Cuộc chiến với nạn khai thác than trái phép ở Quảng Ninh

Thứ Hai, 07/04/2008, 15:30
Âm ỉ, ngấm ngầm diễn ra với những phương thức, thủ đoạn ngày càng táo tợn, liều lĩnh, bất chấp sự ngăn chặn, xử lý của các cấp, ngành. Hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép ở Quảng Ninh đã gây phức tạp về an ninh trật tự, tác động xấu đến tài nguyên, môi trường. 

Từ ngày 15 đến 24/3 vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, triệt phá 65 lò, 7 điểm khai thác; đình chỉ 18 điểm mua gom than trái phép, khởi tố 11 vụ vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng, phần lớn trong số các trường hợp vi phạm trên đều đã từng bị xử lý.  

Vấn nạn than lậu    

Giá than liên tục tăng cao thời gian qua, theo đó, các hoạt động “tận thu” loại tài nguyên này không còn là “chuyện riêng” của các công ty trách nhiệm hữu hạn.

Với đặc điểm ở đâu cũng có than, nhiều hộ dân, cá nhân ở Quảng Ninh cũng đã lao vào tìm kiếm than. Không “chính danh” như các công ty, doanh nghiệp là được Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) cấp phép khai thác tận thu than trong khu vực khai trường của các mỏ, nên các hộ, cá nhân tìm mọi cách để “qua mặt” các cơ quan chức năng.

Ở Đông Triều, một số hộ dân đề nghị chính quyền cho phép  được cải tạo vườn đồi trồng cây, chăn nuôi gia súc gia cầm song thực chất là để đào bới, thăm dò.

Khi phát hiện có than thì mua sắm thiết bị khai thác hoặc đem bán với giá hàng trăm triệu, thậm chí theo phản ánh của nhân dân, có những khu vườn, đồi từng chỉ để cỏ mọc đã được bán trao tay và văn bản... miệng giá tiền tỉ.

Tại TP Hạ Long, có hộ gia đình ban ngày sinh hoạt bình thường, tối đến đóng cửa, tổ chức khai thác than ngay trong... buồng ngủ.

Đại úy Vũ Văn Hội, công an phụ trách xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, cho biết, trên địa bàn huyện miền núi này đất rừng đã được giao cho các lâm trường quản lý, lâm trường giao khoán cho các hộ gia đình.

Các đối tượng đã móc ngoặc với chủ rừng sau đó thuê nhân công từ các địa phương khác đến khai thác, dựng lán trại, ăn ở trong rừng và không khai báo, đăng ký tạm trú, khi bị phát hiện, xử lý thì tạm lánh, sau đó lại trở ra đào bới các lò cũ.

Khai thác than trái phép trong các khu dân cư, các vùng rừng núi ở Quảng Ninh vốn dĩ phức tạp nên hoạt động vận chuyển than phi pháp cũng phức tạp không kém, việc xử lý gặp nhiều khó khăn, quyết liệt, nhất là trên các tuyến đường bộ.

Dù ngành than đã thực hiện cam kết không vận chuyển than trên Quốc lộ 18A từ ngày 1/1/2008, song các đối tượng vận chuyển than trái phép vẫn lợi dụng đêm khuya, về sáng để đưa than ra các cảng, bến.

Các phương tiện chủ yếu có tải trọng 5 tấn song khi “đánh” than lậu, hầu hết được các chủ xe hoán cải để nâng tải trọng như thay lốp loại cỡ lớn, cơi nới thùng, việc phủ bạt chống bụi chỉ là hình thức. Có trường hợp liều lĩnh hoạt động cả ban ngày. Khi bị phát hiện, nhiều lái, phụ xe sẵn sàng chống đối để tẩu thoát bằng cách chạy với tốc độ cao, thậm chí chạy cả vào đường một chiều.

Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an Quảng Ninh trong tháng 3/2008, đã phát hiện, tạm giữ gần 100 xe ôtô chở than trái phép trên tuyến Quốc lộ 18A.

Tại huyện Đông Triều, lãnh đạo UBND huyện, Công an huyện trực tiếp chỉ huy, huy động lực lượng thường trực nhiều đêm liên tục trên Quốc lộ 18A để xử lý xe chở than, trong 2 tháng đầu năm 2008 đã phát hiện, tạm giữ 84 phương tiện, thu hơn 500 tấn than. Công an thị xã Cẩm Phả từ đầu tháng 3/2008 đến nay, bắt, xử lý 64 xe, giữ 380 tấn than. 

Cuộc chiến nhiều cam go

Nhằm kiềm chế không để các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép diễn ra trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh than, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an Quảng Ninh tổ chức nắm tình hình, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức xử lý vi phạm.

Từ cuối năm 2007 đến nay, Công an huyện Hoành Bồ tổ chức 6 đợt kiểm tra, đánh sập 47 lượt cửa lò. Công an huyện  Đông Triều, mở 20 đợt ra quân xử lý vi phạm về than.

Riêng 2 tháng đầu năm 2008 đã san lấp 56 lượt điểm đào bới, khai thác than trái phép. Tuy nhiên, cuộc chiến ngăn chặn nạn khai thác than trái phép ở Quảng Ninh vẫn hết sức quyết liệt.

Nhiều nơi do trữ lượng than ít, một số hộ dân nhập nhằng tận thu than, cải tạo vườn, trồng rừng để khai thác, tìm cách móc ngoặc để hợp thức nguồn than trái phép.

Không ít đối tượng đầu tư hàng tỉ đồng để sắm phương tiện, thiết bị, mua lại vườn đồi, san gạt mặt bằng, thăm dò than nên khi bị xử lý vẫn tìm cách khai thác để gỡ gạc.

Có đối tượng như Nguyễn Quang Trung, 36 tuổi, ở xã Yên Thọ, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) do bị ngăn chặn việc khai thác than trái phép đã vác súng săn đến tận nhà Phó chủ tịch UBND xã uy hiếp...      

Trước những diễn biến phức tạp trong lĩnh vực khai thác, chế biến, vận chuyển tiêu thụ than trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua, Giám đốc Công an Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương từ ngày 15/3 huy động tối đa lực lượng nắm tình hình, đồng loạt ra quân xử lý toàn diện, triệt để những hành vi vi phạm đối với các hoạt động trên. Công an Quảng Ninh đã xác định các tuyến, địa bàn đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường sông, đường biển và trên các tuyến quốc lộ xử lý các trường hợp vận chuyển than trái phép xuống các cảng; xử lý các tụ điểm mua bán than trái phép trên tuyến.

Công an các địa phương phát hiện số đối tượng có biểu hiện thông đồng móc ngoặc với lực lượng chức năng và chính quyền sở tại, các điểm khai thác, thu gom trái phép, các bến bãi tập kết để xử lý nghiêm, kiên quyết không để hình thành các tụ điểm phức tạp, nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến phát sinh tội phạm. Tại các xã, phường vận động các hộ dân, chủ phương tiện ký cam kết không khai thác, vận chuyển, mua bán than không có nguồn gốc, nhất là số từng bị xử lý.

Từ ngày 15 đến ngày 24/3, công an các địa phương đã phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, triệt phá 65 lò, 7 điểm khai thác than trái phép; đình chỉ 18 điểm mua gom than trái phép và trục xuất 56 đối tượng từ tỉnh ngoài đến cư trú, làm thuê cho các đối tượng khai thác, kinh doanh than trái phép; xử lý 97 phương tiện vận tải thủy vận chuyển than vi phạm; đề nghị tịch thu hơn 2.000 tấn than các loại không có nguồn gốc hợp pháp; khởi tố 11 vụ, 21 đối tượng liên quan các hoạt động khai thác, tiêu thụ than trái phép. 

Số đối tượng lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý của các doanh nghiệp thuộc TKV để thông đồng, móc ngoặc tham ô, lấy cắp than trong quá trình sản xuất và tiêu thụ than được Lực lượng Công an tổ chức rà soát, có kế hoạch xử lý, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng của TKV chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thông đồng móc nối đưa than ra ngoài; rà soát các văn bản quy định của tập đoàn và công tác quản lý, tiêu thụ than nhằm  phát hiện những sơ hở, thiếu sót để xuất biện pháp chấn chỉnh.

Đến nay tình hình khai thác, vận chuyển than trái phép được kiềm chế, song vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhất là các hoạt động vận chuyển than tuyến nội thủy, tuyến biển và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nạn khai thác than trong các khu dân cư, địa bàn vùng sâu, miền núi.

Đấu tranh ngăn chặn vấn nạn trên còn hết sức khó khăn, quyết liệt, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành, nhất là các lực lượng cơ sở và lực lượng chuyên trách của ngành than

Nguyễn Minh Châu
.
.