưng cũng gian nan không kém, một khi các quốc gia vốn là đồng minh chiến lược đụng chạm tới quyền lợi kinh tế sát sườn của nhau... Chỉ khổ cho người tiêu dùng!

Thành Nhân (theo The Economist)
.
.