Cuộc trò chuyện với hai đạo diễn trẻ

Thứ Bảy, 11/09/2010, 10:35
"Đã đi thi thì ai cũng mong muốn mình đoạt giải. Đấy là mong ước chính đáng. Hương cũng vậy, nhưng trên tất cả là Hương muốn thể hiện tiếng nói, cảm xúc của mình vào tác phẩm nghệ thuật để khán giả cùng thưởng thức, chia sẻ" - NSND Lan Hương tâm sự.

NSND Lan Hương: “Tối nào cũng chả ngủ được để nghĩ làm sao cho thật đúng”

Lâu nay, mỗi khi mường tượng về xây dựng hình tượng Người chiến sĩ Công an trên sân khấu kịch, người ta vẫn thường hình dung đó là những nam đạo diễn năng nổ, vâm váp, thậm chí rất ngầu... Vậy mà, Liên hoan Sân khấu toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần thứ II năm nay, NSND Lan Hương với vai trò là nữ đạo diễn duy nhất trên sân khấu kịch nói đã phả vào sân khấu một luồng sinh khí ấm áp, tràn đầy sức sống thanh tân, lãng mạn.

Phóng viên (PV): Tham dự Liên hoan Sân khấu về hình tượng Người chiến sĩ CAND lần này, với vai trò đạo diễn chị đã chọn một kịch bản mà chỉ cần đọc tên tác phẩm "Từ một ngã tư", người ta đã nghĩ ngay vở kịch nói về hình tượng người chiến sĩ Công an giao thông (CSGT). Thật là một sự lựa chọn độc đáo, rất khác biệt, tại sao chị lại chọn chủ đề này?

NSND Lan Hương: Chủ đề này mình đã ấp ủ từ lâu rồi, nguyên do là cả một quá trình. Tính mình nhiều khi trên mây trên gió, đi ra đường mà đầu óc cứ mơ mơ màng màng lúc vượt quá đèn vàng, lúc thì đi vào đường ngược chiều mà chả biết. Hay khi tối trời lại quên bật đèn pha thế là thường xuyên bị mắc mớ với CSGT. Nhưng khi nhận ra mình, ai cũng cười tươi, chỉ cảnh cáo nhẹ rồi trò chuyện thân mật, lúc mình đi các CSGT còn dắt hộ xe xuống đường... Điều đó làm cho mình cảm động, và những gì thấy hàng ngày thì mình càng khâm phục và yêu quý CSGT.

Đường phố giờ xe cộ quá nhiều, các con đường thường xuyên bị tắc nghẽn, nhưng ở đâu có CSGT thì người dân yên tâm đi được. Mùa hè nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới hơn 40oC, hay nhiều hôm mưa tầm tã như trút, hoặc những cơn gió mùa đông bắc hun hút lạnh thấu xương thịt, ngay trên cả những con đường lầy và khói bụi... CSGT vẫn đứng làm nhiệm vụ dưới tiết trời quá ư khắc nghiệt.

Sự vất vả, tận tâm của CSGT cần phải được cái nhìn cảm thông, chia sẻ của xã hội. Vậy mà các đoàn Nghệ thuật Sân khấu của cả nước đã dựng rất nhiều vở về hình tượng Người chiến sĩ công an, nhưng đó là những chiến sĩ cảnh sát hình sự, hay Công an kinh tế, công an chìm... chưa có đoàn nghệ thuật nào dựng vở về CSGT cả. Thế nên mình quyết tâm phải có một vở kịch viết về CSGT, vì họ rất xứng đáng được tôn vinh.

PV: Để có một vở kịch viết về CSGT là điều không đơn giản. Điều này có thể nói là khó ngay từ khâu viết kịch bản...

NSND Lan Hương: Nhiều tháng trời mình nghiên cứu, đi sưu tầm tài liệu, đọc nhiều báo lắm, thấy những câu chuyện hay thì cắt ra. Khi tư liệu nhiều rồi, mình đặt nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản. Anh Phục bận quá. Mà anh cũng có quá nhiều dự án về đề tài công an rồi, mình e sợ trùng lặp ý tưởng. Thế là mình lại mang hết những gì thu thập được về CSGT đưa cho anh Nguyễn An Ninh. Anh Ninh là tác giả viết đã cứng tay, và rất may là anh giống mình rất hứng thú với đề tài này.

PV: Có một tỉ lệ nghịch, khi nhắc đến Công an, có lẽ vì đặc thù nghề nghiệp nên trong suy nghĩ của nhiều người khó tránh khỏi cho đó là một điều gì đó xa vời, thậm chí là ngột ngạt, căng thẳng... Nhưng để có giây phút bình yên trong cuộc sống thì không thể vắng bóng các chiến sĩ công an...

NSND Lan Hương: Đúng rồi, không chỉ có CSGT mà mình còn rất yêu quý và cảm tình đặc biệt với Cảnh sát 113 và Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Trong cuộc sống ngày nay, nơi nào xảy ra những vụ va chạm đụng độ người ta lập tức gọi 113. Nghi ngờ kẻ gian người ta cũng gọi 113. Mất trộm, bị cướp, cháy nhà cũng gọi 113. Thậm chí vợ chồng cãi nhau to tiếng, hàng xóm bất hòa cũng gọi 113. Cứ nơi nào có biến lập tức người ta nghĩ ngay đến việc gọi Cảnh sát 113.

Không chỉ có vậy, Cảnh sát 113 chính là những chiến sĩ công an phải đối mặt với hiểm nguy khi đến những nơi mà con người ở trạng thái hung hãn nhất, bị kích động mạnh nhất. Bằng mưu trí, dũng cảm, họ đã trấn an và ổn định lại tình hình trật tự xã hội. Hay như nếu như không có CSCĐ thì những kẻ đua xe lạng lách, gây nguy hiểm, hoang mang cho người đi đường. CSCĐ đêm đêm đi tuần tra, tệ nạn cướp giật, cờ bạc... trên các tuyến đường sẽ bị đẩy lùi. Công việc của người chiến sĩ CSCĐ mang lại sự thanh bình, trong sạch xã hội.

Mình đã tự nhủ bây giờ dựng vở về CSGT trước sau đó có cơ hội thì sẽ lần lượt dựng vở về Cảnh sát 113 và CSCĐ.

PV: Trông chị rất nữ tính, mong manh, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng đến với chủ đề về Công an người ta thường hình dung ra một sân khấu bề thế, chắc chắn, gay cấn, dữ dội và mãnh liệt. Liệu có đối nghịch quá không?

NSND Lan Hương: Biết vậy nên đầu tiên mình mời NSND Lê Hùng làm đạo diễn. Một vở kịch viết về nhân vật chính là chiến sĩ CAGT thì cần phải có sự nam tính, mạnh mẽ... Rồi mình cũng muốn bên cạnh cái bi còn có yếu tố hài, mà mình lại thiên nhiều về những điều lãng mạn, mềm mại. Chính thế nên cứ mời anh suốt từ hồi tháng 5, hy vọng vở diễn hoàn thành và sẽ đi diễn trong vòng mấy tháng hè. Nhưng anh Lê Hùng bận rộn kín lịch.

Chờ đợi mãi, chẳng thấy anh động tĩnh gì, sốt ruột không chịu được nên mình dàn dựng vở kịch này. Đợt này, mình đang rất gấp rút và đau đầu lắm, tối nào cũng chả ngủ được để nghĩ làm sao cho thật đúng. Đúng chứ chưa cần hay. Đúng là làm sao để khán giả nhìn cho ra cảnh đường phố, ra CSGT...

PV: Đây là một cuộc Liên hoan Sân khấu mang tính chuyên nghiệp toàn quốc, ngoài việc góp mặt để tham gia chương trình mang yếu tố giao lưu, học hỏi, chia sẻ, còn có sự cạnh tranh lành mạnh. Chị có kỳ vọng vào vở kịch này không?

NSND Lan Hương: Đã đi thi thì ai cũng mong muốn mình đoạt giải. Đấy là mong ước chính đáng. Hương cũng vậy, nhưng trên tất cả là Hương muốn thể hiện tiếng nói, cảm xúc của mình vào tác phẩm nghệ thuật để khán giả cùng thưởng thức, chia sẻ. Tiêu cực thì ở đâu cũng có, ngành nào cũng có, xã hội nào cũng có. Cứ 10 người thì ít nhất là có 1 người tiêu cực thế nhưng những chiến sĩ công an đã vượt qua, chống chọi lại được cám dỗ đấy như thế nào. Chiến sĩ công an là người đứng mũi chịu sào đem lại bình yên cho xã hội.

Đặc biệt, ta cứ thử hình dung trên đường phố sẽ ra sao nếu không có bóng dáng của người chiến sĩ CSGT.--PageBreak--

NSƯT Anh Tú: “Tôi nghĩ lần này cái duyên ấy lại tiếp tục”

NSƯT Anh Tú là người rất có duyên với hình tượng Người chiến sĩ CAND. Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ I, năm 2005 anh đã đoạt Huy chương Vàng với số điểm cao nhất khi thể hiện vai ông Phước, người chiến sĩ tình báo, kịch bản "Một mối tình", tác giả Sĩ Hanh, NSND Xuân Huyền đạo diễn.

Trong Liên hoan lần thứ II, năm nay, anh vừa là diễn viên chính trong vở kịch: "Tiếng chuông chùa" của tác giả Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, đạo diễn NSND Xuân Huyền. Vừa với tư cách đạo diễn vở "Một người tự xé xác hay cuộc chiến" tác giả Tôn Ái Nhân, cho Đoàn kịch nói Quảng Ninh.

PV: Điều gì làm cho anh hưng phấn đến thế khi tham gia Liên hoan Sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND?

NSƯT Anh Tú: Hằng ngày xem những phóng sự điều tra vây bắt tội phạm trên các phương tiện truyền thông mới thấy cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm rất cam go, quyết liệt đến nhường nào. Người chiến sĩ công an thức đêm hôm để săn lùng tội phạm, ăn vội bát mỳ tôm, xa gia đình, và bất cứ lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng lên đường... Sự sống và cái chết nhiều khi như làn ranh giới mong manh. Đối mặt với vất vả và hiểm nguy như vậy nhưng đồng lương ít ỏi, tiền bồi dưỡng chẳng đáng là bao.

Chiến tranh đã lùi hơn 30 năm, nhưng những người chiến sĩ công an vẫn miệt mài cho nhiệm vụ và lý tưởng của mình để mang lại sự thanh bình cho đất nước. Có khi là những chiến công thầm lặng, những chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh trên đường thi hành nhiệm vụ. Phẩm chất đó, tinh thần đó rất đáng được ngợi ca chứ.

PV: Và người nghệ sĩ rất dễ rung động với nét đẹp ở cuộc đời... Nhưng khi anh làm diễn viên hóa thân vào vai công an và làm đạo diễn dựng vở về hình tượng người chiến sĩ công an, thì cái khó là anh phải làm sao chia sẻ cảm xúc để cho khán giả tin yêu, đồng cảm với suy nghĩ của chính anh...

NSƯT Anh Tú: Có một điều rất hay, nghệ thuật sân khấu là nói về con người. Nói về con người thì luôn luôn mới, luôn luôn sống trong lòng khán giả. Khi tôi dựng vở về Người chiến sĩ Công an tôi khai thác ở khía cạnh con người. Nói về con người thì ai chả như ai. Ai chả có nhu cầu, khát vọng. Con người có những lúc khổ đau, có những lúc bon chen, cũng có những lúc có ý nghĩ bi quan tiêu cực.

Nhưng trên hết người ta thắng được những điều đó. Sự nhân ái chính là ở chỗ ấy và nó gần gũi ấm áp cũng là ở chỗ ấy. Khi hóa thân vào vai diễn, hay làm đạo diễn về Người chiến sĩ Công an tôi cũng luôn nghĩ như thế. Mình làm được điều đó thì khán giả tự khắc sẽ lay động...

PV: Gai góc, xù xì nhiều khi khô khan, cứng nhắc đó là những tính cách mà khá nhiều công chúng vẫn gán cho người chiến sĩ công an. Để thay đổi hay có một cái nhìn về hình tượng Người chiến sĩ Công an thì nghệ thuật cũng là một cách tiếp cận công chúng để phần nào thay đổi quan niệm đó...

NSƯT Anh Tú: Khô khan, cứng nhắc... nó chỉ là đặc tính của ngành nghề thôi. Nếu không có cái lạnh lùng của người bác sĩ khi cầm dao mổ, thì làm sao mà cầm được con dao mổ. Công an cũng phải quyết liệt, lạnh lùng, cương quyết, cứng rắn khi bắt tội phạm chứ. Gặp tội phạm mà thương xót, đa cảm thì sao mà bắt được tội phạm.

Ai cũng nói: "Tại sao bác sĩ lạnh lùng như không ấy", xong họ lại tự trả lời được ngay: "Thế mới cầm được con dao mổ cứu được người". Công an cũng vậy thôi, phải cương quyết, mạnh mẽ, quyết liệt mới bảo vệ được cuộc sống mang lại bình yên cho xã hội chứ, đúng không nào?!

PV: Trong vở kịch tới đây anh tham gia có nói về cuộc chiến đấu nội tâm dai dẳng về vấn đề nóng của xã hội, tham nhũng trong Lực lượng công an...

NSƯT Anh Tú: Đừng thần thánh quá về người chiến sĩ công an, nhưng cũng đừng nhìn họ ở màu xám tiêu cực. Tham nhũng ngành nào cũng có, xã hội nào cũng có. Có con người là có tham nhũng. Mà có con người là có lòng tham. Cứ xuất hiện cuộc sống con người  thì đầy đủ hết những tham, sân, si ở đời. Như vậy mới gọi là cuộc sống. Người chiến sĩ công an phải chiến đấu với nó. Đôi khi, cuộc sống bị đẩy vào những hoàn cảnh rất trớ trêu. Nếu như được giao nhiệm vụ điều tra vụ án mà người thân của mình có dính líu đến vụ án, thì người chiến sĩ, cán bộ đó sẽ khổ tâm, bị dằn vặt ghê gớm lắm chứ.

Cảnh trong vở diễn “Một người tự xé xác hay cuộc chiến” của đạo diễn Anh Tú do Đoàn kịch nói Quảng Ninh biểu diễn.

Mình ở bên ngoài ngành thì cứ nhìn đơn giản vậy thôi, nhưng đặt mình vào hoàn cảnh, tình huống éo le như vậy thấy khổ tâm lắm chứ. Có khi thức trắng nhiều đêm ròng để quyết định khởi tố hay không? Nhưng cao hơn hết họ vẫn là người đang lãnh trọng trách và thực thi pháp luật, được Đảng và Nhà nước giao phó. Vì vậy, phẩm chất đầu tiên của người công an là trung thực và anh dũng. Nghĩa là có phẩm chất của người anh hùng.

PV: Anh đã từng đạo diễn nhiều vở khá thành công, và tạo được tiếng vang. Lần này ra mắt vở về "Hình tượng Người chiến sĩ Công an" anh có hồi hộp, trông chờ điều gì không?

NSƯT Anh Tú: Đoàn Kịch Nhà hát Tuổi Trẻ I do tôi làm trưởng đoàn và bản thân tôi như bạn nói là rất có duyên với các vở diễn về hình tượng Người chiến sĩ Công an. Lần thứ I tôi đã đoạt giải Huy chương Vàng. Ai xem cũng khen hay, từ đó đến nay chúng tôi (Nhà hát Tuổi trẻ - PV) dựng rất nhiều vở về Lực lượng Công an và đi lưu diễn nhiều nơi, nhất là  các địa bàn phía Bắc, người xem rất thích. Và bán vé nhiều nhất lại là những vở về người chiến sĩ công an. Thế là có duyên với Công an đấy và tôi nghĩ lần này cái duyên ấy lại tiếp tục.

Về vở diễn tôi dựng cho Đoàn kịch Quảng Ninh xong được hơn tháng nay rồi, hiện Đoàn đang đi lưu diễn ở nhiều nơi như: Móng Cái, Quảng Ninh, Cẩm Phả... NSƯT Bằng Thái vào vai chính, người chiến sĩ công an trong vở kịch. Anh điện thoại cho tôi phấn khởi nói vở diễn đi đến đâu, cũng được khán giả trân trọng và xúc động. Các nghệ sĩ đất Quảng Ninh ai nấy đều mong thời gian trôi qua nhanh, kỳ Liên hoan tới thật gần để ra mắt khán giả thủ đô...

Trần Mỹ Hiền
.
.