Cuộc phiêu lưu của cây đàn vĩ cầm Stradivarius 305 tuổi

Thứ Sáu, 07/12/2018, 13:06
Gibson ex-Huberman Stradivarius, cây violin (vĩ cầm) 305 tuổi được chế tác bởi nghệ nhân tài hoa người Italia Antonio Stradivari từ đầu thế kỷ 18 đã trải qua hành trình lưu lạc đầy sóng gió để ghi tên mình trở thành một trong những nhạc cụ đắt nhất hành tinh.

Nguồn gốc đặc biệt

Antonio Stradivari là nghệ nhân làm đàn nổi tiếng bậc nhất thế giới chuyên về các nhạc cụ bộ dây như violin, cello, guitar và harp. Là người tỉ mỉ và cẩn thận, các nhạc cụ mà ông làm ra nổi tiếng khắp thế giới bởi thẩm mĩ đẹp và chất lượng âm thanh hoàn hảo.

Trong suốt cuộc đời mình, Antonio Stradivari đã làm trên 1.000 các nhạc cụ bộ dây và người ta tin rằng khoảng 650 trong số đó tồn tại đến ngày nay. Các nhạc cụ do ông làm ra được gọi bằng cái tên Stradivarius (tên Latinh hóa của nghệ nhân) và hiện có giá trị lên tới vài chục triệu USD. Tuy nhiên, nhiều cây đàn giờ đã trở thành những “báu vật tủ kính” trong các viện bảo tàng hay trong các bộ sưu tập đồ sộ.

Gibson ex-Huberman Stradivarius là một trong số ít những cây vĩ cầm vẫn đang vang lên những âm thanh tuyệt diệu của bản tình ca Chopin. Yếu tố đầu tiên để cho rằng Gibson ex-Huberman Stradivarius là báu vật hiếm có là bởi vì cây đàn được cho là 1 trong 5 nhạc cụ được Antonio Stradivari tạo ra năm 1713, trong thời gian được gọi là “thời kỳ vàng” của nghệ nhân này từ khoảng năm 1700 đến 1725.

Bronislaw Huberman (1882-1947) trong một lần biểu diễn cây đàn Stradivarius nổi tiếng.

Tuy nhiên, nguồn gốc hoặc nhạc cụ dây của một cây vĩ cầm chỉ là một phần chìa khóa giá trị của nó, bởi các nghệ sĩ tin là mỗi nhạc cụ đều có linh hồn. Cây đàn được đặt tên theo chủ sở hữu trước đây - George Alfred Gibson, một giáo sư violin tại Học viện Hoàng gia Anh (qua đời năm 1924) và thiên tài âm nhạc người Do Thái Bronislaw Huberman (1882-1947). Có lẽ đây là lý do tại sao cây vĩ cầm này lại vang lên những âm thanh tuyệt vời mỗi khi đến với âm nhạc của nhạc sĩ tài năng Chopin.

Học violon từ năm lên 4, Bronislaw Huberman đã bộc lộ tài năng của mình từ rất sớm và chơi điêu luyện như một nghệ sĩ thực thụ vào năm lên 11 tuổi. Cùng với cây violin Stradivarius, Huberman được hâm mộ trên khắp châu Âu. Nhưng tài năng thiên bẩm chưa phải tất cả yếu tố khiến ông trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

Vào năm 1929, Huberman đến thăm Palestine và nảy ra ý tưởng thiết lập một sự hiện diện âm nhạc cổ điển tại đây. Nghệ sĩ gốc Do Thái đã thành lập Dàn nhạc giao hưởng Palestine năm 1936 và sau đó được đổi tên thành Dàn nhạc giao hưởng Israel khi Nhà nước Do Thái thành lập năm 1948.

Đối với dàn nhạc, Huberman đã đi khắp châu Âu tuyển dụng các nghệ sĩ hàng đầu người Do Thái. Những người được chọn vào dàn nhạc được ký hợp đồng và quan trọng nhất, nếu không thể nhận được thị thực xuất cảnh từ đất nước của họ đến Palestine.

Cũng nhờ vậy, Huberman đã không chỉ tạo việc làm mới mà còn cứu gần 1.000 người, gồm hàng chục nghệ sĩ, nhạc sĩ và gia đình của họ khỏi các vụ tàn sát đẫm máu người Do Thái ở Đức, Áo, Ba Lan và Hungary trong Thế chiến thứ II.

Chưa dừng ở đó, Huberman đã tổ chức các buổi hòa nhạc quyên góp tiền cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ Do Thái và cả gia đình của họ. Trong một lần hợp tác với Albert Einstein để thiết lập một chuyến đi gây quỹ toàn diện tại Mỹ vào năm 1936, Huberman đã quyên đủ số tiền cho dàn nhạc đảm bảo chi phí cho 60 người chơi hàng đầu được chọn từ Đức và Trung Âu.

Và trong những lần đi lưu diễn thế giới như vậy, nhạc cụ mà Huberman luôn mang theo chính là cây vĩ cầm nghệ nhân Stradivari chế tác năm 1713. Nếu một cây vĩ cầm có thể thấm nhuần phẩm chất của chủ sở hữu của nó, các sự kiện thế giới và cá nhân đã ảnh hưởng đến cuộc hành trình của nó thì cây đàn này chính là một giá trị lịch sử.

Chính vì vậy, Gibson ex-Huberman Stradivarius là một báu vật với bất kỳ nghệ sĩ biểu diễn nào và cũng trở thành đối tượng săn lùng của những kẻ trộm biết giá trị đích thực của nghệ thuật.

Nghệ nhân Antonio Stradivari tại xưởng chế tác đàn của mình.

Những vụ mất cắp

Lần đầu tiên cây Gibson ex-Huberman Stradivarius bị đánh cắp là ở Vienna (Áo) năm 1919. May mắn thay, cảnh sát đã lần theo dấu vết của một số tên trộm yêu nghệ thuật và thu hồi nguyên vẹn cây đàn chỉ vài ngày sau đó.

17 năm sau, khi nghệ sĩ Huberman đang trên sân khấu chơi cây violin Guarnerius (mới được mua) trong một buổi hòa nhạc tại Carnegie Hall (ở Midtown Manhattan, thành phố New York, Hoa Kỳ) để gây quỹ cho dàn nhạc mới của ông ở Palestine; chiếc Gibson ex-Huberman Stradivarius đang được “nghỉ ngơi” trong phòng thay đồ của nghệ sĩ, một lần nữa lại bị đánh cắp.

Ngay lập tức, vụ mất cắp được trình báo với cảnh sát New York nhưng Huberman đã không thể ở lại Mỹ lâu vì vẫn phải tiếp tục các chuyến lưu diễn để gây quỹ cho dự án lớn của mình. Vì thế, việc điều tra và tìm kiếm cây đàn đã bị kéo dài.

Tiếp đó, vào năm 1937, một năm trước khi Áo sát nhập vào Đức Quốc xã, ông Huberman rời Vienna và di cư sang Thụy Sĩ. Sự nghiệp của ông đã gần như kết thúc sau tai nạn máy bay ở Sumatra năm 1938 khiến cổ tay và hai ngón tay trái của ông bị tổn thương. Khi Thế chiến thứ II nổ ra năm 1939, Huberman bị mắc kẹt tại Nam Phi trong một chuyến lưu diễn và không thể trở về nhà ở Thụy Sĩ cho đến sau chiến tranh. Ngay sau đó, ông ngã bệnh vì kiệt sức và qua đời tại Corsier-sur-Vevey, Thụy Sĩ năm 1947, ở tuổi 64.

Một trong những trợ lý của Huberman kể lại rằng, điều Huberman đau lòng nhất trước khi qua đời là ông đã không bao giờ được nhìn thấy cây đàn Stradivarius của mình nữa, dù rằng Hãng Bảo hiểm Lloyd's of London đã trả tiền cho ông sau vụ mất cắp đó.

Mãi tới hơn 50 năm sau sự mất tích bí ẩn của Gibson ex-Huberman Stradivarius mới được giải mã. Việc phát hiện ra cây đàn đã trở thành một sự kiện chấn động giới nghệ thuật lúc bấy giờ.

Kẻ cắp nổi danh

Có một số phiên bản khác nhau về việc chiếc violin đã bị đánh cắp, nhưng một điều chắc chắn là, nhạc cụ đã rơi vào tay của một nghệ sĩ violin tự do trẻ tuổi người Mỹ Julian Altman. Một số người nói rằng mẹ của Altman đã thuyết phục anh ta ăn cắp cây đàn; những người khác lại nói rằng, Altman đã mua cây đàn từ tên trộm với giá 100 USD. Nhưng bất kể sự thực là gì thì Altman đã che giấu danh tính thực sự của cây violin Stradivarius và sử dụng nó trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của mình.

Mãi tới năm 1985, khi Altman, 64 tuổi, bị bắt giam vì tội ấu dâm và sau đó mắc bệnh hiểm nghèo, nằm trên giường bệnh ông ta mới thú thực với vợ của mình, bà Hall về bí mật của cây violon mà ông sử dụng suốt 50 năm qua. 

Theo lời dặn của chồng, tìm kiếm bên trong vỏ bọc vải cây violin, bà Hall tìm thấy những mẩu báo về một chiếc Stradivarius bị đánh cắp trong một buổi hòa nhạc tại Carnegie Hall vào ngày 28-2-1936.

Altman giải thích: Do cần giải quyết những khó khăn trong cuộc sống và chi phí học tập để thực hiện ước mơ của mẹ ông là con trai trở thành một nhà vĩ cầm vĩ đại nên ông đã lập kế hoạch ăn trộm cây vĩ cầm của Huberman. Bởi giá trị tuyệt vời của cây đàn và vì chủ nhân là một người nước ngoài nên không có khả năng ở lại Mỹ để tìm kiếm nhạc cụ của mình. Trên hết, đây là báu vật rất dễ đánh cắp vì các nghệ sĩ thường không có công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhạc cụ mình sử dụng, cũng như nếu có bị phát hiện thì tòa án xếp vụ việc vào án dân sự nhẹ nhàng vì lý do “chỉ lấy trộm một cây đàn vĩ cầm”.

Nghệ sĩ Joshua Bell chìm đắm trong cảm xúc khi chơi cây Gibson ex-Huberman Stradivarius.

Lên kế hoạch, Altman đã kết bạn với người gác cổng ở Nhà hát Carnegie Hall. Ông thường xuyên tặng hoặc rủ người này hút thuốc, cũng như rủ đi ăn sau giờ trực. Kể từ đó, Altman có thể ra vào nhà hát Carnegie Hall bất cứ lúc nào. Và khi Huberman đang say sưa trình diễn thì cây đàn đã nằm gọn phía trong áo măng tô và biến mất cùng Altman.

Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra ngoài kế hoạch đánh cắp cây vĩ cầm của Altman. Đó là sau khi thử chơi đàn và được nghe thanh âm tuyệt vời của nó tạo ra, Altman đã quyết định lưu giữ cây đàn bên mình thay vì bán để lấy tiền như mục đích ban đầu. Sau đó, cây Stradivarius đánh cắp đã được Altman “tân trang” để tránh bị nhận diện.

Và cũng nhờ quyết định đúng đắn này, Altman đã có những thành công vang dội trong sự nghiệp, trở thành một nghệ sĩ violin ở Dàn nhạc giao hưởng quốc gia tại Washington. Ông biểu diễn trong các sự kiện xã hội và cho các tổng thống, chính trị gia thưởng thức trong suốt 50 năm sự nghiệp của mình. “Điều tuyệt vời nhất là anh đã thực hiện được ước mơ của mẹ” – Altman tâm sự với vợ.

Và cũng chính tình yêu, sự gắn bó với cây vĩ cầm, nên Altman đã cho người vợ biết để cây vĩ cầm trở về với giá trị đích thực của nó. “Ông ấy sợ chúng tôi hoặc bất cứ ai vô tình làm tổn hại đến cây vĩ cầm vì thiếu hiểu biết”, bà Hall kể lại.

Sau cái chết của Altman năm 1985, bà Hall đã tham khảo ý kiến các chuyên gia để xác nhận rằng cây violin mà Altman sở hữu thực sự là Gibson ex-Huberman Stradivarius. Hai năm sau, bà trả lại cho Hãng Bảo hiểm Lloyd và nhận được khoản trợ cấp 263.000 USD cho người đã tìm thấy cây đàn, tức là vào khoảng 25% số tiền 1,2 triệu USD mà nghệ sĩ violin người Anh Norbert Brainin mua nhạc cụ này vào tháng 2-1988.

Sự trùng lặp

Cho tới bây giờ, cây đàn đang thuộc sở hữu của nghệ sĩ gốc Do Thái Joshua Bell, người tự nhận rằng, ông đã yêu nhạc cụ ngay khi được Brainin cho phép chơi thử sau buổi diễn tập của nhóm nhạc nhỏ Mozart vào thời kỳ giữa thập niên 1990.

Ngay khi được chơi thử, Joshua Bell đã mô tả cây đàn như không chỉ là một nhạc cụ tuyệt vời mà còn thấm nhuần tư tưởng và phong cách của người nghệ sĩ mà ông hết mực ngưỡng mộ, Bronislaw Huberman, người đã cứu giúp những nghệ sĩ Do Thái khỏi nạn diệt chủng của Hitler.

“Một ngày nào đó, anh có thể đủ may mắn để sở hữu một cây vĩ cầm như vậy”- Brainin khích lệ Joshua Bell. Và điều này đã thành sự thực vào năm 2001, khi Bell phải quyết tâm bán một cây đàn Stradivarius khác của mình với giá 2 triệu USD và mua cây Gibson ex-Huberman Stradivarius với giá 4 triệu USD ngay trước khi một tỷ phú người Đức đang cố gắng mua cây đàn để bổ sung cho bộ sưu tập riêng.

Với sự tự hào cùng có nguồn gốc Do Thái, Joshua Bell đã luôn nỗ lực thể hiện xuất sắc các tác phẩm âm nhạc với cây đàn Stradivarius từng được Huberman sử dụng.

Nghệ sĩ Joshua Bell từng tâm sự trên Rivard Report rằng: “Khi biểu diễn với Dàn nhạc giao hưởng Israel, tôi luôn xúc động khi nghĩ rằng đã có biết bao nhiêu nghệ sĩ và khán giả là hậu duệ được nghệ sĩ Huberman cứu khỏi thảm họa diệt chủng bằng số tiền thu được trong các buổi hòa nhạc được biểu diễn trên cùng nhạc cụ mà tôi đang sử dụng ngày hôm nay.

Có người trả tôi gấp nhiều lần số tiền tôi bỏ ra để mong muốn là chủ sở hữu cây đàn. Nhưng chắc chắn một điều tôi sẽ gắn bó với nó đến hơi thở cuối cùng. Cây vĩ cầm là vô giá và tôi vô cùng may mắn khi đang được chăm sóc cây đàn hơn 300 tuổi mang theo mình quá nhiều ký ức của lịch sử”.

Thùy Dương
.
.