Quái kiệt vùng than:

Cuộc "di chuyển núi lửa Mông - Giăng"(Kỳ 1)

Thứ Tư, 05/03/2008, 08:30
Từ 4 năm nay, Đỗ Thành Trung nổi lên ở Quảng Ninh là một doanh nhân dám nghĩ dám làm và có những bước đi cực kỳ táo bạo... đến mức liều lĩnh. Giàu có thì đã đành, nhưng quanh nhân vật được coi là “quái kiệt vùng than” cũng có nhiều điều tiếng. Nào là “trùm khai thác than thổ phỉ?”, nào là “đại ca bến bãi”, rồi là “mafia vùng than”...

Đã có một thời, xã hội coi rẻ, thậm chí dè bỉu những người làm kinh tế tư nhân và gọi họ bằng cái tên rất chi là khinh miệt "bọn con buôn". Rồi người ta coi những "con buôn" ấy là như những kẻ "chưa bắt được thì... tha làm phúc" rồi ghép cho họ đủ thứ thói hư, tật xấu.

Đúng là có những người đã làm giàu bằng mọi mưu kế  bất hợp pháp và không ít người phải mắc vòng lao lý...

Nhưng những người mà tôi sẽ kể lại cho bạn đọc nghe dưới đây thì con đường trở thành "đại gia" của họ  không hề bằng phẳng chút nào. Họ đã làm giàu bằng tài năng, bằng trí tuệ, bằng nghị lực phi thường và tất nhiên bằng cả mồ hôi, nước mắt và họ đang có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Hy vọng rằng những bài học kinh nghiệm của họ sẽ giúp ích được cho những ai đang mong muốn trở thành "đại gia" chân chính.

Khi tôi bắt đầu ngồi vào bàn viết về nhân vật được coi là “quái kiệt vùng than” thì có chuông điện thoại di động. Giọng một anh bạn đồng nghiệp của tôi đang công tác tại một tờ báo khác gấp gáp: “Anh biết tin gì mới không?”. “Tin gì thế?” - Tôi hỏi lại. “Trung “con” ở Quảng Ninh bị bắn chết rồi”.

Tôi sững sờ và hỏi lại: “Lúc nào? Ở đâu thế?”. “Cách đây nửa giờ. Cảnh sát hình sự Hà Nội đang khám nghiệm hiện trường... Nhưng em chưa biết đích xác nơi xảy ra, mà chỉ biết ở Hà Nội thôi. Anh xác minh lại xem sao?”.

Nghe anh nói mà tôi thấy bàng hoàng. Người mà được gọi là Trung “con” kia chính là Đỗ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Phát triển các ngành công nghiệp Quảng Ninh (Indevco). Mới 3 ngày trước, tôi vừa làm việc với Trung về con đường trở thành doanh nhân của anh, vậy mà...?

Tôi vội gọi điện cho Trung thì đáp lại là tiếng nhân viên thẽ thọt: "Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...”. Tôi lại gọi điện cho Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng PC14 Công an Hà Nội và hỏi rằng vừa có vụ trọng án nào xảy ra ở Hà Nội, mà đối tượng thanh toán nhau theo kiểu “xã hội đen” không? Thượng tá Chung khẳng định ngay là không có vụ nào kể từ gần một tuần qua. Vậy là yên tâm phần nào.

Tôi gọi điện về văn phòng Tập đoàn Indevco ở Cẩm Phả, hóa ra Trung đang họp nên tắt máy. Lát sau, Trung gọi lại cho tôi và nói giọng dửng dưng như không: "Hàng tháng nay rồi, ngày nào mà chả có tin đồn là em chết vì bị đối thủ làm ăn thanh toán; chết vì tai nạn ôtô... Rồi người ta còn đồn là em phải đi xe chống đạn... Ấy là chưa kể ngày nào cũng có tin nhắn đe dọa...”.

Thương trường là chiến trường - từ xửa từ xưa đã có câu thế rồi, cho nên những người mà cứ tạm được coi là “đại gia” như Đỗ Thành Trung thì người quý cũng nhiều mà kẻ căm tức hẳn cũng chẳng ít.

Từ 4 năm nay, Đỗ Thành Trung nổi lên ở Quảng Ninh là một doanh nhân dám nghĩ dám làm và có những bước đi cực kỳ táo bạo... đến mức liều lĩnh. Giàu có thì đã đành, nhưng quanh nhân vật được coi là “quái kiệt vùng than” cũng có nhiều điều tiếng. Nào là  “trùm khai thác than thổ phỉ?”, nào là “đại ca bến bãi”, rồi là “mafia vùng than”...

Trụ sở tập đoàn Indevco tại Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Chính vì thế mà  khi về Quảng Ninh tìm hiểu về Tập đoàn Indevco tôi rất thận trọng... Nhưng rồi những gì tôi thấy được ở khu Công viên Nghĩa trang An Lạc Viên dưới chân đèo Bụt, ở khu đồi bạt ngàn bạch đàn đang lên xanh, mà trước kia đó là khu mỏ than Mông-giăng cháy đã hơn... 60 năm; rồi nhà máy sản xuất kính, rồi khu sàng tuyển than..., và đặc biệt khi  nghe kể về quá trình phấn đấu để trở thành đảng viên của Đỗ Thành Trung, tôi đã không còn nghi ngờ.

Vậy con đường đi lên của Đỗ Thành Trung là như thế nào và bắt đầu từ đâu?

Nhưng trước hết, phải kể cho bạn đọc biết về một chiến công (xin hãy cứ tạm gọi là như vậy) của Trung “con” - đó là việc dập tắt “quả núi lửa Mông-giăng”.

Số là vào khoảng những năm đầu của thế kỷ trước, người Pháp khi khai thác than lộ thiên ở đây đã đem toàn bộ đất đá thải lẫn loại than xấu đổ ra khu vực phía tây của mỏ. Năm này qua tháng khác, đất đã dồn lên thành núi và bị phong hóa, cây cối mọc lên tươi tốt.

Nhưng vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước, có một khu vực khai thác tại khu đồi phía tây mỏ than Đèo Nai, do một người Pháp tên là Mông-giăng (hình như thế vì đến nay cũng không mấy ai nhớ được chính xác tên người này) làm chủ thầu. Những người công nhân khai thác mỏ ở đây đã  phải đốt những đống lửa để sưởi ấm khi đêm đông  gió bấc.

Đêm thì đốt lửa, ngày họ vùi đống than đó vào đất để “giữ lửa” cho hôm sau... Mà đất vùng này thì có lẫn nhiều than đá, thế là đầu tiên lửa cháy từ những đám than xấu ở khu bãi thải xưa kia, rồi âm ỉ lan vào tận trong lòng các quả núi. Cái giống than đá, trời càng ẩm, nhất là khi có mưa phùn lui phui thì càng cháy tợn.

Từ năm 1967, có một đơn vị của Đoàn địa chất 908 thuộc Liên đoàn Địa chất 9 đến khu vực này và chọn nơi bãi thải làm địa bàn tập kết. Lúc đầu có khoảng hơn 100 cán bộ, công nhân viên và qua năm tháng, đã hình thành hơn chục gia đình. Thấy đất đai tuy chẳng ra gì, nhưng được cái rộng rãi nên có khoảng hơn 30 gia đình khác cũng kéo đến... và thế là trở thành “làng địa chất”.

Đến năm 1991, Đoàn địa chất 908 chuyển đi và giao lại khu vực này cho Công ty Than Đông Bắc, nhưng không ít gia đình công nhân của đoàn địa chất vẫn “bám trụ” nơi này và sống chủ yếu bằng nghề đi... mót than.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nạn khai thác than thổ phỉ  hoành hành khắp vùng mỏ Quảng Ninh. Có đến hàng trăm “công ty” tư nhân (và cả của các đơn vị kinh tế thuộc các doanh nghiệp Nhà nước) lao vào cuộc khai thác than, mua bán và xuất khẩu than, chính vì vậy, những người sống bằng nghề “mót than”, thậm chí kiêm “lấy trộm” đã “kiếm được”.

Cứ như vậy, khu vực “làng địa chất” xưa kia đã đông đúc dần và trở thành “tổ dân cư 76 thuộc khu mỏ Thống Nhất” với hơn 50 hộ gia đình. Trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 2000, hàng chục gia đình này sống trên khu mỏ than bị cháy nhưng mọi người cũng thấy bình thường bởi lẽ đống than cháy âm ỉ ở rất sâu trong lòng đất. Khi nào trời ẩm, đống than cháy mạnh hơn thì mọi người mới cảm thấy ngột ngạt, khó thở, nhưng cũng đành “để yên xem sao”.

Nhưng đến năm 2001 thì tai họa bắt đầu ập đến. Đống than cháy âm ỉ suốt mấy chục năm qua bùng phát. Lửa phụt lên từ những khe núi, sức nóng thiêu cháy tất cả mọi cây cối trên toàn bộ khu vực; nhiều nhà bị nứt tường, sập nhà và cứ mỗi khi lửa cháy mạnh thì kèm theo là hơi sun-phua bốc mùi thối nồng nặc...  “Làng địa chất” bỗng dưng được đổi tên mới là “làng Cháy”. --PageBreak--

Cứ mỗi lần “núi lửa” hoạt động, người dân lại phải cầu cứu lực lượng cứu hỏa của mỏ than Thống Nhất và trung tâm chữa cháy Cẩm Phả. Cách duy nhất để các đơn vị chữa cháy này dập lửa là khoan trực tiếp vào nơi đang cháy dữ dội nhất rồi... bơm nước vào.

Cách làm này chỉ có hiệu quả nhất thời. Nơi nào có nước bơm vào thì tắt, nhưng cũng chỉ được ít ngày, nó lại bùng phát trở lại bởi lửa từ các nơi khác lan đến. Khoan vào, phun nước thấy không được, lực lượng chữa cháy cho... đào hầm rồi bơm nước làm ngập cả một khu vực... Nhưng cũng chỉ được vài tháng, “núi lửa” hoạt động trở lại. Nguyên nhân vì sao không dập được đó là  cả khu vực đồi núi mênh mông, ai biết được những chỗ nào... có lửa, để mà triệt tận gốc!

Đến năm 2004, thấy không thể để dân “sống chung với lửa” được nữa, chính quyền thị xã Cẩm Phả quyết định di dời dân, còn UBND tỉnh Quảng Ninh thì báo cáo lên Chính phủ xin hướng giải quyết.

Vào một ngày cuối tháng 4/2004, đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu một đoàn cán bộ đi khảo sát khu vực mỏ bị cháy. Đến trưa, cả đoàn về trụ sở Công ty Indevco để kiểm tra tiến độ làm 300 nhà  khung thép tặng cho bà con nghèo huyện Tiên Yên.

Sau khi nghe Đỗ Thành Trung báo cáo, đồng chí Chủ tịch tỏ ra rất hài lòng và vui vẻ mời Trung đi ăn cơm trưa. Trong bữa cơm, việc mà mọi người bàn luận sôi nổi nhất là làm thế nào để chữa cháy khu mỏ Mông-giăng. Nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng xem ra tất cả đều thiếu tính khả thi.

Trong suốt bữa cơm, Đỗ Thành Trung  lắng nghe mọi người tranh luận với nhau về các phương án chữa cháy với vẻ tò mò và không hề góp một lời nào, bởi vì anh tự thấy mình chẳng hiểu biết gì về cháy nổ cả. Nhưng rồi bỗng dưng, trong đầu anh lóe lên một tia sáng...

Đang mải mê nghĩ về cách chữa cháy mới thì Trung giật mình khi Chủ tịch Nguyễn Văn Quynh  hỏi: "Cậu đang nghĩ cái gì mà căng thẳng thế? Ý của cậu thế nào? Có dám nhận chữa cháy không?”. Trung đứng bật dậy: "Báo cáo Chủ tịch và các anh, tôi xin nhận chữa”.

Nghe câu trả lời quyết đoán của Trung, mọi người ngẩn ra. Giám đốc mỏ than Thống Nhất hỏi: "Cậu định chữa bằng cách nào?”. Trung cũng trả lời ngay: "Bây giờ thì chưa nói được một cách cụ thể. Nhưng nếu giao cho tôi chữa cháy, tôi thấy chỉ có một cách. Đó là... đó là... xúc cả đống than cháy đó đổ... ra biển! Có như vậy mới triệt tận gốc được”. 

Nghe Trung nói vậy, Chủ tịch Nguyễn Văn Quynh cũng cảm thấy ý kiến này là có lý.  Bao nhiêu cách làm trước đây chả đã thất bại đó sao? Đúng là phải xúc đổ đi, nhưng như vậy thì đó là một công việc khổng lồ, bởi chỉ có... Diêm Vương mới biết độ sâu của đống than đang cháy! Nhưng với Trung, đồng chí Quynh chẳng lạ gì, bởi mấy năm vừa rồi, doanh nghiệp của Trung là đơn vị kinh tế tư nhân làm ăn phát đạt nhất ở tỉnh Quảng Ninh.

Thuế má nộp đầy đủ, các chế độ quyền lợi cho người lao động trong công ty được đảm bảo, và công ty cũng rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội như xóa đói giảm nghèo, trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ bà con các vùng bị thiên tai.

Tuy thành công trong kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, nhưng lao vào chữa cháy lại là việc khác. Nhiều đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp với đầy đủ các phương tiện hiện đại còn bó tay, huống hồ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh như Indevco... Liệu có là phiêu lưu khi nhận việc này không?

Nhưng với bản tính quyết đoán và cũng tin ở năng lực của Đỗ Thành Trung,  đồng chí Chủ tịch “quyết” ngay: “Về nguyên tắc, tôi đồng ý giao cho cậu chữa cháy triệt để khu vực này... Mà phải là chữa tận gốc đấy nhé! Còn điều kiện khác của cậu là thế nào?”. Cũng chẳng phải suy nghĩ lâu, Trung nói luôn: "Em xin xúc đổ toàn bộ đống lửa đó ra bãi lầy ngoài biển, được bao nhiêu diện tích mặt bằng, xin tỉnh cho sử dụng. Còn trong đống đất, than bị cháy kia, cho em khai thác tận thu”.

Ngay chiều hôm đó, Trung cho họp Ban Giám đốc đồng thời mời các kỹ sư am hiểu về cháy, nổ đang làm việc tại công ty đến để bàn. Tại cuộc họp này, không phải là ai cũng đồng thuận với Trung. Ai cũng thấy rằng để chữa  cháy tận gốc khu vực này thì đúng là chỉ có cách... xúc đống than rừng rực kia đổ đi.

Nhưng xúc như thế nào, làm sao đổ đi ra biển cách xa cả chục cây số được? Rồi lợi ích kinh tế mang về cho công ty là cái gì? Cái đống phải xúc đổ đi đó chắc chắn có lẫn than, nhưng đó là than xấu mà ngày xưa chủ người Pháp bỏ đi, rồi trữ lượng than là bao nhiêu, liệu số than tận thu đó có đủ bù cho chi phí xăng xe, lương bổng cho công nhân không? Không có một tài liệu khảo sát địa chất, không có bất cứ tài liệu nào về khu diện tích bị cháy, cũng như độ sâu... Nhưng trước quyết tâm của Trung, Ban giám đốc đã  nhất trí.

Hôm sau, Trung gửi văn bản lên UBND tỉnh xin cho được chữa cháy khu Mông-giăng và kèm theo các điều kiện như đã trình bày với Chủ tịch hôm trước. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, vào ngày 17/5/2004, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định giao cho Công ty Indevco  bốc xúc đất đá tại đồi 908 thuộc phường Cẩm Tây, thị xã Cẩm Phả nhằm xử lý cháy ngầm.

Trong quyết định có ghi rõ:  "Indevco có trách nhiệm bốc xúc, vận chuyển đất đá trong phạm vi 98.848m2 được khoanh định trên bản đồ 1/5000... Được phép sử dụng đất đá và các nguyên liệu, phế liệu khác để phục vụ cho các dự án san lấp mặt bằng khác được phê duyệt...” và cũng quy định việc vận chuyển đất đá từ khu “núi lửa” này "chỉ được tiến hành từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau".

Ngay sau khi có quyết định và được giao mặt bằng, Đỗ Thành Trung huy động 4 chiếc máy xúc, máy đào hào và 40 xe tải loại 40 tấn tiến vào khu vực “núi lửa”. Đầu tiên là phải chọn những điểm cháy ác nhất, cho đào những đường hào vây quanh rồi... bơm nước vào để dập tắt, sau đó mới xúc đổ ra biển. Nhưng chỗ nào cháy ít thì cứ thế xúc tất cả đưa lên xe ben... Đã không ít người kinh hoàng khi thấy trong đêm, những chiếc xe cõng trên thùng cả đống than đang cháy đỏ rực chạy trên đường.

Vào những ngày đầu, Đỗ Thành Trung hầu như sống trên khu vực "làng Cháy" để chỉ đạo công việc. Cùng với việc xúc đống than cháy đổ đi, Trung còn cho khẩn trương lắp đặt một hệ thống sàng tuyển theo kiểu thủ công để tận thu than còn sót lại. 

Ròng rã hơn một năm rưỡi, đến cuối tháng 10/2005 thì toàn bộ khu vực “núi lửa” có diện tích gần 10 hécta đã bị khoét đến độ sâu hơn 150 mét và đám cháy đã bị triệt tận gốc.

Tính ra Đỗ Thành Trung đã phải đổ ra biển hơn 10 triệu m3 đất đá và san lấp được gần 100 hécta mặt bằng. Còn số than tận thu được thì... không ai có thể biết là bao nhiêu? Người thì bảo rằng khoảng 15%, người thì bảo khoảng 20%? Tôi có hỏi Đỗ Thành Trung về số lượng than tận thu được, anh cười và nói: "Cứ nói như họ, thế chả lẽ, hơn một năm trời, em kiếm được mấy triệu tấn than cơ à? Nếu được như vậy, thì “siêu tỉ phú” rồi”.

Về quyết định nhận chữa cháy khu Mông-giăng của Đỗ Thành Trung, sau này ai cũng phải công nhận đó là quyết định cực kỳ táo bạo và có tầm nhìn “chiến lược”. Nhiều ông chủ doanh nghiệp - nhất là các doanh nghiệp Nhà nước đã tiếc hùi hụi khi nhìn khu bãi biển sình lầy ngập xú vẹt nay trở thành mảnh đất vô giá. Và cũng từ đó, Đỗ Thành Trung được gọi là “quái kiệt vùng than”(còn tiếp)

N.N.P.
.
.